"Đội ngũ của các bạn, dành 8-10 tiếng/ngày, thậm chí cả tuổi xuân đóng góp cho các bạn. Họ dành nửa đời người để đi làm với bạn, không lẽ bạn không lo được nhà, xe… cho người ta?", Chủ tịch HĐQT TGDĐ Nguyễn Đức Tài bày tỏ. Thế giới Di động khởi nguồn quản lý con người bằng Pháp trị, sau bổ sung Kỹ trị để nâng cao hiệu suất, và sau cùng dùng Nhân trị, lấy cái tâm đối đãi với người lao động để đưa doanh nghiệp hướng tới sự trường tồn…
Tại hội thảo "Tinh hoa tam trị - Ứng dụng tư duy Nhân trị - Pháp trị - Kỹ trị vào điều hành và phát triển doanh nghiệp" do JCI Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ: Nhìn lại câu chuyện vận hành 15 năm của doanh nghiệp, các phương thức quản lý, quản trị đều được đưa vào một cách tự nhiên.
Cách quản lý "tam trị" của Thế giới Di động
Tam trị là tư duy quản trị được dùng trong trị quốc xưa nay gồm Nhân trị (lấy nhân nghĩa làm gốc), Pháp trị (lấy nguyên tắc, luật lệ làm gốc) và Kỹ trị (lấy khoa học kỹ thuật làm gốc).
Năm 2004, khi Thế giới Di động (MWG) mới thành lập, Pháp trị được sử dụng chính yếu. Để chuẩn hóa trong vận hành thuở sơ khai, Thế giới di động đưa ra các quy trình, các hướng dẫn, các quy định, nội quy để nhân viên tuân thủ. Phong cách quản lý lúc đó được ông Tài tóm gọn lại là "rất nhiều quy định" và "cứ làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt".
"Mới ra kinh doanh thì tôi rất hơn thua, luôn quan niệm "The winner takes it all" (tạm dịch: Người chiến thắng sẽ có tất cả)", ông Tài chia sẻ.
Khi quy mô kinh doanh tăng lên, Kỹ trị vào cuộc gánh vác một phần Pháp trị. Công nghệ, máy móc được đưa vào để gánh vác những công việc lặp đi lặp lại, mức tải cao và nếu để con người làm có thể mắc sai sót nhiều.
Đến năm 2009, nhân sự Thế giới di động chia làm 2 phe rõ rệt: Một phe luôn trăn trở làm sao để doanh nghiệp này phát triển, một phe chỉ mưu cầu làm việc tử tế để cuối tháng nhận lương.
"Chỉ có NHÂN TRỊ mới giúp xây dựng được một đội ngũ đoàn kết yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau để làm được việc lớn", ông Tài đúc kết.
Tuy nhiên, khi đưa lời khuyên cho gần 1.000 bạn trẻ dưới khán phòng, ông Tài cho rằng không cần cố gắng phân biệt, tách bạch 3 phương thức ấy, cái quan trọng là ai sẽ là người hưởng lợi nếu chúng ta áp dụng phương thức quản lý này.
"Đối với tôi, mọi thứ diễn ra khá tự nhiên. Đôi khi các bạn không cần phải đi học nhiều, bởi kinh doanh sẽ đặt ra bài toán cho các bạn giải. Vấn đề là các bạn giải theo kiểu nào. Nếu các bạn giải theo kiểu chộp giật, ăn xổi ở thì, các bạn muốn trồng cây ngắn ngày, thì 3 tháng sau bạn chỉ có một vườn cải bắp".
"Còn nếu bạn sẵn sàng đầu tư cho tương lai để giải bài toán theo kiểu lâu dài, thì cái nhận lại là một khu vườn mà các bạn sẽ thu hoạch lâu dài", ông Tài nói.
"Phần lớn người Việt thích giải toán theo kiểu ngắn hạn"
"Phần lớn người Việt hay giải bài toán theo kiểu ngắn hạn. Tôi từng thấy có doanh nghiệp trong ngành này có 100 cửa hàng mới xây dựng hệ thống quản trị. Mọi thứ trước đó được dùng Excel, gửi email sang nhà cung cấp đặt hàng… Trong khi đó, chúng tôi mở cửa hàng thứ 2 đã đặt nền móng để xây dựng hệ thống quản trị rồi", ông Tài nói.
Có những câu chuyện khá hài hước trong ngành kinh doanh bán lẻ giữa người dẫn đầu (leader) và những kẻ theo sau (followers).
Họ thấy chúng tôi lên Buôn Ma Thuột đặt cửa hàng, họ cũng lên đó đặt bên cạnh. Chúng tôi có mục tiêu để test hệ thống quản trị từ xa. Không hiểu theo tôi lên đó làm gì khi chỉ quản trị bằng Excel?
Ví như chuyện mở cửa hàng. Cửa hàng thứ 7 của Thế giới Di động được lựa chọn đặt ở Buôn Ma Thuột. Lý do là họ muốn kiểm tra hệ thống quản trị từ xa. Nhưng các đối thủ không hiểu nguyên nhân sâu xa mà cứ thế lên Buôn Ma Thuột đặt cửa hàng bên cạnh.
"Vì sao chúng tôi đặt cửa hàng ở đấy? Nó rất xa xăm, không thể sáng đi chiều về, để mấy em ở trung tâm không thể lên đó tác động gì hết. Lúc đó, thời cuộc đặt ra cho chúng tôi bài toán phải quản trị từ xa như thế nào. Chúng tôi cố gắng giải những bài toán rất sơ khởi cho một doanh nghiệp với hướng nhìn sẽ xây một chuỗi rất lớn mạnh trong tương lai. Chỉ có điều, những người khác không hiểu".
"Họ thấy chúng tôi lên Buôn Ma Thuột đặt cửa hàng, họ cũng lên đó đặt bên cạnh. Không hiểu theo tôi lên đó làm gì khi chỉ quản trị bằng Excel? Chúng tôi có mục tiêu để test hệ thống quản trị từ xa. Nhưng họ không hiểu, cũng cứ cố đặt cửa hàng lên đấy", ông Tài kể lại.
Ông Tài cho biết bản thân Thế giới Di động mắc rất nhiều sai lầm, và điều hài hước là những người khác cũng bắt chước theo những sai lầm đó.
"Về việc bán phụ kiện, nếu vô cửa hàng các bạn thấy ốp lưng của chúng tôi nhiều lắm, nhưng hiện nay đang bị lỗi rất lớn là các ruột khác nhau, nhưng cái vỏ ngoài rất giống nhau, bởi chúng tôi làm biếng. Suốt một thời gian dài chúng tôi mắc sai lầm đó. Giờ chúng tôi làm lại là ruột bên trong có thể giống nhau, nhưng vỏ ngoài phải khác nhau, để mặt hàng phụ kiện trông phong phú đa dạng".
"Nhưng những người theo sau chúng tôi đang làm đúng những việc chúng tôi đã mắc sai lầm. Rõ ràng chúng tôi hiểu rất rõ mình đang làm cái gì, và đang điều chỉnh cái gì, nhưng người khác cứ làm theo sai lầm của chúng tôi và không học được gì từ những cái đó", ông Tài chia sẻ.
Quay trở lại câu chuyện tam trị, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho rằng không cần thiết phải đi học nhiều, hay cần phải tách bạch chuyện dùng phương thức gì, chỉ cần mọi thứ xuất phát từ tâm.
Một phong cách Pháp trị từ tâm sẽ khác với một phong cách Pháp trị giới hạn không được đi toilet 2 lần trong một ca làm việc. Một phương thức Nhân trị từ tâm sẽ đưa ra những chính sách đãi ngộ từ tâm, chứ không phải đưa ra những "chiêu trò", "kỹ thuật" để giữ người.
"Các công ty nhân sự sẽ dạy các bạn rất nhiều "chiêu" để giữ người, chúng tôi thì không", ông Tài nói. Ông cho rằng trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Bởi khi đó, quan hệ giữa ông chủ và nhân viên sẽ trở thành một quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.
Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò, và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.
"Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh", ông Tài nói.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ