Chuyện 'nghĩ lớn' ở Viettel và Bkav: Chất khiêm tốn ẩn sau tiếng Nổ

Nghĩ lớn để thấy mình còn nhỏ bé, khiêm tốn, để không ngừng phấn đấu và bứt phá. Đó là cách Viettel tự giúp mình thoát xác 'ký sinh trùng' thành một người khổng lồ. Nhưng đôi khi nó cũng khiến doanh nghiệp phải đối diện với những cơn gió ngược như với anh 'Quảng nổ' ở Bkav.

Nghĩ lớn để thấy mình còn nhỏ bé, khiêm tốn, để không ngừng phấn đấu và bứt phá. Đó là cách Viettel tự giúp mình thoát xác 'ký sinh trùng' thành một người khổng lồ. Nhưng đôi khi nó cũng khiến doanh nghiệp phải đối diện với những cơn gió ngược như với anh 'Quảng nổ' ở Bkav.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Phạm Kông Trường, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp của ActionCOACH Doanh chủ, đơn vị thuộc thương hiệu huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu thế giới ActionCOACH đánh giá việc nghĩ lớn cũng giống như việc vươn đến sự xuất sắc, không thỏa mãn hay hài lòng với sự trung bình, sự bình thường hay thậm chí là mức khá.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các chủ doanh nghiệp nhiều khi đã mệt mỏi và cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có dù rằng doanh nghiệp của họ vẫn đang ở một mức độ khá khiêm tốn, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy giảm, thua lỗ hoặc phá sản.

Việc nghĩ lớn sẽ dẫn doanh nghiệp đến việc phải trở nên lớn hơn, thậm chí gánh vác một sứ mệnh nào đó cao cả.

“Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải thật sự xuất sắc”, anh Trường nhấn mạnh.

Theo anh, việc nghĩ lớn sẽ tạo ra những mục tiêu lớn.

Thay vì thỏa mãn những gì đang có, doanh nghiệp sẽ luôn cảm thấy không hài lòng và thấy còn nhiều khiếm khuyết để liên tục cải tiến và tìm cách đi lên.

Sự hoàn thiện liên tục những lỗ hổng trong quá trình phát triển sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp và trở nên cạnh tranh hơn, làm hài lòng khách hàng hơn. Chính vì vậy, các công ty nghĩ lớn sẽ có cơ hội nhiều hơn để trở thành những công ty lớn và thành công.

Việc nghĩ lớn còn tạo ra động lực thật sự khi doanh nghiệp tập trung, huy động mọi nguồn lực một cách tối đa giúp doanh nghiệp liên tục tiến lên.

Bên cạnh đó, nghĩ lớn sẽ giúp mang đến những người tài bởi một tổ chức trung bình sẽ không thể tìm được nhân tài trong nội bộ hoặc chiêu mộ được người tài về vì họ thiếu đất dụng võ.

Rất nhiều doanh nghiệp sớm thỏa mãn với những gì đang có khi họ hài lòng và dừng lại.

Trong khi đó, những doanh nghiệp nghĩ lớn luôn nhìn thấy những đỉnh núi tiếp theo mà họ phải chinh phục. Từ đó họ luôn nhận thức về sự nhỏ bé, khiếm khuyết của doanh nghiệp mình và cần phải tiến lên nhiều hơn nữa do mục tiêu còn ở rất xa.

Cũng vì vậy, các công ty nghĩ lớn thường khiêm tốn hơn và không kiêu ngạo.

Viettel hiện đã phát triển mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra nhiều quốc gia khác.

"Tôi đã nhìn thấy điều này khi VNPT còn 'một mình một chợ', khi họ đã sớm thỏa mãn và chỉ dừng lại ở một mạng viễn thông phục vụ nhà giàu. Họ cũng không có động lực vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và kết quả là bị Viettel hạ đo ván nhanh chóng”.

Từng bị mang tiếng sống ký sinh trên hạ tầng của VNPT, Viettel đã nổi lên, phát triển mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra nhiều quốc gia khác.

Đoàn kết, sáng tạo cũng là những điều tốt đẹp mà việc nghĩ lớn mang lại khi doanh nghiệp có nhiều mục tiêu chung cần được chinh phục.

Thay vì thấy muôn vàn khó khăn, các doanh nghiệp nghĩ lớn luôn hiểu rằng sẽ có con đường để tiến lên phía trước, do đó họ sẽ tập trung suy nghĩ để sáng tạo ra những cách làm, giải pháp độc đáo, khác biệt để tìm mọi cách tiến lên.

“Một trong những cách làm ở Viettel là luôn 'đưa vào chỗ chết để tìm cửa sống', nghĩa là khi khó khăn, con người sẽ tìm mọi cách tìm ra giải pháp để thoát ra”, anh Trường phân tích.

Tuy vậy, nghĩ lớn không phải là điều dễ dàng bởi “càng lên cao thì gió càng lớn”, “càng có khát vọng lớn thì đối thủ càng nhiều, càng mạnh”.

Các công ty nghĩ lớn sẽ dần không còn khai thác những ngách nhỏ của thị trường mà dần chiếm lĩnh thị phần, khiến cuộc cạnh tranh trở nên hết sức khốc liệt.

Việc nghĩ lớn cũng sẽ khiến doanh nghiệp, người chủ doanh nghiệp vấp phải sự để ý và soi xét từ dư luận và có lẽ, không cá nhân nào thấm thía điều này như ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav.

Không ít người đã “ném đá” những phát ngôn mạnh mẽ của người đứng đầu Bkav, khiến ông Quảng rơi vào trầm cảm thời gian sau đó. Cũng bởi những phát ngôn ấy mà người đàn ông ấy được gán với biệt danh “Quảng nổ”.

Sự rẽ ngang của ông Quảng vào thị trường điện thoại thông minh tạo ra không ít nghi ngờ.

Trong buổi gặp gỡ với giới báo chí tại TP.HCM cuối tháng 8/2017, ông Quảng cho biết Bkav đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho Bphone.

Ông chia sẻ rằng, việc 8 năm chỉ bỏ tiền ra thực sự không phải vấn đề lớn nếu nghĩ mình vẫn làm đúng, có khát vọng và tập trung vào cái mình theo đuổi.

Nội bộ Bkav đã từng có tranh cãi gay gắt về vấn đề này nhưng mọi người sau đó xác định đây là khát vọng và sứ mệnh Bkav phải làm. Bởi với năng lực đang có, Bkav hoàn toàn có thể kiếm tiền như bình thường, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Bkav có thể làm hơn thế nữa hay không.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong tập đoàn lớn, huấn luyện cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu, ông Trường cho rằng, để nghĩ lớn, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm chính sau.

Thứ nhất, ban lãnh đạo phải khát khao, tài năng, gắn kết, phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể theo từng giai đoạn.

Thứ hai, doanh nghiệp phải huy động đủ nguồn lực, từ nhân sự, công nghệ tới tài chính. Việc tìm kiếm nhân tài phù hợp với từng giai đoạn phát triển cũng là yếu tố rất quan trọng.

Thứ ba, cần xây dựng được cơ chế chính sách tốt để phát huy tối đa sức mạnh nội bộ.

Thứ tư, cần ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành.

Kiều Mai

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-nghi-lon-o-viettel-va-bkav-chat-khiem-ton-an-sau-tieng-no-a106153.html