Tập đoàn tư nhân chạy đua sở hữu 'mảnh ghép vàng' Petrolimex

Việc Petrolimex kéo dài tiến trình thoái vốn đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới nhảy vào cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của công ty bán lẻ xăng dầu số 1 tại Việt Nam.

Trong năm 2018, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã không thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước như kế hoạch. Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Petrolimex cho biết, kế hoạch thoái vốn có thể sẽ lùi sang giai đoạn 2019 - 2020.

Hiện kế hoạch thoái vốn tại Petrolimex từ 75,8% hiện nay xuống 51%, đang được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) xin chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Năm ngoái, Petrolimex đã xin dừng dự án nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong để chuyển sang đầu tư kho LNG và xây trung tâm điện lực với EVN. Tổng đầu tư cho dự án mới khoảng 700 triệu USD trong giai đoạn 2021 -2025 so với quy mô đầu tư dự án nhà máy lọc dầu 4,4 - 4,8 tỷ USD.

Điều này đã làm thay đổi nhu cầu vốn của Petrolimex và ảnh hưởng đến kế hoạch thoái vốn nhà nước tại đây. Hiện nay, cổ đông chiến lược nước ngoài của Petrolimex là Tập đoàn JX Nippon Oil & Enegry sở hữu 8% vốn và muốn tăng lên 20%.

Sản lượng xăng dầu trong nước được dự báo tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm tới. Do đó, các đợt thoái vốn nhà nước ở các công ty dẫn đầu thị trường luôn thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Petrolimex đang là nhà bán lẻ xăng dầu số 1 với 48% thị phần.

Năm ngoái, hàng loạt các tên tuổi lớn trong ngành dầu khí như Shell, Idemitsu (Nhật Bản), KPE (Kuwait)…đã thể hiện sự quan tâm khi nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 thị trường với 22% thị phần là PV Oil khi tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, ở trong nước, Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang là nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực này. Sở hữu hãng hàng không Vietjet Air, việc trở thành cổ đông chiến lược của một công ty năng lượng có ý nghĩa quan trọng giúp tập đoàn khép kín chuỗi giá trị trong ngành.

Vietjet Air đã chi gần 1.000 tỷ đồng để nắm giữ gần 5% cổ phần của PVOil từ cuối năm ngoái. Còn Petrolimex đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HDBank, nơi bà Thảo là Phó Chủ tịch thường trực.

Ngoài việc thực hiện sáp nhập PGBank (ngân hàng do Petrolimex sở hữu phần lớn cổ phần), thỏa thuận cho phép HDBank tiếp cận với thêm khoảng hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex.

Một hướng đi hứa hẹn nữa là kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng tiện ích bên trong các cây xăng của Petrolimex. Từ đó, HDBank và HDSaison, công ty cho vay tiêu dùng của ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân cho hàng triệu khách hàng.

Petrolimex có lợi thế lớn từ hệ thống 5.200 cửa hàng xăng dầu nằm tai các vị trí đẹp, mặt bằng rộng trải khắp 63 tỉnh, thành phố. Trong số này, có 2.500 cửa hàng trực thuộc Petrolimex, số còn lại là những cửa hàng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền hoặc đại lý.

Đây cũng là mô hình khá phổ biến trên thế giới. Tại một số quốc gia, lợi nhuận đến từ các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu ở cây xăng có thể chiếm tới 50% lợi nhuận của cây xăng.

Mặc dù vậy, Sovico cũng không phải là cái tên duy nhất cần Petrolimex để hoàn thiện hệ sinh thái của mình.

Năm ngoái, tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác toàn diện với Petrolimex để triển khai xây dựng hệ thống dịch vụ cho các phương tiện giao thông bao gồm: trạm sạc và cho thuê pin dành cho xe điện; các trạm kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô, xe máy điện.

Hai bên cũng phối hợp đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ, các cửa hàng tiện ích nhằm phục vụ các sản phẩm của VinFast và các phương tiện nói chung khác.

Ở lĩnh vực bán lẻ, Vingroup đang sở hữu và vận hành hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ được mở trong vài năm. Trong khi Petrolimex chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này và đã mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu.

Gần đây, Vingroup đã bước chân vào ngành hàng không, lĩnh vực mà nhiên liệu chiếm gần 50% chi phí hoạt động. Do đó, đầu tư vào một công ty cung cấp xăng dầu như Vietjet Air đầu tư vào PVOil sẽ giúp hãng hàng không tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong khi hoạt động thoái vốn chưa diễn ra, từ đầu năm đến nay, Petrolimex đã liên tục bán 32 triệu cổ phiếu quỹ thu về khoảng 2.000 tỷ đồng. Giá bán cổ phiếu quỹ của công ty cao hơn rất nhiều so với giá vốn ghi nhận, giúp Petrolimex ghi nhận thặng dư vốn cổ phần lớn sau các giao dịch này.

Mục đích của đợt chào bán cổ phiếu quỹ, theo công bố của Petrolimex, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất doanh nghiệp. Công ty có thể bán tiếp số cổ phiếu quỹ còn lại (khoảng 103 triệu cổ phiếu) nhằm củng cố năng lực tài chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Petrolimex giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 91 nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 10% và đạt 2.545 tỷ đồng.

The LEADER

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tap-doan-tu-nhan-chay-dua-so-huu-manh-ghep-vang-petrolimex-a105911.html