Tâm sự của một "cú đêm": Thức đến 5 giờ sáng liên tục trong 5 năm trời, đây là những gì tôi nhận ra về việc thức đêm

Thức đêm rất phù hợp cho những hoạt động tích luỹ như đọc sách, nghiên cứu, làm việc, thế nhưng khi nó thành thói quen, thức đêm sẽ khiến bạn "lệch sóng" với cả xã hội xung quanh.

Người ta vẫn thường liên tưởng thức đêm tới thói quen xấu , một thứ vừa ảnh hưởng tới sức khoẻ lại vừa ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường. Thế nhưng, đối với nhiều người, thức đêm lại là khoảng thời gian hoàn hảo với một số người để làm việc, tích luỹ hay thậm chí nghỉ giải lao.

Tôi chính là ví dụ, một người đã thức đêm đến 5 giờ sáng trong vòng 5 năm trời. Vậy, thức đêm thật sự mang lại những gì cho chúng ta?

Đêm thật sự không dài như người ta vẫn hay nói

Buổi đêm, thị lực con người không tốt như buổi sáng thế nên chúng ta mặc định nó là thứ không tốt, đấy là lý do vì sao những thứ kì dị luôn diễn ra vào buổi đêm. Nhưng, sự thật có phải thế?

Người ta vẫn hay có câu "thức đêm mới biết đêm dài...", thật ra những người thức đêm điều hiểu, thời gian chẳng có mấy khác biệt cho dù vào buổi sáng hay ban đêm. Điều quan trọng là bạn làm những gì, tận dụng khoảng thời gian đó ra sao.

Có nhiều người thức đêm để chơi game, học bài, thư giãn hay nhiều công việc khác. Đối với bản thân tôi, đêm là khoảng thời gian duy nhất trong ngày tôi có cho chính bản thân mình. Ngoài thời gian dành cho công việc, gia đình, xây dựng các mối quan hệ, tôi chẳng còn nhiều thời gian để dành cho bản thân.

Vậy, tôi làm những gì vào buổi đêm? Có lẽ ai đó sẽ thắc mắc, khi Trăng lên, đêm xuống, đó chính là khoảng thời gian tôi đầu tư để làm những thứ còn thiếu trong ngày.

Đọc sách thật tuyệt khi đêm xuống

Tuy nhiên, hãy chú ý vào ánh sáng để đọc vào ban đêm, thường thì tôi vẫn để đèn sáng trưng để không làm hại cho mắt.

Một không gian yên tĩnh, ừ thì đôi lúc cũng có tiếng mấy chiếc xe chạy vội trên đường hay tiếng ếch nhái, côn trùng râm ran trong tán cây. Thậm chí, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa, mèo kêu đâu đó, thế nhưng nó chẳng là gì, sự yên tĩnh của buổi đêm khiến chúng ta tập trung hơn vào mọi thứ.

Nếu một ngày tôi không có việc gì để làm hoặc không có thứ gì để tìm hiểu thêm (vấn đề này sẽ được tiếp tục phía dưới) tôi sẽ lôi sách ra đọc. Lựa chọn về sách thì tuỳ thuộc vào mỗi người, thế nhưng vào ban đêm, khi sự tập trung của chúng ta lên đến mức đỉnh điểm thì ngâm mình vào những cuốn chuyện tình cảm ngôn tình 3 xu sẽ thật là phí phạm. Nếu muốn thử nghiệm, hãy đọc những cuốn sách có tính học thuật trong đêm, bạn sẽ bất ngờ vì khối lượng thông tin "ngấm" vào đầu mình nhiều hơn đáng kể.

Nhưng, có lẽ nó sẽ không đúng với nhiều người, đến tầm 1 hoặc 2 giờ sáng đa số chúng ta mắt đã mờ hết cả rồi nên đây là thứ chỉ những người thức đêm dài hơi mới cảm nhận nổi.

Quá trình đọc sách không hề bị phân tán, chẳng có ai làm phiền khi bạn đọc sách, chẳng có email nhắc việc nào đột nhiên nảy lên giữa đêm khiến nhịp đọc bị chen ngang, tất cả là một trải nghiệm liền mạch, luồng thông tin trôi chảy được chúng ta dung nạp vào đầu.

Tất nhiên, có những lúc mỏi mắt hoặc đến phân đoạn nào quá khó hiểu, dừng lại một chút chẳng là vấn đề gì to tát, tìm hiểu thêm, ngẫm nghĩ một chút và bạn sẽ hiểu vấn đề hơn.

Đêm là khoảng thời gian lý tưởng để bổ sung kiến thức

Quan trọng nhất vẫn là sự tập trung mà buổi đêm mang lại, bất kì thứ gì bạn làm cũng tập trung hơn, hiệu quả hơn.

Làm việc trong môi trường mở, tiếp cận lượng thông tin mới liên tục, trong ngày làm việc có rất nhiều thứ khiến tôi tò mò, thậm chí đến cả những thứ dở hơi như cái máy in hoạt động ra sao, gửi email thế nào cho hiệu quả... những thứ khiến tôi ấm ách khi chưa tìm hiểu được. Ban đêm chính là khoảng thời gian để tôi thoả mãn sự tò mò, mở mang kiến thức bản thân.

Trong ngày làm việc, đây là thứ không thể thực hiện nổi. Làm sao có thể bỏ ra vài giờ đồng hồ nghiên cứu về máy in hay cách viết email mà không lo deadline ngập mặt? Sự tập trung để tìm hiểu cũng chẳng còn khi đôi lúc lại có tiếng trò chuyện, đập bàn đập ghế trong văn phòng?

Và rồi, đêm đến...

Chúng ta đang được sống trong một kỉ nguyên của thông tin, khi mà kiến thức có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet. Hãy để những thứ tò mò, bí ẩn khiến bạn khó chịu và rồi giải đáp chúng, bạn sẽ bất ngờ vì những lợi ích mà nó mang lại.

Chẳng bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ chụp được ảnh hoặc đơn giản là biết dùng máy, thế nhưng sau khoảng thời gian tìm tòi thì những tấm hình tôi chụp ra trông cũng tạm được, không quá tệ.

Chuyện bên lề, ngày xưa tôi rất thích những người chụp ảnh, tôi dành ra hẳn cả tháng (tất nhiên vào buổi đêm) để nghiên cứu về đủ thứ liên quan tới máy ảnh, từ việc nó hoạt động ra sao, màn trập rồi gương lật là gì, ống kính này chụp tốt ra sao, khẩu độ rồi đủ thứ hầm bà lằng này ảnh hưởng thế nào tới hình ảnh?

Ừ, người khác cho rằng tôi thừa thời gian, thừa hơi đi tìm hiểu những thứ chẳng liên quan, vài lúc tôi cũng nhận thấy mình đúng là "dở" thật. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi khi tôi có trong tay chiếc máy ảnh, luyện tập nó tốt hơn và rồi thậm chí kiếm được chút tiền nho nhỏ từ nó.

Bạn thấy gì chứ? Mọi thứ xung quanh chúng ta đều là cơ hội, bất kì thứ gì bạn biết sẽ mở rộng khả năng nắm bắt cơ hội của bản thân. Giả sử xung quanh nơi bạn làm việc đang rất cần một người biết sửa máy tính, tại sao không học hỏi để có thể làm được thứ này? Đừng bao giờ khinh thường những thứ nhỏ nhặt bởi nó luôn là khởi nguồn của những điều to lớn, hãy cứ rèn luyện, tích luỹ và đến một ngày biết đâu thành công sẽ tới với bạn từ những thứ không ngờ.

Đêm là để dành cho những công việc khó

Hôm nào sếp vui tính, sẽ giao cho tôi những đầu việc cực khó nhằn, những thống kê oái ăm hay phải phân tích những vấn đề phức tạp. Tôi chẳng dại gì làm nó trên văn phòng, xin sếp "trả bài" muộn và rồi dành cả đêm ra để ngấu nghiến vấn đề đó.

Một lần nữa, sự yên tĩnh, tập trung của buổi đêm làm vấn đề nhẹ gánh hơn. Ở nhà tôi có thể bày cả đống tài liệu xung quanh mình, lấy bảng ra làm bản đồ tư duy và rồi phân tích vấn đề từ những khía cạnh cơ bản nhất. Có lần tôi thử làm nó trên văn phòng, kết cục không ra gì đâu nên nếu có thể hãy làm nó ở nhà.

Kết quả ra sao?

Tôi hiểu hơn về vấn đề phức tạp mà sếp giao, tất nhiên rồi. Đưa ra được một số giải pháp giải quyết vấn đề này và lên kế hoạch thực hiện nó (hoặc làm luôn nếu có thể), những đầu việc yêu cầu kết nối, liên hệ tôi sẽ thực hiện nó vào ngày hôm sau trong giờ làm việc. Nó giống như những bộ phận của một cái máy lớn, chúng ta làm phần khung cho nó vào buổi đêm, những chi tiết quan trọng cũng vào buổi đêm và sau đó kết nối chúng, khiến chúng hoạt động vào ban ngày.

Không biết mọi người thế nào, ban đêm có vẻ tôi thông minh hơn, suy nghĩ mạch lạc hơn (cũng có thể tôi tưởng tượng ra thế) nhưng những thứ trong giờ làm việc tôi chẳng thể nào thực hiện nổi, đêm là thời điểm tuyệt vời để tiếp cận nó.

Thói quen thống kê ngày làm việc

Thường thì vào buổi đêm, tôi sẽ liệt kê ra những gì mình đã làm được trong ngày (suy nghĩ thôi, viết được ra giấy thì càng tốt) sau đó tìm những gì yếu kém hoặc chưa làm tốt, khắc phục, tìm hiểu thêm về nó. Sau tất cả, lên dự định cho ngày hôm sau, mình sẽ làm những gì, nói những gì, nếu có gì xảy ra giải quyết ra sao?

Kết quả là trong ngày làm việc tôi không mất nhiều thời gian để nghĩ xem mình phải làm gì tiếp theo. Có nhiều người thực hiện điều này vào buổi sáng, thế nhưng với tôi nó không đúng lắm, đi đường nhiều khi tắc quá quên mất luôn mình đã nghĩ những gì.

Sự thống kê này giúp một ngày làm việc của tôi trôi chảy hơn, mạch lạc hơn, những khó khăn đều đã có kế hoạch hoặc "back-up" nên nó không làm tôi mất nhiều thời gian. Chỉ có điều, thức đêm khiến tôi chẳng thể nào đi làm đúng giờ... và còn rất nhiều vấn đề khác.

Vậy, thức đêm có những tác động tiêu cực nào?

Việc đi làm đúng giờ thật phức tạp

Thò đầu vào văn phòng khi tất cả mọi người đã đến đủ và đang làm việc là một thứ rất tệ, tin tôi đi tôi đã thử đến cả nghìn lần rồi.

Đầu tiên, đó chính là việc giờ giấc đi làm, thức đêm khi trở thành thói quen sẽ rất khó để sửa được. Thật ra, nếu quyết tâm thì cái gì cũng làm được thôi, thế nhưng sếp hay có kiểu "ngày mai đi làm sớm", nói thật là chẳng thể nào đổi nhanh được thế. Một quá trình, thói quen "hơi xấu" được xây dựng trong khoảng thời gian dài không phải một sớm một chiều có thể lật ngược tình thế.

Ừ thì tôi cũng đã thử vài phương pháp giúp đi ngủ nhanh hơn, dễ hơn, thử thức trắng một hôm để đảo đồng hồ sinh học hay uống vài loại trà giúp dễ ngủ... Bạn biết sao không? Nó chỉ là giải pháp tạm thời, thói quen vẫn là thói quen, vài hôm sau đâu lại vào đấy.

Tôi có tiếc vì đã thức đêm không? Nói thật là không, tôi thấy mừng hơn là đằng khác, quá trình thức đêm kéo dài đã giúp tôi tích luỹ được những thứ mình chẳng bao giờ ngờ tới. Đổi những kiến thức tôi đã, đang và sẽ có cho việc đi làm sớm, được sếp cùng các đồng nghiệp yêu mến? Không, cám ơn, tôi thích kiến thức hơn.

Cân nặng quá thất thường

Có nhiều người thức đêm tăng cân, ngược lại tôi lại giảm cân. Người ta hay thức đêm rồi đói, rồi ăn, thế thì sao mà giảm được? Trong đêm tôi tập trung vào những thứ khác, có đói thì cũng kệ thôi thế nên cân nặng ngày càng giảm. Thức đêm nhiều khiến mặt chẳng thể béo được, ai gặp cũng bảo trông chẳng khác gì bộ xương, các vấn đề về sức khoẻ khác cũng bắt đầu kéo nhau tới.

Từ khi thức đêm, tôi bắt đầu bị đau dạ dày, cái cảm giác khó chịu và cực kì đau đớn mà chẳng làm thế nào xử lý được. Bác sĩ có nói muốn đỡ thì nên giảm thức đêm và hạn chế suy nghĩ quá độ, tôi có thể sẽ phải bỏ thức đêm để không bị đau dạ dày vì nó kinh khủng lắm.

Những gì diễn ra trước 10 giờ, tôi hoàn toàn không kiểm soát được

Làm việc và sinh hoạt khác người cũng là một thứ RẤT TỆ! Nó khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều thứ trong cuộc sống.

Hôm nào có buổi họp vào 8 giờ chẳng hạn, ngày trước đó tôi phải thức trắng đêm. Kể cả có không làm gì, nằm lên giường từ 12 giờ tôi cũng chẳng thể nào ngủ được để chuẩn bị cho buổi họp vào sáng mai, đó là thứ tệ hại của việc thức đêm. Bình minh của tôi bắt đầu vào 9 hoặc 10 giờ và tôi bỏ lỡ tất cả những gì diễn ra trước đó.

Điều này không những khiến ảnh hưởng tới công việc mà đôi khi còn với nhiều mối quan hệ. Nhớ có lần một đứa bạn thân sang nước ngoài sống vài tháng, mọi người rủ nhau đưa người này ra sân bay chào tạm biệt. Ừ, 6 giờ sáng có mặt... tất nhiên là tôi không làm được và từ đó tới nay tôi vẫn dằn vặt bản thân về hành động này, tình cảm bạn bè cũng có phần rạn nứt đôi chút sau sự cố "nho nhỏ" đó.

Có thể bạn sẽ thắc mắc, tôi thức đến 5 giờ mới ngủ nhưng 9,10 giờ đã dậy, chẳng phải tôi ngủ quá ít sao? Không, thế là vừa đủ với bản thân tôi, khoa học cũng chứng minh rồi, ngủ 4 đến 6 tiếng là vừa đủ cho người lớn, chỉ có trẻ con mới phải ngủ 7,8 giờ thôi. Hơn nữa, tôi có một quan niệm cho mình, đó là thời gian có hạn, giờ thì tiết kiệm được chút nào hay chút ấy.

Kết

Nhiều khi tôi ước một ngày có nhiều hơn 24 giờ, nếu để chính xác là 29 giờ để bù cho khoảng thức đêm của tôi. Như thế tôi sẽ được sống như một người bình thường, sinh hoạt và làm việc như bao ai khác. Có người nói đùa, tôi nên chuyển sang nước nào đó lệch với Việt Nam 5 tiếng để sinh hoạt bình thường hơn.

Mọi chuyện vẫn thế thôi, là đứa tò mò, tôi cần có thời gian để bổ sung những gì mình thiếu, tìm hiểu thêm, dành cho bản thân nhiều hơn. Trừ khi một ngày tôi chỉ phải lên văn phòng và làm việc 3 giờ, còn không tôi vẫn sẽ làm mọi thứ như cũ.

Trong suốt 5 năm trời, những ngày thức đêm khiến tôi biết thêm nhiều thứ, những cái mà ngày thường tôi chẳng có cơ hội tìm hiểu. Thế nên, ngoại trừ một số vấn đề về sức khoẻ, có lẽ tôi không hối tiếc chút nào về khoảng thời gian kể trên.

Tôi có thay đổi để trở thành một "con người buổi sáng" không? Thật ra thì tôi cũng muốn, cái cảm giác dậy sớm đón ánh nắng Mặt Trời tôi đã không được trải nghiệm từ quá lâu rồi. Khi nào có cách tối ưu hoá thời gian để thay thế cho ban đêm, tôi sẽ cân nhắc việc đổi lại giờ sinh hoạt, sống như người bình thường.

Theo Khả Hân

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tam-su-cua-mot-cu-dem-thuc-den-5-gio-sang-lien-tuc-trong-5-nam-troi-day-la-nhung-gi-toi-nhan-ra-ve-viec-thuc-dem-a108259.html