6 kiểu sếp "khó chiều" đối với mọi nhân viên và cách đối phó với họ

Theo thống kê của hãng dịch vụ tuyển dụng LasSalle Network dựa trên ý kiến thu thập từ 1.000 người, khoảng 84% người được khảo sát khẳng định sếp của họ thực sự "khó chiều". Khoảng 42% người lao động rời bỏ công việc vì lý do này.

Người đứng đầu và phong cách lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc và tinh thần của nhân viên. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng may mắn có lãnh đạo như ý. Theo Lifehack, dưới đây là những kiểu sếp "khó chiều" đối với mọi nhân viên:

1. Sếp hay quát nạt

Đây là những người quản lý theo phong cách quyền lực "cổ điển". Họ thường nghĩ rằng, cách tốt nhất để nhân viên làm việc tốt là quát tháo và la hét. Tuy nhiên, cũng giống như tâm lý của những kẻ hay bắt nạt người khác, có thể họ đang bối rối không biết điều gì tốt hơn hoặc đang bị căng thẳng, lo sợ với tình huống trước mắt.

2. Người lãnh đạo "vô hình"

Kiểu sếp này thường quản lý nhân viên từ xa (trong khi sếp đang tham gia các cuộc họp quan trọng hay đi công tác...), hoặc sếp quá bận rộn để luôn giám sát nhân viên. Bạn có thể cảm thấy thoải mái khi có sếp thường xuyên không có mặt ở cơ quan. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa là bạn không có người hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên. Nếu công việc tiến triển tốt, mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Nhưng nếu có sự cố phát sinh, bạn có thể sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

3. Quản lý quá kỹ tính

Trái ngược với người sếp "vô hình", người quản lý kỹ tính luôn cảm thấy họ phải nắm rõ mọi hoạt động của nhân viên. Thường thì phong cách quản lý này xuất phát từ chính cảm giác mất an toàn của chính họ. Kiểu sếp này dường như rất ít đặt niềm tin vào nhân viên. Làm việc với người quản lý quá kỹ tính rất khó khăn.

4. Sếp "tham công tiếc việc"

Một số người quản lý có vẻ "nghiện công việc", họ gửi email cho nhân viên lúc 10 giờ đêm, tối cuối tuần và yêu cầu nhân viên phải trả lời ngay lập tức. Làm việc với người quản lý coi trọng nhiệm vụ và đề cao thành tích sẽ là một động lực lớn. Nhưng nếu đó lại là một người quản lý quá tham công tiếc việc thì có thể gây ra phản ứng ngược. Khi sếp không phân biệt ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, nhân viên sẽ phải chịu áp lực rất lớn và thường xuyên bị quá tải.

5. Sếp luôn bận rộn

Lịch làm việc của những vị sếp này luôn kín các nhiệm vụ. Dù muốn cập nhật tình hình công việc, họ cũng chỉ có rất ít thời gian để lắng nghe. Họ thường yêu cầu nhân viên thực hiện một nhiệm vụ nhưng sau đó lại quên luôn việc kiểm tra. Kết quả là mọi việc trở nên rối tung, hỗn độn. Nhân viên thường xuyên trong tình trạng quá tải nhưng công việc lại không được hoàn thành đúng trình tự.

6. Sếp tự phụ

Nhân viên không phải mối quan tâm của những lãnh đạo kiểu này. Họ chú tâm đến việc khẳng định vị trí của bản thân nhiều hơn. Lãnh đạo "tự phụ" thường có niềm tin rằng họ là người hoàn hảo và điều duy nhất họ muốn nghe là những lời tán dương. Tất cả thành tích đều do công của họ, còn các vấn đề phát sinh là lỗi của nhân viên.

Cách đối phó với các sếp "khó chiều"

Dù bạn đang làm việc với những người quản lý tồi tệ, một số nguyên tắc dưới đây có thể giúp bạn đảm bảo quyền lợi và sự công nhận trong công việc của mình.

- Luôn lưu lại chi tiết công việc: Dù sếp quá bận rộn hay giám sát công việc rất sát sao, bạn luôn cần ghi chú lại từng bước thực hiện công việc. Đó không chỉ là một cách để nhắc nhở bạn thực hiện công việc mà còn rất hữu ích khi báo cáo với sếp một cách chi tiết, đầy đủ và xác thực.

- Thường xuyên tham gia các cuộc họp: Bạn phải đảm bảo tham gia đầy đủ các cuộc họp quan trọng, tác động trực tiếp tới công việc của bạn với sếp. Điều này giúp bạn bám sát các mục tiêu, kế hoạch công việc theo hướng của sếp và tổ chức.

- Luôn biết mình là ai: Cho dù quản lý của bạn là ai, điều quan trọng nhất vẫn là năng lực của chính bạn. Hãy luôn có ý thức củng cố chuyên môn và kỹ năng làm việc của bản thân để thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra.

Thu Hoài

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/6-kieu-sep-kho-chieu-doi-voi-moi-nhan-vien-va-cach-doi-pho-voi-ho-a111696.html