Ngày xưa, rác thải chính là…rác thải, là thứ không ai cần nên bị thải loại ra ngoài môi trường. Ngày nay, điều đó thỉnh thoảng không còn đúng nữa, với không ít nhà khởi nghiệp, rác thải chính là…vàng, ví dụ như ShoeX, Moreloop hay các Refill Station ở các nước.
Không cần bất cứ công trình thống kê nào, chúng ta đều biết giới trẻ ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Họ không còn tiêu dùng ‘vô cảm’ và chỉ nhìn vào sự tiện lợi như trước kia, mà thường ‘cân đo đong đếm’ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Họ sẵn sàng từ bỏ sự tiện lợi nếu sự tiện lợi đó gây hại nhiều đến môi trường.
Đón đầu xu hướng tiêu dùng đó, nhiều nhà khởi nghiệp không chỉ nói không với những sản phẩm/dịch vụ tạo ra nhiều rác thải không thể tái chế mà còn ‘chơi trội’ hơn - tạo ra sản phẩm/dịch vụ từ rác thải. Tuy nhiên, do công nghệ tái chế rác thải thành thành phẩm có thể sử dụng được vẫn còn sơ khai tại Đông Nam Á, nên không ngạc nhiên khi tại khu vực này có nhiều ý tưởng trùng với thế giới và trong khu vực.
Người Việt và công cuộc sáng chế giày thể thao thời trang từ bã cà phê
Gần cuối tháng 8 vừa qua, ShoeX – startup từng gọi thành công 4 tỷ đồng cho 36% cổ phần ở Shark Tank 2018, đã gây bất ngờ cho mọi người khi ra mắt dòng sản phẩm mới, giày thể thao làm từ bã cà phê. Sở dĩ nói ‘gây bất ngờ’ là bởi sản phẩm mới này chẳng liên quan nhiều lắm đến dòng sản phẩm giúp họ tạo được ấn tượng cho Shark Hưng và Shark Linh là dùng công nghệ ‘scan fit’ để "đo ni đóng giày" Tây cho khách hàng.
Giày làm từ bã cà phê của ShoeX là lai giữa giày thể thao và giày Tây.
"Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường là một vấn đề hết sức nhức nhối và chúng ta vẫn chưa có những giải pháp rốt ráo để giải quyết nó. Là một người trẻ làm trong lĩnh vực thời trang, tôi và ShoeX có trách nhiệm phải cân bằng giữa tính thời trang và tiện dụng với môi trường, dùng công nghệ để giúp ngành thời trang không những không làm ô nhiễm môi trường mà còn bảo vệ môi trường", Lê Thanh – Founder ShoeX cho biết.
Tuy nhiên, xu hướng thời trang bền vững cũng có trăm nghìn cách thể hiện, vậy dòng giày mới của ShoeX sẽ ‘hát theo điệu nào’?
"Thật ra, công nghệ sản xuất sợi vải từ bã cà phê có từ những năm 2013, chứ không hề mới. Chỉ là, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển thêm việc làm đế giày từ bã cà phê cùng nhựa tái chế, để có một đôi sneaker hoàn chỉnh làm từ bã cà phê.
Ngoài ra, chúng tôi chọn bã cà phê làm vật liệu sản xuất giày sneaker vì Việt Nam chính là một trong những thủ phủ cà phê của thế giới", Lê Thanh chia sẻ.
Tới đây, hẳn những ai quan tâm đến giới khởi nghiệp Việt sẽ cảm thấy quen quen, bởi mô hình kinh doanh này không hề mới, mà từng được báo giới đề cập đến trước đó không lâu.
Cặp đôi du học sinh Khánh Trần và Sơn Chu đã làm vẻ vang cho người Việt tại trời Âu, khi cùng nhau tạo nên thương hiệu giày thể thao Rens làm từ bã cà phê gây tiếng vang tại Phần Lan. Loại giày có khả năng chống nước của họ được làm từ 21 cốc bã cà phê và 6 chai nhựa. Họ vừa gọi được 457 nghìn USD trên Kickstarter - nền tảng huy động vốn đại chúng dành cho các công ty startup.
Giày làm từ bã cà phê và cốc nhựa mang thương hiệu Rens.
Trong một bài phỏng vấn, Sơn và Khánh từng tiết lộ sẽ "về Việt Nam để tìm hiểu thị trường và xây dựng trụ sở nghiên cứu ở TP.HCM. Hiện tại, sản phẩm của Rens vẫn được sản xuất ở Đài Loan vì công nghệ ở đây khá tiên tiến. Nhưng nếu được, tụi mình muốn đem nó về và phát triển ở nước mình".
Thoạt trông, là ShoeX đã đi trước Rens một bước, cả hai gần như được sản xuất từ một công nghệ và quá trình sản xuất phụ thuộc vào các doanh nghiệp Đài Loan rất nhiều; nhưng nếu xét kỹ thì không hẳn thế. Mẫu mã của ShoeX và Rens hoàn toàn khác nhau, ShoeX là lai giữa sneaker - giày Tây và có kiểu dáng khá cổ điển, còn Rens chỉ đơn thuần là giày thể thao có thiết kế trẻ trung hiện đại và tiện dụng.
Moreloop - Biến các loại rác thải công nghiệp thành vải sử dụng được và áo quần thời trang
Nếu khởi nghiệp đã khó thì khởi nghiệp bắt đầu từ… rác thải còn khó gấp 10 lần, Amorpol Huvanandana, Co-Founder Moreloop đến từ Thái Lan, chính là người thấm thía nhất câu nói trên.
"Cách đây vài năm, tôi bị khủng hoảng trong cuộc sống, sau đó tôi bỏ việc để theo đuổi ước mơ: biến rác thải thành thứ có thể sử dụng được. Tôi đã bị ám ảnh bởi việc: các loại rác thải công nghiệp phải sau 500 năm mới có thể phân hủy được.
Sau 3 năm nghiên cứu, tôi vẫn cảm thấy khá bế tắt và không biết làm như thế nào để biến ý định của mình trở thành thực tế. Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ cuộc, vẫn muốn làm được cái gì đó.
Thế là, tôi đi đến những vùng có nhiều rác thải công nghiệp, tìm cách tạo nên những giá trị từ những thứ như thế. May mắn thay, tôi đã gặp được người bạn cùng chí hướng (co-founder hiện tại của Moreloop). Cả hai chúng tôi đã quyết định chọn hướng đi: biến rác thải trở thành những thứ có thể phục vụ cho nền công nghệ thời trang", Amorpol Huvanandana đã kể như thế trong Hội nghị thường niên do Tập đoàn SCG tổ chức tại Thái Lan với chủ đề Nền kinh tế tuần hoàn: hợp tác cùng hành động.
Anh Amorpol Huvanandana và người đồng sáng lập Moreloop.
Họ bắt đầu bằng việc xây dựng một nền tảng thu mua rác thải công nghiệp, như các loại vải thừa của các nhà máy và xưởng may gia công, ở trên mạng. Một năm sau, bộ đôi này chính thức ra mắt website Moreloop.
"Mục tiêu của chúng tôi khi dấn thân vào ngành thời trang là muốn bán các sản phẩm thật nhanh cho cả thế giới, nhưng thực tế không đúng như kỳ vọng và mọi thứ không như kế hoạch. Chúng tôi buộc phải tự đặt câu hỏi: chúng ta thật sự có nhiều khách hàng đến vậy và mọi người có cần sản phẩm của Moreloop hay không?
Sau khi nhìn nhận lại vấn đề, câu trả lời mà chúng tôi nhận thấy là: có, chỉ cần chúng tôi cởi mở tư duy cũng như thay đổi cách truyền tải thông tin. Kết quả của lần ‘tự vấn’ đó là Moreloop đã bán hết sản phẩm chỉ trong 2 ngày. Và càng ngày, chúng tôi càng có nhiều khách hàng cũng như đối tác tìm tới. Chỉ trong 7 tháng, từ chỉ sử dụng 5 tấn rác thải công nghiệp để sản xuất sản phẩm, Moreloop đã sử dụng tới 59 tấn", anh Amorpol Huvanandana tự hào khoe.
Mục tiêu sắp tới của Moreloop là trong 5 năm, giảm 1.000 tấn carbonic thải ra môi trường.
Refill Station – ‘Những trạm làm đầy’ ở Việt Nam và Bangkok
Với mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nhựa khó phân hủy bằng phương pháp bán hàng mới, Nguyễn Dạ Quyên – Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting và Tống Khánh Linh (Helly Tống), đã bắt tay xây dựng và phát triển dự án Lại Đây Refill Station.
Cửa hàng Lại Đây thứ 2 vừa mới khai trương tại Quận 7.
"Lại Đây Refill Station là một cửa hàng tiện dụng dành cho những ai quan tâm tới lối sống xanh và bền vững. Chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho sinh hoạt và chăm sóc nhà cửa với nguyên liệu thân thiện với môi trường. Dịch vụ "refill"— tức sang chiết và làm đầy sản phẩm vào trong vật chứa có sẵn của khách hàng sau khi họ mua sản phẩm tại cửa hàng.
Quan trọng nữa là dịch vụ 5R— Reduce, Re-use, Recycle, Repair, Refuse. Ví dụ như sửa chữa những món đồ lâu năm để tăng thời hạn sử dụng, giới thiệu các giải pháp giảm lượng rác thải cho văn phòng, tổ chức sự kiện và các bữa tiệc gia đình, hay chương trình ‘chia sẻ xanh và tái sử dụng’ để người tiêu dùng có thể trao đổi các vật dụng mà bản thân mình không cần nữa", đại diện Lại Đây cho biết.
Danh mục đồ dùng trong nhà, cá nhân, và mang đi của Lại Đây đều làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Không chỉ cam kết về chất lượng sản phẩm, họ còn đảm bảo về tính minh bạch của thông tin sản phẩm. Cụ thể, các sản phẩm hợp tác thương mại phải hoàn toàn nói không với bao bì nhựa dùng một lần. Lại Đây cũng ưu tiên làm việc với những nhà cung cấp có vị trí địa lý gần nhất với cửa hàng nhằm giảm thiểu lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển.
Hiện Lại Đây có 2 chi nhánh ở Quận 2 và Quận 7. Chi nhánh ở Quận 7 vừa mới khai trương ở tháng 7/2019.
Tại Bangkok, cũng có startup tên Refill Station với mô hình kinh doanh giống Lại Đây. Mặc dù quy mô cửa hàng và các sản phẩm không bằng Lại Đây, song Refill Station Bangkok có tích hợp thêm một quán cà phê ở tầng trệt và một homestay ở tầng hai. Homestay có khoảng 4 đến 5 phòng, được cải tạo từ một ngôi nhà kiểu cổ, được người chủ giữ lại tất cả những gì có thể, từ vật liệu cho đến kiến trúc. Thế nên, homestay này có kiến trúc khá độc đáo, ngay trong phòng tên ‘Bạn bè’ có hẳn một chiếc cầu thang.
Dù ngôi nhà tích hợp tới 3 khu vực mang công năng khác nhau, nhưng quả thật nó mang tinh thần refill triệt để!