Hàng trăm thương hiệu 'bao vây' Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Vị trí đắc địa, cơ sở chất lượng tốt, giá trị quảng bá vị thế thương hiệu cao là những lý do khiến mặt bằng ở quanh Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) luôn trong tình trạng được săn đón.

Vị trí đắc địa, cơ sở chất lượng tốt, giá trị quảng bá vị thế thương hiệu cao là những lý do khiến mặt bằng ở quanh Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) luôn trong tình trạng được săn đón.

Nằm ở trung tâm quận 1 và là một trong những công trình tiêu biểu nhất của Sài Gòn, mặt bằng bán lẻ trên các tuyến đường xung quanh Nhà thờ Đức Bà được Savills đánh giá đạt điểm 8/10.

Các tuyến đường có mặt bằng kinh doanh cho thuê chủ yếu nằm ở đường Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Lê Duẩn (bán kính 600 m từ Nhà thờ), khu Bưu điện Thành phố, Đồng Khởi.

Các nhà phố tùy vào diện tích nhưng có mức giá tối thiểu khoảng 7.000 USD/căn. Tỷ lệ lấp đầy tại đây luôn ở mức gần như tuyệt đối.

Khác với khu ngã 6 Phù Đổng, mặt bằng ở đây còn có một nguồn cung lớn đến từ các trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng. Riêng với tòa nhà Metropolitan, giá thuê ở đây được tính theo m2, khoảng 150 USD - 180 USD/m2.

Khu vực này cũng tập trung nhiều nhóm khách du lịch, văn phòng và giới trẻ với số lượng lớn.

Mặt bằng trong khu vực này đều được đánh giá có chất lượng tốt, vị trí đẹp và lượng khách hàng tiếp cận cao. Tuy nhiên nguồn cung ở đây lại rất khan hiếm. Bên cạnh một vài thay đổi nhỏ ở Metropilitan, khu vực này hầu hết là thương hiệu đã có mặt khoảng từ 3 năm trước. Việc thay đổi khách thuê là do hết hợp đồng 3 năm mà khách cũ không tái ký.

Một phần do các vị trí này khá gần với các TTTM hiện hữu như Vincom, Diamond Plaza hay Saigon Center cũng như có nhiều khối building liền kề như mPlaza, Deutches Haus, Metropolitan… giúp các thương hiệu có nhiều lựa chọn hơn và có sự cân nhắc hợp lý khi giá thuê không còn đáp ứng nhu cầu lợi nhuận của doanh nghiệp.

Không bỏ lỡ vị trí đắc địa này, nhiều thương hiệu cũng tận dụng cơ hội để tiếp cận đến nhóm khách hàng tiềm năng của mình thông qua các biển quảng cáo kích thước lớn.

Anh Mai Triều Nguyên, người từng thuê một mặt bằng ở đây, chia sẻ: "Rất khó để thuê được một mặt bằng ở khu vực này. Ngoài ra, hợp đồng cho thuê ở đây cũng không dài, thường dài nhất chỉ 3 năm. Khi hết hợp đồng, chưa chắc mình được tái ký, các thương hiệu khác hoàn toàn có thể thay thế". Anh Nguyên cũng đánh giá những vị trí đắc địa như vậy thường có giá trị cao về mặt quảng bá thương hiệu nhưng lợi nhuận kinh doanh lại khó đủ để chi trả cho mặt bằng.

Ngay tại vị trí cũ của Coffee Bean and Tea Leaf ở tòa nhà Metropolitan, Mellower Coffee - một chuỗi cà phê lớn của Trung Quốc nhưng còn khá mới mẻ ở thị trường Việt cũng đã nhanh chóng thế chân. Đầu tháng 4 vừa qua, Coffee Bean and Tea Leaf Đồng Khởi đã âm thầm đóng cửa không lời từ biệt trong bối cảnh kinh doanh của chuỗi này không mấy sáng sủa.

McDonald's Bưu Điện nằm trên đường Công xã Paris, cạnh Bưu điện TP.HCM là nhà hàng thứ 8 của thương hiệu này ở thị trường Việt Nam. Mặt bằng này có tổng diện tích 650 m2 (480 m2 tầng trệt và 170 m2 tầng lầu) với sức chứa khoảng 250 người.

Do đặc thù riêng về đối tượng khách hàng đến đây, các thương hiệu có mặt trong khu vực đa số nằm ở phân khúc cao cấp. Không khó để thấy sự hiện diện của những tên tuổi thời trang xa xỉ.

Khác với khu phố thời trang Nguyễn Trãi hay café trà sữa ở vòng xoay Phù Đổng, khu vực Nhà thờ Đức Bà mang thiên hướng phong cách sống hơn và phục vụ đối tượng văn phòng, khách du lịch. Các ngành hàng ở đây bao gồm nhà hàng, café, ngân hàng và showroom.

Vị trí khu Nhà thờ Đức Bà và các trục đường xung quanh.

Quỳnh Trang - Hà Bùi
Đồ họa: Lê Nhân

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hang-tram-thuong-hieu-bao-vay-nha-tho-duc-ba-sai-gon-a106839.html