Điểm lại 3 dự án BT 'khủng' ở Nha Trang

Nhiều dự án BT lớn ở Nha Trang, Khánh Hòa đổi nhiều “đất vàng” lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đã làm thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước lớn.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã vào làm việc tại Khánh Hòa và công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Theo UBKTTW, vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều lãnh đạo tỉnh đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ngoài ra, UBKTTW đánh giá, các vi phạm của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước".

Theo UBKTTW, về trách nhiệm các cá nhân lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang -  Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Lê Đức Vinh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.

Ông Trần Sơn Hải - nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên - Tỉnh ủy viên, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Được biết, một trong các vi phạm lớn của UBND tỉnh Khánh Hòa là các dự án BT đổi nhiều "đất vàng" lấy công trình hạ tầng nhưng không đấu thầu, đấu giá đất theo quy định pháp luật, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước rất lớn.

Theo thống kê, hiện Khánh Hoà có 22 dự án BT, trong đó 17 dự án đã ký kết hợp  đồng với nhà đầu tư và 5 dự án đã  được tỉnh phê duyệt nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện, trong số này có 3 dự án đặc biệt gây bức xúc trong dư luận khi các nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất "vàng" có giá trị  thị trường rất  lớn, đó là: Dự án BT Trường Chính trị của CTCP Thanh Yến, dự án sân bay Nha Trang của Phúc Sơn và Trường Cao đẳng Nghề của Vinaminco.

Dự án Trường Chính trị của CTCP Thanh Yến đổi lấy 7.388 m2 “đất vàng”

CTCP Thanh Yến được chỉ định thực hiện dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà (giai đoạn 1) tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. Đổi lại, Thanh Yến vào tháng 2/2016 được thanh toán bằng khu đất rộng 7.388 m2 nằm ở vị trí đắc địa tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng. Sau đó, dự án thương mại này  được Thanh Yến phát triển với tên gọi Khu phức hợp thương mại - dịch vụ- y tế - văn phòng khách sạn – nhà ở chung cư – Nha Trang Center 2 (hiện có tên là Dự án Goald Coast) với quy mô xây dựng 40 tầng nổi, 3 tầng hầm. Tổng mức đầu tư 1.412 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường 920 căn hộ và phòng khách sạn.

nhadautu - du an gold coast cua thanh yen group

Dự án căn hộ Gold Coast Nha Trang của CTCP Thanh Yến 

Đáng chú ý, Thanh Yến chỉ phải chi vỏn vẹn khoảng 123 tỷ đồng để sử dụng khu đất này trong 50 năm, căn cứ theo Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 về phê duyệt giá đất thực hiện dự án của UBND tỉnh Khánh Hòa, mức giá đất được tính là gần 22,5 triệu đồng/m2 đối với đất ở và hơn 7,8 triệu đồng/m2 đối với đất sản xuất kinh doanh, trong khi giá thực tế của thị trường cao hơn rất nhiều lần.

Không dừng lại ở đó, khu Trường Chính trị Khánh Hòa (mới) ở xã Phước Đồng vẫn chưa thể hoàn thành khi còn thiếu ký túc xá. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi 18.000 m2 tại Khu C thuộc dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia tại Vĩnh Hòa Nha Trang (do CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền làm chủ đầu tư) để hoàn vốn cho hợp đồng BT xây dựng hạng mục ký túc xá cho trường.

Được biết, các khu đất này đều có vị trí đắc địa khi nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng và đường ven vịnh Nha Trang, được coi là "đất vàng" nhưng tỉnh định giá chỉ 4,7 - 9,8 triệu đồng/m2 đối với đất ở.

Dự án sân bay Nha Trang của Phúc Sơn và 3 dự án BT chậm tiến độ

Tập đoàn Phúc Sơn là nhà đầu tư được UBND tỉnh Khánh Hoà giao thực hiện các dự án BT gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối Nút giao Ngọc Hội và dự án Nút giao Ngọc Hội. Nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư là các quỹ đất thuộc dự án Trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (Gọi tắt là dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang) phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 (trên nền sân bay Nha Trang cũ) có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng với chi phí đầu tư các dự án BT với diện tích 62,3ha.

3922_san_bay_nha_trang_phuc-son-12-2342

Dự án đối ứng nằm trên nền sân bay Nha Trang cũ, cách không xa bờ biển và nằm ở khu vực sầm uất nhất Nha Trang

Trước đó, khu đất này dự kiến được dùng để đối ứng cho Phúc Sơn tại dự án đầu tư Trung tâm hành chính mới tập trung của tỉnh (cũng theo hình thức BT), tuy nhiên dự án không được triển khai do Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2015 yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung.

Hiện nay, cả 3 dự án giao thông này đều chậm tiến độ, trong khi Phúc Sơn đã làm hạ tầng dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ tài chính - du lịch Nha Trang với quy mô 1.300 lô đất ở và hàng trăm lô biệt thự đơn lập trong quỹ đất được giao ở sân bay Nha Trang.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Phúc Sơn đầu tháng 4/2019 đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về việc báo cáo, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án BT, trong đó việc các  dự án  BT chậm tiến độ là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án BT đang gặp rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ diện tích chưa bàn giao lên tới từ 46,6% đến 64,41%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai. Ngoài ra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất của dự án Trung tâm Tài chính Nha Trang vẫn chưa hoàn thành, do đó nhà đầu tư không thể thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán và thu hồi vốn đầu tư các dự án cũng như hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang 32 Trần Phú của Vinaminco

Vào năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hoà đồng ý cho CTCP Vinaminco Khánh Hòa thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang theo hình thức BT tại khu Hòn Rớ 2 (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang). Đổi lại, CTCP Vinaminco Khánh Hòa sẽ được giao khu đất cũ rộng 2,7ha tại 32 Trần Phú để lập dự án và khai thác kinh doanh thu hồi vốn.

nhadautu - Vinaminco

Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp-trung tâm thương mại-Cơ sở đào tạo du lịch-Khách sạn Russia tại khu đất 32 Trần Phú

Sau đó vào năm 2014, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản thỏa thuận phương án kiến quy hoạch Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp-trung tâm thương mại-Cơ sở đào tạo du lịch-Khách sạn Russia tại khu đất 32 Trần Phú với chỉ tiêu cơ bản như: Mật độ xây dựng khoảng 35%; Số căn hộ chung cư khoảng 1.200 căn+800 phòng khách sạn.

Tiếp đến, cơ quan chức năng tỉnh này có nhiều văn bản về điều chỉnh chiều cao, phương án kiến trúc, thiết kế của dự án này so với phương án thỏa thuận ban đầu là 5 khối công trình chính cao 45 tầng.

Dù đã nhiều lần điều chỉnh, nhưng đến cuối tháng 8/2018, CTCP Vinaminco Khánh Hòa lại tiếp tục đề nghị tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch của dự án tổ hợp trên.

Cụ thể, doanh nghiệp này đề xuất tăng mật độ xây dựng toàn khu lên 5% (từ 35 lên 40 %); giảm chiều cao công trình (từ 45 xuống 40 tầng) theo Đồ án quy hoạch chung về chiều cao công trình của Thành phố Nha Trang chỉ cho phép xây không quá 40 tầng.

Đặc biệt, Vinaminco Khánh Hòa muốn có thêm 1.810 căn hộ chung cư nâng tổng số căn hộ chung cư ở khu đất này lên hơn 3.000 căn hộ, còn phần xây khách sạn giảm số phòng từ 800 xuống còn 770 phòng.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Vinaminco Khánh Hòa thành lập vào ngày 2/7/2012, đóng trụ sở tại 32 Đường Trần Phú - Phường Vĩnh Nguyên - Thành phố Nha Trang - Khánh Hòa. Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, vào ngày 12/10/2017, công ty đã thực hiện tăng vốn chủ sở hữu từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Phạm Văn Đạo (50%), Lê Vĩnh Phúc (49%) và Nguyễn Thị Liễu (1%).

Thời điểm đó, ông Lê Vĩnh Phúc cũng là Người đại diện theo pháp luật Vinaminco Khánh Hòa. Được biết, ông Phúc hiện tại đang “đứng tên” một số doanh nghiệp như công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá An Bình – Yên Bái, CTCP Vinaminco Hòa Bình và CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng sông Hà Nội.

Bảo Linh/Nhà Đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/diem-lai-3-du-an-bt-khung-o-nha-trang-a110070.html