Nếu bây giờ bạn không hạnh phúc hoặc không hài lòng, hãy tự hỏi: Do bạn lười biếng? Bạn trì hoãn? Bạn dành quá nhiều thời gian vào các cuộc vui vô bổ và hiệu quả công việc của bạn không cao?
Tại sao bạn không thể kiếm được nhiều tiền?
Khi hỏi nhiều người về vấn đề này, đa số họ cho rằng do họ quá lười biếng. Có nhiều lý do tại sao một người không thể kiếm được nhiều tiền. Đôi khi không phải vì họ không làm việc chăm chỉ, thậm chí, họ làm đến mức gần như kiệt sức nhưng may mắn không mỉm cười với họ. Do đó, không thể nói rằng một người không thể kiếm được tiền chỉ vì anh ta lười biếng. Tuy nhiên, sự nghiệp của nhiều người không được cải thiện, cuộc sống không được như ý và họ coi như đó là điều hiển nhiên và thôi cố gắng. Đó thực sự là do một từ "lười biếng".
Về điểm này, ắt hẳn rằng không ai có thể phủ nhận. Rốt cuộc, những người không thể kiếm nhiều tiền, những người không vui khi nhìn người khác ngày một giàu lên còn mình thì giậm chân tại chỗ, ít nhiều trong lòng họ vẫn biết vấn đề của bản thân họ nằm ở đâu.
Trong một chương trình nổi tiếng của Trung Quốc có tên tiếng anh là "U can U Bibi" mùa thứ ba đã đưa ra câu hỏi rằng: Lười biếng có phải là ánh sáng của nhân loại không? Lười biếng là gì?
Hoàng Chấp Trung đã đưa ra một định nghĩa: Lười biếng, đó là việc cần làm nhưng không làm.
Như thế nào là việc cần làm nhưng không làm? Ông đã lấy một ví dụ rất thực tế: Giáo viên yêu cầu học sinh nộp bài báo cáo 6.000 từ vào tuần tới. Lịch trình bình thường là như thế này: Mỗi ngày nên viết khoảng 1000 từ, bạn có thể kiểm tra lại vào cuối tuần và nộp cho thầy vào tuần tới, quá đẹp rồi còn gì. Nhưng thực tế là nhiều người sẽ nghĩ từ từ làm, hôm nay vừa cầm bút lên thì lại nghĩ còn những mấy ngày nữa, mà những cuộc hẹn thì không thể hoãn được, thôi để mai đi, cứ vậy mà hẹn đến cuối tuần. Làm sao bây giờ? Đành thức trắng đêm để viết vội bài báo cáo 6000 chữ và nộp ngay trong đêm luôn. Kết quả, bài viết cũng xong đấy nhưng chất lượng quá kém, sai chính tả, qua loa và lan man vì chẳng có thời gian để đọc lại.
Lẽ ra bài viết sẽ đạt chất lượng cao nếu người viết lên kế hoạch và hoàn thành đúng hạn mà mình đã đặt ra, nhưng điều này đã bị trì hoãn cho đến giây phút cuối cùng, khi không còn thời gian hẹn nữa mới thực hiện. Đây là sự lười biếng.
Nhiều người luôn bối rối và không biết bản thân mình cần phải làm gì. Đây không phải là trường hợp hiếm có. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều biết rằng cần phải làm gì để bản thân tốt hơn, biết cách thoát khỏi sự nhầm lẫn. Mỗi dịp đầu năm, chúng ta thường liệt kê rất nhiều mục tiêu và lên kế hoạch rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, khi bàn về thành tựu đã đạt được trong năm cũ thì chả được bao nhiêu. Thủ phạm không ai khác đó là hai chữ: lười biếng.
Bạn có thể có kinh nghiệm,nhưng lại không có thời gian để làm kinh doanh, làm việc, còn làm những việc khác như ăn, uống với bạn bè và đi chơi thì dường như có nhiều thời gian. Điều này thật lười biếng và vì điều này, chúng ta không thể trở nên tốt hơn và càng không thể có một tương lai tươi sáng.
Có khó để lương tháng đạt 30 triệu đồng không? Đối với nhiều người, điều này rất khó khăn. Tôi biết một anh trai 27 tuổi có mức lương hàng tháng là 60 triệu đồng. Điều đáng nói là thu nhập này không phải ở các thành phố lớn mà là ở các thành phố vừa và nhỏ. Theo lời anh ta: Miễn là mọi người không lười biếng, họ sẽ không trở nên tệ hơn mà là tốt hơn. Nếu bây giờ bạn không hạnh phúc và bạn không hài lòng, hãy tự hỏi: Có phải vì bạn lười biếng, bạn có điều gì đó mà bản thân chưa làm, dành quá nhiều thời gian vào các cuộc vui vô bổ và hiệu quả công việc của bạn có cao không?
Hãy suy nghĩ cẩn thận.
Khi ai đó chĩa súng vào đầu bạn và bắt bạn làm điều gì đó, bạn sẽ chấp thuận vì có thể bạn sẽ có nhiều lợi nhuận nhưng quan trọng hơn cả, đó là vì bạn muốn sống.
Khi ai đó nói với bạn rằng bạn có thể nhận được một trăm triệu nếu bạn đọc mười cuốn sách mỗi tuần. Không cần phải nghi ngờ, bạn chắc chắn sẽ đọc chúng vì bạn muốn nhận được tiền. Khi crush nhờ bạn mua hộ cho cô ấy chai nước, bạn sẽ không ngại đường dài 10 cây số mà nhận lời ngay, vì bạn thích cô ấy, nên bạn sẵn sàng đi...
Do đó, không có người hoàn toàn lười biếng trên thế giới và thường có 2 lý do khiến chúng ta lười biếng, có sự chậm trễ nghiêm trọng.
Thứ nhất, động lực bên trong bạn chưa đủ để thực hiện điều bạn mong muốn
Tôi chỉ đọc 10 cuốn sách trong một tuần thôi đã có trăm triệu đồng, hà cớ gì bỏ qua. Tôi giúp crush mua nước là niềm vui của tôi. Tại sao chúng ta không lười biếng trong những điều này, là bởi vì có một động lực mạnh mẽ bên trong thúc đẩy chúng ta làm điều đó. Vào các ngày trong tuần, lẽ ra chúng ta nên đọc sách nhưng chúng ta lại "đánh bài chuồn". Chúng ta nên học nhưng lại học qua loa, học cho có hay trốn học. Đáng lẽ ra phải tập thể dục, nhưng lại lười biếng. Điều này thường là do bạn không đủ động lực để làm một điều gì đó.
Thứ hai, hạn chế về nhận thức dẫn đến sự không kỷ luật và chậm trễ
Khi bạn không có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, bạn không yêu quý sức khỏe, khi bạn không nhận ra rằng mình sẽ chết bất kì lúc nào, bạn sẽ không ngủ sớm. Khi bạn không nhận ra rằng đọc sách là cách hiệu quả nhất để tự phát triển, bạn sẽ không chủ động đọc sách, khi bạn không nhận ra rằng mình có thể kiếm tiền bằng cách làm cho mình có giá trị, bạn sẽ không chủ động học hỏi và cải thiện bản thân… Tuy nhiên, một khi bạn nhận thức như vậy, việc thực thi sẽ được tăng cường và sự hiểu biết càng sâu thì việc thực thi càng mạnh. Chúng ta lười biếng trong hành động, lười biếng chịu đựng khổ đau và mong muốn tìm kiếm thành công. Bản chất của vấn đề là do chúng ta có mức độ nhận thức thấp và đây thường là thiếu sót chết người nhất.
Sự lười biếng khiến chúng ta tệ hại hơn và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên buồn tẻ. Làm thế nào để mỗi người có được tính siêng năng và chăm chỉ? Nói cách khác, làm thế nào để vượt qua sự lười biếng?
Thứ nhất, cải thiện trình độ nhận thức
Bạn hãy lắng nghe nhiều hơn, xem xét kĩ hơn, đọc và suy nghĩ nhiều hơn. Chúng ta lười biếng, hay trốn việc, không biết cách kiên trì... thường là do mức độ nhận thức thấp. Hãy lắng nghe ý kiến của người khác và chấp nhận sự khác biệt các ý kiến, nhìn thế giới theo nhiều khía cạnh khác nhau, đọc nhiều sách hơn, suy nghĩ nhiều hơn, làm cho mình khôn ngoan, sáng suốt bằng cách học hỏi. Đây là một quá trình đòi hỏi tích lũy lâu dài nhưng nó là việc đáng làm.
Thứ hai, nghĩ ra được cách cải thiện năng lực thúc đẩy bản thân
Như đã nói, những việc đáng lẽ đã thực hiện lại không được thực hiện thường là do bạn không có động lực và không có mong muốn làm điều đó. Vậy làm thế nào để bạn có ham muốn và có động lực làm việc?
Giải quyết vấn đề này về cơ bản xem như bạn đã giải quyết vấn đề lười biếng của chính mình.
Gần đây, tôi thức dậy lúc 6 giờ mỗi sáng, và sau đó đi ăn sáng với bạn bè và tôi không dám lười biếng. Chúng tôi có một cuộc hẹn cho nhóm ba người vào buổi sáng chủ nhật để ăn sáng, sau đó giao tiếp với nhau bằng Tiếng Anh. Nếu không có lý do đặc biệt nào, thì bất kì ai vắng mặt một lần, họ sẽ bị phạt tiền, số tiền chỉ vài chục ngàn đồng. Sử dụng tiền phạt có thể giúp cải thiện động lực bên trong bạn, đây là một trong những cách giúp chúng ta vượt qua sự lười biếng vì "đồng tiền đi liền khúc ruột". Đây thực sự là một loại suy nghĩ có thể được áp dụng nhưng với mức độ vừa phải và hợp lý.
Ví dụ: nếu bạn dự định đọc một cuốn sách, nhưng bạn quá lười, bạn có thể thỏa thuận với một người bạn. Nếu bạn không đọc xong trong tuần này, bạn sẽ bị phạt 50.000 đồng. Nói một cách thẳng thắn, đó là giám sát bản thân bằng các phương pháp khác nhau và tự thúc giục mình làm những việc lẽ ra nên làm.
Con đường đã định, mọi thứ đã xong, miễn là bạn không lười biếng, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ không tệ với bạn.