CEO Sendo Trần Hải Linh: “Tiền không giúp startup thành công nên đừng xem đó là tất cả”

Với những kinh nghiệm đúc kết trong suốt 7 năm điều hành công ty Sendo, CEO Trần Hải Linh khuyên các bạn trẻ mới khởi nghiệp hãy tập trung tạo dựng sản phẩm có giá trị thực chứ đừng cố gắng dùng tiền để giữ chân khách hàng.

Startup phải tạo ra được sản phẩm thực, giá trị thực

Năm 2011-2012, anh Trần Hải Linh bắt đầu nhận thấy thị trường Việt Nam thiếu một sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, thương mại điện tử trên toàn thế giới có giao dịch, người mua người bán phải nhận được tiền thì giao dịch đó mới xảy ra. Nhưng ở Việt Nam thời điểm đó việc mua bán chỉ qua hình thức trao tay, người mua phải đến tận nơi mua và trả tiền trực tiếp. Do đó, anh Linh nhận ra rằng phải tạo ra một sàn thương mại điện tử ngay thời điểm đó để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân tại các tỉnh thành.

Tuy nhiên, đến năm 2012 khi team Sendo viết những dòng code đầu tiên thì khó khăn bắt đầu ập đến. Hàng loạt những sàn thương mại điện tử khác như Lazada, Lamido và vài năm sau là Adayroi… xuất hiện đã khiến team của anh Linh hoang mang, lo sợ không thể tiếp cận khách hàng.

Thời điểm đó vốn liếng không nhiều, lại thiếu kinh nghiệm nên chính anh Linh đã phải động viên anh em trong team cố gắng dù không biết bao nhiêu lần cả team phải ngủ qua đêm ở công ty. Theo vị CEO Sendo, 7 năm qua cũng có rất nhiều người bỏ ra ngoài làm riêng và thành công với những dự án lớn nhỏ. Tuy nhiên, Sendo cũng có không ít cộng sự sẵn sàng gắn bó từ những ngày công ty mới tạo dựng viên gạch đầu tiên. Đó là nguồn động viên chính giúp Sendo vượt qua những khó khăn và có chút thành công nhất định như ngày hôm nay,

Tuy nhiên, thành công theo anh Linh không phải là kiếm được nhiều tiền mà chính là tạo được sản phẩm mang lại giá trị thực cho người sử dụng. Nhớ đến câu chuyện cách đây vài năm khi đi khảo sát thị trường, vị CEO kể lại:

"Cách đây ít năm, khi đi khảo sát thị trường tại Vĩnh Phúc, tôi có gặp một cô gái làm việc trong nhà máy Honda. Cô gái đó nói rằng từ khi có nhà máy Honda, cuộc sống của các bạn trẻ tại đây rất tốt. Thu nhập trong vài năm tăng gấp đôi. Và điều vui nhất là những thứ mà các bạn khác mua được ở Hà Nội, Sài Gòn thì hiện tại các bạn ấy cũng mua được qua sàn thương mại điện tử.

Nghe được câu chuyện trên, tôi bắt đầu nhận ra rằng với một người kinh doanh sàn thương mai điện tử thì sản phẩm nhất định phải phù hợp với thực tế. Vào năm 2013, hầu như các bạn trẻ đều đã sở hữu một chiếc điện thoại để có thể lướt net. Thu nhập bình quân tại các tỉnh cũng tăng lên nhiều nên nhu cầu mua sắm cũng tăng cao. Vấn đề không phải họ không có tiền mà là không có kênh phân phối để mua.

Khảo sát từ nhu cầu thực tế, việc người dân mua sắm online thường sẽ nằm trong khoảng đơn hàng từ 100-500 ngàn đồng. Số tiền này vừa đủ để người ta có một cái quyết định nhanh chóng. Do đó, Sendo đã định hướng các dòng sản phẩm ở mức vừa phải chứ không phải kinh doanh cả chiếc Tivi mấy chục triệu thông qua sàn", anh Linh phân tích.

Cũng theo anh Linh, thành công của Sendo đến từ yếu tố thực tế, gần gũi và có sản phẩm vừa túi tiền của người dùng. Các sản phẩm của Sendo chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng… có giá từ vài trăm ngàn đồng, ai ai cũng có nhu cầu mua sắm thường xuyên và có thể đưa ra quyết định nhanh chóng.

Từ những kinh nghiệm trên, vị CEO Sendo khuyên các bạn trẻ mới khởi nghiệp phải hiểu rõ sản phẩm mình đang làm là gì? Phải nhắm đúng thị trường và đưa ra đúng thời điểm, tránh việc lan man, làm nhiều sản phẩm nhưng không mang lại giá trị thực.

"Tiền không phải là tất cả"

Theo anh Trần Hải Linh, với một startup thì tiền là một vấn đề lớn. Để khởi nghiệp, ai cũng cần có một khoản tích lũy có sẵn, đồng thời phải xác định số tiền trong ngân hàng sẽ giúp team đi được tối thiểu là 12-18 tháng.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa số tiền này thì người điều hành nhất định phải tạo ra được sản phẩm có giá trị thực. Theo anh Linh, việc tạo ra các chương trình khuyến mãi chỉ có sức hút thời gian đầu, về lâu dài sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, giải quyết được bài toán người dùng đang cần vào thời điểm đó.

"Với một sản phẩm tốt, hữu ích và có giá trị thực thì sẽ đem tiền về rất nhanh. Tuy nhiên, sản phẩm không có giá trị thực tế thì nếu chúng ta càng đốt tiền càng lỗ nặng, sản phẩm không tốt thì càng liều càng chết", CEO Sendo nhấn mạnh.

Theo anh Linh, khoản vốn lớn sẽ giúp startup thực hiện giấc mơ nhanh hơn nhưng nó không phải là tất cả. Với một người mới khởi nghiệp thì cái quan trọng nhất là nhắm đúng thị trường và tung sản phẩm ra đúng thời điểm xã hội cần nhất. Startup tuyệt đối không được xem tiền là thế mạnh vì nó không giải được bài toán đường dài.

"Nhiều người nghĩ các công ty lớn dùng tiền như đòn bẩy nhưng thực tế cái gốc không phải như vậy. Với những sản phẩm công nghệ tốt và hữu ích thì người ta vẫn dùng nó chứ không quan tâm đến việc công ty đó có tiền hay không. Tôi ví dụ như Microsolf, Facebook… từ khi mới ra đời chúng ta vẫn sử dụng dù cho họ có tiền hay không có tiền.

Với Sendo cũng vậy, vào thời điểm năm 2012-2013, các doanh nghiệp khác khuyến mãi rất nhiều. Sendo lúc đó là sàn, chúng tôi không tạo ra sản phẩm mà sản phẩm là của các doanh nghiệp. Do đó, việc cạnh tranh vô cùng khó khăn và không biết lấy gì để khuyến mãi. Tuy nhiên, cái cốt lõi là chúng tôi có sự khác biệt. Mặc dù không tạo ra sản phẩm nhưng Sendo nhắm đúng nhu cầu của khách hàng, chỉ bán những sản phẩm bình dân, với khung giá vừa đủ để ai cũng có thể mua", anh Linh lý giải.

Tuy nhiên, trong suốt 7 năm đi cùng Sendo, CEO Trần Hải Linh và các cộng sự cũng có không it lần lao đao vì phải cạnh tranh khốc liệt với thị trường. Sau những lần đó, anh Linh luôn cố gắng phân tích lý do và tìm ra điểm mạnh của Sendo để đi tiếp chứ không dùng tiền để giữ chân khách hàng. "Tiền quan trọng nhưng đừng coi tiền là yếu tố quyết định thành công", CEO Trần Hải Linh nhắn nhủ.

Khánh Hòa

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-sendo-tran-hai-linh-tien-khong-giup-startup-thanh-cong-nen-dung-xem-do-la-tat-ca-a105780.html