"Đừng nghĩ tới 30 tuổi, một ngày bạn ngủ dậy và quyết định lựa chọn rằng hôm nay mình sẽ quản lý tiền bạc tốt thì nó sẽ xảy ra ngay lập tức. Nên nhớ rằng, kỹ năng quản lý tiền bạc, và tiền bạc của chúng ta, giống như mọi thứ khác, đều cần có thời gian để bồi đắp".
Đi du học từ cấp ba đến đại học đều nhờ học bổng toàn phần, sau khi tốt nghiệp đại học, Đỗ Liên Quang có 1 năm tham gia chương trình management trainee tại tập đoàn Nike. Hiện tại, chàng trai sinh ra từ vùng quê nghèo Đăk Lăk đang là Product Manager ở công ty dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, làm việc tại Seattle, Mỹ.
Sau một năm đầu tiên đi làm ở Nike, Quang phát hiện ra tiền kiếm được "bay đi đâu hết". Tìm hiểu và phát hiện ra bản thân đã để cả ngàn đô "bốc hơi" mỗi tháng như thế nào, Quang quyết tâm tiết kiệm tiền và đầu tư. Trong bài viết này, Đỗ Liên Quang chia sẻ những kinh nghiệm quản tiền độc đáo mà có lẽ bạn chưa từng nghe qua.
Chào Quang, bạn bắt đầu quản lý tài chính từ khi nào?
Từ cấp ba đến hết đại học, tôi vẫn chưa biết về các khái niệm về quản lý tài chính và tầm quan trọng của nó. Bạn bè xung quanh tôi cũng giống tôi, không ai biết nhiều hay chủ động tìm hiểu.
Năm đầu tiên đi làm ở Nike, tôi tiêu xài không có kế hoạch, nhận lương bao nhiêu tiêu bấy nhiêu và cứ hy vọng một cách mù quáng là cuối năm vẫn còn thừa tiền. Nhưng đến cuối năm nhìn lại, tôi tự hỏi tiền của mình đi đâu hết.
Có lần tôi ăn trưa với một cô bạn đồng nghiệp khá thân và nói về tiền tiết kiệm, tôi nhận ra mình tiết kiệm được ít hơn nhiều so với cô ấy dù lương chúng tôi bằng nhau. Tôi phát hiện ra những lỗi cơ bản của mình. Chẳng hạn như, đi chợ mua quá nhiều đồ mà không ăn nên tốn tiền, sau đó vẫn đi ăn ngoài và lại tốn thêm tiền. Rồi như mua bảo hiểm xe ô tô quá đắt. Cô ấy chỉ cho tôi một hãng bảo hiểm khác rẻ hơn. Tôi thử tính những khoản lặt vặt như thế, cộng lại lên tới mấy trăm đô, thậm chí ngàn đô một tháng.
Dần dần, những cuộc nói chuyện với đồng nghiệp giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý tài chính. Tôi hiểu rằng mình đã kiếm ra tiền rồi, nếu có làm ra bao nhiêu mà không giữ được tiền thì nghèo sẽ vẫn hoàn nghèo. Từ đó tôi tìm hiểu thêm những kiến thức quản lý tài chính cá nhân, ban đầu từ đồng nghiệp, sau đó nghiên cứu thêm trên mạng, xem Youtube.
Người trẻ thường tiêu nhiều tiền vào các hoạt động ăn uống, giải trí (uống cà phê, trà sữa, xem phim, đi du lịch...) Quang tiết kiệm những khoản này như thế nào?
Những bữa trưa ăn ngoài, tôi dùng một ứng dụng mà đặt qua đó thì mỗi bữa ăn chỉ tốn 6 đô thay vì 11 - 12 đô như bình thường.
Tôi ít khi uống cà phê vì công ty có cà phê miễn phí. Ngoài ra, ngày trước thỉnh thoảng rảnh là tôi lại lái xe đi mua trà sữa uống, nhưng bây giờ tôi mua đồ về tự pha chế, đơn giản mà vẫn ngon.
Xem phim thì khoảng 3 tháng tôi mới ra rạp xem một lần. Còn hầu hết tôi xem trên Netflix, mỗi tháng tôi trả 17 đô - bằng một vé xem phim ở Mỹ nhưng mà có thể xem được rất nhiều phim. Tôi có đi đánh golf với bạn mỗi tháng một lần, tốn chừng 50 - 60 đô. Ngoài ra thì các hoạt động giải trí khác hầu như đều miễn phí, như đi du lịch, dã ngoại.
Đi du lịch miễn phí, cụ thể là như thế nào?
Tôi đi du lịch miễn phí được là nhờ sử dụng thẻ tín dụng. Tôi nghĩ các bạn nên sử dụng thẻ tín dụng càng sớm càng tốt thay vì thẻ ghi nợ. Một là vì an toàn, hai là vì những lợi ích.
Thẻ tín dụng thường có rất nhiều lợi ích khác nhau: điểm thưởng khi mua hàng, bảo hiểm khi thuê xe, upgrade khi đi máy bay, không bị trả phí khi quẹt thẻ ở nước ngoài. Có những thẻ thay vì cho điểm thưởng thì sẽ cho cashback (tính theo %). Chẳng hạn thẻ tín dụng cho bạn 1% cashback, nếu bạn mua món hàng 10 đô thì bạn lấy lại được 10 cent. Tôi thì thích điểm thưởng hơn vì khi chuyển đổi qua mua vé máy bay hay đặt khách sạn thì giá trị thường cao hơn.
Tôi dùng điểm thưởng để đặt máy bay, đặt khách sạn miễn phí. Năm ngoái tôi và bạn gái sống ở hai thành phố khác nhau, tôi sống ở Seattle còn người yêu ở New York, cách nhau 6 giờ bay và mỗi lần bay như thế tốn khoảng 500 - 600 đô cho hai chiều bay nên khá đắt. Nhưng năm ngoái tôi bay 3,4 lần như thế đều dùng điểm thưởng.
Có một thẻ tín dụng tôi đang dùng cho phép tôi được nghỉ ngơi miễn phí ở những phòng chờ ở sân bay, có thức ăn miễn phí, đỡ tốn tiền ăn. Nhiều thẻ khác thì mỗi lần tôi đi nước ngoài và trả tiền bằng thẻ thì không bị tính phí giao dịch nước ngoài, mà bình thường sẽ phải trả khoảng 3%.
Ở Việt Nam, việc sử dụng thẻ tín dụng cũng có nhiều lợi ích như thế nhưng không nhiều người biết. Ngược lại, nhiều người không dùng thẻ tín dụng vì sợ không quản được tiền tiêu. Theo Quang, những ai chưa biết quản tiền tiền có nên dùng thẻ tín dụng để tận dụng điểm thưởng không?
Trước đây tôi cũng không biết về những mẹo này và không dám tìm hiểu vì nghĩ rằng nó rất cao xa, nhưng sau đó nhờ bạn bè chỉ cho mới nhận ra chúng rất thiết thực.
Theo quan điểm của tôi, xài thẻ tín dụng thực sự có lợi, vì thế nên ai cũng nên dùng. Nếu các bạn sợ không "kiềm chế" chi tiêu được thì hãy đặt giới hạn cho thẻ, giả sử dùng 50% trên thẻ, 50% trên tiền mặt. Ít nhất các bạn vẫn lấy được chút điểm thưởng, hơn là không được gì.
Như tôi và người yêu hiện tại, tôi có đủ điểm thưởng từ thẻ tín dụng để mua vé máy bay miễn phí đi du lịch, người yêu tôi có đủ điểm thưởng để thuê khách sạn. Khác hồi xưa toàn đi du lịch bụi, bây giờ khi muốn đi chơi, nhờ điểm thưởng mà chúng tôi có thể ở khách sạn tốt, thuê xe tốt, ăn đồ ngon hơn.
Nhiều người trẻ thật sự chưa biết cách tiêu tiền, cứ bỏ tiền vào những thứ không cần thiết. Kinh nghiệm tiêu tiền của Quang là gì?
Người Việt Nam có thói quen rẻ và tạm bợ, như mua một chiếc áo thì mua áo giá rẻ nhưng lại không tốt, về mặc được mấy ngày thì chán không mặc nữa và lại đi mua một cái khác. Thế là phí.
Ngày trước tôi cũng hay mua đồ giảm giá, khuyến mại lắm, nhưng bây giờ tiêu chí mua đồ của tôi là: Một, món đồ này mình có thực sự cần hay không. Hai, nếu cần, thì món đồ có yêu cầu phải là chất lượng cao hay không. Nguyên tắc chung là những thứ tôi hay sử dụng hàng ngày như gối, nệm, nồi cơm, đồng hồ... thì nên dùng đồ chất lượng cao vì về lâu dài mình sẽ hạnh phúc và tiết kiệm được hơn vì không phải thay sửa nhiều. Nếu câu trả lời cho cả hai câu hỏi là "Có" thì tôi sẽ mua, và cố gắng mua chất lượng cao nhất mình có thể. Còn nếu câu trả lời là "Không" thì tôi sẽ không mua.
Tôi nghĩ mỗi sự mua sắm, chi tiêu, các bạn nên coi đó là một sự đầu tư vào bản thân. Những thứ gì mình dùng hàng ngày, ở hàng ngày, thấy hàng ngày thì nên đầu tư vào những thứ tốt nhất có thể. Nó khiến cuộc sống của mình tốt hơn, dẫn đến làm việc tốt hơn, kiếm ra nhiều tiền hơn.
Nhưng cũng phải kèm theo một lời khuyên khác, là chỉ nên mua đồ tốt trong khả năng cho phép. Chẳng hạn, nếu bạn quyết định mua một cái áo mấy triệu thì đừng để sau đó phải đi vay tiền để ăn uống cho tháng đó.
Một góp ý nữa, khi có ý định mua cái gì đó thì bạn hãy dành vài ngày để suy nghĩ. Nếu suy nghĩ mấy ngày mà vẫn muốn mua thì OK, nhưng thường thì bạn sẽ không muốn nữa. Một khi thấy thứ gì đó, chúng ta hay có mong muốn có nó và mua nó ngay lập tức vì mua sắm khiến chúng ta thấy sung sướng, nhưng cảm giác đó thường trôi qua rất nhanh. Đừng mua đồ giảm giá và nghĩ là mình lời, người lời thực ra là các công ty bán hàng thôi, còn những món đồ giảm giá chúng ta mua có khi lại chẳng dùng bao giờ.
Theo Quang, người trẻ nên quản lý ngân sách tài chính như thế nào?
Một sai lầm phổ biến của các bạn trẻ trong quản lý tài chính cá nhân là không có kế hoạch cụ thể về tiền bạc, chẳng hạn như năm nay phải tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Mà các bạn cứ tiêu xài một cách tự nhiên, rồi hi vọng mọi thứ sẽ tự ổn bởi chính nó.
Tôi khuyên mỗi tháng nên cất đi một phần trăm nhất định, dù chỉ 10% hay 20% tiền lương của mình, và chỉ được dùng nó để đầu tư hoặc tiết kiệm chứ không chi tiêu. Cá nhân tôi mỗi tháng khi nhận được tiền lương thì luôn cất đi một nửa ngay lập tức và bỏ sang tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư, và phải tính toán chi tiêu trong số tiền lương còn lại.
Nhiều bạn trẻ có đủ kiến thức về tài chính cá nhân không đủ kiên nhẫn để tiết kiệm. Những kế hoạch theo dõi chi tiêu hay ngừng mua sắm linh tinh chỉ kéo dài được vài ngày, vài tuần rồi vẫn chứng nào tật nấy. Quang có lời khuyên gì không?
Tôi và bạn gái dùng chung thẻ tín dụng, nên bọn tôi biết hết việc tiêu xài của nhau. Mỗi tháng chúng tôi ngồi và nhìn lại danh sách những thứ đã tiêu của mình, và xem cái nào cần cắt bỏ, sau đó hai người nhắc nhở nhau. Tôi nghĩ có hai người thì dễ hơn một mình.
Một cách khác là đặt ra một mục tiêu không liên quan tới bản thân mình. Giả sử mỗi năm tôi đặt mục tiêu là phải gửi về nhà ở Việt Nam ít nhất 4,000 đô chẳng hạn, thì mỗi tháng tôi phải tiết kiệm ít nhất 300 đô cho gia đình. Nếu tôi tiêu xài nhiều hơn thì là đang cắt vào tiền có thể gửi về nhà. Nghĩ về gia đình sẽ khiến mình có động lực hơn.
Ngoài tiết kiệm, Quang làm gì để "tiền đẻ ra tiền"?
Quản lý tiền không chỉ là bảo vệ tiền từ công sức làm việc vất vả của mình, mà còn để số tiền đó sản sinh ra thêm tiền mới. Lời khuyên của tôi là học và tìm hiểu về đầu tư càng sớm càng tốt.
Có rất cách để đầu tư như cổ phiếu, chứng khoán, nhà đất, hay đơn giản cho vào tài khoản tiết kiệm. Tôi biết ở Việt Nam có nhiều tài khoản tiết kiệm mà mỗi năm cho lời tới trên 6%, là khá cao. Những người làm việc quản lý quỹ đầu tư thường đã cảm thấy rất hài lòng nếu họ thu về được 12-13% mỗi năm, thế nên thu về 6% mà không cần phải làm gì là một sự đầu tư khá tốt.
Tôi mở tài khoản đầu tư sau nửa năm đi làm, lần đầu tiên mở tài khoản đầu tư, tôi nhớ mình mua cổ phần của Netflix. Hồi tôi mua vào là 188 đô/cổ phần, hiện tại là 300 đô. Tôi rất vui khi thấy được tiền tăng lên hàng tháng, nhận ra nếu tìm được cơ hội, tìm hiểu kỹ, thì tiền có thể làm việc cho mình. Nên để tiền sinh ra thêm tiền, dù 2% hay 3% vẫn hơn để tiền nằm không.
Tuy nhiên, các bạn đừng đầu tư vào cái gì mình không tìm hiểu kỹ. Hồi mới đầu tư chứng khoán tôi từng lỗ khá nhiều, vì thấy một cổ phiếu đang lên giá, cứ nghĩ là nó sẽ lên mãi, mua vào giá cao, sau đó giá cổ phiếu bị tụt xuống và mãi không lên nữa.
Ngoài tiền lương và lợi nhuận đầu tư cổ phiếu, Quang còn nguồn thu nhập nào nữa không?
Tôi nghĩ mỗi người nên có nhiều nguồn tài chính khác nhau. Tôi có tiền lương từ công việc, tiền lợi nhuận từ đầu tư và tiền thu về từ việc cho thuê xe ô tô.
Các bạn đi làm chính vẫn có thể nghĩ ra thêm các ý tưởng kinh doanh để có thêm thu nhập phụ. Thu nhập phụ tốt nhất là khi mình không phải làm gì cả. Thường dạng này là khi mình đầu tư vào một cái gì đó và để nó tự sinh ra tiền, ví dụ như nhiều người ở Mỹ hay mua lại nhà cũ, tân trang, sau đó cho thuê lại, thế là mỗi tháng cái nhà tự kiếm ra tiền cho họ mà họ không phải làm gì nhiều.
Cuối cùng, có câu sự đầu tư lớn nhất không phải là chứng khoán, cổ phiếu, mà chính ở kiến thức và kỹ năng của mỗi người. Nghe có vẻ sến nhưng rất đúng. Ví dụ như năm nay, vì cố gắng chăm chỉ làm việc và tìm kiếm cơ hội mà tôi được thăng chức và sau đó chuyển việc mới, mỗi lần như thế lương tăng lên 10, 15%. Số tiền lương tôi nhận thêm nhiều hơn tiền lời từ đầu tư chứng khoán hay tiền cho thuê xe.
Gần đây, người ta hay nhắc đến "tự do tài chính" hay "nghỉ hưu sớm", Quang có những mục tiêu đó cho mình vào năm 40, 50 tuổi không?
Chắc chắn là tôi muốn tự do về tài chính khi ở tuổi 40, 50. Tự do tài chính ở đây nghĩa là mình đã có những nguồn đầu tư hoặc kinh doanh của riêng mình mà sản sinh ra tiền cho mình, cho phép mình làm những điều mình thích, chứ không phải đi làm thuê cho công ty nữa. Tôi thì không cần phải nghỉ hưu sớm vì tôi tin vào làm việc và sáng tạo. Công việc khiến chúng ta cảm thấy có ích và trẻ trung. Vấn đề chỉ là ở tuổi 40,50 thì tôi muốn mình được tự do làm công việc mới hoặc của riêng mình mà không phải lo tới việc có đủ tiền để chi trả hay không. Hi vọng là khi tới 40, 50 tuổi thì tôi đã có ít nhất một vài triệu đô tiết kiệm được trong tài khoản.
Còn hiện tại, những kỷ niệm hạnh phúc với thành quả quản lý tài chính của Quang là gì?
Là những lần gửi tiền về cho bố mẹ để mua sắm dụng cụ trong nhà, sửa lại cổng nhà, trả tiền sửa răng cho em trai hay mua máy tính cho em trai. Hay như sắp tới tôi sẽ đưa bố mẹ sang Mỹ chơi, đây là lần thứ hai bố tôi sang Mỹ - lần đầu sang sự lễ tốt nghiệp của tôi - nhưng mẹ tôi là lần đầu. Đây là những trải nghiệm mà nhờ có tiền mình có thể chi trả được.
Một lời khuyên cuối, tại sao người trẻ nên biết tiết kiệm và đầu tư từ những năm 20s?
Ngay ở hiện tại, quản lý tiền bạc kém có thể khiến bạn cảm thấy không làm chủ cuộc sống của mình, dễ thấy rối rắm và mất phương hướng. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều thứ khác cần phải suy nghĩ, như học tập, công việc, các mối quan hệ, gia đình…, vì thế không cần phải để tiền bạc trở thành thêm một vấn đề. Bây giờ các bạn thích đi bụi, đi du lịch nhiều hơn, sống để trải nghiệm chứ không quan trọng đến việc tiết kiệm tiền. Nhưng mà các bạn quên là có thể làm hai việc đó cùng một lúc.
Không tiết kiệm và đầu tư ở tuổi 20 thì sang những năm 30 tuổi các bạn sẽ phải làm cật lực hơn, chi tiêu nghiêm ngặt hơn, thiếu linh động hơn. Tôi có những người bạn mà ở những năm 20 tuổi không tiết kiệm được nhiều, đến khi 30 tuổi phải lập gia đình và có con cái thì rất chật vật, phải làm thêm nhiều thứ để kiếm đủ tiền cho gia đình, nuôi con nhỏ. Thế mới thấy lúc trẻ sướng thật, đi chơi nhiều thật, nhưng sự tận hưởng đó phải trả giá bởi tương lai.
Kỹ năng tiết kiệm và đầu tư là kỹ năng cả đời, cần phải làm sớm để rút kinh nghiệm. Đừng nghĩ tới 30 tuổi, một ngày bạn ngủ dậy và quyết định lựa chọn rằng hôm nay mình sẽ quản lý tiền bạc tốt thì nó sẽ xảy ra ngay lập tức. Nên nhớ rằng, kỹ năng quản lý tiền bạc, và tiền bạc của chúng ta, giống như mọi thứ khác, đều cần có thời gian để bồi đắp.
Rất cảm ơn Quang vì đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ
Minh Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ