Ai đang vượt lên trong cuộc đua giữa Vietnam Airlines và Vietjet?

Sau 6 tháng đầu năm, Vietjet có lợi nhuận sau thuế nhiều hơn 50% so với Vietnam Airlines. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn đứng đầu về số lượt hành khách và lượng chuyến bay.

Sau 6 tháng đầu năm, Vietjet có lợi nhuận sau thuế nhiều hơn 50% so với Vietnam Airlines. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn đứng đầu về số lượt hành khách và lượng chuyến bay.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lãi ròng nhiều hơn con số của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Thị trường nội địa bão hòa, Vietnam Airlines và Vietjet đều chững lại

6 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng, bằng 53% so với doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (tính cả hai hãng Jetstar Pacific và VASCO) là 49.676 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ của Vietjet là 24% còn của Vietnam Airlines là 4%.

Trong đó, nguồn thu từ vận tải hàng không của Vietnam Airlines chiếm khoảng 80%, tương ứng hơn 40.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu này của Vietjet là 20.148 tỷ đồng, tương đương 77% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, Vietjet cũng ghi nhận hơn 6.000 tỷ đồng doanh thu từ chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê tàu bay.

Trong cơ cấu doanh thu vận tải hàng không của Vietjet, tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt doanh thu nội địa, đạt 54%. Đây là kết quả của chiến lược tập trung phát triển các đường bay quốc tế trong năm 2019 của hãng bay này.

Hai hãng có cùng tỷ suất lợi nhuận gộp là 13%. Trong khi đó, đạt doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác cao hơn, "anh cả" Vietnam Airlines phải hạch toán các khoản chi phí tài chính (1.544 tỷ đồng), chi phí bán hàng (2.784 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (1.287 tỷ đồng), nhiều hơn 2-7 lần so với Vietjet. Điều này khiến hãng hàng không quốc gia hụt hơi trong cuộc đua lợi nhuận so với đối thủ.

Lợi nhuận sau thuế của Vietjet trong nửa đầu 2019 đạt 2.084 tỷ đồng, cao gấp rưỡi 1.381 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Đặc biệt, trong khi Vietjet tăng trưởng lợi nhuận 4%, lãi ròng của Vietnam Airlines lại thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu chỉ tính riêng quý II, lợi nhuận ròng của Vietjet (621 tỷ đồng) cao hơn gần 4 lần Vietnam Airlines (169 tỷ đồng). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, cả Vietnam Airlines và Vietjet đều tăng trưởng âm trong quý vừa rồi. Với Vietnam Airlines, đây là mức lãi sau thuế theo quý thấp nhất trong 2 năm qua tính từ quý III/2017 và chỉ bằng 45% cùng kỳ năm trước. Còn mức lãi của Vietjet cũng thấp hơn 2% so với quý II/2018.

Đồ họa: Việt Đức.

Theo Vietnam Airlines, sức mua của thị trường hàng không đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thị trường nội địa đã xuất hiện dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, nửa đầu năm 2019, hãng còn đối mặt thách thức giá nhiên liệu tăng mạnh và biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD.

Bamboo Airwasy "ăn" thị phần của Vietnam Airlines nhiều hơn?

Bị Vietjet bỏ xa về lợi nhuận nhưng Vietnam Airlines đã lấy lại vị trí dẫn đầu thị trường về số lượng hành khách chuyên chở với 13,9 triệu lượt so với con số 13,5 triệu của đối thủ sau 6 tháng. Số chuyến bay của Vietnam Airlines cũng cao hơn Vietjet: 73.650 chuyến so với 68.821 chuyến.

Trước đó, Vietjet đã qua mặt Vietnam Airlines về số lượt hành khách chuyên chở trong năm 2018 (23 triệu so với 22 triệu) và quý I (5,8 triệu so với 5,4 triệu). Trong năm 2019, hãng hàng không giá rẻ của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đặt mục tiêu vận chuyển 27,7 triệu lượt hành khách, nhiều hơn 2,7 triệu lượt so với Vietnam Airlines.

Về thị phần nội địa, ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO chiếm tổng cộng 51% miếng bánh toàn thị trường. Thị phần trong nước của Vietnam Airlines tiếp tục sụt giảm so với kết quả 55,3% cuối năm 2018 và 52% tại thời điểm kết thúc quý I.

Trong khi đó, Vietjet cho biết thị phần nội địa của hãng sau 6 tháng đầu năm là 44%, thấp hơn con số 46% năm 2018. Như vậy, hãng hàng không của tập đoàn FLC, Bamboo Airways, có thể đã giành được 5% miếng bánh hàng không nội địa sau nửa năm cất cánh. Con số này cũng trùng với tính toán của một số hãng nghiên cứu. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tương đối do Vietnam Airlines và Vietjet không công bố công thức tính thị phần cụ thể.

Thị phần nội địa của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO tiếp tục giảm nhẹ trong quý II. Ảnh: HVN.

Dù vậy, trong hai doanh nghiệp thống trị bầu trời trong nước, có thể thấy Vietnam Airlines đang bị Bamboo Airways "cắn" miếng bánh thị phần nhiều hơn. Sau thời gian đầu vận hành, Bamboo Airways cũng đang đi theo con đường của hàng không truyền thống như Vietnam Airlines (FSC) thay vì hàng không giá rẻ (LCC).

Máy bay của Bamboo Airways có cấu hình ghế thương gia, phục vụ suất ăn miễn phí kèm vé, những điều không tồn tại trong mô hình kinh doanh hiện tại của Vietjet. Bamboo Airways không có các chương trình khuyến mãi vé 0 đồng và có giá vé thường xuyên tách khỏi phân khúc giá rẻ của Vietjet và Jetstar.

Với hai chỉ tiêu quan trọng còn lại, Vietnam Airlines vượt Vietjet về chỉ số đúng giờ trung bình OTP (90% so với 81,5%) nhưng thua đối thủ về hệ số sử dụng ghế (80,3% so với 88%).

Hiện đội bay của Vietnam Airlines, Jetstar và VASCO có tổng cộng 116 tàu bay, trong đó Airbus A320 và A321 chiếm 83 chiếc, hai dòng máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 Dreamliner có 25 chiếc. Trong khi đó, 67 tàu bay Vietjet đang biên chế đều là A320 và A321.

Việt Đức

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ai-dang-vuot-len-trong-cuoc-dua-giua-vietnam-airlines-va-vietjet-a106855.html