Gần đây xuất hiện thông tin về tình trạng vắng khách, thậm chí không có và thua lỗ của các homestay. Có người bảo: 'Chỉ sửa nhà rồi cho thuê, khách không ở thì mình ở, có mất gì đâu mà lỗ'. Nghe cũng có lý, nhưng không phải vậy.
Homestay là loại hình du lịch xuất phát từ nhu cầu trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, cuộc sống người dân bản địa của du khách với “ba cùng” - cùng ở, cùng ăn và cùng sinh hoạt.
Không ai biết chính xác homestay xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ, nhưng chắc chắn là khởi nguồn từ các tỉnh phía Bắc, sau đó lan dần vào phía Nam. Ban đầu, homestay có ở nông thôn vùng sâu, giúp người dân xóa nghèo và thường được nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Việc tài trợ ngoài tiền mặt và vật dụng trực tiếp, còn tập huấn, đi học được trả tiền. Vốn đầu tư thường do các hộ gia đình huy động, kể cả vay mượn, nhiều gấp hàng chục lần được hỗ trợ.
Gần đây, homestay phát triển nhiều ở vùng đô thị, có người gọi là home sharing. Loại hình này có thị phần là những khách thích khám phá, trải nghiệm mà du lịch nghỉ dưỡng không có. Như một luồng gió mới, homestay ngày càng lan rộng, nhất là khi các địa phương “đồng khởi” để xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn chứng minh homestay “ba cùng” nếu không được vận dụng hợp lý sẽ bất cập. Điều kiện ăn, ở, vệ sinh, sinh hoạt của bà con vùng xa nghèo khó làm sao giữ chân và thuyết phục khách trở lại. Các homestay thường là những phòng bí rị của người dân. Được xây mới thì cũng bốn tường gạch hoặc tuềnh toàng. Vệ sinh kém, ăn uống đơn điệu.
Không ít nơi, các “chuyên gia tư vấn” đến tặng vật dụng, mở lớp tập huấn, vẽ ra tương lai phới phới. Dân tin, bỏ tiền và vay mượn làm homestay. Khai trương ầm ĩ và được vài đoàn ghé cho biết, sau đó vắng tanh, nhà tư vấn mất dạng.
Các homestay thường không niêm yết giá mà linh động theo thực tế nên thường bị nhiều công ty lữ hành ép giá tơi tả. Có nơi còn bị quịt nợ hàng chục triệu đống. Gần như các “chuyên gia tư vấn” chưa bao giờ đưa người thân đến ngủ homestay do mình tư vấn vì điều kiện quá tệ.
Có vài nơi vận dụng khá tốt mà điển hình là bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) vào đầu những năm 2000. Người Thái nhường hẳn những căn nhà to đẹp để làm homestay. Cả bản lúc đó chừng mươi nhà làm homestay và trở thành điểm sáng của cả nước.
Mười năm sau, bản Lác với cả trăm homestay, xô bồ hơn cả phố Tây Phạm Ngũ Lão. Chất lượng dịch vụ không đổi, nhà nào cũng karaoke, xe điện giành giựt, hàng quán chen chúc mà toàn hàng Trung Quốc. Giá chỗ ngủ chỉ còn 1/5 cách đây 10 năm nhưng vẫn vắng khách. Chỉ ồn ào cuối tuần, khách ghé chụp hình hoặc ăn uống rồi tìm chỗ khác ngủ. Ế như vậy nhưng các homestay mới ở bản Lác và nhiều nơi vẫn đang hối hả thi công.
Năm 2016, Đại học Griffth (Úc) đã khảo sát 150 homestay tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và 200 dự án homestay ở châu Mỹ La tinh đều có thông số chung. Đó là mô hình giúp người dân thoát nghèo, được các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sở tại tài trợ. Khi nguồn tài trợ kết thúc, các homestay đều chững loại, hoạt động cầm chừng hoặc bị xóa sổ.
Lời giải cho bài toán homestay
Thất bại của homestay là do cách làm. Từ tâm lý ỷ lại vào nguồn tài trợ cho đến việc tư vấn thiếu thực tiễn. Từ việc chạy theo phong trào đến sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Muốn giải bài toán hiệu quả, phải tay đổi nhận thức và cách làm.
Làm homestay, quan trọng nhất là những điều kiện tối thiểu về văn hóa, cảnh quan, gia cảnh và nối kết được với các vùng phụ cận chứ không phải nhân lực, tài chính và giao thông.
Các nhà tư vấn phải dành thời gian khảo sát, lập bản đồ và xây dựng bộ sản phẩm; lên phương án thiết kế, tổ chức tham quan thực tế để chọn lựa mô hình, huấn luyện thực hành cầm tay chỉ việc theo bộ qui chuẩn của từng nơi (dựa theo tiêu chí của Tổng cục Du lịch). Nhà tư vấn phải đồng hành lâu dài với người dân, giúp họ vận hành, hỗ trợ tìm nguồn khách và bảo hành dự án.
Thay vì tài trơ tiền mặt hoặc vật dụng, thì chuyển thành chính sách vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí tư vấn, tham quan thực tế và huấn luyện. Đi học hay tham quan là cho mình. Làm homestay là làm kinh tế. Muốn bán được sản phẩm phải biết rõ nhu cầu của khách. Trải nghiệm nhưng chỗ ở lẫn nhà vệ sinh phải thoáng mát, sạch đẹp; kể cả bản làng. Ăn uống cũng phải cải tiến với nguyên liệu tại chỗ chứ không bê nguyên kiểu “mình ăn sao, khách ăn vậy”.
Nguyên tắc xây dựng homestay là “gieo hạt - ươm mầm - vươn nhánh - thành cây - thành rừng”. Phải đi từng bước. Chọn vài hộ tiêu biểu để triển khai. Làm nhà ngủ tập thể trước, mở rộng dần số lượng, các phòng riêng cùng những dịch vụ khác và không ngừng được hoàn thiện.
Mỗi vùng miền có nét riêng, từ thiết kế, nguyện vật liệu làm nhà đến sản phẩm, từ trang phục đến ẩm thực chứ không rập khuôn.
Phát triển homestay dựa theo nhu cầu thực tế của nguồn khách, đảm bảo tính hiệu quả việc thu hồi vốn và bài toán kinh doanh.
Năm 2017, mô hình homestay chuẩn ASEAN do Công ty Tư vấn, Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT tư vấn và huấn luyện, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cùng Đại học Griffth (Úc) giới thiệu tại hội nghị và phát hành trong sách “Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacific” (Quản lý Tăng trưởng và Quản trị Du lịch có trách nhiệm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương - Bản quyền 2017).
Khởi đầu từ 2013, các homestay trong hệ thống CBT hiện có mặt tại tám tỉnh phía Bắc, đang mở rộng ở miền Trung và miền Nam; đa phần ở vùng sâu, vùng xa. Năm 2018, đón 220.000 lượt khách lưu trú (70% nước ngoài), không kể tham quan hoặc ăn uống và dự kiến sẽ vượt con số 500.000 vào năm 2020. Chất lượng dịch vụ các homestay CBT chỉ tương đương 2 sao nhưng tinh thần phục vụ như 4 sao.
Các homestay trong hệ thống đều niêm yết giá dịch vụ công khai. Chỗ ngủ tập thể giá bình dân nhưng được đón tiếp bằng nước uống và ăn sáng buffet (đoàn 15 khách trở lên với giá 50.000 đồng/người). Nệm ngủ dày 2 tấc, có màn che, đèn ngủ và 2 ổ cắm điện riêng.
Một số homestay còn có hồ bơi sinh thái, phòng riêng, thậm chí phòng sixsense. Từng cụm homestay đều có bộ qui chuẩn và bộ sản phẩm du lịch đặc thù để chào bán. Nhân lực tại chỗ, được tận tình huấn luyện thực tiễn, cầm tay chỉ việc.
Đây là loại hình du lịch cộng đồng bền vững, trách nhiệm; bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa; gắn với xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo làng xã; được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tại Hội thảo quốc gia năm 2018 ở Lai Châu.
Homestay không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Homestay Minh Thơ (người Thái ở Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình) hoạt động từ năm 2013, đầu tư chưa tới 800 triệu đồng, gồm cải tạo nhà ngủ tập thể, nhà hàng và hồ bơi sinh thái (từ hồ cá). Năm 2018, cùng với ba homestay vệ tinh đón gần 20.000 lượt khách lưu trú.
Homestay Hoa Ếch (Sa Đéc, Đồng Tháp) đầu tư chưa tới 1 tỉ đồng, hoạt động từ 2017 và một năm sau đóng hơn 80 triệu đồng tiền thuế, gấp 40 lần so với trồng hoa và nuôi ếch trước đây.
Ưu thế homestay CBT là chuẩn dịch vụ, tình thần phục vụ, bộ sản phẩm du lịch, đặc biệt là nguồn khách khá ổn định từ các công ty lữ hành trong và ngoài nước.
Nhiều điển hình được khẳng định như homestay A Chu (người H’Mong ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La) được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu nhất 2108” và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng bằng khen.
Có những bản từng bị đe dọa xóa sổ vì ma túy như Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) nay trở thành “Vườn địa đàng hạ giới” vì cả bản không hút thuốc, không uống rượu, không tệ nạn và với các homestay sạch đẹp đến kinh ngạc, ăn đứt homestay của Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Các homestay đang lạm phát đại trà tự phát hoặc được tư vấn theo kiểu phong trào thì trước sau cũng xẹp. Từ 6 - 10/1/2020, đại học Griffth và UNWTO đã xác nhận cử các nhà học thuật đến khảo sát, thực địa và tọa đàm về mô hình homestay CBT. Sẽ có những điều chỉnh lý luận về homestay của thế giới từ kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam.
Nguyễn Văn Mỹ
Theo TheLEADER
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kinh-doanh-homestay-that-bai-vi-sao-a107981.html