Không to tiếng, oán trách hay đổ lỗi, đây mới là cách hành xử của người khôn ngoan khi bị kẻ khác coi thường

Lữ Khôn thời nhà Minh từng có câu: “Nghèo không có gì phải hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn là nghèo mà vô chí.” Viên ngọc, phải mài dũa giữa cát sỏi mới tỏa sáng; con người, phải tự răn mình trước điều tiếng mới làm nên đại nghiệp.

Câu chuyện phú ông và người nghèo

Có vị phú ông nọ gặp một người nghèo, cho anh ta một ít tiền nhưng thái độ của người nghèo vẫn lạnh lùng dửng dưng. Phú ông thấy vậy giọng điệu xen chút bực tức hỏi: "Ta đây giàu có như vậy, sao anh không tôn trọng ta?".

Người nghèo đáp lại: "Ông giàu có thì có liên quan gì đến tôi? Tại sao tôi phải tôn trọng ông?"

Phú ông ngạc nhiên thử lòng lại anh ta: "Ta chia một nửa tài sản của mình cho anh, anh sẽ tôn trọng ta chứ?".

Người nghèo trả lời: "Ông chia một nửa tài sản cho tôi, vậy thì tôi và ông sẽ như nhau, tại sao tôi phải tôn trọng ông?"

Phú ông lại nói: "Vậy nếu ta đem toàn bộ tài sản cho anh thì sao?"

Người nghèo nói: "Vậy thì tôi lại càng không tôn trọng ông, vì lúc này tôi giàu có rồi, còn ông chỉ là kẻ nghèo đói".

Tuy chỉ là câu chuyện ngụ ngôn xa xưa, nhưng nó khiến người đọc hiểu rõ được rằng tiền bạc chẳng thể là thước đo cho giá trị của một con người. Đừng bao giờ lấy tiền bạc ra để khoe mẽ bản thân bởi nó chỉ khiến bạn trở thành kẻ ngạo mạn trong mắt người khác mà thôi.

Hàn Tín tỉnh ngộ nhờ câu nói của bà lão giặt vải

Hàn Tín, vị danh tướng của nhà Hán trước khi thành danh từng lang thang ở đầu đường xó chợ, ông vô cùng tuyệt vọng và thậm chí còn muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhàm chán. Một bà lão giặt vải ở bờ sông thấy vậy vô cùng thương xót ông, mỗi ngày đều để dư ra một bát cơm mang đến cho Hàn Tín, ông nhờ vào những bát cơm ấy để sống qua ngày.

Một ngày sau khi ăn no, lòng tự trọng của Hàn Tín nổi lên, ông hùng hổ nói với bà lão rằng sau này nhất định sẽ báo đáp ân đức của bà. Bà lão vừa nghe xong, giận dữ nói: "Ta vì thương hại mới mang cơm cho ngươi ăn. Đàn ông không tự nuôi nổi mình, mà lại nói đến báo đáp người khác ư!". Lời nói ấy tuy tuyệt tình biết nhường nào nhưng là một lời giáo huấn đánh thẳng vào tâm can của một nam tử hán như Hàn Tín! Ông cảm thấy nhục nhã, xấu hổ và quyết tâm phải làm nên chuyện lớn. Nhờ câu nói của bà lão mà Hàn Tín đã nỗ lực phấn đấu, kiên trì gian nan khổ luyện và sau đó trở thành Đại tướng quân nhà Hán với nhiều chiến công hiển hách.

 Không to tiếng, oán trách hay đổ lỗi, đây mới là cách hành xử của người khôn ngoan khi bị kẻ khác coi thường  - Ảnh 1.

Đôi khi, những lời mật ngọt chỉ khiến chúng ta càng mê muội và cứ mãi dậm chân tại chỗ. Nếu như bà lão không thẳng thừng nói những lời tổn thương Hàn Tín như vậy, thì liệu có hình thành nên một vị Tướng Quân đại tài hay không? Nếu người khác làm bạn chạnh lòng bởi những câu nói thô nhưng thật, hãy thầm cảm ơn và biến nó thành động lực để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Tô Đông Pha đối đáp ra sao khi được mời trà

Tô Đông Pha là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống. Ngày thường ông thích cải trang đi thăm thú khắp giang sơn để mở rộng tầm mắt và lấy cảm hứng cho các tác phẩm của mình. Một ngày nọ, ông đến một ngôi chùa ở Hàng Châu du ngoạn, lúc ấy cũng đã muộn lại thêm đang đói khát nên ông vào chùa xin nghỉ tạm.

Phương trượng trong chùa thấy ông ăn vận đơn giản liền nghĩ đây chỉ là vị khách tầm thường và tỏ ý không coi trọng. Vị phương trượng chỉ nói một câu không đầu không cuối: "Ngồi". Sau đó xoay người nói với tiểu hòa thượng: "Trà". Tiểu hòa thượng vì thái độ của sư phụ mà bưng lên một chén trà cũ đã nguội lên cho khách.

 Không to tiếng, oán trách hay đổ lỗi, đây mới là cách hành xử của người khôn ngoan khi bị kẻ khác coi thường  - Ảnh 2.

Sau khi hàn huyên một lúc, phương trượng nhận ra vị khách này quả thật không hề tầm thường, ăn nói lưu loát, tác phong toát lên khí chất phi phàm liền mời Đông Pha vào trong nhà đàm đạo. Sau khi vào phòng, phương trượng thay đổi cách nói: "Mời ngồi!". Lại bảo tiểu hòa thượng: "Kính trà!"

Sau một hồi trò chuyện, phương trượng biết được chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Tô Đông Pha, vội vàng mời ông vào phòng khách và luôn miệng nói: "Kính mời ngồi!". Rồi lại gọi tiểu hòa thượng: "Kính trà thơm!"

Sau một hồi nghỉ ngơi, Tô Đông Pha xin phép cáo lui ra về. Phương trượng vội nói : "Tô học sĩ hạ cố đến chơi, mời ngài đề lên mấy chữ làm lưu niệm". Tô Đông Pha suy nghĩ, mỉm cười và đề lên câu đối:

Vế trên là: "Tọa, thỉnh tọa, thỉnh thượng tọa". (Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi).

Vế dưới là: "Trà, kính trà, kính hương trà". (Trà, kính trà, kính trà thơm).

Vị phương trượng hiểu được hàm ý sâu xa ấy, mặt đỏ bừng cúi đầu, xấu hổ không nói nên lời.

 Không to tiếng, oán trách hay đổ lỗi, đây mới là cách hành xử của người khôn ngoan khi bị kẻ khác coi thường  - Ảnh 3.

Giá trị của một người không phải là thứ người khác có thể dùng vẻ bề ngoài mà đánh giá, cách đối nhân xử thế và vẻ đẹp của sự thông tuệ mới là thứ khiến người khác nể phục bạn. Bởi vậy, hãy cứ tự tin vào chính bản thân mình mà coi những thái độ coi thường kia là bàn đạp để tiến lên, rồi sẽ có ngày giá trị của bạn sẽ được công nhận một cách xứng đáng. Nhiều khi không phải là người khác đang coi thường bạn, mà đó đều là do sự tự ti sâu trong lòng bạn đang phản ánh để bạn nhận ra và thay đổi bản thân mình mà thôi.

Theo Biyu

Helino

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khong-to-tieng-oan-trach-hay-do-loi-day-moi-la-cach-hanh-xu-cua-nguoi-khon-ngoan-khi-bi-ke-khac-coi-thuong-a105810.html