Las Vegas là một viên kim cương hoàn mỹ, tỏa sáng trong thế giới xa hoa của tầng lớp giàu sang. Thành phố xinh đẹp này có tất cả - từ ánh đèn neon rực rỡ muôn màu, bảng hiệu sáng ngời hấp dẫn đến những sòng bạc xa xỉ thu hút vô số tay bạc phú hào.
Nhưng ít ai biết được rằng, có một thế giới hoàn toàn đối lập chỉ cách cuộc sống sôi động hào hoa bên trên vỏn vẹn 7,6 m.
Trong các đường hầm dưới lòng đất, hàng trăm người vô gia cư phải vật lộn với điều kiện khắc nghiệt từng ngày, từng giờ để sinh tồn.
Sự nghiệt ngã của cuộc sống bên dưới "thánh địa" casino đã được ngôi sao "web người lớn" Jenni Lee vén màn bí mật, bởi cô chính là một phần trong cộng đồng dân cư ở đây.
Có khoảng 1.000 người vô gia cư phải lang thang tìm thức ăn trong thùng rác và lượm lặt những đồng tiền mà các "ông chủ" mới thắng cờ bạc vui vẻ quẳng cho.
Nhóm người này được gọi là "cư dân chuột chũi", vốn là những người làm việc quần quật cả ngày cũng không đủ tiền mua nhà, dân mê đỏ đen và cả vài người nghiện ma túy.
Họ chia nhau "chiếm đóng" 3 nhánh đường hầm riêng biệt dựa vào các đặc điểm trên, sống cuộc đời "nước sông không phạm nước giếng".
Thế nhưng, họ vẫn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm như bệnh dịch do sống chung với lũ chuột bẩn thỉu, vết thương do nhện độc cắn hay thậm chí chết đuối vì đường ống xả nước.
Với một thành phố náu mình trong sa mạc Nevada, các cơn mưa lớn hầu như không có cơ hội xuất hiện.
Song, từ thập niên 80 đến nay, kênh xả lũ dài hơn 965 km đã được chứng minh có thể chứa mực nước dâng cao 0,3 m /phút trong cơn bão, với tốc độ nước chảy xiết khoảng 11 - 13 m/s.
Năm 2016, một trận lũ quét đã cướp đi sinh mạng của 3 người, trong đó có Sharon, người từng xuất hiện trong một bộ phim tài liệu trên YouTube vào năm ngoái.
Hài lòng với mớ hỗn độn dưới đường hầm
Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt đó, Craig, một cư dân khác sống dưới đường hầm, lại khẳng định cuộc sống ở đây vẫn có nhiều điểm thuận lợi: "Tôi không muốn làm dân vô gia cư ở đâu khác ngoài đường hầm này.
Chúng tôi hoàn toàn bị lãng quên ở Las Vegas".
Lối vào đường hầm có vẻ rộng và cao ráo, nằm ngay bên dưới một đường cao tốc nhộn nhịp, nhìn ra phía sau là cả một sòng bạc đồ sộ 40 tầng, ánh đèn nhấp nháy sáng rực không ngớt.
Thế nhưng, mới xuống sâu thêm vài mét, ai cũng phải sốc với sự thay đổi quá bất ngờ: không gian ẩm ướt, tối tăm, nền đất trải đầy mảnh thủy tinh lởm chởm, chai lọ chứa nước tiểu và đệm nằm bị mọt gặm tơi tả nằm trên các thùng nhựa McDonald cũ.
Các vách tường ở đây được tô vẽ sặc sỡ bởi đủ loại graffiti và tác phẩm nghệ thuật.
Trong đó, có người còn vẽ cả dòng chữ "Chúa không sống ở đây. Chỉ có tôi thôi" và "Quỷ dữ đứng đó, thấm thía sự cay nghiệt của tấm lòng nhân hậu".
Chính quyền địa phương đã ban hành luật cấm quyên tặng thức ăn cho người vô gia cư, song họ vẫn tìm được thực phẩm nuôi sống mình như xúc xích, bánh mì, trái cây đóng hộp và mì pasta bằng cách lục lọi thùng rác.
Một số người dùng thùng nhựa giữ lạnh để ngăn không cho lũ chuột động đến thức ăn, trong khi số còn lại đốt lửa để xua đuổi lũ chim ăn xác chết.
Nhà báo Matt O’Brien, người chắp bút nên kịch bản bộ phim về cư dân sống trong đường hầm Beneath The Neon, đã quay một video phỏng vấn người vô gia cư ở đây.
Craig cho biết anh phải chôn thức ăn dưới nền đất đầy bụi bặm, bởi đây là nơi duy nhất đủ lạnh để giữ thức ăn không bị hỏng quá nhanh.
Anh cũng vui vẻ khoe chiếc ghế nhựa sạch và balo mới toanh mình tìm thấy trong thùng rác. "Craig đúng là bậc thầy tìm kho báu trong đó đấy", Matt nói.
"Anh ấy mà sống trong một căn hộ thì cũng sẽ moi đồ nội thất từ trong thùng rác ra để trang trí".
Nghiện ma túy là một vấn đề đau đầu với các cư dân đường hầm. Họ được chia hẳn 3 nhánh riêng biệt dành cho những người nghiện, tùy thuộc vào việc họ không thể sống thiếu chất gì - heroin, crack hay meth.
Song, không phải ai chấp nhận sinh sống dưới hầm đều là con nghiện.
Có nhiều cặp đôi túng thiếu đã phải cố gắng sắp xếp không gian sống của mình sao cho giản dị nhất. Steven và bạn gái của anh, Kathryn, trang hoàng cho "ngôi nhà" 400m² của họ với một chiếc giường đôi, tủ quần áo và cả kệ sách.
Nhiều "chủ nhà" khác lại tìm được nguồn cảm hứng từ những vật dụng mà sòng bạc bỏ đi. Một cô gái đã dùng kệ chứa cốc để làm giá để vật dụng linh tinh trong "phòng tắm".
Mọi người phải tắm rửa bằng nước chứa trong xô chậu, nhưng hoàn toàn không có toilet. Hoàn cảnh này khiến điều kiện vệ sinh xuống thấp đến mức trầm trọng.
Một người dân đã phải chuyển sang nơi ở mới sau khi phát hiện "hàng xóm" dựng lều kế bên ngang nhiên "giải quyết nỗi buồn" tại chính nơi mình ngủ.
Chỉ tính riêng năm 2018, hơn 42 triệu du khách đã đổ về Las Vegas để thỏa mãn niềm vui đánh bạc, tiêu tốn xấp xỉ 4,9 tỷ USD.
Với những con bạc hào phóng, vài ba đồng lẻ cho người vô gia cư và ăn mày vốn chẳng đáng là bao.
Một số cư dân đường hầm thường xuyên lẻn vào sòng bạc để lừa đảo bằng cách rút trộm tiền của các "đại gia" say xỉn hoặc nhặt đồng token vung vãi trên bàn.
Nơi tá túc của những người mất nhà vì mưa lũ
Đường hầm cũng là chốn dung thân của rất nhiều tay nghiện cờ bạc nghèo túng. Nattrour (54 tuổi), cựu tài xế xe tải, chia sẻ: "Cuộc sống quá áp lực khiến tôi mệt mỏi vô cùng.
Tôi còn chẳng dám uống rượu bét nhè, chỉ gọi một ly cocktail để nhấm nháp. Nhưng chẳng hiểu vì sao mà tôi đánh bạc nữa. Tôi tốn 60 USD (1,4 triệu VND) để phê pha một tí, sau đó nướng sạch 600 USD (14 triệu VND) vào sòng bạc".
Lori Flores đã cai nghiện thành công và điều hành trung tâm hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong sòng bạc. Chia sẻ về người vô gia cư, cô cho hay: "Vì hầu như đã chạm đáy xã hội nên họ chẳng còn tiếc hy sinh thứ gì nữa.
Có lẽ trong thâm tâm họ luôn cho rằng chỉ cần tiêu sạch 5 USD vào casino, vận may sẽ đẩy đưa giúp họ thắng được số tiền gấp 20.000 lần như thế.
Đến lúc ấy, cuộc sống của họ sẽ trở về quỹ đạo, sẽ được đoàn tụ cùng vợ con, mua lại căn nhà mình đã mất. Tiếc rằng đó không phải sự thật".
Tuy nhiên, không phải ai sinh sống trong đường hầm đều chịu cảnh thất nghiệp. Một số công nhân toàn thời gian bị mất nhà cửa sau vụ khủng hoảng năm 2012 và không chịu nổi giá thuê tăng cao cũng đã dọn đến nơi này.
John Aitcheson (59 tuổi), nhân viên cửa hàng tiện lợi, cho biết: "Tôi có thể đi thuê nhà, nhưng rồi tiền lương sẽ đổ hết vào đó, cộng thêm tiền mua thức ăn, hóa đơn điện nước.
Đến khi có chuyện bất trắc, tôi sẽ chẳng có khoản dành dụm nào để chi trả".
Trung bình, sa mạc Nevada chỉ đón 21 ngày mưa trong suốt cả năm, nhưng mưa lớn sẽ có nguy cơ khiến những người khốn khổ này mất hết tất cả.
Matt chia sẻ: "Những trận mưa lớn thật sự rất nguy hiểm. Có nhiều người đã biết trước khả năng xảy ra mưa bão, họ thông báo cho bạn bè gần đó và cuốn gói đồ đạc có giá trị mang đi lánh nạn là xong".
Richard Ethridge và vợ Cynthia Goodwin vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhớ lại quãng thời gian sống chung với dòng nước lũ.
Tất cả số vật dụng ít ỏi của hai vợ chồng, kể cả chiếc giường xập xệ, đều bị cuốn phăng theo con nước chảy xiết.
Dòng nước gào thét cuốn qua suýt nữa đã giết chết người vợ yêu quý của Richard. "Tôi cứ ngỡ mình đã mất cô ấy", người đàn ông 43 tuổi bần thần.
"Khi ấy, vợ tôi đang loay hoay tìm cách giữ lại chiếc xe đạp để đi làm. Sức nước mạnh đến nỗi mài rách lốp xe phía trước".
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Richard và Cynthia. Năm 2015, Sharon quyết định dọn đến đường hầm để chiều ý người yêu Jazz: "Lúc đầu, tôi cho là nơi này sẽ rất bẩn, đầy chất thải và rác rưởi.
Nhưng khi đến nơi, tôi bắt đầu nghĩ 'Ồ, chỗ này cũng không quá tệ'. Dù sao thì đó cũng là nơi mà Jazz đã chọn, tôi hoàn toàn ủng hộ anh ấy".
Chẳng ngờ, đến tháng 6/2016, cô lại thiệt mạng trong một cơn lũ quét qua đường hầm. Xót thương người yêu đã chết, Jazz dùng sơn vàng để phun dòng chữ "Nơi an nghỉ của Sharon, 6-30-2016" ngay cạnh căn lều nơi anh ngả lưng mỗi tối.
Giờ đây, chàng trai trẻ đã vượt qua nỗi đau sau cái chết của người yêu và thừa nhận nỗi mất mát này: "Có vài khoảnh khắc tuyệt diệu hơn bình thường, cũng có nhiều ngày ta chợt nhận ra ánh mặt trời rực rỡ hơn".
Saostar