Vay 8 triệu qua app, 2 tháng sau trả gần 200 triệu vẫn chưa hết

Chị Phạm Thị Tuyết Mai lướt Facebook, thấy hiện lên một ứng dụng cho vay tiền online. Đang lúc cần 8 triệu cho người thân vay, chị Mai nhấp vào ứng dụng có tên là "Vayvay" để vay tiền.

 

Vay 8 triệu qua app, 2 tháng sau trả gần 200 triệu vẫn chưa hết - Ảnh 1.

Các app cho vay nở rộ và lừa rất nhiều khách hàng. Không ít người phải cầu cứu đến cơ quan chức năng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chúng tôi lần theo địa chỉ bạn đọc phản ảnh đến báo và gặp chị Phạm Thị Tuyết Mai - người vay tiền - đang nằm điều trị ở bệnh viện. Câu chuyện vay tiền qua các ứng dụng được chị thuật lại.

Lãi "cắt cổ"

Một ngày đầu tháng 7-2019, chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ Tiền Giang) đang lướt Facebook thì thấy hiện lên một ứng dụng cho vay tiền online. Đang lúc cần 8 triệu cho người thân vay, chị Mai nhấp vào ứng dụng có tên là "Vayvay" để vay tiền.

Khi tải ứng dụng này về, màn hình hiện lên yêu cầu cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, hình ảnh và vị trí để "tăng tỉ lệ duyệt hồ sơ đến 99%". Nghĩ rằng không ảnh hưởng gì nên chị Mai nhấp vào "đồng ý".

Sau đó, ứng dụng yêu cầu chị Mai chụp hình giấy tờ tùy thân và khuôn mặt của mình trên ứng dụng này để đối chiếu. Và sau các thao tác, từ lúc tải ứng dụng đến khi chị nhận được tiền chỉ mất khoảng 2 phút.

Có những ứng dụng khó hơn thì vài chục phút hay lâu hơn cũng chỉ trong ngày là người vay được "giải ngân". Số tiền vay được chuyển ngay vào tài khoản của chị Mai.

Tuy nhiên, do những ứng dụng (app) này chỉ giới hạn số tiền vay 1-4 triệu đồng nên ban đầu chị phải vay tiền từ 4 ứng dụng khác nhau. Ngoài vay tiền từ ứng dụng "Vayvay", chị Mai còn vay từ các ứng dụng khác như "Samsetvay", "I Dong" và "V Dong".

"Do người thân tôi cần tiền gấp trong khi thấy việc vay tiền dễ dàng và đặc biệt lãi suất thấp nên tôi không nghĩ ngợi gì mà liên tục thao tác để vay tiền. Ai ngờ đó là cái bẫy được giăng sẵn" - với vẻ mặt phờ phạc sau những ngày liên tục bị khủng bố tinh thần, chị Mai kể lại.

Người vay bị lừa vào bẫy

Vẫn theo chị Mai, từ những lời quảng cáo trên mạng lãi suất vay rất thấp, thậm chí 0%, nhưng bằng cách "đẻ" ra các loại phí như "phí dịch vụ", "phí quản lý"..., tính ra các app cho vay đã tính lãi "cắt cổ" khách hàng.

Với các chiêu thức mập mờ, các app cho vay tiền online đưa người vay vào mê hồn trận, không còn lựa chọn và rơi vào tròng. Bởi mọi việc chỉ vỡ lẽ khi việc đăng ký vay hoàn thành và không thể quay lại, hoàn trả tiền.

Theo chị Mai, sau khi đăng ký xong hết thì ứng dụng cho vay không tính lãi suất nhưng lại tính "chi phí làm hồ sơ" từ 30-50% khoản vay thực tế.

"Ví dụ khi đăng ký vay 1,5 triệu, tôi chỉ thực nhận 1 triệu đồng, còn 500.000 đồng họ giữ lại với lý do "trừ phí hồ sơ". Hơn nữa, tôi chọn thời gian trả là 30 ngày nhưng khi mọi việc xong xuôi thì hạn trả chỉ còn có 7 ngày.

Đến ngày thứ 7 tôi phải trả đủ 1,5 triệu đồng dù tôi chỉ vay được 1 triệu đồng" - chị Mai nói và cho biết thêm cứ quá hạn 1 ngày sẽ bị tính lãi suất 2%, 2% tiếp tục được tính vào "phí quản lý".

6 ngày sau khi được "giải ngân", chị Mai liên tục nhận được điện thoại của người tự xưng là nhân viên bên các ứng dụng cho vay tiền hối thúc trả nợ.

Chị Mai cho biết ban đầu là những lời nhắc nhở, sau đó đến ngày thứ 7, người gọi điện luôn buông những lời dọa nạt và bắt đầu khủng bố tinh thần bằng nhiều cách khác nhau.

"Do đang kẹt tiền nên tôi không có tiền trả. Hơn nữa việc tôi vay tiền là giấu chồng nên tôi tự tìm cách xoay xở. Đang lúc bấn loạn thì nhân viên của ứng dụng đó hướng dẫn tôi vay tiền từ một ứng dụng khác để trả cho ứng dụng cũ.

Cũng như những lần trước, tôi chỉ cần nhấp vào một đường link liên kết đến một ứng dụng khác để vay tiền và trả cho ứng dụng cũ" - chị Mai kể.

Vay 8 triệu qua app, 2 tháng sau trả gần 200 triệu vẫn chưa hết - Ảnh 2.

Chịu không nổi những lời đe dọa từ các app vay tiền online, chị Mai phải tự tử và đang được điều trị trong bệnh viện - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Mất khả năng trả nợ nên tự vẫn

Cũng như những ứng dụng cho vay tiền cũ, khi chị Mai vay 2 triệu đồng thì chỉ thực nhận được khoảng 1,4 triệu. Và cứ đến gần ngày trả nợ, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này liên tục gọi điện khủng bố chị Mai, có ngày chị nhận được cả trăm cuộc điện thoại.

Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh của chị, thậm chí là người thân của chị, cũng bị sử dụng để cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục, sỉ nhục, bôi nhọ.

Không chỉ khủng bố người vay, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này còn gọi điện vào những số điện thoại trong danh bạ là bạn bè, người thân của chị Mai để chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ.

Anh Lê Hải Đăng - chồng chị Mai - cho biết bỗng một ngày có một cuộc điện thoại gọi đến số điện thoại của anh rồi dọa nạt, ép anh phải thúc chị Mai trả nợ, nếu không sẽ có chuyện xấu xảy ra. Bà con, đồng nghiệp của chị Mai cũng bị khủng bố vì... có số điện thoại lưu trong danh bạ của chị Mai.

Cứ mỗi lần đến hạn trả tiền, không còn cách nào khác chị Mai lại phải vay tiền từ ứng dụng mới để trả cho ứng dụng cũ. Đến nay, sau 2 tháng chị đã vay tiền từ 64 ứng dụng. Tuy nhiên, một số ứng dụng cũ vẫn không xóa nợ cho chị mà tiếp tục gọi điện khủng bố để ép đưa thêm tiền.

Theo anh Lê Hải Đăng, đến nay anh đã phải trả cho các ứng dụng với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng vợ anh vẫn còn nợ các ứng dụng vay với số tiền gần 100 triệu đồng nữa.

Chịu không nổi với những khoản nợ từ trên trời rơi xuống và hình ảnh của bản thân bị bêu riếu trên mạng xã hội, ngày 26-8-2019, chị Mai đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Nhưng thật may mắn chị được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời.

Không còn khả năng trả nợ, anh Đăng quyết định trình báo cơ quan công an về sự việc trên.

"Thương vợ thương con, tôi cũng ráng chạy vạy tiền để trả nhưng cứ trả được khoản này lại lòi ra khoản khác. Mỗi ngày có cả trăm cuộc điện thoại gọi để đòi tiền. Những khoản nợ đều từ việc vay cũng như tiền lãi phát sinh trên các ứng dụng, app cho vay online. Chỉ 8 triệu đồng ban đầu, nay tôi đã trả gần 200 triệu nhưng vẫn chưa dứt. Hết cách rồi!" - anh Đăng ngao ngán nói.

Ngày 10-9, lãnh đạo Công an thị xã Gò Công cho biết đã nhận được đơn tố cáo của anh Đăng về vụ việc nói trên và đang điều tra xác minh sự việc.

Lãi suất bằng tiền vay!

Ông T. (50 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) kể: "Tui thấy trên mạng quảng cáo vay tiền qua app, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Sẵn đang kẹt tiền, tui cũng vay thử để xoay xở".

Sau một ngày đăng ký vay 4 triệu đồng, ông được giải ngân qua tài khoản ngày 31-7. "Nhưng tiền vay chỉ còn hơn 3 triệu. Bên cho vay nói trừ tiền phí nào đó không rõ" - ông T. nhớ lại.

Đến ngày 27-8, bên cho vay nhắn, gọi ông T. phải thanh toán tiền vay cộng tiền lãi hơn 6 triệu đồng. Trong quá trình đòi nợ, bên cho vay đăng hình ông T. là "kẻ lừa đảo", rồi gửi cho nhiều người trong gia đình, bạn bè trên mạng xã hội.

"Tui xin trả trước 5 triệu đồng, bên cho vay chấp nhận nhưng tiếp tục đăng hình tui bị "lệnh truy nã". Để yên thân, ngày 10-9 tui chuyển khoản thêm gần 3 triệu đồng, tổng cộng tui phải trả 8 triệu đồng" - ông T. than thở.

SƠN BÌNH

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Họ đang lách luật để hoạt động

Cho vay tiền qua app là một dạng tín dụng đen bằng công nghệ và đang lách luật để hoạt động. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, để được hoạt động cho vay tín dụng cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Ngoài ra, việc nhân viên các tổ chức cho vay đưa hình ảnh người vay lên mạng xã hội với nội dung bôi nhọ, xúc phạm là trái pháp luật.

SƠN BÌNH ghi

Phát triển cho vay online, cần quản lý tốt

Từ tháng 6-2019, Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia cho biết có 113 nền tảng cho vay trực tuyến đã được đăng ký, trong khi ước tính khoảng 1.000 nền tảng khác đang hoạt động bất hợp pháp tại nước này.

Theo tạp chí Nikkei Asian Review, chính quyền Indonesia cho biết hình thức cho vay trực tuyến phi pháp xuất phát từ Trung Quốc.

Để đối phó, Hiệp hội cho vay Fintech Indonesia đã thành lập vào tháng 10-2018. Tổ chức này giúp các bên tham gia thị trường dịch vụ cho vay online có những quy định, quy chuẩn cụ thể hơn để hoạt động.

Hiện nay tại Mỹ, Anh và Nhật Bản đều có những doanh nghiệp cho vay trực tuyến nhưng hoạt động rất tích cực.

Theo một phân tích của Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á, khung pháp lý được Chính phủ Anh lập ra hiện đang là mô hình thành công nhất để quản lý và phát triển mảng dịch vụ tín dụng này.

NGUYÊN HẠNH

MẬU TRƯỜNG - HOÀI THƯƠNG/Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vay-8-trieu-qua-app-2-thang-sau-tra-gan-200-trieu-van-chua-het-a110597.html