Vụ hoả hoạn bất ngờ xảy ra vào chiều muộn ngày 28/8/2019 có lẽ sẽ còn ám ảnh nhiều thế hệ những người công nhân của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và người dân ở khu vực này. Không chỉ bởi mức độ thiệt hại ước tính sơ bộ lên tới 150 tỷ đồng, bằng lợi nhuận làm ra cả năm của công ty, mà còn vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn, ảnh hưởng chưa thể thống kê hết cùng vấn đề xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường lâu dài, đặc biệt là chất độc hại, thuỷ ngân lỏng phát tán từ đám cháy.
Khu vực cháy là kho chứa hàng hoá thành phẩm tại số 87 - 89 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với diện tích chừng 6.000m2, chỉ bằng 1/10 tổng quy mô diện tích của cả Công ty Rạng Đông (hiện hơn 57.000m2, tương đương 5,7ha).
Trước đây, theo Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg của Thủ tướng, Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông nằm trong kế hoạch bắt buộc di dời khỏi nội đô Hà Nội vì lo ngại nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường khi nằm sát khu dân cư đông đúc. Gần chục năm qua, vấn đề di dời nhà máy Rạng Đông và triển khai khu đất vàng sau di dời như thế nào vẫn còn đặt trên bàn cân của nhiều bên. Sự chậm trễ di dời của Công ty Rạng Đông đã khiến cho nhiều cổ đông sốt ruột, chất vấn ban lãnh đạo tại kỳ họp ĐHCĐ song thông tin được công bố là “chưa có kế hoạch di dời nhà máy” và địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở KCN Quế Võ (Bắc Ninh) vẫn chưa được xây dựng...
Lâu nay, khu đất 5,7ha của Công ty Rạng Đông được đánh giá là tài sản giá trị nhất có thể đem lại dòng tiền tương lai cho Công ty nếu được "tư nhân hoá", chuyển đổi thành dự án bất động sản, nhà ở và văn phòng thương mại. Đây cũng là lý do mà nhiều nhà đầu tư chuyên thâu tóm tài sản đất vàng của Nhà nước săn lùng mua cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi, thoái vốn như các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, giầy...
Thực tế, từ nền nhiều nhà máy cũ sau di dời đã mọc lên những khu đô thị cao cấp với trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng và đem lại lợi nhuận “khủng” cho các chủ đầu tư nhanh nhạy. Hay khu đất của Nhà máy Cao su Sao Vàng từ lâu đã nằm trong tay của Tập đoàn Hoành Sơn thông qua con đường hợp tác đầu tư dự án.
Nằm trên tuyến đường sầm uất Nguyễn Trãi và kết nối liên hoàn với hàng loạt dự án tương lai hình thành trên nền đất các nhà máy cũ rời đi, khu đất 5,7ha của Công ty Rạng Đông cũng có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới.
Bản thân lãnh đạo Công ty Rạng Đông cũng muốn tự mình triển khai đầu tư dự án. Năm 2017, công ty đã chuẩn bị các thủ tục, phương án di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hơn một năm trước, Công ty Rạng Đông đã có văn bản gửi Sở KH-ĐT Hà Nội xin lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 87 - 89 Hạ Đình.
Từ đó đến thời điểm xảy ra vụ hoả hoạn tại kho hàng Rạng Đông thì quy hoạch chi tiết vẫn chưa thực hiện. Đáng chú ý, khu nhà xưởng cũ của công ty này không nằm trong danh mục, lộ trình các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải di dời khỏi khu vực nội đô Hà Nội trước năm 2020.
Nhưng sau vụ hoả hoạn, Chính phủ và TP. Hà Nội đã hối thúc việc thực hiện di dời Nhà máy Rạng Đông ra khỏi nội đô. Trong khi đó, Binh chủng Hoá học và các cơ quan chức năng đang khẩn trương tẩy độc, làm sạch nhà máy, còn người dân thì hoảng sợ di tản khắp nơi...
Rạng Đông có được chuyển đổi xây cao ốc?
Mặc dù chưa cho biết kế hoạch di dời nhà máy Rạng Đông nhưng hồi tháng 8/2018, công ty này đã xin bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh bất động sản. Hơn nữa, kỳ họp ĐHCĐ gần nhất vào tháng 5/2019 đã thông qua phương án chuẩn bị kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang KCN Quế Võ trước năm 2022. Động thái này cũng cho thấy sự “sốt ruột” của các cổ đông lớn muốn triển khai di dời nhà máy để có quỹ đất sạch 5,7ha.
Trong khi đó, Rạng Đông đang có phần yếu thế về năng lực đầu tư bất động sản, tài chính khó khăn, vốn điều lệ thấp chỉ có 115 tỷ đồng...
Người dân cũng quan tâm về số phận khu đất 5,7ha của Rạng Đông sẽ được chuyển đổi mục đích để làm dự án như thế nào? Bởi khu vực quanh Rạng Đông đã và đang hình thành nên nhiều dự án chung cư cao tầng, là mối lo ngại về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải.
Được biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6665/QĐ-UBND ngày 3/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 thuộc các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Theo đó, quy hoạch này thể hiện khu đất của Công ty Rạng Đông có chức năng sử dụng: Đất công cộng, hỗn hợp với dự kiến mật độ xây dựng khoảng từ 30 - 40%, tầng cao công trình 3 - 50 tầng.
Đất công cộng đơn vị ở, ký hiệu C1-CX7 với dự kiến xây dựng khoảng 5%, tầng cao công trình là 1 tầng.
Đất trường tiểu học ký hiệu C1 -TH3 với dự kiến mật độ xây dựng khoảng 20 - 40%, tầng cao công trình từ 1 - 4 tầng.
Đất trường trung học phổ thông , ký hiệu C1 -TH5 với dự kiến mật độ xây dựng 20 - 40%, tầng cao công trình từ 1 - 4 tầng.
Thuyết minh tổng hợp ban hành kèm theo đồ án đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 cũng nêu rõ: "Trong đất công cộng, hỗn hợp ưu tiên bố trí các chức năng công cộng, bao gồm các chức năng: Văn phòng, thương mại, dịch vụ, tài chính, văn hóa, khách sạn... có thể bố trí chức năng ở. Nhưng điều này phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận và phải đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Dân số trong chức năng đất công cộng, hỗn hợp sẽ được cân đối trên cơ sở dân số toàn ô quy hoạch, cụ thể sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và dự án đầu tư xây dựng...".
Trong 2 năm 2017 và 2018, Công ty Rạng Đông đã 2 lần xin được lập quy hoạch 1/500 và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, di dời nhà máy.
Mặc dù vậy, tính đến thời điểm này, không có ô đất nào tại nhà máy Rạng Đông được quy hoạch xây thành chung cư, văn phòng, khu đô thị nhà ở.
Việc Rạng Đông xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của khu đất 5,7ha cùng với việc bổ sung ngành kinh doanh đầu tư bất động sản cho thấy một kế hoạch làm dự án theo hướng tối đa hiệu quả sử dụng đất.
Nhưng có lẽ các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội đều thấy thế “kẹt” khi điều chỉnh quy hoạch 1/500 ở khu vực này vốn đã dầy đặc chung cư cao tầng, mật độ dân số quá đông đúc, hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển đô thị… nên dẫn tới sự “nhùng nhằng” bấy lâu. Và vụ hoản hoạn có thể là khởi đầu cho những xoay chuyển tình thế khó khăn ấy.
Cơ cấu cổ đông "cô đặc" gồm Công đoàn Rạng Đông chiếm 42,96% vốn điều lệ, bà Lê Thị Kim Yến, Thành viên HĐQT nắm 15,13%, Chủ tịch Nguyễn Đoàn Thắng nắm 1,86%... Việc quyết định di dời nhà máy, chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất phải được sự đồng thuận từ nhóm cổ đông lớn này.
Trong 5 năm qua, doanh thu của công ty tăng trưởng tích cực từ mức 2.600 tỷ đồng năm 2014 lên mức kỷ lục 3.621 tỷ đồng vào năm 2018. Theo kế hoạch, năm 2019 công ty sẽ đạt mức doanh thu 4.360 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước.