Vingroup, Masan, IPPGroup hay Sovico… và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác đã và đang do các cặp vợ chồng doanh nhân Việt xây dựng, quản lý và đang không ngừng phát triển.
Nếu nhìn bộ máy Hội đồng quản trị hay Ban lãnh đạo của hàng loạt doanh nghiệp lớn hiện nay đều thấy bóng dáng những cặp vợ chồng cùng gây dựng và tham gia điều hành doanh nghiệp từ những ngày đầu.
Với sự chung tay của vợ chồng các doanh nhân này, doanh nghiệp họ quản lý đang ngày càng phát triển với doanh thu, lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vợ chồng tỷ phú giàu nhất Việt Nam và đế chế 13,6 tỷ USD
Mới đây, đà tăng giá của cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (VIC) đã giúp doanh nghiệp này "soán" ngôi Vinamilk trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt, xấp xỉ 13,6 tỷ USD.
Ngoài Chủ tịch Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng, các vị trí lãnh đạo cao nhất tại đây đều là những cộng sự của vị tỷ phú này từ những ngày đầu khởi nghiệp bên Đông Âu, trong đó có vợ ông là bà Phạm Thu Hương.
Ông Vượng khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền và khoai tây nghiền tại Ukraina. Ngoài những cộng sự bên cạnh, ông Vượng còn có sự hỗ trợ rất lớn từ bà Phạm Thu Hương khi cả 2 người đều là cổ đông sáng lập Tập đoàn Technocom, doanh nghiệp sau đó nắm giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại quốc gia Đông Âu này.
Năm 2009, tỷ phú Vượng bán công ty cho Nestle và chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về Việt Nam, bắt đầu kinh với lĩnh vực bất động sản cùng thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và Vincom tại Hà Nội. Năm 2012, Vincom và Vinpearl sáp nhập thành Vingroup.
Với hệ sinh thái gồm các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, giáo dục, y tế và sản xuất ôtô… Vingroup hiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân có giá trị nhất tại Việt Nam.
Sát cánh cùng ông Vượng phát triển Vingroup, bà Phạm Thu Hương hiện cũng là Phó chủ tịch tại Vingroup và Thành viên HĐQT tại Vincom Retail. Trong khi ông Vượng là tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 6,3 tỷ USD (theo Forbes), bà Hương hiện cũng nắm giữ 4,73% vốn Vingroup, tương đương khối tài sản 14.631 tỷ đồng, và là nữ đại gia giàu thứ 5 sàn chứng khoán.
Cũng khởi nghiệp tại Đông Âu, ông Nguyễn Đăng Quang và vợ Nguyễn Hoàng Yến cũng là một trong số những cặp vợ chồng doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam cùng điều hành doanh nghiệp.
Vợ chồng doanh nhân này chính là những người xây dựng nên “đế chế” Masan, doanh nghiệp tư nhân đầu ngành tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp cho tới khoáng sản…
Ông Nguyễn Đăng Quang hiện cùng vợ là bà Nguyễn Hoàng Yến cùng nhau điều hành quản lý Masan Group. Ảnh: Thành Luân. |
Cũng từng thành công trong lĩnh vực mỳ gói ăn liền vào đầu thập niên 90 tại Đông Âu, sau khi trở về Việt Nam, ông Quang nổi tiếng với hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập lớn giúp Masan nhanh chóng mở rộng quy mô. Đặc biệt phải kể đến thương vụ mua lại Núi Pháo - mỏ vonfram lớn nhất thế giới, có khả năng mang lại doanh thu 400-500 triệu USD mỗi năm từ quỹ ngoại Dragon Capital.
Hệ sinh thái của Masan cũng không thua kém Vingroup với hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ ngân hàng với Techcombank, TCBS; khoáng sản với Masan Resources hay thực phẩm với Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa…
Đồng hành cùng chồng, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện giữ vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Masan Group, Thành viên HĐQT của Masan Consumer.
Bên cạnh đó, bà Yến đang nắm giữ hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN trị giá trên 4.800 tỷ đồng và là nữ đại gia giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán.
Một cặp vợ chồng doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu khác là ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Cả 2 vị doanh nhân này là cổ đông sáng lập và hiện cùng điều hành Công ty Cổ phần Sovico, một trong những tập đoàn bất động sản, đầu tư tài chính lớn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, không giống những cặp vợ chồng doanh nhân khác, người xuất hiện trước công chúng chủ yếu lại là bà Thảo trong khi ông Hùng rất ít khi ra mặt.
Từng khởi nghiệp tại Đông Âu trước khi trở về đầu tư tại Việt Nam và tham gia thành lập hàng loạt doanh nghiệp như Sovico Holdings, Techcombank, VIB và HDBank cùng hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, bà Thảo hiện cũng là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách củ Forbes với khối tài sản ròng lên tới 3,8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (bên phải) hiện cùng vợ là nữ tý phú Phương Thảo quản lý nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Sovico. |
Hiện tại, hai vợ chồng nữ tỷ phú này đều tham gia điều hành tại Sovico Holdings, doanh nghiệp nắm trong tay vốn hàng loạt doanh nghiệp lớn như HDBank hay Vietjet Air.
Ngoài việc là Chủ tịch hội đồng sáng lập Sovico, ông Hùng hiện là Phó chủ tịch HĐQT tại Vietjet Air trong khi bà Thảo đảm nhiệm hàng loạt vị trí tại các doanh nghiệp này như Chủ tịch tại Sovico Holding; Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air và Phó chủ tịch thường trực tại HDBank.
Cùng nhau xây dựng doanh nghiệp từ một cơ sở thu mua thủy sản nhỏ lẻ trở thành tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm là cặp vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang và vợ Chu Thị Bình.
Nữ đại gia Chu Thị Bình hiện là Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Trương Khởi. |
Vốn là kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản làm trong doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Văn Quang nhanh chóng rẽ lối đi con đường riêng, làm đại lý thu mua tôm. Ông cùng vợ mình sau đó xây dựng Xí nghiệp chế biến cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú với số vốn 120 triệu đồng vào năm 1992, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) hiện nay.
Minh Phú hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 9.500 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với doanh thu năm gần nhất (2017) đạt 16.000 tỷ đồng và thu về khoản lãi sau thuế hơn 714 tỷ đồng.
Hiện tại, cả ông Quang và bà Bình đều tham gia điều hành Minh Phú, trong đó, ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, còn bà Bình đảm trách vị trí Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc công ty.
Vợ chồng doanh nhân này cũng sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ từ lượng cổ phiếu MPC nắm giữ. Cụ thể, với 15,96 triệu cổ phiếu, tương đương 23,1% vốn doanh nghiệp, ông Quang sở hữu khối tài sản trị giá 1.468 tỷ đồng. Còn bà Bình nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị thị trường lên tới 1.608 tỷ đồng.
Là người sáng lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPGroup), ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện là những lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp, cùng nhau điều hành phát triển.
IPPGroup chính là đơn vị phân phối độc quyền hàng loạt thương hiệu thời trang, thực phẩm nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam thông qua các công ty thành viên.
Vợ chồng đại gia hàng hiệu ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên. Ảnh: APEA. |
Các thương hiệu thời trang cao cấp do IPP phân phối phải kể tới Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... Ngoài ra, nhiều thương hiệu tầm trung khác như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike... cũng nằm trong hệ thống của IPP.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền nhiều chuỗi nhà hàng như Burger King, Dunkin Donuts, Illy Cafe… và chuỗi kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay; trung tâm thương mại; bất động sản, khách sạn…
Ông Hạnh Nguyễn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT trong khi bà Lê Hồng Thủy Tiên là Tổng giám đốc IPP. Hai vợ chồng nắm giữ tới 59% vốn doanh nghiệp.
Được biết, trước khi trở thành nữ doanh nhân nổi tiếng, bà Thủy Tiên từng là nữ diễn viên vang bóng một thời của thập niên 90 với bộ phim "Vị đắng tình yêu". Bà Tiên chỉ tham gia kinh doanh cùng chồng từ năm 1995 với vị trí Tổng giám đốc siêu thị Miền Đông và Bình Dân cùng chuỗi siêu thị miễn thuế tại Mộc Bài, Lào Cai, Dinh Bà và Tịnh Biên.
Cặp vợ chồng doanh nhân này hiện cũng cùng nhau điều hành tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) nơi IPP Group đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để thâu tóm vào năm 2017.
Theo Hoàng Thanh/Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-cap-vo-chong-dai-gia-cung-nhau-dieu-hanh-doanh-nghiep-a10741.html