Những 'ông vua' tiền mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam

ính đến ngày 17/8, thị trường đã có hơn 1.600 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính bán niên 2019, trong đó nhiều doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng.

Những "ông vua" tiền mặt đang niêm yết trên sàn chứng khoán

Tính đến thời điểm 30/6, tổng giá trị tiền và tương đương tiền của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán ở mức 261.239 tỉ đồng, giảm hơn 4.100 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. So sánh với tổng giá trị tài sản ở mức trên 10 triệu tỉ đồng, lượng tiền mặt chiếm tỉ lệ trung bình khoảng 2%.

Thống kế cho thấy, có 47 doanh nghiệp có lượng tiền mặt trên 1.000 tỉ đồng; trong đó tốp 10 doanh nghiệp sở hữu tiền mặt "khủng nhất" chiếm giá trị gần 95.000 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 36,4%.

tienmat

Nguồn: ST tổng hợp

Tiếp tục dẫn đầu danh sách, Vingroup (Mã: VIC) hiện đang sở hữu lượng tiền mặt 23.549 tỉ đồng, tăng 1,74 lần so với thời điểm đầu năm và bỏ khá xa các doanh nghiệp phía sau.

Trong khi đó, một một "ông lớn" khác trong nhóm Vingroup là Vinhomes (VHM) giữ vị trí quán quân về tăng trưởng tiền mặt. Theo đó, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp này tăng gấp 4 lần từ 3.515 tỉ đồng lên 14.036 tỉ đồng, đồng thời đứng thứ hai về giá trị tiền mặt.

Về xu hướng chung, hầu hết các doanh nghiệp trong top 10 đều ghi nhận sự tăng trưởng về tiền mặt trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, nhờ tăng trưởng tiền mặt đột biến, Vietnam Airlines (Mã: HVN) và Hoà Phát (Mã: HPG) là hai gương mặt mới xuất hiện trong top 10, cùng với Vinhomes.

Cụ thể, giá trị tiền mặt của Vietnam Airlines tăng 2,24 lần lên mức 8.055 tỉ đồng; Hoà Phát cũng tăng 2,34% lên 5.900 tỉ đồng.

Trong khi đó, trái với xu hướng chung, giá trị tiền mặt của Novaland (NVL) giảm tới 41% xuống còn 7.326 tỉ đồng; Petrolimex (PLX) cũng giảm 5% xuống 9.666 tỉ đồng.

Ngoài ra, ba cái tên bị bị đẩy khỏi top 10 gồm có Vietjet Air (VJC) với 5.265 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) 4.727 tỉ đồng và Masan (MSN) 4.814 tỉ đồng.

Top 10 tiền mặt và tiền gửi có sự thay đổi đáng kể

Trên thực tế, khi sơ hữu lượng tiền dồi dào trong khi chưa có nhu cầu vốn phát sinh, nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn phương án gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu để tận dụng nguồn tiền nhàn rồi. 

Do đó, cần xét thêm các khoản mục tiền như tiền gửi tại ngân hàng hay đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn để đánh giá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

Thống kê dựa trên tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, danh sách top 10 doanh nghiệp dẫn đầu có sự thay đổi đáng kể.

tienmat2

Nguồn: ST tổng hợp

Theo danh sách này, hai doanh nghiệp thuộc "họ Vingroup" bị tụt xuống vị trí thứ ba và thứ 5, với tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi của Vingroup là 25.614 tỉ đồng và Vinhomes là 14.712 tỉ đồng.

Trong khi đó, vị trí quán quân thuộc về PV Gas (GAS) với tổng giá trị 31.394 tỉ đồng. Theo sau là Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đứng thứ hai là với 29.494 tỉ đồng; vị trí tiếp theo thuộc về Petrolimex với 15.355 tỉ đồng.

Ở nửa dưới bảng xếp hạng, VEAM (12.398 tỉ đồng) vượt qua Tập đoàn CN Cao su Việt Nam (11.520 tỉ đồng) và Vinamilk (10.540 tỉ đồng) vươn lên đứng ở vị trí thứ 7. Còn lại, Sabeco sở hữu giá trị 13.372 tỉ đồng; PTSC (PVS) đứng cuối cùng với 10.455 tỉ đồng

Lãi tiền gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỉ đồng

Nhờ sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi khủng, những "đại gia" tiền mặt đều thu về vài trăm đến hàng nghìn tỉ đồng lãi tiền gửi mỗi năm.

tienmat3

Nguồn: ST tổng hợp

Trong danh sách top 10 doanh nghiệp dẫn đầu về lãi thu được từ tiền gửi, hai doanh nghiệp "họ Vingroup" tiếp tục giữ hai vị trí cao nhất, đồng thời cũng là hai gương mặt có lãi tiền gửi vượt mức 1.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Đáng chú ý, với giá trị 1.366 tỉ đồng, lãi tiền gửi của Vingroup đóng góp tới 20% vào cơ cấu lợi nhuận trước thuế . Đối với Vinhome, tỉ lệ này ở mức 8,3% với lãi thu được từ tiền gửi là 1.115 tỉ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tuy thu về lãi tiền gửi khiêm tốn so với các "đại gia" với khoảng 271 tỉ đồng những cũng đóng góp 21,3% vào cơ cấu lợi nhuận.

Việc chuyển đổi đất trồng cao su thành đất phát triển khu công nghiệp giúp doanh nghiệp này nhận được hàng chục nghìn tỉ đồng tiền thuê đất do khách hàng ứng trước, khoản tiền này hầu hết được gửi tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, một số "ông lớn" cũng thu về lãi tiền gửi cao như Cảng hàng không Việt Nam (786 tỉ đồng), PV Gas (654 tỉ đồng), VEAM (368 tỉ đồng), Sabeco (358 tỉ đồng), Petrolimex (305 tỉ đồng).

Trên thực tế, lượng tiền mặt của doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, đặc thù của ngành nghề, nhu cầu đầu tư, kiểm soát dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thống kê trên đây không xét đến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm bởi đặc thù kinh doanh trực tiếp liên quan đến nguồn tiền mặt cũng như mức độ luân chuyển dòng tiền cao.

Ngoài ra, lượng tiền mặt của mỗi doanh nghiệp có ý nghĩa giúp doanh nghiệp "cơ động" hơn trong hoạt động kinh doanh. Do chưa đối chiếu với các khoản nợ vay nên thống kê tiền mặt chỉ mang tính thao khảo. Trên thực tế, một số doanh nghiệp phải chịu phí tổn lãi vay cao hơn nhiều so với khoản tiền lãi nhận được từ các khoản tiền mặt trên bản cân đối kế toán.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-ong-vua-tien-mat-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-a107079.html