Shark Việt: ‘Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều ý tưởng khởi nghiệp táo bạo hơn thời của tôi’

Theo Shark Việt, 30 năm trước – thời ông khởi nghiệp, thế hệ trẻ chưa có nhiều ý tưởng táo bạo như hiện nay, nhưng ở góc độ nào đó, họ chỉn chu hơn trong kế hoạch, chắc chắn hơn trong đường lối phát triển.

Sau 4 tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Intracom Group hiện là “cá mập” cam kết đầu tư nhiều nhất với 40,5 tỷ đồng (cho 3 startup Luxstay, Triip và Guốc Mộc Việt).

Trước đó, dù là nhà đầu tư khách mời, doanh nhân nổi tiếng với câu nói "Sản phẩm Việt Nam đến đâu, biên giới Việt Nam đến đấy” này cũng là người cam kết rót vốn nhiều nhất mùa 2.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Việt thừa nhận việc làm nhà đầu tư chính sẽ mất nhiều thời gian, trong khi thời gian lại là thứ ông có ít nhất. Tuy nhiên, vì muốn có nhiều đóng góp cho cộng đồng khởi nghiệp, chủ tịch Intracom quyết định gắn bó dài hơi hơn với Shark Tank Việt Nam.

- Nhiều người tò mò với một người đầu tư cho nhiều startup như chủ tịch Intracom, ông đã khởi nghiệp như thế nào?

- Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi, tôi về công tác tại công ty Sông Đà. Sau 16 năm làm việc, tôi nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công ty như giám đốc xí nghiệp, phó giám đốc, giám đốc công ty…

Năm 2001, tôi hợp tác với một người bạn thành lập Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico). Đến năm 2002, tôi tách ra để thành lập công ty riêng – công ty Đầu tư hạ tầng và Giao thông (Intracom) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thủy điện, bất động sản, y tế.

Năm 2006, Intracom tiến hành cổ phần hóa đánh dấu bước ngoặt lớn trên con đường phát triển của mình. Thương hiệu Intracom đã gắn liền với các công trình lớn của đất nước như: Dự án thủy điện Nậm Pung; Dự án thủy điện Tà Lơi 2 và 3; Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1; Dự án bất động sản căn hộ chung cư và Bệnh viện Phương Đông.

Tính đến nay, Intracom đã có hơn chục nghìn công trình lớn nhỏ. Nhưng mục tiêu của tôi và tập thể Intracom muốn hướng đến chính là sự hài lòng của khách hàng chứ không phải số lượng công trình có được.

- Nếu so sánh những nhà sáng lập công ty hiện nay và 30 năm trước, ông thấy thế hệ trẻ có điều gì hơn và chưa bằng thế hệ của ông?

- Những nhà sáng lập công ty hiện nay phần lớn có ý tưởng, năng lực, nhiệt huyết cháy bỏng giống như thế hệ trẻ 30 năm trước. Tuy nhiên hiện nay nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ 4.0 mà các bạn trẻ đã biết “tranh thủ” tiếp cận với các nhà đầu tư, tìm hiểu nhu cầu thị trường, khảo sát khách hàng… để có thể dễ dàng hơn trong việc hiện thực hóa ước mơ của mình.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì bình quân mỗi ngày có 360 doanh nghiệp mới được thành lập, tuy nhiên mỗi năm số doanh nghiệp phá sản bằng 81% số doanh nghiệp thành lập mới. Những con số đó đã phần nào nói lên sự mạnh dạn, nỗ lực thực hiện ước mơ khởi nghiệp của giới trẻ, đồng thời cũng phần nào phản ánh sự bồng bột của họ trong chiến lược kinh doanh khi mà tỷ lệ phá sản cao như vậy.

Tôi nghĩ thế hệ trẻ 30 năm trước có thể chưa có nhiều ý tưởng táo bạo như thế hệ trẻ hiện nay, nhưng ở góc độ nào đó, họ chỉn chu hơn trong kế hoạch, chắc chắn hơn trong đường lối phát triển, để đạt tối ưu hiệu quả thành công.

- Những startup như thế nào sẽ thuyết phục được ông đầu tư?

- Tôi sẽ bị ấn tượng bởi những startup có ý tưởng tốt, nhiệt thành, hết mình nhưng phải tỉ mỉ, không qua loa đại khái. Quan điểm của tôi là nếu các startup có ý tưởng tốt, con người tốt, dự án có tính khả thi thì tôi sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ.

- Tokai, startup “nhà ma” từng khiến các Shark và nhiều người Việt tại Nhật tranh cãi khi tuyên bố mức lợi nhuận 25%/năm. Điều gì khiến ông vẫn quyết định đầu tư vào startup này?

- Tôi quyết định đầu tư vào dự án Tokai tại Nhật của startup Hà Cảnh vì với tầm nhìn dài hơi, việc đầu tư ra nước ngoài là một trong những mục tiêu của Intracom mà tôi dự định trong 10 năm tới.

Khi đầu tư vào thị trường Nhật Bản, Intracom muốn tận dụng lợi thế về khoa học công nghệ, khoa học quản lý, con người, tính nghiêm túc và nét tương đồng trong giá trị văn hóa của Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó chúng tôi sẽ phát triển kinh doanh, học hỏi, đưa về áp dụng tại Việt Nam những công nghệ liên quan đến bất động sản, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, năng lượng sạch...

Startup Tokai từng gây tranh cãi khi tham gia Shark Tank Việt Nam.

Thêm vào đó, tôi nhìn thấy sự nhiệt huyết cháy bỏng của startup với dự án. Những nghiên cứu của Hà Cảnh về thị trường bất động sản Nhật Bản rất thực tế, khiến tôi đánh giá cao. Vì vậy, tôi muốn là bệ phóng để startup thực hiện hóa kế hoạch kinh doanh của mình.

- Xin ông chia sẻ về hoạt động của Tokai hiện nay?

- Đến nay, bên cạnh việc môi giới cho thuê bất động sản, Tokai đã đầu tư và đưa vào khai thác 3 căn ký túc xá mini, một nhà du lịch và một khu nghỉ dưỡng để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, Tokai còn tổ chức các loại hình du lịch, nhà hàng, nông nghiệp sạch, giáo dục để mở rộng hệ sinh thái, phục vụ tối đa nhu cầu làm việc, ăn, nghỉ của cộng đồng người Việt tại Nhật và du khách.

- Ông nghĩ mình được và mất gì khi tham gia Shark Tank Việt Nam?

- Như các bạn thấy Shark Tank Việt Nam là một chương trình truyền hình thực tế đầu tư khá công phu, kéo dài thành nhiều tập phát sóng mỗi năm. Vì thế ngồi làm Shark chính sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi thời gian là thứ tôi có ít nhất. Nhưng bởi vì muốn sẽ có những đóng góp nhất định cho cộng đồng khởi nghiệp mà tôi gắn bó với Shark Tank Việt Nam dài hơi hơn.

Tại đây tôi được truyền cảm hứng, động lực và chỉ dẫn, đồng hành cùng một số bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Tôi nghĩ giúp được họ thực hiện ước mơ, đam mê của mình là một việc tốt mà mình nên làm. Thêm vào đó, tôi được đồng hành cùng những startup có ý tưởng tốt, đây sẽ là sự hợp tác cùng có lợi cho những dự án mà tôi đầu tư.

- Khi đưa ra lời khuyên cho startup, ông nói "Đã bắt đầu làm thì phải nghĩ đến thất bại". Trong khi đó, Shark Hưng cho rằng "Đã bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại". Lời khuyên của 2 Shark có gì mâu thuẫn không?

- Mỗi người có quan điểm khác nhau về một vấn đề. Tôi không bình luận, đánh giá gì về quan điểm của người khác. Còn tôi quan điểm "Đã bắt đầu làm thì phải nghĩ đến thất bại". Vì làm cái gì cũng phải lường trước được rủi ro, thất bại mới đưa ra được phương án dự phòng, như vậy tính rủi ro sẽ thấp hơn. Nghĩ đến thất bại để ta nghĩ cách giải quyết tình huống đó. Nếu tình huống xấu nhất đã có cách giải quyết thì ta cứ tự tin mà làm thôi.

- Đằng sau sự quyết đoán trong các thương vụ đầu tư, ông còn là một người khá hài hước? Nếu được tự miêu tả, ông nghĩ mình là một nhà lãnh đạo như thế nào?

- Tôi là người lãnh đạo theo đạo Phật, mỗi việc tôi làm đều hướng tới đích mang lại sự hài lòng, hạnh phúc cho mọi người. Mọi người ở đây là khách hàng, là đối tác, là cán bộ nhân viên và là cộng đồng xã hội. Tôi thấy mình là người khá quyết đoán trong các quyết định. Đặc biệt tôi luôn để tâm vào từng việc mình làm dù là việc nhỏ nhất để có kết quả tốt nhất.

Nhiều người nhận xét tôi là người khá hài hước có lẽ do họ đã từng tiếp xúc với tôi hoặc nghe, đọc được một số tư tưởng, quan điểm của tôi. Theo tôi, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ và thú vị hơn rất nhiều khi mỗi người đều có chút yếu tố hài hước, dí dỏm khi giao lưu, chia sẻ, hợp tác với nhau.

- Cảm ơn ông!

                                Diệu Tuyết (Thiết kế: Bảo Linh; Ảnh: Shark Tank VN)/Theo NDH

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/shark-viet-the-he-tre-hien-nay-co-nhieu-y-tuong-khoi-nghiep-tao-bao-hon-thoi-cua-toi-a107199.html