Khởi nghiệp khi mới chỉ là một chàng sinh viên 19 tuổi, Michael Dell đã tích lũy được rất nhiều bài học từ cả thành công lẫn thất bại. Kinh nghiệm của ông là thứ vô cùng hữu ích với những người đang ấp ủ dự án khởi nghiệp.
Năm 1992, ở tuổi 27, Michael Dell - “đầu tàu” lãnh đạo tập đoàn Dell - trở thành CEO trẻ nhất có mặt trong danh sách 500 công ty tốt nhất do Forbes bình chọn. Truyền thông lúc đó gọi Dell là người “thành công chỉ sau một đêm” và sự phát triển của Dell là “bùng nổ”. Kể từ đó, tập đoàn của ông trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới.
Dưới đây là 8 bài học giá trị từ tỷ phú Michael Dell:
Tầm nhìn chiến lược
Ông chủ của Dell từng chia sẻ: “Khi trong tay tôi chỉ sở hữu số ít nhân công, tôi làm tất cả mọi công việc nhưng khi dưới trướng tôi là hàng ngàn người, tôi chỉ tập trung vào chiến lược để phát triển”.
Xem rủi ro như một cơ hội
Michael Dell được xem như “nhà khởi nghiệp vĩ đại nhất thế giới”. Ông đã xây dựng một khái niệm “văn hóa khởi nghiệp”, khuyến khích và thúc đẩy nhiều ý tưởng cũng như những giải pháp kinh doanh đầy mới mẻ.
Dell từng nói: “Ý tưởng của tôi là hãy đối mặt với rủi ro và không nao núng. Nhiều công ty lớn trong quá trình phát triển không bao giờ muốn mạo hiểm”.
Học hỏi từ những sai lầm
Năm 2009, trong cuộc phỏng vấn với Dean Thomas Gilligan trong chương trình VIP Distinguished Speaker Series, ông chủ hãng công nghệ Dell nhấn mạnh, cách thức một nhà lãnh đạo phản ứng với thất bại là chìa khóa của sự phát triển.
Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, Michael Dell kết luận, lãnh đạo tốt nhất là người sớm nhận định và đánh giá được những sai lầm của mình, sau đó làm việc cật lực để thay đổi những sai lầm đó, biến chúng thành cơ hội để khiến cho nhân viên, sản phẩm cũng như dịch vụ tốt hơn.
Làm việc với người giỏi nhất
Trong mọi mối quan hệ với nhân viên, nhà đầu tư và đối tác, Dell khuyên các chủ doanh nghiệp cũng như người điều hành phải tập hợp được xung quanh mình một đội ngũ những cá nhân xuất sắc.
Những cá nhân ưu tú này sẽ thách thức mọi tổ chức và bắt họ phải suy nghĩ khác đi.
Năm 2003, ông chia sẻ: “Bạn đừng bao giờ cố tỏ ra là người thông minh nhất trong phòng họp, phòng làm việc. Và dù bạn thông minh nhất, tôi cũng sẽ đề nghị bạn nên kiếm tìm những người thông minh hơn, hoặc tìm một vị trí, một công việc khác”.
Triết lý coi trọng khách hàng
Triết lý kinh doanh của Dell là "Chúng tôi lắng nghe, và chúng tôi phản hồi. Tất cả vì lợi ích của khách hàng". Đơn giản vậy thôi.
Từng ngày một, Dell xây dựng đế chế của mình trên nền tảng: “Khi khách hàng gọi, bạn phải lên đường ngay lập tức”.
Khi bắt đầu lắp ráp chiếc máy tính đầu tiên năm 19 tuổi, quan niệm của ông rất đơn giản: mua từng phần linh kiện, lắp ráp chúng lại và bán trực tiếp sản phẩm hoàn chỉnh đến khách hàng. Phương thức này giúp khách hàng của ông mua được những chiếc máy tính hoàn hảo với giá rẻ nhất!
Dell yêu cầu từng nhân viên của mình làm việc theo một phương châm: “Điều quan trọng nhất là làm hài lòng mọi khách hàng”.
Xây dựng từng bước một
Từ kinh nghiệm của mình, Dell học được rằng một công ty có thể tăng trưởng rất nhanh. “Bạn phải cẩn trọng khi triển khai những dự án mới, vì nếu bạn đầu tư dàn trải và vội vã, bạn sẽ không có được kinh nghiệm cũng như nền tảng cho thành công”, ông nói.
Theo cách lý giải của Dell, có 2 kiểu chủ doanh nghiệp cơ bản. Đầu tiên là người đầu tư dàn trải, lao vào cuộc tìm kiếm không hồi kết các loại thị trường, giải pháp. Kiểu thứ hai, quản trị một cách thứ tự, người đưa ra một chiến lược hoàn hảo và chiến đấu điên cuồng vì nó. “Tôi là kiểu người thứ hai”, Dell cho biết. Phẩm chất này là chìa khóa cho những thành công của ông.
Nuôi dưỡng những mối quan hệ
Không ai có thể tự mình thành công được. Nhiệm vụ lớn nhất người chủ phải thực hiện để phát triển doanh nghiệp nhỏ bé của mình là mở rộng các mối quan hệ.
Dell nói, ông sẽ không thể đạt được những thành công như ngày hôm nay, nếu không có những cộng sự trong tập đoàn Dell cống hiến sự khôn ngoan và chăm cũng như tình yêu và sự ủng hộ từ bạn bè, gia đình.
Nghĩ lớn
Khi còn là sinh viên đại học, Dell từng nói rằng ông muốn qua mặt người khổng lồ IBM.
Ông bày tỏ: “Nếu tham vọng của bạn không đủ lớn, bạn sẽ không bao giờ vươn lên tới những tầm cao bạn có thể”.
Dell bắt đầu lắp rắp những chiếc máy tính đầu tiên của mình tại căn phòng số 2713 tại Đại học Texas 31 năm trước đây. Và giờ đây, ông có trong tay một tập đoàn quy mô toàn cầu trị giá 50 tỷ USD với 100.000 nhân viên.
Theo Trí thức trẻ/Knowstartup
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mo-kiem-bon-tien-va-giau-su-nhung-ban-co-bao-gio-dam-nghi-lon-nhu-michael-dell-a111108.html