Xe sang, đồ hiệu, bất động sản tỷ đô la Mỹ giờ không còn là thị hiếu ở đất nước này.
Người giàu cắt giảm chi tiêu của họ cho tất cả mọi thứ từ nhà cửa đến đồ trang sức. Những bất động sản và cửa hàng xe hơi hạng sang cũng chứng kiến sự sụt giảm doanh thu đáng lo ngại.
Bất động sản hạng sang chứng kiến năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, những thị trường đắt đỏ và sôi động nhất như Manhattan chứng kiến doanh thu 6 quý giảm liên tiếp.
Hết thời bùng nổ biệt thự hạng sang
Công ty môi giới bất động sản nổi tiếng ở Mỹ Redfin thống kê doanh số bán nhà có giá từ 1,5 triệu USD trở lên đã giảm 5% tại Mỹ trong quý II. Theo đó, nhiều biệt thự và căn hộ không bán được khắp đất nước, đặc biệt là ở các thị trấn nghỉ dưỡng rầm rộ vẫn thu hút vào những năm trước như Aspen, Colorado và Hamptons ở New York.
Các nhà bán lẻ cao cấp nhất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hãng đồ xa xỉ nổi tiếng Barney mới đây đã đệ đơn xin phá sản. Chuỗi bán lẻ Nordstrom chứng kiến sự sụt giảm doanh thu 3 quý liên tiếp.
Doanh số đấu giá những tác phẩm nghệ thuật đã giảm lần đầu tiên sau nhiều năm. Doanh thu của Sotheby’s giảm 10%, còn của Christie’s giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phiên đấu giá Pebble Beach - Lễ hội thường niên cho các xe quý tộc luôn gây cú sốc về giá bán lại chứng kiến những chiếc xe xa hoa nhất ế ẩm trong năm nay. Rất ít những chiếc xe có giá từ 1 triệu USD trở lên có thể bán được. Ngược lại, những chiếc xe với giá dưới 75.000 USD thì bán chạy với số lượng vượt mong đợi.
Một siêu xe Lamborghini Aventador được triển lãm ở Mỹ
Theo điều tra, 10% người có thu nhập hàng đầu chiếm gần 1 nửa các tài khoản chi tiêu của người tiêu dùng, Mark Zandi - nhà kinh tế học tại Công ty phân tích thuộc tập đoàn Moody cho biết. Sự giảm chi tiêu của lúc này của người giàu có thể gây áp lực xuống phần còn lại của nền kinh tế và tạo ra lực cản tăng trưởng.
Người ta đưa ra nhiều lý do cho sự giảm chi tiêu – ví dụ như thay đổi thuế khiến khối lượng mua vào bất động sản sụt giảm. Một nguyên nhân khác được nhắc đến là tiền tiết kiệm của người giàu đã "bùng nổ", hơn gấp đôi trong hai năm qua.
Tuy nhiên, theo nhận định của CNBC, hai nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm của cải là thị trường biến động và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. 10% những người giàu nhất sở hữu 80% cổ phiếu nước Mỹ, vì vậy họ nhạy cảm với nhiều sự thay đổi gần đây của cổ phiếu và trái phiếu.
Ngoài ra, vì nhiều người giàu sở hữu các công ty kinh doanh ở nước ngoài, nên mạng lưới các công ty trên toàn thế giới đã trở thành một hệ thống cảnh báo sớm cho các "cơn bão" kinh tế toàn cầu.
Những người dùng trung lưu thì không bị ảnh hưởng nhanh như vậy. Chi tiêu của nhóm người này vẫn đang tăng cường mạnh mẽ nhờ thị trường việc làm phát triển và nhà ở ổn định.
Các hãng bán lẻ bình dân như Walmart và Target, phục vụ cho người tiêu dùng hàng ngày, đang báo cáo lượng khách hàng cũng như doanh thu tăng trưởng mạnh hơn mong đợi.
Nền kinh tế được thúc đẩy bởi người giàu đang bị đảo lộn. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu sự tăng trưởng của nguồn cung công việc chậm lại, thất nghiệp sẽ bắt đầu tăng lên. Khi đó những người thu nhập trung bình này cũng sẽ giảm chi và tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế.
Tất nhiên là những người giàu có vẫn còn rất nhiều của cải, nhưng xu hướng sử dụng chúng đang thay đổi. Thay vì đầu tư cho các đồ hiệu xa xỉ, họ chuyển hướng sang những dịch vụ chăm sóc có lợi cho bản thân như luyện tập thể hình, ăn uống, ... và hoạt động tiết kiệm.
Phong Ninh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế/CNBC