Hiểu thế nào về quản trị, quản lý và lãnh đạo?

Quản trị, quản lý và lãnh đạo là ba khái niệm khá phổ biến hiện nay nhưng do nội hàm của từng khái niệm chưa được giải thích rộng rãi nên chúng thường được dùng lẫn lộn với nhau ở nhiều nơi, ngay cả trong các văn bản chính thức cũng như tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo.

Nội hàm ba khái niệm rất khác biệt

“Quản trị công ty” (Corporate Governance) và “Các nguyên tắc quản trị công ty” (Corporate Governance Principles, viết tắt là CGP) là khái niệm rất quan trọng và phổ biến ở những công ty cổ phần, đặc biệt là những công ty đại chúng, công ty niêm yết, nơi có nhiều cổ đông (shareholders) tham gia và có nhiều mối quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng liên quan khác (stakeholders).

Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), các nguyên tắc chính trong quản trị bao gồm: Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đối xử bình đẳng đối với cổ đông; vai trò của các bên liên quan trong quản trị công ty; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị

Như vậy, quản trị công ty đề cập đến những vấn đề cao hơn công tác quản lý điều hành thường nhật của một giám đốc hay tổng giám đốc và các cấp quản lý trong công ty; thường tập trung vào những hoạt động liên quan đến khuôn khổ pháp lý, điều lệ công ty, quyền lợi cổ đông và các bên liên quan, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vấn đề minh bạch trong hoạt động công ty…

Trong khi đó, quản lý công ty (Corporate Management) tập trung vào công tác quản lý điều hành thường nhật, ví dụ như các hoạt động quản lý chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh, xây dựng cơ cấu tổ chức, nhân sự, hoạch định và tổ chức triển khai các hoạt động marketing, thương hiệu, bán hàng, tài chính, kế toán, nguồn nhân lực, sản xuất, cung ứng, quản lý chất lượng…), và hoạt động họp hành, phân công, kiểm soát, đánh giá, giải quyết công việc sự vụ hàng ngày .

Chuyên gia Nguyễn Hữu Long, Sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt

Còn lãnh đạo (leadership) là nghệ thuật gây ảnh hưởng, tạo động lực và tạo điều kiện cho người khác đi theo định hướng của mình để góp phần vào sự hiệu quả và thành công của tổ chức. Lãnh đạo là chỉ ra những việc đúng để làm, còn quản lý là làm việc đúng cách, đúng phương pháp. Lãnh đạo tập trung vào tầm nhìn, định hướng, sức thu hút, ảnh hưởng, nghệ thuật dùng người, đạo đức, uy tín, nhân cách người lãnh đạo…

Nhà lãnh đạo không nhất thiết phải biết quản lý nhưng nhà quản lý ít nhiều phải có tố chất và kỹ năng lãnh đạo (vì phải làm việc với con người).

Quản lý không đồng nhất với quản trị, quản trị không đồng nhất với lãnh đạo và lãnh đạo không đồng nhất với quản lý. Ba thứ này tuy khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau và thường chồng lấn lên nhau.

Một người đóng ba vai, lợi hay hại?

Trong thực tế vận hành doanh nghiệp, rất nhiều công ty, dù có sự tham gia của nhiều cổ đông nhưng lại không quan tâm mấy đến vấn đề quản trị công ty, mà chủ yếu tập trung vào công việc quản lý điều hành hàng ngày. Do vậy, khi kêu gọi vốn hay phát triển lớn hơn, họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, các nhà đầu tư sẽ ngại đầu tư khi biết công ty không áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty theo các nguyên tắc nêu trên, trong đó nguyên tắc công bố thông tin và minh bạch là rất quan trọng. Họ không muốn rót tiền vào một công ty “hai ba sổ”, không rõ ràng về tài chính, kinh doanh, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan…, vì cảm thấy không an toàn cho đồng tiền đầu tư của họ.

Thứ hai, ở một số công ty vợ chồng mâu thuẫn trong kinh doanh, hay tranh chấp giữa những người thân trong gia đình, bạn bè, tuy có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng cũng có thể là do thiếu các nguyên tắc quản trị công ty, không minh bạch trong vấn đề tài sản, tiền bạc, lợi nhuận; không phân định rõ ràng vai trò, trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn của các cổ đông (dù là vợ chồng, người thân, hay bạn bè) trong công ty, dẫn đến ai cũng muốn nắm quyền và tự cho mình có quyền quyết định.

Thứ ba, khi mời gọi người mới tham gia góp vốn để trở thành cổ đông, người mới cũng sẽ ngại vì thấy không minh bạch, quyền lợi của mình không đảm bảo, có thể thiếu công bằng trong đối xử cổ đông và có thể mất an toàn về mặt tài chính khi tham gia.

Việc tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý cũng rất cần thiết. Ví dụ một công ty có ông chủ (sở hữu cổ phần lớn nhất) giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời kiêm luôn chức tổng giám đốc. Người này thường đóng một lúc ba vai trò - lãnh đạo cao nhất (trong vai trò người chủ sở hữu lớn nhất), quản trị (trong vai trò chủ tịch HĐQT) và quản lý (trong vai trò tổng giám đốc).

Người này phải tự tách biệt ba vai trò này của mình trong hành vi ở những hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, khi vạch định hướng, tầm nhìn cho công ty thì đóng vai trò nhà lãnh đạo cao nhất. Khi xây dựng thiết chế, nguyên tắc quản trị công ty thì đóng vai trò nhà quản trị công ty. Khi quản lý điều hành thường nhật các hoạt động thì đóng vai trò nhà quản lý công ty.

Nếu như có thể tách biệt các vai trò này ra thì sẽ tốt hơn. Ví dụ, người chủ doanh nghiệp chỉ giữ vai trò người lãnh đạo cao nhất để đưa ra định hướng, tầm nhìn và thuê CEO về thực hiện công việc quản lý. Có công ty còn đưa cả người ngoài vào làm chủ tịch HĐQT thay cho ông chủ.

Công ty càng lớn, các ông chủ, bà chủ càng quá tải và không đủ sức đảm đương hết các vai trò. Do vậy, họ thường tách riêng ra và giao cho những người có năng lực, kinh nghiệm và tính cách phù hợp đảm nhiệm. Đó là xu hướng phát triển chung của những tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Long, Chuyên gia kinh tế, sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hieu-the-nao-ve-quan-tri-quan-ly-va-lanh-dao-a111212.html