Ngót 10 năm qua, những vết lún, nứt trên mặt cầu Thăng Long vẫn “hành hạ” người dân Thủ đô. Từ tốc độ xe lưu thông ban đầu là 80km/h, hiện cầu đặt biển báo 50 km/h, nhưng thực tế, tốc độ xe chỉ còn 20km hoặc 10km/h vì liên tục phải sửa chữa. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã quá “sốt ruột” với “cây cầu đau khổ” này.
Cầu Thăng Long – không bị “lãng quên”?
Được khởi công từ năm 1974 và hoàn thành vào năm 1985, cầu Thăng Long là một biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô (bởi cây cầu này do Liên Xô tài trợ và cử nhiều chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng).
Với Hà Nội, cầu Thăng Long trước đây là hướng đi chính dẫn đến sân bay Nội Bài (khi cầu Nhật Tân chỉ mới đưa vào sử dụng 4 năm nay), gần 30 năm qua, cầu Thăng Long đóng vai trò lịch sử, là cửa ngõ số 1 của Thủ đô.
Nhưng đến giờ, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng mà chưa có giải pháp sửa chữa triệt để. Đây cũng là “bài toán” đau đầu đối với Bộ GTVT và các chuyên gia hàng đầu ngành.
Ảnh: vết nhựa bị trồi sụt, vón cục trên mặt cầu Thăng Long
Còn nhớ, năm 2009, mặt cầu bắt đầu được Ban Quản lý dự án 2, Bộ GTVT “đại tu” toàn diện, nhưng chỉ sau vài tháng, từng mảng bê tông nhựa cứ trơn trượt, vón cục... tạo những khe nứt lớn trên mặt cầu.
Thời điểm đó, các chuyên gia giao thông nhận định: các mảng nhựa asphan không đủ nhiệt độ trong thời tiết lạnh và có mưa nhỏ nên xảy ra hiện tượng đó. Họ đổ lỗi do... thời tiết?
Thế nhưng, liên tiếp nhiều lần sửa chữa sau, mặt cầu Thăng Long vẫn giỗ chằng, giỗ chịt và lún sụt nghiêm trọng. Đáng chú ý, lần “đại tu” gần đây nhất diễn ra vào năm 2013 được các đơn vị thực hiện theo công nghệ Mỹ (cam kết sẽ sửa dứt điểm mặt cầu Thăng Long). Vậy nhưng, chỉ ít lâu sau đó, mặt cầu lại hỏng như cũ.
6 năm qua, mặt đường vẫn tiếp tục sửa chữa với hàng trăm miếng chắp vá, nhưng còn xuống cấp tệ hơn. Các chuyên gia trong ngành giao thông phải thừa nhận “do thiết kế cầu bản thép, công nghệ cũ, nên chưa có phương án khắc phục”.
Mời lại… “người cũ”
Theo lộ trình, cuối năm 2020, tuyến cầu cạn trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long hoàn thành sẽ thông suốt lộ trình từ Đông Anh chạy về cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với tốc độ 80km/h. Nếu không kịp thời sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ là “nút thắt cổ chai” của tuyến cao tốc này.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã phải ra “tối hậu thư”, yêu cầu Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các đơn vị phải nhanh chóng tìm phương án sửa chữa cầu Thăng Long, đặc biệt, mặt cầu phải đảm bảo vận hành từ 7-10 năm.
“Đề bài” nghe đơn giản nhưng không hề dễ vì suốt 10 năm qua, việc sửa chữa mặt cầu chưa có lời giải.
Còn nhớ tháng 9 năm ngoái, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã phải mời đoàn chuyên gia của Nga sang khảo sát cầu, trong đoàn này có cả những chuyên gia đã từng tham gia xây dựng cầu Thăng Long, từng xử lý trực tiếp mặt cầu bản thép và vấn đề dính bám bêtông nhựa. Tuy nhiên, việc sửa chữa cầu vẫn chưa có tiến triển.
Ông Nguyễn Văn Huyện Tổng Cục trưởng Tổng Cục ĐBVN cho biết: vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là tài chính, vì đơn vị đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa chữa cầu Thăng Long, với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.
Vấn đề hiện tại là sử dụng phương án sửa chữa nào? Đó có thể là Nga, Mỹ, Đức, Nhật…
Ảnh: Dù chắp vá nhưng mặt cầu vẫn lộ nhiều vết nứt lớn, nhỏ
Thế nhưng, theo ghi nhận của VietnamFinance, hiện Tổng Cục đường bộ đã liên hệ với chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây (đó là Công ty SK MOST). Đồng thời, gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy Công ty SK MOST hồi âm.
Thời gian chỉ còn hơn 1 năm, việc sửa cầu ngày càng gấp rút khi tuyến cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long sắp “nối mạch” vào năm 2020. Liệu cầu Thăng Long có là “nút thắt cổ chai mới” tại tuyến cầu cạn cao tốc hiện đại nhất Thủ đô. “Lời hứa” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang được người dân Thủ đô mong ngóng và chờ đợi.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cau-thang-long-va-loi-hua-cua-bo-truong-nguyen-van-the-a109369.html