Kim cương thoái trào - người giàu cũng khóc: Đóng cửa hầm mỏ, thu hẹp kinh doanh, giảm tín nhiệm tài chính và tìm lối thoát bằng kim cương nhân tạo

Ngành công nghiệp khai thác kim cương và đá quý đang chứng kiến cuộc khủng hoảng thừa lớn nhất lịch sử. Đâu là lối thoát cho ngành kinh doanh tỷ đô này?

Thị trường kim cương toàn cầu chững lại

Để đến với người tiêu dùng, kim cương nói riêng và các loại đá quý nói chung phải trải qua nhiều chuỗi giá trị trung gian như công ty khai thác đá, thương nhân, thợ đánh bóng, thợ cắt, nhà bán lẻ. Trong lịch sử, giá đá quý thô có thể lên xuống thất thường nhưng nhìn chung, giá cả đến tay người tiêu dùng khá ổn định.

Nhưnng ở thời điểm hiện tại, hai gã khổng lồ chuyên sản xuất kim cương là Alrosa (trụ sở tại Nga) và De Beers (trụ sở ở Anh) đang bị tồn kho lượng rất lớn nguồn hàng quý này.

Đó tình huống là minh chứng cho thách thức mất cân bằng cung-cầu kim cương đang đặt ra với ngành khai thác kim cương trị giá 17 tỷ USD trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp khai thác kim cương chỉ đạt 2% trong năm 2017-2018, trong khi nguồn cung kim cương tăng đến 17%. Sự biến động cung-cầu này khiến lợi nhuận của top 5 công ty lớn nhất giảm sút 5% so với năm 2016, theo báo cáo thuộc The Global Diamond Report của Bain & Company.

Sự gia tăng nguồn kim cương thô đổ vào các nhà máy gia công cùng với biến động ngoại hối, chiến tranh thương mại và thị trường chứng khoán ảm đạm, đã khiến giá kim cương thô giảm khoảng 6% trong năm 2019.

Biến động này ảnh hưởng nhiều đến các mỏ khai thác. Ví dụ mỏ Argyle, một trong những mỏ kim cương lớn nhất trên thế giới nằm ở phía Tây nước Úc. Chỉ riêng trong năm 2018, Argyle đã cung cấp 10 - 15 triệu carat kim cương, chiếm 10% sản lượng kim cương toàn cầu.

Nguồn đá ở Argyle chứa một số loại đá quý hiếm nhất và đắt nhất trên thế giới như kim cương hồng, tím và đỏ. Tuy nhiên, giá kim cương thô giảm sút khiến người ta tính đến việc đóng cửa mỏ.

Nhìn lại thời hoàng kim, các công ty kim cương thúc đẩy công cuộc khai thác mỏ quặng đá quý mới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do họ dự đoán nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh. Năm 2011, giá kim cương thô đạt mức cao nhất mọi thời đại là 218 USD/carat nhưng giảm dần xuống còn 154 USD/carat năm 2018.

Sự biến động lớn về giá cả kim cương thô khiến ngành này phải mất từ bốn đến tám năm hoặc lâu hơn để xử lý hoàn thiện khối lượng kim cương thô đã khai thác. Vì vậy số kim cương thô khai thác khoảng năm 2011-2012 thường đến 2018 trở đi mới được tung ra thị trường. Lúc này, giá cả kim cương thô đã giảm xuống làm chênh lệch cán cân tài chính.

Ngoài biến động nguồn cung, niềm tin của giới đầu tư tài chính sụt giảm cũng ảnh hưởng đến ngành kinh doanh kim cương, thậm chí gây ra rủi ro về đạo đức thị trường.

Vào tháng 2/2018, Ấn Độ đã phá một trong những đường dây lừa đảo lớn nhất do một thương nhân và thợ kim hoàn nổi tiếng là Nirav Modi thực hiện. Sau vụ việc này, rất nhiều ngân hàng ở châu Âu và Bắc Mỹ hạn chế đầu tư vào thị trường gia công kim cương lớn là Ấn Độ và Bỉ. Tháng 7/2019, ngân hàng ABN Amro của Hà Lan tuyên bố sẽ cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực thu mua kim cương thô vì mảng kinh doanh này không còn hấp dẫn.

Vì tình hình kinh doanh gặp khó, hãng De Beers cho biết họ giảm sản lượng kim cương thô xuống 11% trong nửa đầu năm 2019 và đưa ra các lựa chọn như trì hoãn mua hàng (deffering purchase).

Mặt khác, đồng rupee suy yếu cũng khiến đá quý trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất Ấn Độ, với vị thế thị trường gia công kim cương chiếm tỉ trọng 90% trên thế giới.

Cắt giảm nguồn cung, chuyển hướng sang kim cương nhân tạo

Giảm thiểu nguồn cung có lẽ là hướng đi sắp tới để cân bằng thị trường kim cương toàn cầu. Gần đây, mỏ Argyle ở Tây Úc dự định đóng cửa vào năm 2020 sau một thập niên hoạt động, theo thông báo hồi tháng 7/2019 của công ty sở hữu mỏ là Rio Tinto.

Rio Tinto cho biết lý do chính khiến họ đóng cửa Argyle là những viên đá còn lại của mỏ không đủ giá trị để khai thác. Số đá còn lại toàn là kimberlite và phải sàng lọc khoảng 100 tấn đá như thế mới thu được 1 carat kim cương.

Mỏ Argyle từng sản xuất khoảng 865 triệu carat kim cương thô kể từ năm 1983. Trong số đó chỉ khoảng một triệu carat là kim cương hồng, đa phần còn lại là kim cương màu nâu và chất lượng thấp hơn.

Nếu mỏ Argyle đóng cửa sẽ khiến nguồn cung kim cương thô giảm khoảng 10% và góp phần cân đối cán cân cung-cầu trong ngành kim cương. Việc đóng cửa mỏ cũng có thể nâng giá kim cương hồng đang lưu kho.

Ngoài ra, các công ty khai thác cũng giảm đáng kể đầu tư vào thăm dò trong thời gian qua. Bain & Company ước tính rằng chi tiêu thăm dò theo phần trăm doanh thu đã giảm xuống từ 2-8% trong năm 2017-2018.

Tháng 7/2019, De Beers cho biết họ sẽ giảm quy mô sản xuất sau khi doanh số bán kim cương thô giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Một công ty khai thác kim cương khác niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London là Petra Diamonds cũng báo cáo doanh thu sụt giảm và họ dự kiến ​​sẽ siết chặt nguồn cung kim cương thô.

Bên cạnh nguồn kim cương tự nhiên, các công ty kinh doanh kim cương cũng chuyển hướng sang nguồn kim cương nhân tạo ở thị trường Trung Quốc và Ấn Độ vì chúng có giá thành rẻ hơn và dễ tiêu thụ.

Theo báo cáo của Bain & Company, kim cương nhân tạo chỉ chiếm khoảng 2% thị phần trang sức kim cương và sản lượng đang tăng 15% đến 20% mỗi năm. Giá của kim cương nhân tạo thấp hơn 30-75% so với kim cương tự nhiên.

Theo Trí Thức Trẻ

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kim-cuong-thoai-trao-nguoi-giau-cung-khoc-dong-cua-ham-mo-thu-hep-kinh-doanh-giam-tin-nhiem-tai-chinh-va-tim-loi-thoat-bang-kim-cuong-nhan-tao-a107655.html