Hoa hậu Mai Phương Thúy chi 10 tỷ để mua trái phiếu không chuyển đổi của một DN, sau 2 năm sẽ thu về 2,53 tỷ tiền lãi. Tuần qua cũng chứng kiến hàng loạt biến động về tiền của các đại gia Hồ Xuân Năng, Bầu Đức, Nguyễn Bá Dương,...
Vua tôm mất 4 nghìn tỷ
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng đại gia thủy sản miền Tây Chu Thị Bình - Lê Văn Quang vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với lãi ròng trong kỳ giảm đến 65% so cùng kỳ.
Lợi nhuận lũy kế trong 6 tháng đầu năm cũng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn chưa tới 160 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 13% kế hoạch MPC đề ra cho cả năm 2019.
Chỉ trong vòng 4 tháng qua, MPC đã giảm từ khoảng 46.000 đồng/cp về mức 30.300 đồng/cp như hiện tại, tương đương 34%. Vốn hóa MPC bốc hơn hơn 4 ngàn tỷ đồng.
Cổ phiếu MPC gần đây giảm giá còn do thông tin doanh nghiệp này sẽ bán cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng chưa tới 1/3 so với thị trường. Vấn đề còn nằm ở chỗ, các NĐT chưa biết công ty dự định bán ưu đãi bao nhiêu cổ phiếu quỹ và danh sách cán bộ nhân viên được mua.
Đại gia gốc Nam Định chốt lời
Ông Hồ Xuân Năng được biết đến là một người kinh doanh nhạy bén và có bộ óc của người Do Thái sau cú thâu tóm kinh điển diễn ra cách đây 4 năm.
Ông Năng là cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT và bước chân sang kinh doanh vào thời điểm chuyển giao sang thiên niên kỷ mới, với vị trí là thư ký chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex trước khi trở thành giám đốc một công ty con nhỏ bé của TCT này.
Tuy nhiên, chỉ hơn thập kỷ sau, từ những vị trí rất thấp, ông Năng đã trở thành ông chủ Vicostone, một công ty con của Vinaconex. Ông Hồ Xuân Năng, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone, chính là người sau đó đã thâu tóm tới 99% cổ phần công ty đi thâu tóm và trở thành ông chủ của Phenikaa.
Vicostone vừa công bố kết quả quý 2 và hai quý đầu năm ấn tượng, với doanh thu 6 tháng tăng 17% lên trên 2,5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thế tăng gần 30% lên 670 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt gần 4.000 đồng.
Nguyễn Bá Dương lung lay ngôi số 1
Thời gian gần đây, doanh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương gặp rất nhiều khó khăn. Lợi nhuận trong quý 2/2019 của Coteccons tụt giảm hơn 70% so với cùng kỳ xuống chỉ còn hơn 120 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm mạnh 30%.
Cùng với sự thoái vốn của quỹ đầu tư ngoại, Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu tình trạng này kéo dài, vị trí số 1 của CTD sẽ khó có thể giữ vững.
Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương (1959) lập ra và liên tục phát triển mạnh, doanh thu từ 4,5 ngàn tỷ đồng năm 2012 lên mức 27 ngàn tỷ đồng vào 2017. Lợi nhuận tăng mạnh từ mức 300 tỷ đồng lên 2,1 ngàn tỷ đồng.
Ông Dương tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội năm 1977 và tốt nghiệp đại học xây dựng Kiev (Ukaine) chuyên ngành kiến trúc vào năm 1984.
Nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung đón tin vui
Thông tin giá vàng tăng mạnh đã có tác động tích cực tới doanh nghiệp của bà Dung. Giá vàng tăng sẽ giúp khối hàng hóa tồn kho của PNJ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh do chi phí mua vào thấp. Lợi nhuận sẽ còn tăng vọt nếu giá vàng quay đầu giảm mạnh.
Cổ phiếu PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng vọt trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng giá dữ dội trong thời gian gần đây và đang ở quanh ngưỡng cao nhất trong vòng 6 năm qua. PNJ của bà Dung hưởng lợi nhờ lượng hàng tồn kho ở mức rất lớn sau khi doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trang sức này liên tục mở rộng chuỗi các cửa hàng bán lẻ của mình.
Trong năm 2019, PNJ đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 25% lên trên 18,2 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 23% lên gần 1.182 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) năm 2019, PNJ có thể đã kiếm kiếm được cả ngàn tỷ đồng mỗi ngày. Trong năm 2018, đại diện PNJ cho biết, trong một ngày vía Thần tài, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu trên cả hệ thống đạt 750 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.
Bầu Đức mất quyền kiểm soát tại 'con át chủ bài'
Theo danh sách cổ đông lớn sau đợt chuyển đổi trái phiếu mà HAGL Agrico công bố thì Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn nắm 42,83% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Hưng Thắng Lợi Gia Lai nắm 8,4% vốn điều lệ. Trong đó, Hưng Thắng Lợi Gia Lai là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (sở hữu 99% vốn).
Như vậy, tổng sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico là 49,2% và đồng nghĩa với việc HAGL Agrico không còn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai. Với dữ liệu này có thể Hoàng Anh Gia Lai đã mất quyền kiểm soát tại HAGL Agrico.
Phần lớn trái phiếu nói trên thuộc về Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) với số lượng 221.688 trái phiếu. Theo đó, sau chuyển đổi THACO nắm giữ gần 219,4 triệu cổ phiếu HNG và chiếm tỷ lệ 26,29% vốn điều lệ HAGL Agrico.
Huy động vốn từ Mai Phương Thúy, đại gia lãi cả nghìn tỷ
CTCP Kinh doanh F88 đã hoàn tất đợt phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Trong đó hoa hậu Mai Phương Thúy là một khách hàng đã chi 10 tỷ để mua trái phiếu của chuỗi này.
Trong bản chào bán trái phiếu F88 do CTCP Chứng khoán Bảo Việt làm đơn vị tư vấn, trái phiếu F88 có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào năm 2021, lãi suất năm đầu tiên 12,3%/năm, năm thứ hai 13%/năm. Lãi suất được thanh toán 6 tháng/lần. Như vậy với 10 tỷ đồng đầu tư, Mai Phương Thúy sau 2 năm sẽ thu về 2,53 tỷ đồng tiền lãi.
Mai Phương Thúy cho biết trong vòng 2 tháng qua cô đã cầm trong tay cả chục tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu và đáng chú ý là đã “bắt đáy” thành công. Ảnh chụp màn hình về các tin nhắn thông báo giao dịch thành công cũng được Mai Phương Thúy đính kèm, trong đó cô tiết lộ đã liên tục giải ngân vào cổ phiếu VCS của Vicostone và HPG của Hòa Phát.
Cách đây ít lâu, Mai Phương Thúy từng gây “sốc” khi cho biết đầu tư chứng khoán là nghề chính của cô mặc dù cô vẫn tham gia làm giám khảo tại một số cuộc thi hoa hậu cũng như thỉnh thoảng xuất hiện trong một vài sự kiện của giới giải trí.
Bảo Anh (Tổng hợp)
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mai-phuong-thuy-lam-giau-khong-kho-nhe-nhang-an-lai-25-ty-a106845.html