Chọn và giữ nhân tài thời chuyển đổi số của Vietnam Airlines, Tiki và GoViet

Những doanh nghiệp đầu ngành dù muốn hay không cũng trở thành một trường đại học, phải cạnh tranh đa chiều nhất là trong việc chọn và giữ nhân tài.

Những doanh nghiệp đầu ngành dù muốn hay không cũng trở thành một trường đại học, phải cạnh tranh đa chiều nhất là trong việc chọn và giữ nhân tài.

Từ trái qua: ông Trần Ngọc Thái Sơn, bà Lê Diệp Kiều Trang và ông Dương Trí Thành. Ảnh: Forbes Việt Nam

Theo một kết quả khảo sát được đưa ra tại Diễn đàn Kinh doanh Forbes Vietnam 2019, tỷ lệ nghỉ việc năm 2018 ở Việt Nam là 22%, cao nhất trong ba năm qua. 30% nhân lực sau khi được đào tạo tại doanh nghiệp muốn ra khởi nghiệp.

Làm thế nào để mời gọi và giữ chân nhân tài với những khả năng mới phù hợp công nghệ số là thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp đầu ngành.

“Để có quốc gia số, thành phố số, trước tiên phải có số. Nhưng liệu các doanh nghiệp có chia sẻ số thực của mình với doanh nghiệp khác không? Đó là vấn đề”, ông Dương Trí Thành - CEO Vietnam Airlines chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh Forbes Vietnam 2019.

Ông Thành cho biết, Vietnam Airlines đặt nhiệm vụ 2020 - 2021 trở thành Vietnam Airlines số, áp dụng công nghệ mới nhất Big Data và Al, phải có phần phân tích số liệu rất lớn các động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, giảm hỏng hóc, nâng tỷ lệ máy bay về đúng giờ... Chuyển đổi số 100% về máy bay, dịch vụ sẽ chuyển đổi 50%. Dự kiến tháng 9 tới sẽ đưa phần mềm quản trị phục vụ máy bay, khách hàng đặt chỗ có thể đặt luôn suất ăn.

“Việc này sẽ làm được khi hợp tác với các hãng khác trong và ngoài nước. Chỉ cần chịu học, khó nhất là mỗi người phải chuẩn bị để thay đổi quy trình, tạo ra văn hóa mới trong từng hành vi nhỏ nhất cho đến cái lớn. Bởi một thay đổi nhỏ là cả chuỗi thay đổi. Cá nhân tôi luôn trăn trở, đó là trách nhiệm của mình, đừng đổ lỗi cho giáo dục. Quan trọng nhất là mình có dám dỡ bỏ rào cản giữa các doanh nghiệp của mình không?”, ông Thành khẳng định.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Vietnam Airlines đã thành lập bộ phận chuyển đổi số. Đầu tiên quyết định tuyển hoàn toàn người mới, khả năng sáng tạo, thích nghi cao hơn kinh nghiệm. Với những bạn trẻ, dùng người mới chưa làm gì họ đã mới, rất nhiều tiềm năng ẩn được bộc lộ từ đội ngũ đã có

Vietnam Airlines khai thác 120 máy bay với hơn 20 ngàn người lao động từ phi công tới kỹ sư, nhân viên mặt đất… Nguồn lực phi công, kỹ sư máy bay hiện đang rất nóng cũng là thách thức toàn ngành. Khai thác máy bay hiện đại, vận hành chuẩn theo tiêu chuẩn toàn cầu, không có cách nào khác là phải đổi mới. Đứng sau cỗ máy động cơ truyền số liệu về mặt đất, phân tích trực tiếp vấn đề cần hỏng hóc cần bảo dưỡng… là con người.

Vietnam Airlines đã bắt đầu sử dụng chương trình của FPT cùng với tiếp thu công nghệ nhưng khi đưa vào quản trị, đảm bảo tổ chức vận hành cả hệ thống hiệu quả vẫn cần thay đổi rất nhiều.

Để bảo đảm thật an toàn, hiệu quả, giải quyết mong muốn của hành khách, cần mở rộng hệ sinh thái, kết hợp chuỗi Tiki, GoViet… để trở thành thỏi nam châm thu hút nhân tài. Sức hút nhân tài của Vietnam Airlines là thỏa mãn giấc mơ bay, du lịch khắp thế giới, trải nghiệm cùng khách hàng. Nghề hàng không đang đến thời điểm cất cánh vì nhiều hãng ra đời, tạo nên sự bứt phá trong thời gian tới, đó cũng là sức hút lớn.

Để một phi công lái được các dòng máy bay cỡ lớn phải mất 6-8 năm đào tạo. Tiếp viên, phục vụ mặt đất thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm.

“Chúng tôi cho các bạn học từ khắp các nơi trên thế giới về nhưng đào tạo lại để thống nhất về tầm nhìn, văn hóa. Mình không thay đổi thì thế giới sẽ đào thải, không thể tồn tại. Đối với lĩnh vực hàng không, không chỉ đào tạo kỹ năng, còn cần có cái tâm, sự cống hiến tận tình với khách hàng, làm sao tạo ra môi trường sẵn sàng thay đổi là thách thức rất lớn cho nguồn nhân lực. Tôi đánh giá cao khát khao đổi mới, luôn sáng tạo”, CEO Vietnam Airlines chia sẻ.

Cũng theo vị doanh nhân này, với mỗi doanh nghiệp, điều quan trọng là phải tạo được môi trường hạnh phúc để phục vụ khách hàng tốt nhất. Đối với Vietnam Airlines mang sứ mệnh là hãng hàng không quốc gia do đó phải đi đầu, phối hợp với các bộ ngành, kể cả với đối thủ để mở ra nhiều trường đào tạo, cạnh tranh gì thì cũng phải thống nhất với nhau về chất lượng con người cho toàn ngành.

Ứng xử với chuyện chảy máu chất xám đang diễn ra gần đây của đội ngũ phi công, lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng, với nhân sự, vào ra như nước chảy, không có gì lạ. Ngành hàng không ban đầu độc quyền nên nhân sự vào nhưng không ra nên cũng gây nhiều chuyện phức tạp. Bây giờ đã có cạnh tranh, có vào, có ra, đó là cơ hội quá lớn để tự thay đổi.

“Dụng nhân như dụng mộc, ai cũng có cái tốt cả nhưng sao người ta ở với người khác tốt hơn? Tại sao bay các hãng Mỹ, tiếp viên họ già thế? Vì họ tăng trưởng thấp còn chúng ta tăng trưởng quá nhanh? Do đó phải chủ động, có thái độ tích cực với việc ra đi. Phải tạo môi trường tích cực hơn để khi chia tay sau này vẫn còn thể còn hợp tác tốt với nhau”, CEO Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Ở góc độ một công ty dựa vào công nghệ là chính, sống chết vì công nghệ, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho rằng, quan trọng nhất vẫn là quản trị con người. Đây là điều đáng mất ngủ nhất với nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, với những công ty cần công nghệ chuyên sâu, sống chết vì công nghệ như Tiki, nhân tài là quan trọng nhất. Tiki tự hào với đội ngũ kỹ sư trẻ, tài năng đến từ 8 quốc gia. Họ mang lại giải pháp và phục vụ cho người Việt. Chính họ giúp cho đội ngũ người Việt trong công ty đi nhanh hơn.

Tiêu chí chọn và giữ nhân tài của Tiki là “dám thử, dám làm, dám học hỏi, được học hỏi với những người giỏi nhất”. Nhưng Tiki sẽ không cố sống cố chết giữ người không cùng chí hướng, không chịu học hỏi nữa. Đối với những người cùng chí hướng, công ty sẽ làm mọi cách, vừa chia sẻ lợi nhuận, cổ phiếu, chính sách hưởng thụ… để giữ họ lại.

“9 năm qua Tiki phát triển gấp 2-3 lần là nhờ luôn có người kéo đi nhanh hơn. Người lãnh đạo nếu không còn là đầu tàu phải qua chỗ khác hoặc luân chuyển qua vị trí khác”, ông Sơn cho biết.

Đối với các bạn trẻ sau khi thành tài ở công ty ra ngoài khởi nghiệp (startup), Tiki không kỳ thị mà khuyến khích họ và kết nối để tạo nên hệ sinh thái mạnh hơn.

CEO Tiki chia sẻ: “Một khi đã là startup đúng nghĩa thì mãi mãi là startup, nghĩa là không ngừng tăng trưởng, đủ không gian cho mọi người phát triển. Tiki thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, kể cả các startup khổng lồ cũng chịu về, làm với CEO còn non trẻ. Họ đánh đổi rất lớn khi kéo cả gia đình về đây vì họ tin vào sự tăng trưởng rất tốt của thị trường Việt Nam, tin vào triết lý kinh doanh và môi trường của Tiki. Tôi rất tôn trọng và sẵn sàng đầu tư cho những bạn startup mới mẻ, tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn cho Tiki”.

Đánh giá về cơ hội của ngành thương mại điện tử, ông Sơn cho biết, tốc độ phát triển dịch vụ kinh tế số sẽ tiếp tục tăng cao khoảng 11-12% trong vài năm tới. Mục tiêu của những công ty thương mại điện tử là phải làm sao phục vụ được khách hàng một cách tiện lợi nhất với tiêu chí “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Điều này đòi hỏi nhân viên phải nâng cao năng lực, làm tốt nhất vai trò chuyên môn của mình trong đội ngũ.

“Giá trị cốt lõi của Tiki là không ngừng học hỏi. Tuyển người mới, tôi cũng đánh giá cao khả năng học hỏi. Với vị trí lãnh đạo, vừa phải có kinh nghiệm để giúp hàng ngàn người bên dưới nhưng họ vẫn phải có tư duy không ngừng học hỏi”, ông Sơn khẳng định.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, CEO GoViet lại nhấn mạnh đến khả năng thích nghi của đội ngũ nhân tài.

Theo bà Trang, khi nói về nguồn nhân lực, chúng ta hay nói đến nhân tài, đây là cái lõi phủ lên các nguồn lực khác. Ai cũng biết sinh viên Việt Nam rất giỏi toán nhưng ra trường rất ít người làm nghề phân tích số liệu. Làm sao có quyết định kinh doanh khi không có phân tích dựa trên số liệu?

Để phát triển nhân tài, GoViet tìm những bạn trẻ có tinh thần học hỏi và gửi qua đối tác của mình tại thị trường Indonesia. Với quy mô lớn hơn gấp 3 lần, họ có cách xây dựng đội ngũ trước mình. Bên cạnh đó, công ty mời các bạn ở Indonesia về hoặc mời những sinh viên Việt Nam du học về GoViet. Ở GoViet không có gì nhiều hơn là cơ hội để các học hỏi và nếu có sai lầm sẽ có người đi cùng để khắc phục và tìm ra cách giải quyết.

“Khi tôi đến công ty nào, ở đó luôn có sự hấp dẫn từ người lãnh đạo nhưng quan trọng hơn cả vẫn là phải giữ được người tài, tạo ra môi trường cùng làm việc, tin tưởng, chia sẻ giá trị cốt lõi. Làm việc giống như chơi một trò chơi cùng nhau chứ không hề mệt mỏi.

Tôi nghĩ 30% các bạn trẻ sau khi đi làm muốn khởi nghiệp là câu chuyện rất đáng quý cho Việt Nam. Tôi luôn đánh giá rất cao và tạo điều kiện cho các startup, thế giới luôn khuyến khích sự sáng tạo”, bà Trang nói.

Ở góc nhìn người tiêu dùng, theo CEO GoViet, làm công nghệ tức là phải làm sao để người ít hiểu về công nghệ nhất cũng có thể sử dụng. Vì thế, khả năng thích nghi rất quan trọng, khi có kinh nghiệm nhiều thì khả năng thích nghi cao hơn. Nếu thường xuyên tạo ra các thử thách cho nhân viên thì kinh nghiệm họ học được sẽ rất giá trị.

Thế giới số bao gồm thuật toán và dữ liệu lớn, thuật toán sẽ khởi nguồn từ Mỹ và Israel – đó là những bộ óc lớn. Tuy nhiên, theo bà Trang, điều đó không đóng cánh cửa với Việt Nam vì chúng ta vẫn còn nguồn dữ liệu lớn. Không có thuật toán nào có giá trị nếu không có Big Data. Do đó, hãy tạo ra thật nhiều Big Data, nhìn ra cốt lõi vấn đề, để tự tin bước vào cuộc cách mạng này. Tính thích nghi chính là yếu tố quan trọng trong thời đại số.

Hương Xuân

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chon-va-giu-nhan-tai-thoi-chuyen-doi-so-cua-vietnam-airlines-tiki-va-goviet-a107315.html