Sự chuyển giao giữa thế hệ F1 và F2 trong công ty gia đình luôn gặp không ít khó khăn do khác biệt thế hệ, xung đột quan điểm và sự phân vai giữa các thành viên trong gia đình. Công thức chung để thành công sẽ là gì?
Sở hữu công ty gia đình và đang thực hiện kế hoạch chuyển giao cho thế hệ kế cận, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn SeaCorp thừa nhận, sự khác biệt thế hệlà bài toán hầu như doanh nghiệp gia đình nào cũng phải giải quyết. Sẽ rất mệt mỏi cho thế hệ kế cận khi luôn mang trong mình áp lực phải vượt qua cái bóng lớn của cha ông và đạt được những thành tựu lớn trong sự nghiệp.
Chủ tịch của SeaCorp cho rằng, sáng nghiệp đã khó, bảo nghiệp còn khó hơn và chuyện đặt sản nghiệp lên vai thế hệ con cháu cũng rất mệt mỏi. Đó là gánh nặng. Chưa kể, đặt lên vai khi con cháu chưa dẵn sàng, sẽ dẫn đến những gãy đổ đáng tiếc.
Ông Lan đặt ra câu hỏi: "Tại sao những thế hệ thứ nhất chúng ta không làm gì đó để gíup thế hệ thứ hai bảo vệ được sản nghiệp, làm giảm bớt khó khăn cho họ? Đó là điều mà tôi trăn trở rất nhiều".
Để trả lời cho câu hỏi này, ông Lan cho rằng, thế hệ F1 cần quản trị doanh nghiệp với hai nền tảng.
Thứ nhất, F1 phải xây dựng được nền tảng pháp lý vững chắc, những quy trình, quy định giúp quản lý công ty rõ ràng minh bạch với các chức danh, vị trí cụ thể. Đồng thời, giành cơ hội cho tất cả mọi người bằng hệ thống pháp lý.
Thứ hai, cũng là điều rất quan trọng, là xây dựng văn hoá, chuỗi giá trị doanh nghiệp.
"Điều thứ hai này chúng tôi đã làm ba năm nay. Đó là chuẩn mực đạo đức mà tập thể chúng tôi từ chủ sở hữu tới toàn bộ anh em cán bộ công nhân viên công ty đang bảo vệ để duy trì được giá trị cho thế hệ F2".
Với ông Lan, hai giá trị đó sẽ giúp cho các thế hệ tiếp theo có thể bảo vệ rất tốt vì cùng chung giá trị đạo đức, chung niềm tin. "Dù là người trong hay người ngoài thì chúng ta có thể chia sẻ điều đó".
"Một cơ thể ba cái đầu, tay chân sao có thể làm việc được. Chỉ có hệ thống quản trị có phân cấp rõ ràng mới đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp bền vững. Không có gì trường tồn bằng dòng họ, dòng tộc. Gia tộc không phải 1, 3, 5 đời mà rất nhiều đời mà trường tồn cùng quốc gia, dân tộc. Chúng ta cần nhiều gia tộc hơn" – Tổng giám đốc SeaCorp chia sẻ.
Bàn về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dẫn đầu cũng chia sẻ những kinh nghiệm khi tư vấn về các hệ thống quản trị hiện nay ở các doanh nghiệp gia đình Việt Nam.
"Tôi thấy là doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển đều hiểu phải xây dựng hệ thống quản trị thời gian ổn định, có định hướng phát triển. Có những doanh nghiệp gia đình lớn gặp khó khăn vì cuộc sống đâu phải mình lấy thước vẽ cái gì là phải ra cái đó" – bà Hạnh nói.
Lấy ví dụ cho việc này, bà Hạnh kể, có gia đình nọ, người con trai duy nhất sau khi du học trở về Việt nam không muốn tiếp nhận cơ nghiệp của cha. Người cha tới gặp bà Hạnh để nhờ nói phụ nhưng mọi thứ không hề đơn giản. Lại có trường hợp, vợ chồng ly tán, hay có gia đình thấy nặng nhọc quá, bán công ty mà đi.
"Có rất nhiều khó khăn giữa chừng, chứ không chỉ toàn màu hồng. Nhưng nguyên tắc chung để phát triển bền vững vẫn là thống nhất với nhau về giá trị cốt lõi, về hệ thống quản trị, quy tắc về quản trị, văn hóa, đạo đức kinh doanh bên cạnh pháp lý".
Một trong những vấn đề khó khăn khácđối với thế hệ F2 là khi chuyển giao thế hệ thì đối xử thế nào với các công thần, cộng sự thân thiết của F1. Nhiều doanh nghiệp gia đình, sau khi chuyển giao cho thế hệ F2 thì tuyển chọn ê-kíp toàn người mới. Thế hệ trẻ có nhiệt huyết, năng lượng nhưng thiếu kinh nghiệm, sự chín chắn của thế hệ trước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phong Lan cho rằng, đó là câu hỏi ông trăn trở rất nhiều bởi suốt quá trình khởi nghiệp, anh em bạn bè ông đang giữ những vị trí chủ chốt.
"Chúng ta không bao giờ đi một mình khi khởi nghiệp. Không bao giờ tự thân mà luôn đồng hành cùng anh em bạn bè không phải người thân của mình. Là chủ doanh nghiệp, bản thân tôi phải có giải pháp để con trai không chê các chú bác hay ngược lại. Nếu con lên mà nó kêu ông bà này già quá nó đòi đuổi thì các chú bác nó lại chửi tôi. Vì thế, để giải quyết câu hỏi rằng 20, 30 năm nữa các con mình sẽ như thế nào thì tôi cần hành động ngay từ bây giờ".
Ông Lan chia sẻ, cách làm của mình là xây dựng hệ thống quản trị, đồng thời là giá trị cốt lõi, giá trị doanh nghiệp; trong đó nhấn mạnh sự tử tế, tử tế với nhân viên, khách hàng, đối tác…Điều này dạy cho người lãnh đạo công ty phải đối xử với nhân viên như thế nào, muốn đuổi không phải đuổi liền mà phải cho họ vài cơ hội rồi mới đuổi.
"Hy vọng con tôi áp dụng cũng vậy thì chú bác nó mới đồng ý".
Ngoài ra, để chuẩn bị thế hệ thứ 2, hàng năm chủ tịch SeaCorp còn tổ chức hội trại cho con em cán bộ nhân viên công ty.
"Con em tôi và các cộng sự cùng tham gia như mọi người để giới thiệu về những gì cha chú, cha mẹ, về công ty, cho chúng được ở gần nhau hơn trong giai đoạn 1-2 tuần. Dần dần hàng năm cứ như vậy. Đó là cách chúng tôi tổ chức, chuẩn bị để thế hệ F2 kế thừa".
Trí Thức Trẻ