Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO

Vào ngày 8/8 năm ngoái, khi THACO thông báo sẽ tiếp hành hợp tác với HAGL, với ý định cụ thể là muốn đưa tay kéo doanh nghiệp phố núi này khỏi vực thẳm nợ nần, theo lời của ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO, thì đã có không ít sự quan ngại dành cho tập đoàn này trước hành động đó.

Lúc đó, như chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL trong Lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác vào 9/9, thì "do giá cao su giảm mạnh, HAGL rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn"; khiến nhiều người cho rằng, có khi THACO không cứu được HAGL mà còn chết chìm theo họ.

Tuy nhiên, sau 1 năm, lo lắng của những người bi quan đó đã không thành hiện thực. Hoàng Anh Gia Lai cơ bản đã sống lại nhờ việc THACO đã liên tục ‘bơm’ vào tập đoàn này khoảng 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) trong vòng 1 năm qua. Đến nay, HAGL đã cơ bản ổn định dòng tiền và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp. Dự kiến, vào năm 2020, HAGL sẽ cân đối được thu chi, trong đó trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần cho THACO (cả nợ THACO cho vay và nhận nợ thay).

22.194 tỷ đồng của THACO phân bổ vào HAGL như thế nào?

Theo thoả thuận ban đầu, THACO sẽ đầu tư vào 2 công ty là Công ty CP Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myamar. Đối với HNG, thông qua Hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoảng nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, THACO và nhóm cổ đông của THACO sở hữu 35% HNG. Song song đó, Đại Quang Minh cũng đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên sở hữu 65% HAGL Myanmar.

Cụ thể: THACO đã đầu tư vào HNG thông qua: 35% vốn với số tiền 3.949 tỷ đồng, cho vay 2.464 tỷ đồng; công ty THADI do THACO thành lập đã mua cổ phần 3 công ty con của HNG sở hữu 23.100 ha đất với số tiền là 7.626 tỷ đồng, đồng thời đã nhận nợ vay 2.500 tỷ và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ. Đại Quang Minh góp vốn 65% theo thỏa thuận, sẽ ứng mua tiếp 35% đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn 2 là 8.155 tỷ đồng.

Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO - Ảnh 1.

Hình phối cảnh dự án HAGL Myanmar

"Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đối với các dự án của HAGL Myanmar, như triển khai thiết kế giai đoạn 2 và nâng cấp giai đoạn 1 với tổng diện tích đất 7,3ha, tổng diện tích sàn xây dựng là 730.000m2; bao gồm trung tâm giao thương mua sắm và giải trí hàng đầu Yangon theo mô hình khu phức hợp cao cấp kiểu mẫu: Trung tâm thương mại - Văn phòng - Khách sạn - Trung tâm hội nghị - Căn hộ cho thuê.

Vốn đầu tư xây dựng cho giai đoạn 2 ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng, chi phí nâng cấp giai đoạn 1 là 535 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của dự án tại Myamar là 16.000 tỷ đồng", ông Trần Bá Dương cho biết chi tiết hơn.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ về mặt tài chính của THACO và năng lực xây dựng của Đại Quang Minh, HAGL đang tập trung thi công, hoàn thiện và sẽ khánh thành sân bay Nọng Khang vào ngày quốc khánh Lào (2/12/2019). Cùng với các dự án trước đã đầu tư, thì Chính phủ Lào đang nợ HNG khoảng 2000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, THACO không chỉ hỗ trợ HAGL tiền mà còn nhiều thứ cần thiết khác nhau

Trong năm 2018, THACO đã thành lập ty CP nông nghiệp Đông Dương (THADI) nhằm có thể hỗ trợ HAGL toàn diện hơn. Có thể thấy, THACO gần như bao tiêu cả đầu vào và đầu ra cho HNG từ con giống – vật tư – kỹ thuật đến logistic – bảo quản – phân phối, việc của HNG – ngoài tập trung vào việc trồng trọt, chỉ còn là phối hợp tốt với THADI.

THADI chịu trách nhiệm khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm nông sản và cung ứng các loại vật tư nông nghiệp, nghiên cứu thị trường để phát triển các chủng loại trái cây phù hợp với từng phân khúc thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định và tăng trưởng.

Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO - Ảnh 2.

THACO đã thành lập THADI với mục đích chính là hỗ trợ HAGL một cách toàn diện hơn sau khi chính thức hợp tác vào tháng 8/2018.

Doanh nghiệp mới này còn tham gia sản xuất trồng trọt để san sẻ việc chuyển đổi một phần diện tích cây cọ dầu, cây cao su quá lớn của HNG sang trồng mới cây ăn trái, qua đó nghiên cứu để thay đổi phương thức canh tác dựa trên cơ giới hóa và quản trị dựa trên số hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch. Nghiên cứu trồng thêm các loại cây ăn trái mới để phát triển thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông và phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, THADI còn chịu trách nhiệm thành lập và triển khai hoạt động về cơ giới, cơ khí và giải pháp nông nghiệp. Họ đã tổ chức các chi nhánh tại Lào, Campuchia bao gồm đội thi công cơ giới, xưởng cơ khí, xưởng sửa chữa và đội vận chuyển phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, họ còn tiếp tục đầu tư trung tâm nghiên cứu ứng dụng và xưởng cơ khí tại nông trường qua đó nghiên cứu các giải pháp để chế tạo các thiết bị, nông cụ chuyên dụng và tiến đến cơ giới hóa toàn bộ trong hoạt động canh tác trồng trọt của HAGL.

Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO - Ảnh 3.

Một lần chung tay làm từ thiện của HAGL và THACO.

THADI cũng đã thành lập và triển khai hoạt động công ty logistics chuyên dụng cho cây ăn trái gồm kho bảo quản tại nông trường, phương tiện vận chuyển chuyên dụng từ Lào, Campuchia về Việt Nam; kho lạnh, kho vật tư nông nghiệp, bãi, tàu container chuyên dụng tại Chu Lai.

Dự kiến, trong năm 2019, Chu Lai Logistics sẽ vận chuyển hơn 3.200 container, gồm gần 1.800 container trái cây và hơn 1.400 container là hàng hóa tổng hợp đối lưu cho các tuyến vận chuyển. Đặc biệt, THACO cũng đã đầu tư xây dựng kho lạnh trái cây có diện tích gần 5.000m2 và bãi container lạnh hơn 10.000m2; đội xe đầu kéo sơmi rơmoóc lạnh, container lạnh 45 feet.

Họ vừa thành lập và triển khai đầu tư khu công nghiệp chuyên nông - lâm nghiệp tại khu kinh tế mở Chu Lai với các chức năng chính là sản xuất chế biến các sản phẩm từ trái cây bao gồm nhà máy chế biến trái cây chính và các nhà máy làm bánh, nước uống, sản xuất vật tư phục vụ ngành nông nghiệp và trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm.

THADI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến trái cây công suất 500.000 tấn/năm. Giai đoạn I là 100.000 tấn/năm với vốn đầu tư là 1.373 tỷ đồng. Dự kiến tháng 6/2020 sẽ đi vào hoạt động dây chuyền sấy và IQF (trái cây đông lạnh) và tháng 11/2020 sẽ có sản phẩm Puree và bột.

Dự kiến doanh thu từ trái cây của HAGL sẽ đạt 1 tỷ vào năm 2021

Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO - Ảnh 4.

Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL.

Chứng kiến THACO làm nhiều việc như thế, tất nhiên bản thân HAGL cũng không thể đứng im hưởng lợi, mà họ cũng đang chạy đua từng ngày để phát triển bản thân, chứng tỏ thành ý hợp tác của mình.

"Về sản xuất, HNG đang dồn mọi nguồn lực để tập trung đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây ăn trái của HNG, tăng từ 18.675 ha lên 30.000 ha. Tiến hành sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và chuyên biệt theo nhóm cây trồng tại Đông Dương, đặt trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ mới nhất để hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản trái cây, cải thiện tích cực năng suất và tăng tỷ lệ trái cây loại 1 với mức cao nhất", ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ.

Về doanh thu bán hàng: trong năm 2019, HNG sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây, đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD, năm 2020 dự kiến sản lượng xuất khẩu trái cây sẽ trên 400.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD và hướng đến 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021.

Về quản trị: HAGL sẽ tiếp tục chương trình tái cấu trúc theo hướng công ty đại chúng có quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp. Bao gồm: Tập đoàn, các công ty con hạch toán độc lập, các xí nghiệp hạch toán phụ thuộc theo chũng loại cây ăn trái và địa bàn, nhằm từng bước hoàn thiện cấu trúc, sơ đồ tổ chức, các chính sách, quy định và giám sát sự tuân thủ.

Về tài chính: Với việc tái cấu trúc về tài chính trong năm qua, cùng với sự tích cực trong việc chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu và một phần cây cao su sang cây ăn trái, nhất là doanh thu cây ăn trái tăng trưởng nhanh - ổn định trong thời gian tới; đến giữa năm 2020 HNG sẽ cân đối được thu chi, trong đó có trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần cho THACO (cả nợ THACO cho vay và nhận nợ thay).

Phi vụ ‘giải cứu’ Hoàng Anh Gia Lai trị giá gần 1 tỷ USD của THACO - Ảnh 5.

Chủ tịch Trần Bá Dương của THACO

"Có thể nói, bước đầu của sự hợp tác giữa THACO và HAGL đã thành công. Chúng tôi không những đã thực hiện được rất nhiều việc để HAGL bước qua được giai đoạn khó khăn mà còn thực hiện được một phần chiến lược mang tính đột phá, nhằm đưa HNG sớm trở thành một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp

Theo đó, chúng tôi đang góp phần tạo ra chuỗi giá trị cây ăn trái nhiệt đới trong ngành nông nghiệp Việt Nam đủ sức tham gia thị trường toàn cầu, góp phần cùng nhiều tập đoàn sản xuất kinh doanh nông nghiệp khác đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào Top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới trong 10 năm tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Trần Bá Dương kết luận.

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/phi-vu-giai-cuu-hoang-anh-gia-lai-tri-gia-gan-1-ty-usd-cua-thaco-a110507.html