Mặc dù giành được chính quyền và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945 nhưng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà phải đối diện với một nền tài chính hết sức kiệt quệ và âm mưu lũng đoạn của quân đội Tưởng Giới Thạch.
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Tài chính để phục vụ cho việc chi tiêu của Chính phủ, xây dựng và quản lý việc thu chi ngân sách, từng bước xây dựng và phát triển nền tài chính, tiền tệ của nước Việt Nam độc lập.
Nền tài chính của Nhà nước cách mạng trong buổi đấu hết sức kiệt quệ. Ngân sách quốc gia lúc đó chỉ có 1.230.000 đồng, trong đó quá nửa là tiền rách. Các khoản thu từ thuế giảm sút.
Trong khi nguồn thu quá ít ỏi không thể đáp ứng được nhu cầu chi lớn thì Nhà nước lại chưa kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương.
Thêm vào đó, khi vào nước ta, quân đội của Tưởng Giới Thạch bắt nhân dân ta phải tiêu tiền Quan kim, Quốc tệ của chúng nhằm làm lũng đoạn nền tài chính quốc gia Việt Nam.
Vừa vào Hà Nội, quân đội của Tưởng Giới Thạch đã dán một bản cáo thị lên tường các phố phường như sau:
"Quân đội Trung Hoa được lệnh tiến vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật Bản đầu hàng. Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ mà quân đội Trung Quốc phân tán binh lực, không thể có được một hệ thống tiền tệ chung cho các cuộc giao lưu buôn bán. Vì vậy, nay ấn định tỷ giá các loại tiền Trung Hoa Dân quốc như sau:
1 quan kim = 1,5 đồng Đông Dương
20 đô la Trung Quốc = 1,5 đồng Đông Dương
Tỷ giá này là mệnh lệnh phải thực hiện, không được tự ý thay đổi với bất cứ hoàn cảnh nào. Kẻ nào không tuân lệnh sẽ bị Bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc trừng trị nghiêm trọng".
Tác giả cuốn “Một nền hoà bình bị bỏ lỡ”, Jean Sainteny - Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Việt Nam năm 1945 cho biết trong cuốn sách của mình: “Đồng quan kim được mua tận gốc tại Trung Quốc với giá rẻ gấp 5 lần, sau đó được chuyển hàng đống vào Bắc kỳ làm lợi cho người Hoa. Chỉ trong vài tuần, tất cả những thứ gì có thể bán được đều rơi vào tay người Hoa với giá rẻ như không”.
Ngoài ra, quân đội Tưởng Giới Thạch còn tận lực vơ vét lượng tài sản với giá trị ước lên đến 250 triệu đồng Đông Dương và chuyên chở về nước bằng tất cả các phương tiện đường thủy, đường không, đường bộ.
Ủy viên Cộng hòa Pháp, Jean Sainteny đã chứng kiến tại sân bay Gia Lâm, những vị tướng Trung Quốc lên máy bay trở về Côn Minh mang theo thảm len, các tác phẩm nghệ thuật, cùng ngoại tệ, kim loại quý cất trong hành lý… Các kho tàng chứa các vật liệu của tư nhân hoặc các công ty kinh doanh trước kia bị Nhật Bản tịch thu cũng bị đem về Trung Quốc hết.
Những sự phá hoại này đã giáng thêm những đòn mạnh vào nền kinh tế miền Bắc Việt Nam, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt và nạn đói năm 1945.
Nhận thấy rõ những khó khăn của ngành Tài chính trong buổi đầu của chế độ mới, Chính phủ và Bộ Tài chính đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ tình thế như phát động "Tuần lễ vàng", "Tuần lễ đồng", xây dựng "Quỹ độc lập". Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng bào cả nước đã góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng...
Tuy vậy, những biện pháp trên cũng chỉ là trước mắt, vấn đề cơ bản và lâu dài là phải phát hành đồng tiền Việt Nam. Chính vì vậy, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần thảo luận và quyết định giao cho Bộ Tài chính tổ chức in và phát hành giấy bạc tài chính Việt Nam.
Ông Phạm Văn Đồng, Ủy viên lâm thời Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công việc in và phát hành giấy bạc Việt Nam.
Việc tiến hành tổ chức in giấy bạc được diễn ra khá phức tạp và công phu, được sự hỗ trợ từ nhiều nhà tư sản yêu nước lúc bấy giờ là Đỗ Đình Thiện và Ngô Tử Hạ.
Ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh lịch sử (Sắc lệnh số 18b) cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính phát hành tờ bạc Việt Nam để thay thế cho đồng bạc Đông Dương. Ngày 3/2/1946, cơ quan Tổng phát hành giấy bạc Việt Nam chính thức ra đời và hoạt động ngay sau khi Bộ Tài chính ra Nghị định phát hành lần đầu tiên tại Nam Trung Bộ, từ vĩ tuyên 16 trở vào. Khu vực Nam Trung Bộ được chọn là nơi phát hành giấy bạc tài chính Việt Nam Đầu tiên vì có nhiều điều kiện thuận lợi. Miền Bắc và Bắc Trung Bộ khi đó với nhân nhượng để đối phó với quân Tưởng cùng với các loại bạc Quan kim và Quốc tệ của chúng.
Cơ quan phát hành giấy bạc ở mỗi miền có các tên gọi khác nhau, như Trung ương có Ngân khố quốc gia do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách kinh tài làm Tổng giám đốc; ở Trung Bộ có Ủy ban Tổng phát hành giấy bạc Việt Nam tại Trung Bộ, do đồng chí Trần Duy Bình làm giám đốc; ở Nam Bộ có Ngân khố Nam Bộ do đồng chí Nguyễn Thành Vĩnh làm giám đốc. Tuy vậy, các cơ quan này đều có hai nhiệm vụ chung là phát hành giấy bạc Việt Nam theo kế hoạch của Chính phủ và đấu tranh tiền tệ với địch.
Và đến ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong cả nước. Kể từ đây, nền tiền tệ Việt Nam độc lập và tự do được thiết lập.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-chien-tai-chinh-tien-te-trong-nhung-ngay-dau-doc-lap-a109366.html