Startup trắng tay tại Shark Tank vì kinh doanh 10 năm vẫn “ngáo giá”: Sản phẩm chỉ là “mấy cái khung sắt” nhưng định giá công ty lên tới 50 triệu USD, trong khi hàng tương tự bán đầy trên Amazon

Dù Shark Dũng và Shark Việt đánh giá cao tính khả thi của sản phẩm nhưng mức định giá bất hợp lý đã khiến founder ra về tay trắng.

"Không hiểu sao startup Việt Nam bây giờ hay bị ngáo giá", Shark Nguyễn Hoà Bình, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch NextTech, người vừa gia nhập bể cá mập mùa 3 đã nhận xét như vậy về phần trình bày của Lê Nguyễn Khánh Trình, founder kiêm CEO Công ty cổ phần Khánh Trình.

Founder này đến với chương trình để kêu gọi 10 triệu USD cho 5% cổ phần công ty. Sản phẩm chính là khung xếp đa năng tự đứng với 4 chức năng chính: Phòng ngừa, điều trị các bệnh về cột sống, dùng cho các hoạt động thể thao tại nhà, giúp trẻ em tăng chiều cao đồng thời có thể làm khung treo võng, xích đu,...

Theo lời chia sẻ của anh Trình, dù đơn giản nhưng mỗi năm công ty xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm đến hơn 40 quốc gia khác nhau. Sau 10 năm thành lập, đến nay, họ đã có doanh thu trung bình 1,3 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận chiếm 35%. Trong đó, thị trường Việt Nam đóng góp khoảng 300 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, còn xuất khẩu mang về 1 tỷ đồng.

Startup trắng tay tại Shark Tank vì kinh doanh 10 năm vẫn “ngáo giá”: Sản phẩm chỉ là “mấy cái khung sắt” nhưng định giá công ty lên tới 50 triệu USD, trong khi hàng tương tự bán đầy trên Amazon - Ảnh 1.

CEO Khánh Trình.

Tuy trên Amazon không thiếu các sản phẩm tương tự nhưng founder cho biết điểm khác biệt trong sản phẩm của anh là độ cao tăng giảm linh hoạt, có thể phù hợp với nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình, không giới hạn độ tuổi, giới tính người dùng.

Khoản tiền đầu tư dự kiến sẽ được dùng để rót vào marketing, phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài với tỷ lệ 20-30%, phần còn lại được dùng cho sản xuất sản phẩm.

Anh Trình còn khẳng định nếu rót vốn, chỉ từ 3-5 năm các Shark sẽ thu hồi được khoản đầu tư của mình.

Sản phẩm đơn giản lại định giá quá cao, các Shark đồng lòng từ chối

Không để founder chờ lâu, Shark Nguyễn Hoà Bình nhanh chóng tung chiêu phủ quyết thẳng thừng. Cá mập đến từ NextTech nhận định founder đang làm mất thời gian của các Shark vì bài toán đặt ra hơi "buồn cười".

"Anh giải thích thêm về định giá tại sao phi lý. Lợi nhuận 400 triệu/tháng coi hẳn là 500 triệu đi, thì nhân ra em lãi 6 tỷ/năm. Tỷ lệ để định giá cùng lắm là 5 lần, tức giỏi lắm thì doanh nghiệp định giá được 30 tỷ đồng là cao nhất, đấy là chưa tính đến các rủi ro.

Ngay Shark Tank tại Mỹ, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam khoảng 10 lần mà deal lớn nhất là Zipz gọi 2,5 triệu USD cho 10%, tức định giá 25 triệu là lớn nhất rồi đấy. Trong khi ở đây em định giá 50 triệu USD. Còn deal thành công nhất là Scrub Daddy, gọi 200.000 USD cho 20%, nghĩa là họ định giá có 1 triệu USD thôi, năm đầu ra thị trường doanh thu của họ là 50 triệu USD".

"Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá. Thực sự sản phẩm của em quá đơn giản, làm tôi rất mất thời gian, tôi không đàu tư deal này", Shark Bình cho biết.

Tương tự như vậy, Shark Hưng cũng nhanh chóng quyết định rút lui.

"Ý tưởng là mấy cái khung sắt mà kêu gọi tới 5 triệu USD thì mức giá quá điên rồ. Theo anh em đừng đầu tư cái này, em về sản xuất máy in tiền thì may ra 1 năm được 5 triệu USD đấy. Anh không đầu tư", Shark Hưng chốt deal.

Cùng quan điểm trên, Shark Liên thừa nhận sản phẩm đơn giản, ai cũng làm được nhưng founder lại đưa ra mức định giá quá lớn nên "cá mập bà ngoại" không đầu tư.

Startup trắng tay tại Shark Tank vì kinh doanh 10 năm vẫn “ngáo giá”: Sản phẩm chỉ là “mấy cái khung sắt” nhưng định giá công ty lên tới 50 triệu USD, trong khi hàng tương tự bán đầy trên Amazon - Ảnh 2.

Trong khi đó, Shark Dũng đánh giá cao sản phẩm của công ty, vì rất phù hợp với thị trường Mỹ, nơi có nhà rộng và người dân tập trung nhiều vào các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên để đánh thị trường này, Shark Dũng cho rằng founder có thể tự mình làm được mà không cần gọi vốn quá lớn.

Giống với Shark Dũng, Shark Việt nhìn nhận founder có ý tưởng hay bởi khi ở Mỹ, Shark cũng từng thầy người dân dùng nhiều sản phẩm tương tự để phục hồi chức năng. Shark đánh giá cao nghị lực của founder khi dám từ bỏ ngân hàng để ra kinh doanh riêng, đồng thời khuyên anh tiếp tục phát huy ý tưởng. Tuy nhiên kế hoạch gọi vốn không thuyết phục của founder khiến Shark cũng phải từ chối.

"Anh thấy kế hoạch kinh doanh của em chưa thuyết phục nên anh không đầu tư, nhưng anh chúc em sẽ phát triển tiếp. Mà tốt nhất nên làm từng bước thôi, không nên làm to, làm to tiền cầm của người khác mình lại phải chịu trách nhiệm. Thôi chúc thành công nhé", Shark Việt nhắn nhủ tới founder.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/startup-trang-tay-tai-shark-tank-vi-kinh-doanh-10-nam-van-ngao-gia-san-pham-chi-la-may-cai-khung-sat-nhung-dinh-gia-cong-ty-len-toi-50-trieu-usd-trong-khi-hang-tu-a108651.html