Thay vì đối đầu, hãy học cách thỏa hiệp với stress

Stress (căng thẳng) đã trở thành một “yếu tố thời đại”. Stress tồn tại trong mọi nền văn hóa, mọi quốc gia, và mọi mối quan hệ của con người trên thế giới này. Đặc biệt hơn, những người sống tại các thành phố lớn, thành phố công nghiệp nói chung và những người làm việc trong môi trường nhiều cạnh tranh sẽ có nguy cơ đối diện với nhiều vấn đề gây stress hơn.

Không quá khó để nhận diện một người đang rơi vào tình huống căng thẳng, những dấu hiệu khá đa dạng nhưng rõ nhất là làm cho một cá nhân trở nên mệt mỏi, chán nản, lo âu, nghiện ngập… Một cách tự nhiên, trong nhiều trường hợp, stress sẽ qua với thời gian và sự thích ứng hoặc đôi khi là chịu đựng của từng cá nhân, nhưng nhìn chung để có một cuộc sống khỏe mạnh thật sự, con người cần nhận thức một cách rõ ràng và nắm bắt được một số chiến lược căn bản để giải quyết tình trạng căng thẳng của bản thân trước khi nó tạo ra những hệ quả nghiêm trọng.

Bài viết dưới đây sẽ mang lại cho chúng ta một số biện pháp căn bản nhưng cũng khá chi tiết về các chiến lược quản lý stress.

Tránh những căng thẳng không cần thiết

1. Học cách nói “Không”. Hãy biết những giới hạn của bản thân và tránh những tình huống hoặc những lời hứa có khả năng vượt quá giới hạn đáp ứng của bản thân. Thay vì luôn sẵn lòng “ok” mọi tình huống để đẹp lòng người khác, hãy suy nghĩ thấu đáo và can đảm nói “không” một cách thích đáng.

2. Tránh những kẻ gây căng thẳng. Không ít người trong các mối quan hệ của chúng ta có thể thường xuyên tạo ra những áp lực và căng thẳng không sao xử lý được. Cách hay là hạn chế thời gian hoặc những cơ hội gặp gỡ những người như vậy

3. Kiểm soát môi trường sống của bản thân. Rất đơn giản theo kiểu: “nếu bạn biết một vài điều nào đó xung quanh cuộc sống có thể làm mình lo lắng, mệt mỏi, hãy tìm cách tránh đối diện với những yếu tố đó”. Thay vì xem mục tin tức về tai nạn giao thông nghiêm trọng, có thể ra ngoài đi dạo chẳng hạn.

4. Tránh những chủ đề “nóng”. Nếu bạn cảm thấy mình dễ trở nên căng thẳng hoặc “lên máu” với những chủ đề dễ gây tranh cãi như tôn giáo hoặc chính trị, tốt nhất là không để xảy ra những tình huống phải tranh cãi về điều đó với người khác

5. Giảm những mục không cần thiết trong danh sách “những việc phải làm ngay”. Phân tích thời khóa biểu cũng như những trách nhiệm mà bạn “phải” làm. Loại ra khỏi danh sách những nhiệm vụ không thật sự quan trọng đến mức “phải làm”.

Điều chỉnh nguồn gây căng thẳng

1. Bộc lộ những cảm xúc của bạn thay vì “đóng chai” chúng lại. Nếu có ai đó hoặc điều gì đó gây phiền muộn bạn, hãy bày tỏ, bộc lộ điều đó ra một cách cởi mở và tôn trọng. Nếu không, những cảm xúc tiêu cực đó có thể sẽ dồn lại và phá hủy cuộc sống của bạn

2. Sẵn lòng thỏa hiệp. Thỏa hiệp trong nhiều trường hợp là tiêu cực, tuy nhiên để tránh căng thẳng, đôi lúc thỏa hiệp lại là điều nên làm. Chẳng hạn khi bạn yêu cầu ai đó phải thay đổi hành vi của họ, bạn có thể suy nghĩ lại và cũng làm như vậy, tức thay đổi một vài hành vi của chính bản thân mình. Nếu cả hai phía cùng nhau thay đổi hành vi tiêu cực, mỗi người một chút, rất có thể tình hình sẽ trở nên dễ thở hơn

3. Quyết đoán hơn. Dừng ngay việc rút ra ghế sau trong chính cuộc đời của mình, mà hãy đứng lên đối diện với các vấn đề đang diễn ra, làm những hành động tốt nhất có thể và ngăn ngừa các tình huống gây căng thẳng. Nếu bạn có bài tập phải làm trong khi có người muốn tán gẫu trên mạng, hãy quyết đoán hơn bằng cách nói với người ấy là bạn đang bận làm bài do đó chỉ có thể nói được vài ba câu thôi.

4. Quản lý thời gian tốt hơn. Khi bạn chỉ có một khoản thời gian rất ít trong khi nhiều thứ phải giải quyết thì rất dễ dẫn đến căng thẳng và khó có thể bình tĩnh được. Điều chỉnh lại thời gian biểu sao cho không bị dồn vào thế kẹt, đó là cách tốt để tránh căng thẳng.

Thích nghi với những yếu tố gây căng thẳng

1. Tái cấu trúc vấn đề căng thẳng. Cố gắng nhìn vấn đề đang gây căng thẳng bằng một thái độ tích cực hơn. Thay vì cau có và khó chịu vì bị kẹt xe, có thể tính toán để làm một việc gì đó khác đi khi bị rơi vào tình huống kẹt xe, chẳng hạn thay đổi lịch trình, chọn tuyến đường khác, nghe nhạc, đọc vài tờ giấy ghi chú…

2. Nhìn vào bức tranh rộng hơn. Nhìn những nguồn gây căng thẳng với tầm nhìn rộng và bao quát hơn chứ không nhất thiết phải “chúi mũi” vào điều đang gây stress. Khi nhìn toàn cảnh vấn đề, rất có thể bạn sẽ tìm thấy thêm được nhiều nguồn lực, nhiều cách thức khác hơn để giải quyết vấn đề

3. Đánh giá lại những tiêu chuẩn của bản thân. Chủ nghĩa hoàn hảo là một trong những nguồn gây căng thẳng lớn. Tránh những tình huống phải phiền trách sự thất bại của bản thân chỉ vì những tiêu chuẩn đánh giá hoặc những mong đợi của bản thân quá hoàn hảo. Tập quen với việc đưa ra những tiêu chuẩn “tốt vừa đủ”.

4. Tập trung vào điều tích cực. Khi sự căng thẳng dìm bạn xuống đáy của cảm xúc tiêu cực, hãy dành chút thời gian để dừng lại và nhấn nút “refresh”. Chú ý nhiều hơn đến những khía cạnh, những điểm tích cực của vấn đề đang gây căng thẳng.

Chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi.

1. Đừng cố kiểm soát những điều không thể kiểm soát được. Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà bạn không thể nào kiểm soát được, chẳng hạn như thái độ và hành vi của người khác. Thay vì chú ý đến những điều người khác phải thay đổi, có thể chú ý đến những điều mà bản thân có thể kiểm soát được, chẳng hạn bạn có thể chọn lựa cách thức để phản ứng lại với các vấn đề căng thẳng

2. Nhìn mặt trên của vấn đề. Người ta nói, “Những điều không thể giết bạn thì sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn”. Thật vậy, khi gặp phải tình cảnh thách thức, thay vì để nó đánh gục bạn, hãy nhìn nó như một cơ hội để phát triển bản thân và trưởng thành hơn. Học từ những thất bại là một dạng như vậy.

3. Chia sẻ những cảm xúc. Nói chuyện với một người bạn thân hoặc ai đó đáng tin tưởng, hoặc cũng có thể hạn gặp một chuyên gia tham vấn tâm lý để chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Nội việc bạn nói ra những cảm xúc và khó khăn của bản thân cũng đã giúp bạn nhìn tốt hơn về những tình huống gây căng thẳng

4. Học cách tha thứ. Chấp nhận những giới hạn của cuộc sống và những sai sót có thể xảy ra trong một cuộc sống không hoàn hảo như mong đợi. Tha thứ cho bản thân và tha thứ cho người khác là cơ hội tốt để vượt qua những căng thẳng.

Biến cuộc sống thành một nơi vui vẻ và thư giãn.

1. Một số điều có thể làm để cuộc sống được vui vẻ và thư giãn hơn: Đi bộ, nhìn ngắm thiên nhiên, gọi cho một người bạn tốt, thư giãn cơ bắp bằng các bài tập thể dục đơn giản, viết nhật ký hoặc blog, tắm một cách chậm rãi, tắt đèn điện và dùng nến, nhâm nhi một tách cà phê hoặc trà ấm, chơi với thú nuôi, đi dạo trong một ngôi vườn, mát-xa, đọc một cuốn sách thú vị, nghe nhạc yêu thích, xem một bộ phim thú vị…

2. Để có thể thực hiện được việc thư giãn thường xuyên, có thể chú ý đến những điều sau: Lên lịch thư giãn hằng ngày và duy trì nó như một hoạt động vui thích; Liên hệ với những người khác để cùng tham gia các hoạt động với nhau; Làm vài điều thích thú hằng ngày, chẳng hạn chơi một bản nhạc, hay đạp xe đạp nhẹ nhàng; Giữ cho cuộc sống hài hước bằng nhiều cách khác nhau như xem hài kịch, đọc truyện cười, nghe và kể vài chuyện tiếu lâm với bạn bè…

Tạo một lối sống khỏe mạnh

1. Tập thể dục thường xuyên và ổn định. Có thể bạn không có nhiều thời gian, nhưng thật may là việc tập thể dục thường xuyên lại không cần nhiều thời gian như bạn nghĩ. Chỉ cần mỗi ngày 30 phút, nhưng duy trì ổn định và thường xuyên, bạn sẽ có cơ hội tạo dựng được một lối sống khỏe mạnh

2. Ăn uống một cách khỏe mạnh. Đừng ăn quá nhiều, quá no, nhưng cũng đừng bỏ bê việc ăn uống. Ăn uống một cách khỏe mạnh và ăn uống vừa đủ no, đủ chất và đủ bữa.

3. Giảm lượng caffeine và đường. Những chất như cà phê, đường, sô-cô-la… luôn mang lại cho bạn nhiều năng lượng nhưng nó cũng dễ làm bạn bị kích thích và không thể “ngủ yên” được.

4. Tránh tối đa việc uống rượu, bia, hút thuốc lá và dùng thuốc tây. Những thứ như rượu, bia, thuốc lá, thuốc ngủ có thể tạm thời giúp bạn trốn được căng thẳng nhưng chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm được nguyên do gây căng thẳng. Hơn nữa việc làm dụng những chất này có thể gây ra nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe và lối sống khỏe mạnh của con người.

5. Ngủ đủ. Khi căng thẳng, chúng ta thường dễ bị mất ngủ vì phải mải miết suy nghĩ hoặc lo lắng hoặc tìm cách giải quyết. Nhưng một giấc ngủ đủ có thể giúp ích rất nhiều, có thể giúp bạn thoải mái và tỉnh táo hơn để tìm kiếm các giải pháp tích cực và hiệu quả.

Ý Nhi/Theo CNBC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thay-vi-doi-dau-hay-hoc-cach-thoa-hiep-voi-stress-a109754.html