Chăm chỉ tạo ra giá trị là điều cơ bản nếu muốn ai cũng có thể làm được, nhưng phương pháp lười cũng có thể mang tới giá trị mới là điều khó khăn.
Tác giả của "Chiến lược lười mà người thông minh sử dụng” chia sẻ rằng: "Ban đầu, tôi là một kiến trúc sư công trình xanh đồng thời làm chủ một công ty công nghệ. Tám năm trước, do áp lực công việc, tôi mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng. Bác sĩ kê đơn thuốc phải uống 16 viên thuốc nhiều loại mỗi ngày mới có thể sống sót. Thế nhưng, kể từ đó, tôi đã không còn đủ sức khỏe để làm việc 5 ngày một tuần như bao người bình thường khác."
Sức khỏe không có, nhưng công việc thì luôn tồn tại ngập đầu nên tác giả cuốn sách này đã gặp rất nhiều khó khăn khi thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt của mình cho lành mạnh hơn. Sau nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng người đó đã tìm ra một biện pháp hữu hiệu được gọi là "Chiến lược lười", để giúp anh chỉ làm việc 2 ngày mỗi tuần, nhưng hiệu suất công việc vẫn đạt được chất lượng tương đương, thu nhập triệu đô hàng tháng không có gì thay đổi.
Tác giả Ari Meisel của "Less Doing, More Living: Make Everything in Life Easier" (Tạm dịch: Làm ít đi, sống nhiều hơn, biến mọi thứ trên cuộc đời dễ dàng hơn) cũng từng viết: "Chiến lược lười mà những người thông minh đang sử dụng chính là chuyện phức tạp thì đơn giản hóa, chuyện nhỏ nhặt thì ủy thác người ngoài, chuyện lặt vặt thì không quản lý. Tinh túy ở đây không phải mặc kệ, không bận tâm nữa, mà là tinh giản, là tự động hóa và thuê ngoài. Phương pháp này không chỉ có thể áp dụng trong công việc, mà còn vô cùng hữu ích khi đặt vào đời sống thường ngày."
Trong đó, chiến lược lười đề cao những nguyên tắc sau đây:
1. Phân chia rõ ràng
Mọi người chỉ có hai mươi bốn giờ mỗi ngày, đây là một thực tế không thể thay đổi. Vì vậy, cần phải học cách làm việc khôn ngoan nhất, dùng ít thời gian nhất mà vẫn đạt kết quả tốt nhất có thể. Khi chúng ta biết mình lãng phí thời gian ở đâu, chúng ta có thể tìm ra vấn đề và thay đổi nó.
Hãy chia mọi việc thành hai loại: Bắt buộc phải làm và Không bắt buộc phải làm. Những chuyện không quá quan trọng gác sang một bên, chúng ta cần tập trung hoàn thành những chuyện bắt buộc ngay lập tức.
2. Làm việc có hệ thống
Tác giả Ari Meisel chỉ ra rằng: "Muốn áp dụng chiến thuật lười thì điều quan trọng nhất là người đó phải có một hệ thống cho phép mình có thể thống kê, tìm kiếm, phân tích hay tổng hợp bất cứ thông tin, sự kiện gì trong thời gian ngắn nhất."
Vì não của con người có giới hạn, không phải lúc nào cũng có tốc độ xử lý nhanh chóng và chính xác nên vận dụng các công cụ, hệ thống điện tử hỗ trợ là một sự lựa chọn thích hợp. Gia tăng tốc độ làm việc và độ chính xác sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian không cần thiết vào việc thay đổi, sửa chữa...
3. Chọn ngày "làm việc" của riêng bạn
Thay vì đầu tiên uể oải, giữa tuần tập trung, cuối tuần lại uể oải, lãng phí thời gian 5 ngày ở nơi công sở nhưng hiệu quả làm việc đạt được không hề tương xứng, chúng ta nên chọn ra những thời điểm "thiên thời địa lợi nhân hòa" mà hiệu suất làm việc đạt được tốt nhất trong mỗi tuần. Trong thời điểm đó, hãy tập trung giải quyết hết những vấn đề quan trọng bắt buộc phải làm như đã phân chia từ đầu. Những thời gian còn lại có thể từ từ hoàn thiện nốt những vấn đề lặt vặt theo sau.
4. Đặt ra giới hạn cho bản thân
Nếu quy tắc thứ 3 cho chúng ta sự tự do, thoải mái trong tâm trạng làm việc thì quy tắc thứ 4 chính là yêu cầu đi kèm để đảm bảo công việc luôn hoàn thành kịp thời. Tự do nhưng cũng phải có kế hoạch, có giới hạn và có khoa học mới gọi là làm việc, chứ không phải đi chơi.
Ví dụ như, nếu bạn có 200 email công việc phải xử lý trong một tháng thì cần đặt giới hạn mỗi tuần xử lý 50 email. Nếu bạn chọn thứ ba, thứ tư và thứ năm là ngày làm việc hiệu quả nhất thì ít nhất, mỗi ngày bạn phải giải quyết được 15 email quan trọng.
Khi bạn biết cách tự đặt ra giới hạn cho bản thân và thực hiện được điều đó thì mới có thể nâng cao hiệu suất làm việc, tận dụng thời gian tốt hơn.
Theo Trí thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/4-quy-tac-giup-nguoi-luoi-de-thanh-cong-hon-chi-can-lam-viec-2-ngay-tuan-van-kiem-ca-trieu-do-a111101.html