Một ý tưởng hay về việc biến cầu vượt thành công viên của Seoul đang dần lụi tàn với những bất cập trên thực tế.
Dự án Seoullo 7017 hay còn gọi là công viên Seoul Skygarden hoặc Skypark là một công trình đầy táo bạo của Hàn Quốc khi biến cây cầu vượt cổ lỗ thành một không gian xanh cho thủ đô thay vì phá bỏ.
Cụ thể, đoạn cầu vượt dài 1km đã được cải tạo thành công viên cây xanh và mở cửa vào tháng 5/2017. Chúng được hãng MVRDV của Hà lan thiết kế với 24.000 cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho thủ đô Seoul-Hàn Quốc.
Số hiệu 70 nhắc đến thập niên 1970 khi dự án Seoullo được nghiên cứu phát triển trong khi số 17 là năm dự án được khánh thành. Hiện tại, công viên Seoullo có hơn 24.085 cây xanh với 228 chủng loại từ khắp mọi nơi trên Hàn Quốc.
Quay ngược dòng lịch sử, thủ đô Seoul thập niên 1960 đang hồi phục mạnh mẽ sau chiến tranh. Những chiếc cầu vượt được xây dựng hàng loạt để người dân có thể tự do lưu thông qua những đường cao tốc. Sau đó vài thập niên, những cây cầu vượt cổ này ngày càng xuống cấp, không còn hiệu quả, làm giảm mỹ quan và thậm chí là nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Thủ đô Seoul đã dỡ bỏ một số cây cầu, nhưng một số lại được quy hoạch thành công viên cây xanh nhằm tạo thêm không gian thân thiện với môi trường.
Nếu trước đây những con đường lớn với mật độ giao thông nhanh chóng là biểu tượng cho một thành phố phát triển thì ngày nay, sự an toàn và một môi trường sống trong lành, thoải mái mới là điều quan trọng với người dan Seoul.
Hàng loạt những thành phố lớn như Copenhagen-Đan Mạch, London-Anh, Paris-Pháp, Barcelona-Tây Ban Nha đã cho xây dựng nhiều dự án cây xanh thân thiện với môi trường để cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân.
Tương tự, Seoullo cũng được xây dựng nhằm nâng cao hình ảnh Seoul cũng như môi trường sống của người dân. Câu cầu vượt 45 năm cũ được cải tạo thành địa điểm vui chơi, tham quan cũng như giải trí của nhiều người. Riêng trong năm khánh thành 2017, Seoullo đã thu hút hơn 5 triệu lượt khách, bình quân khoảng 40.000 cư dân băng qua công viên này mỗi ngày.
Đứng tại Seoullo, du khách có thể ngắm nhìn trên cao cảnh thành phố Seoul cũng như dòng xe ô tô chạy dưới đường cao tốc.
Ngoài nhiệm vụ nâng cao hình ảnh và môi trường sống, Seoullo còn chịu trách nhiệm giảm tải giao thông cho ga Seoul gần đó. Ga tàu Seoul có khoảng 390.000 lượt tàu qua lại mỗi ngày và trở thành nơi vô cùng đông đúc do lưu lượng người và xe qua nhiều.
Với Seoullo, người dân có thể dễ dàng băng qua nhà ga mà không phải chịu tình trạng tắc đường do kẹt xe quanh ga Seoul.
Hiện tại, rất nhiều quán ăn, hàng lưu niệm, trung tâm hỗ trợ thông tin, quán cà phê… được xây dựng gần Seoullo để thu hút khách du lịch, biến đây trở thành biểu tượng của thủ đô Seoul trong nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sự thật phũ phàng
Ý tưởng về Seoullo có vẻ rất tốt và dự án ban đầu cũng thu hút được sự quan tâm của người dân. Trên thực tế, dự án này lấy cảm hứng từ công viên đi bộ High Line của New York.
Trớ trêu thay, Seoullo đang dần bị biến dạng và ngày càng có ít người muốn đi qua, chứ chưa nói đến là du lịch nghỉ ngơi ở công viên này. Mặc dù là dự án công viên xanh nhưng cây cối được trồng tại đây không đủ lớn để tạo bóng mát và không khí trong lành. Cây cầu vượt được xây bằng bê tông nên chúng hấp nhiệt, tạo nên cảm giác khô nóng cho người qua lại.
Mặc dù thiết kế bằng bê tông khiến công viên cây xanh trên cao này nhìn đẹp hơn, nhưng chúng lại chẳng có vẻ gì là thân thiện với môi trường, trong khi cây xanh chỉ được trồng lưa thưa trong những bồn đất.
Vào mùa đông, cảm giác lạnh lẽo và không khí ô nhiễm từ dòng xe bên dưới khiến Seoullo cũng chẳng đẹp đẽ hơn bao nhiêu. Không có cây to nên người đứng trên cầu sẽ hứng trọn những ngọn gió lớn, lạnh lẽo thổi vào người. Đây là lý do chính khiến dự án này nhận được phản hồi rất tệ từ các trang du lịch cũng như truyền thông địa phương.
Mặc dù vậy, Seoullo vẫn có du khách đến, thường là những người đi theo đoàn hoặc theo sự kiện được tổ chức tại đây. Từ năm 2017 đến nay, Seoullo đã thu hút được 16,7 triệu lượt du khách với bình quân 20.000 lượt khách mỗi ngày.
Tuy nhiên, rất nhiều người cảm thấy thất vọng vì những gì mà chính quyền Seoul đã hứa hẹn về dự án khi những chính trị gia hối thúc xây dựng để gây tiếng vang, thu hút cử tri rồi bỏ đó.
Kể từ khi Seoullo được khánh thành, giá bất động sản quanh khu vực này đã tăng 20-30%, đi kèm với đó là tăng giá thuê nhà cùng nhiều thứ khác, khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Tệ hơn, người dân của những tiểu thương quang vùng cũng cảm thấy khó chịu vì họ không còn được đi xe máy lên cầu vượt nữa khi chúng đã thành công viên. Chính điều này khiến họ gặp khó trong việc vận chuyển hàng hóa từ khu Mallidong bên này cầu sang khu chợ Namdaemun Market bên kia cầu.
Ngoài ra, việc đóng cửa không cho xe cộ qua cầu vượt khiến lưu lượng giao thông quanh các tuyến đường khu vực nay tăng lên, tạo nên những bất tiện không đáng có. Ông Kwon Ki Ho, chủ cửa hàng giày 67 tuổi gần khu Seoullo cho biết do xe quá đông, tạo nên nhiều tiếng ồn và khói bụi. Thêm nữa xe tải chở hàng và ô tô riêng của khách cũng khó đỗ hơn, khiến doanh số cửa hàng giảm ít nhất 60%.
"Tôi hiểu rằng đây là chính sách làm sạch môi trường của thành phố và chúng tôi không thể ngăn cản, nhưng họ lại chẳng có bồi thường hay một giải pháp nào đền bù cho chúng tôi", ông Kwon bức xúc.
Hiện tại, Seoullo vẫn mở cửa, vẫn có những chương trình giải trí thỉnh thoảng được tổ chức nhưng kỳ vọng về một dự án xanh biểu tượng cho Seoul có lẽ đã không còn.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-la-o-han-quoc-du-an-bien-cau-vuot-cu-thanh-cong-vien-cay-xanh-di-bo-tren-cao-a107586.html