Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, những yếu kém, thiếu sót trong thu hút đầu tư nước ngoài như vụ Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây sự cố môi trường biển ở miền Trung hay dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội bị đội vốn, chậm trễ, chất lượng thấp cũng gây bức xúc trong dư luận.
Hiện còn xuất hiện tình trạng cạnh tranh thu hút dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài lớn bằng cách tăng thêm ưu đãi về thuế, tiền thuê đất vượt các quy định của pháp luật.
Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị mới đây (về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030) đã thể hiện những quan điểm chỉ đạo quan trọng, coi “khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp”.
Đồng thời, tiếp tục “chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Những dự án hợp tác công - tư (PPP) mà cơ quan quản lý nhà nước dự kiến kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như dự án đường cao tốc Bắc - Nam hay những dự án tổng thầu chìa khóa trao tay EPC có yếu tố nước ngoài đều phải tuân thủ chỉ đạo của Nghị quyết 50 và cần được xem xét một cách nghiêm túc về quốc phòng, an ninh.
Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế thế giới có những biến động khó lường, Nghị quyết 50 đã kịp thời xác định những quan điểm đúng đắn về bảo đảm quốc phòng, an ninh:
“Rà soát, hoàn thiện các quy định về chống độc quyền phù hợp với thông lệ quốc tế; về đáp ứng điều kiện tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh; về bảo đảm quốc phòng, an ninh khi nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam” và “Đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh,... Hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài”.
Chắc chắn Quốc hội và Chính phủ sẽ có nghị quyết chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện nghị quyết quan trọng này của Bộ Chính trị. Điều cần lưu ý là Nghị quyết 50 đã xác định tường minh: “Đa dạng hóa và phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công - tư (PPP) vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Như vậy, những dự án hợp tác công - tư (PPP) mà cơ quan quản lý nhà nước dự kiến kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như dự án đường cao tốc Bắc - Nam hay những dự án tổng thầu chìa khóa trao tay EPC có yếu tố nước ngoài đều phải tuân thủ chỉ đạo của Nghị quyết 50 và cần được xem xét một cách nghiêm túc về quốc phòng, an ninh.
Một trong những khâu quan trọng để thực hiện Nghị quyết 50 là nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các khâu giám định độc lập các dự án có yếu tố đầu tư nước ngoài, phát huy vai trò của các hiệp hội chuyên ngành trong thẩm định và giám sát các dự án này. Phát huy vai trò tai mắt của quần chúng, vai trò của báo chí, thực hiện công khai minh bạch cũng là một khâu then chốt để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 50.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bảy tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,21 tỉ đô la Mỹ. Có 2.064 dự án đăng ký mới với tổng vốn gần 8,3 tỉ đô la Mỹ và 791 lượt dự án đăng ký tăng thêm vốn với 3,42 tỉ đô la Mỹ; còn lại, lượng góp vốn, mua cổ phần tại 4.387 dự án đạt trị giá hơn 8,52 tỉ đô la Mỹ. Số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện từ đầu năm đến nay đạt 10,55 tỉ đô la Mỹ.
Trong bảy tháng đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đạt hơn 991,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 12%...
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/du-an-cao-toc-bac-nam-cung-phai-tuan-thu-nghi-quyet-50-cua-bo-chinh-tri-a109336.html