Một bước sai hướng còn tốt hơn đứng yên tại chỗ suốt cả cuộc đời. Một khi tiến lên phía trước, bạn có thể chỉnh lại phương hướng khi bạn đi.
Thời gian của bạn có hạn, đừng lãng phí để sống cuộc đời của người khác, đừng sống bằng suy nghĩ của những người khác. Và điều quan trọng nhất, hãy dũng cảm đi theo sự mách bảo của trái tim và trực giác của mình. Chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Những điều khác chỉ là thứ yếu.
Chuyện kể rằng, một ngày nọ, người thầy gọi anh học trò đến và bảo rằng anh hãy vẽ một bức tranh thật đẹp, sau đó mang nó ra đặt giữa quảng trường, kèm theo lời nhắn: “Hãy chỉ cho tôi xem bức tranh này còn khiếm khuyết chỗ nào bằng cách lấy bút và mực đặt sẵn mà đánh dấu vào. Tôi rất cảm ơn!”.
Một ngày sau, người học trò quay lại thì thấy bức tranh của mình chi chít những nét đánh dấu khuyết điểm của bức tranh. Người học trò buồn bã mang bức tranh về cho thầy xem. Người thầy hiểu ý, liền bảo học trò về hãy vẽ một bức tranh khác, sau đó cũng mang ra quảng trường đặt ở vị trí cũ kèm với lời nhắn: “Nếu bức tranh có chổ nào khiếm khuyết, xin hãy sửa nó lại dùm tôi”. và anh cũng đặt đầy đủ bút, mực bên cạnh.
Một ngày sau, người học trò quay lại để xem bức tranh của mình thế nào thì rất bất ngờ vì bức tranh vẫn không có gì thay đổi.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người sẵn sàng cho chúng ta lời khuyên một cách thoải mái mà chẳng mấy ai chịu trách nhiệm với lời khuyên của họ. Vậy mà có đôi khi chúng ta lại nghe theo những lời khuyên đó để rồi tự mình phải gánh lấy hậu quả.
Câu chuyện này cũng như việc đẽo cày giữa đường. Khi chiếc cày và công việc đẽo cày không phải của mình, thì ai cũng có thể góp ý, đưa ra lời khuyên mà không lo đến hậu quả cuối cùng. Còn bạn, chính là chủ bức tranh, là chủ cái cày, bạn cũng chính là người đã vẽ nên bức tranh, là người phải đẽo cái cày cho mình, thì bạn có quyền lựa chọn những lời khuyên hữu ích.
Trước hết, hoặc ra chúng ta hãy làm theo ý kiến của bản thân mình, làm theo những gì lý trí và con tim mình mách bảo. Hoặc là chúng ta hãy tìm cho mình một người CỐ VẤN tốt.
Người ta không thể cho người khác cái mình không có, nên trước khi tham khảo ý kiến một ai đó. Do vậy, chúng ta cần tìm đúng người, đúng chỗ để nhờ tư vấn cho vấn đề gặp phải nếu cần. Chúng ta không thể mang chuyện quản trị một doanh nghiệp ra hỏi một anh bạn họa sĩ, hay cũng không thể mang việc nhờ tư vấn sửa chữa nhà cửa ra hỏi cô giáo trong làng, cũng không thể mang việc sửa chữa cái máy tính của bạn qua hỏi ông thầy thuốc đầu ngõ...
Những thứ mà bạn phải vất vả để làm ra được, đừng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Hãy tự đánh giá mình. Và tất nhiên, cũng đừng bao giờ đánh giá người khác quá dễ dàng.
Chuyện kể rằng, tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST” - có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt bí mật này. Tuy thế, trong tâm trí anh, nỗi nhục nhã và ám ảnh về vụ trộm năm đó vẫn đeo bám dai dẳng. Mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” anh đều giật mình xấu hổ và lảng tránh.
Còn người em, anh tự nhắc nhở bản thân mình rằng, cần phải lấy lại niềm tin của những người xung quanh, của làng xóm láng giềng nơi anh ở và của cả chính anh. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.
Năm tháng trôi qua, ngày kia, có một người lạ mặt qua làng, thấy vậy liền hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint)”.
“Ai cũng có những lúc mắc phạm sai lầm, nhưng quan trọng hơn chính là sửa chữa được sai lầm đó. Mỗi người, ai cũng cần phải học cách bao dung và cho người khác cơ hội sửa sai, nếu ích kỉ mà dẫn đến thiếu lòng vị tha thì chúng ta cũng chỉ mắc sai lầm giống kẻ phạm lỗi mà thôi”.
Cuộc sống như 1 viên đá, chính bạn là người quyết định để viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc sáng. "Đến một ngã rẽ cuộc đời, chính bạn phải quyết định: Hoặc bạn đóng vai nạn nhân và sống 1 cuộc sống không trọn vẹn hoặc bạn tận dụng cơ hội to lớn này để vươn lên" – Tustus Ute Lawrence.
Theo Trí thức trẻ