Trong ký ức của người dân miền Bắc sống ở thời kỳ chiến tranh hay qua thời kỳ bao cấp, khóa Minh Khai là một niềm tự hào xen lẫn ký ức. Tuy vậy, chỉ vì một lần lừa dối khách hàng, thương hiệu từng vang bóng này đã không bao giờ lấy lại được vị thế cũ và biến mất dần trên thị trường.
Khoá Minh Khai ra đời vào năm 1972 theo quyết định thành lập của Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Thời điểm ấy bom giặc Mỹ ngày đêm tàn phá Thủ đô Hà Nội, những người công nhân của nhà máy Minh Khai đã phải vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Từ những thứ đơn giản và thô sơ nhất, Khóa Minh Khai đã dần hoàn chỉnh và thậm chí có những chiếc khóa đã vượt biên giới, xuất sang châu Âu. Uy tín của nhà máy dần vững vàng trên thị trường trong và ngoài nước.
Những năm của thập kỷ 90 thế kỷ trước, các mẫu khoá của thương hiệu được đặt theo tên đường Minh Khai (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trở nên gần gũi, chiếm được cảm tình và lòng tin của khách hàng, có mặt gần như ở mọi cửa hàng cơ khí. Từ năm 1999, sản phẩm Khóa Minh Khai liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Trong ký ức của người dân miền Bắc sống ở thời kỳ chiến tranh hay qua thời kỳ bao cấp, Khóa Minh Khai chính là một niềm tự hào xen lẫn ký ức. Thời gian trôi qua, Khóa Minh Khai tiếp tục phát triển với những sản phẩm đa dạng và chất lượng được nâng lên.
Cho đến năm 2004, trên thị trường dần xuất hiện sản phẩm khóa tay nắm tròn mang tên thương hiệu Minh Khai. Nhà máy Minh Khai lúc này vẫn chưa có công nghệ sản xuất khóa tay nắm tròn, và khi hiểu kỹ hơn mới vỡ lẽ, hóa ra thời điểm ấy lãnh đạo nhà máy đã cho nhập khẩu đa số chi tiết khóa từ bên ngoài, chỉ còn ổ khóa, chìa khóa và thân trong khóa là do Minh Khai làm. Đây thực ra là một cách làm tốt, bởi đầu tư công nghệ thì rất tốn kém, nếu mua của nước ngoài về mà có giám sát chất lượng thì không sao, công nhân vẫn có công ăn việc làm bình thường, chất lượng hàng khá đảm bảo, coi như là một cách làm ăn mới.
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2007, nhà máy Khóa Minh Khai được cổ phần hóa, lúc này được gọi là CTCP Khóa Minh Khai. Theo chủ trương của nhà nước, Khóa Minh Khai buộc phải di chuyển đến điểm sản xuất ngoại ô và một lượng lớn công nhân bị cho nghỉ việc.
Trong thời điểm này, một lượng lớn khóa tay nắm tròn của Minh Khai liên tục được bán với giá rất cao so với mặt bằng chung và đều được in biểu tượng “Hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO 9001:2000”.
Nhưng điều đáng nói là đa số công nhân bị cho nghỉ việc thì làm sao có thể sản xuất được hàng? Các loại khóa bán ra đều mới, không phải là hàng tồn kho, vậy những ổ khóa này từ đâu ra?
Và rồi sự thật về sản phẩm khóa tay nắm tròn mang tên thương hiệu Minh Khai được đem ra ánh sáng.
Đầu tháng 1/2008, sự việc Khóa Minh Khai nhập hàng Trung Quốc rồi nâng giá để bán cho người tiêu dùng bị vỡ lở.
Công an kinh tế đã phát hiện sự thật ngay chính tại văn phòng của công ty Minh Khai, tại đây người của nhà máy đang thực hiện hành vi đổi vỏ hàng của khóa Trung Quốc thành Khóa Minh Khai để đem bán, số lượng lên tới hơn 10.000 chiếc.
Sau đó, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án ‘Sản xuất, buôn bán hàng giả’ đối với khóa Minh Khai. Ngay khi thông tin này được công bố rộng rãi, tất thảy đều bất ngờ và thất vọng bởi Khóa Minh Khai từng là niềm tự hào về một thời hào hùng, hơn nữa thương hiệu này còn là công sức vun đắp của nhiều thế hệ công nhân, bê bối này là điều không ai mong muốn.
Mất uy tín, người tiêu dùng quay lưng nên sẽ chẳng bất ngờ khi doanh nghiệp này liên tục gặp khó khăn và ghi nhận thua lỗ. Mãi đến cuối năm 2015, nhà máy sản xuất khóa này mới chỉ tạm hết lỗ khi kinh doanh thêm mảng bất động sản và được chia lãi từ dự án Sky Light. Đây là dự án được xây dựng trên phần đất thuộc nhà máy khóa Minh Khai trước đây trên cơ sở hợp tác kinh doanh giữa CTCP Khóa Minh Khai và công ty mẹ - Tổng Công ty COMA.
Để vực dậy, công ty cũng đã tiến hành cơ cấu lại nhân sự cấp cao, khi vị trí Tổng giám đốc đã được ‘thay máu’ tới 3 lần chỉ trong vòng 2 năm, với tổng giám đốc hiện tại là ông Bùi Văn Thái. Dù vậy, tương lai phía trước vẫn còn rất mờ mịt. Mới đây, Khoá Minh Khai tiếp tục lọt "top" nợ thuế 8 tháng đầu năm 2019 của TP. Hà Nội. Website chính thức của công ty hiện cũng đã cho chạy thông báo "tạm ngưng hoạt động để làm thủ tục chuyển giao".
Sự trượt dài của Khóa Minh Khai hay cú vấp để đời của KhaiSilk chính là những bài học cho mọi doanh nghiệp, bởi khi mà thị trường càng ngày càng cạnh tranh và khách hàng thông thái hơn thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện đánh lừa người tiêu dùng Việt.
Họ có thể gian dối 1 lần, 2 lần thậm chí nhiều lần và thu về khoản lợi "khủng". Song cái giá phải trả sẽ là sự lụi tàn của cả một cơ ngơi kinh doanh và phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Theo Nhà Đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thuong-hieu-viet-vang-bong-mot-thoi-khoa-minh-khai-va-vet-nho-lua-doi-khach-hang-a108284.html