Theo triệu phú Ramit Sethi, đừng theo chân những người bạn (kể cả bạn thân) của bạn trong việc chi tiêu nhiều hơn khả năng làm ra tiền.
Ramit Sethi là cố vấn tài chính cá nhân, doanh nhân và tác giả của "I Will Teach You To Be Rich" (Tạm dịch: Tôi sẽ dạy bạn làm giàu), một trong những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times. Anh đã trở thành người truyền cảm hứng về tài chính cho hàng triệu độc giả trong độ tuổi từ 20 đến 40.
Ramit trở thành triệu phú tự thân từ khi còn rất trẻ nhờ trang web do anh thành lập khi còn là sinh viên Đại học Stanford năm 2004 cũng như các cuốn sách và khóa học về tài chính cá nhân của mình.
Triệu phú tự thân Remit Sethi.
Bài viết dưới đây là quan điểm của Ramit Sethi về vấn đề quản lý tiền bạc:
Mọi người có rất nhiều lý do để không quản lý tiền bạc đúng cách. Tất nhiên, một vài trong số đó là hợp lệ nhưng đa phần chúng chỉ là những lý do nhằm che giấu sự lười biếng và ngại dành thời gian tìm hiểu của họ.
Tôi thậm chí còn nghe một số người đổ lỗi cho hệ thống giáo dục vì đã không dạy họ về tiền bạc. Tuy nhiên, có một sự thật phũ phàng là bạn không phải là nạn nhân!
Bước đầu tiên bạn nên làm là nhận biết những lời nói dối phổ biến nhất về tiền bạc mà giới trẻ thường tự nói với mình. Dưới đây là 6 điều trong số đó:
1. "Tôi cần tập trung vào việc tạo thu nhập thụ động"
Đối với nhiều người thuộc thế hệ Millennials, thu nhập thụ động như một giấc mơ xa vời. Họ nghe về những người nghỉ phép trong thời gian dài mà vẫn tiếp tục kiếm được tiền và cho rằng "Mình không thể làm được như vậy". Thế nhưng điều mà họ không nhìn thấy là khối lượng thời gian và công việc cần thiết để đạt được điều đó.
Lời khuyên cho hầu hết mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ mới gia nhập lực lượng lao động là đừng quá tập trung vào thu nhập thụ động. Thay vào đó, họ nên nỗ lực nhiều hơn để cải thiện thu nhập chủ động bằng cách tập trung vào sự nghiệp hiện tại. Họ cần trau dồi kỹ năng làm việc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn giúp cấp trên và vượt xa đồng nghiệp của mình. Ngoài ra, đừng ngần ngại đề xuất tăng lương khi thấy bản thân xứng đáng. Và nếu thu nhập của bạn vẫn không được tăng như mong muốn, hãy tìm một công ty khác.
2. "Nếu cố gắng hơn, tôi có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn"
Chúng ta đều biết rằng ai cũng cần tiết kiệm tiền, nhưng trên thực tế, có những rào cản vô hình khiến chúng ta khó làm được điều này. Cố gắng tiết kiệm bằng cách mua đồ rẻ hơn là chưa đủ. Nhịn uống cà phê cũng vậy!
Cần có kế hoạch tiết kiệm tiền bài bản để đạt kết quả tốt nhất.
Để đạt kết quả thực sự, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về những điều cần làm, từng bước một. Hãy xem xét tình hình tài chính và tự hỏi: Mình đang làm việc gì tốn rất nhiều công sức nhưng chỉ kiếm được ít tiền? Điều gì không đem lại kết quả dù mình đã cố gắng hết sức? hay Làm thế nào để mọi thứ trở nên dễ thở hơn?
3. "Tôi sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chi tiêu"
Phần lớn chúng ta, trong một số thời điểm nhất định sẽ cảm thấy có động lực và quyết định sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chi tiêu.
Lập kế hoạch chi tiêu để giảm chi phí là một trong những lời khuyên vô giá trị nhưng lại được nhiều chuyên gia tài chính cá nhân tư vấn cho giới trẻ. Dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nỗ lực của họ đã thất bại hoàn toàn vì họ nhận ra rằng rất khó để theo dõi từng khoản tiền mà mình chi tiêu.
Không những vậy, việc này còn khiến một số người cảm thấy khủng khiếp và tội lỗi khi nhìn lại kế hoạch chi tiết vào cuối tháng và nhận ra mình đã chi tiêu quá giời hạn.
Thay vào đó, tôi khuyên bạn nên làm theo cách sau: Đây là mộ chiến lược buộc bạn phải nhìn về tương lai đồng thời cho phép chi tiêu thoải mái vào những thứ bạn thích nhưng đổi lại, bạn phải cắt giảm gần như hoàn toàn những thứ bạn không thích hoặc thấy chúng không quá cần thiết.
Bạn có thể chia thu nhập thành 4 loại:
- Chi phí cố định: Tiền thuê nhà, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày… (chiếm 50% đến 60% thu nhập).
- Đầu tư dài hạn: Chiếm 10% thu nhập.
- Mục tiêu tiết kiệm: Quà tặng ngày lễ, kỳ nghỉ, tiền đặt cọc nhà… (chiếm từ 5% đến 10% thu nhập).
- Chi tiêu không đem lại cảm giác tội lỗi: Đi ăn ngoài, xem phim, mua sắm… (chiếm từ 20% đến 35% thu nhập).
Bằng cách này, bạn có thể đảm bảo rằng mình có thể chi trả hết mọi hóa đơn thiết yếu trước tiên. Sau đó, bất kỳ khoản tiền còn lại nào sẽ được phân bổ vào mục tiết kiệm.
4. "Bạn bè kiềm ít tiền hơn mình nhưng vẫn có thể đi du lịch vài lần mỗi năm"
Nếu như vậy, bạn bè của bạn là những người có khả năng chi tiêu có ý thức hoặc hoàn toàn không biết cách quản lý tiền bạc.
Lấy một ví dụ đơn giản, bạn có bao giờ hỏi bài tiếng Anh một người bạn từng trượt môn này không? Tôi hy vọng là không! Vậy tại sao bạn lại coi những người bạn bình thường của mình – những người có thể đã đưa ra quyết định tiền bạc không mấy khôn ngoan làm hình mẫu?
Đừng bắt chước bạn bè chi tiêu nhiều hơn khả năng kiếm tiền.
Giải pháp là hãy tập trung vào việc kiếm tiền, tiết kiệm tiền và chi tiêu có ý thức. Đừng theo chân những người bạn (kể cả bạn thân của bạn) trong việc chi tiêu nhiều hơn khả năng làm ra tiền.
5. "Tôi đang bắt đầu đầu tư"
Hỏi bất cứ ai trong số bạn bè của bạn rằng họ đã đầu tư bao nhiêu vào cổ phiếu. Nhiều khả năng đa số sẽ trả lời rằng họ không gỡ được vốn hoặc không có đủ chuyên môn để đầu tư.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, chỉ có 37% thanh niên Mỹ từ 35 tuổi trở xuống sở hữu cổ phiếu từ năm 2017 đến 2018, so với 61% người trên 35 tuổi.
Đầu tư là một trong những công cụ kiếm tiền lớn nhất và hiệu quả nhất trong lịch sử. Nhiều người nói rằng họ sẽ "bắt đầu đầu tư" nhưng sau đó lại không làm như vậy. Lý do đơn giản là họ không nghĩ mình đủ khả năng hiểu những nguyên tắc đầu tư sinh lời và không muốn mạo hiểm để mất khoản tiền mình khó khăn kiếm được.
Tuy nhiên, cứ mỗi ngày không đầu tư, bạn sẽ mất tiền do lạm phát và bạn sẽ không nhận ra điều này đến năm 70 tuổi – thời điểm dường như là quá muộn. Giải pháp là đừng lảng tránh việc đầu tư mà hãy chọn một nguồn tin hoặc người tư vấn đáng tin cậy, học hỏi từ đó và bắt đầu đầu tư.
6. "Muốn trở nên giàu có là điều không tốt"
Bị ám ảnh về tiền bạc và bị lòng tham chi phối là một điều tồi tệ nhưng mong muốn một tương lai tốt hơn cho bản thân và những người mà mình yêu quý là một nhu cầu chính đáng.
Có nhiều tiền hơn sẽ đem lại cho bạn rất nhiều cơ hội. Tuy đã nói điều này nhiều lần nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại: Trở nên giàu có không đơn thuần chỉ là về tiền bạc mà còn là về việc sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Theo Ramit, giàu có không chỉ đơn thuần là về tiền bạc.
Đối với một số người, đó là tự do tài chính để tiêu xài cho sở thích cá nhân trong khi một số khác chỉ là thuê người dọn dẹp nhà cửa hàng tuần. Còn với tôi, một phần của cuộc sống giàu có đồng nghĩa với khả năng tạm thời rời xa công việc kinh doanh trong nửa năm và đi hưởng tuần trăng mật.
Gia Vũ
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC