* Lúc khởi nghiệp, ông có trong tay những gì?
- Hai trăm USD với bảy nhân viên, gồm cả tôi và vợ. Cơ sở kinh doanh thì được ông già cho mượn căn nhà nên không mất tiền thuê. Đó là vào năm 1980 với sản phẩm đầu tiên là bột canh. Sau một thời gian mày mò, tôi bắt tay vào sản xuất mì ăn liền Việt Hương. Tôi làm đủ việc, từ chủ cơ sở đến thu mua nguyên liệu, bán hàng, lái xe, tiếp thị. Được cái, hàng lúc đó bán rất chạy.
* Ông tiếp thị bằng cách nào?
- Trong lúc khách đến giao dịch hoặc chờ lấy hàng, tôi nấu cho họ tô mì Việt Hương ăn đỡ, họ khen ngon, giới thiệu nhau đến mua nhiều hơn. Khi đó, bột mì rất hiếm, vài cơ sở khác tìm cách pha trộn nguyên liệu. Riêng tôi nhất quyết không làm vậy. Bột mì thành phẩm hiếm nhưng hạt bo bo (sorghum), tức lúa miến, được nhập từ Liên Xô thì rất sẵn. Mua bo bo chế biến thành bột, chất lượng gần bằng bột mì, phần vỏ hạt bán cho mấy cơ sở nghiền cám làm thức ăn gia cầm. Khâu nguyên liệu như vậy là ổn, tôi chỉ lo sản xuất và bán hàng.
* Sao lại đặt tên sản phẩm Việt Hương, thưa ông? Tôi thấy nó không khơi gợi đến mì gói chút nào.
- Đơn giản là ăn mì Việt có hương vị rất ngon. Mà đúng là như thế. Thời điểm đó, dù mì Vifon thống lĩnh thị trường từ những năm trước 1975 nhưng Việt Hương lại nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng và hương vị đặc biệt. Sau này, dù không sản xuất mì gói nữa, tôi vẫn giữ tên Việt Hương cho mấy khu công nghiệp để định danh thương hiệu lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu.
* Giữa lúc mì ăn liền Việt Hương ở thời kỳ hoàng kim thì ông lại dẹp tiệm, chuyển hướng kinh doanh. Có phải vì nó ít lợi nhuận?
- Ngược lại, tôi kiếm được khá nhiều tiền và tạo dựng được cơ nghiệp từ mì gói. Vào những năm 1990, chính sách kinh tế có những thay đổi rất lớn. Đất nước ta bước dần ra khỏi bao cấp, tiếp cận cơ chế thị trường. Những “ông lớn” nước ngoài sẵn sàng vào Việt Nam với nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Dự báo những cơ sở nhỏ sẽ không thể cạnh tranh, tôi quyết định ngưng sản xuất mì Việt Hương, tìm hướng đi mới. Nhận định khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất thiết họ phải xây dựng nhà máy sản xuất. Tôi muốn đón đầu cơ hội này.
* Là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng khu công nghiệp với đầy đủ hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải, điều mà ít chủ đầu tư làm được ở thời điểm bấy giờ. Ông quả là có tầm nhìn xa...
- Doanh nghiệp nhỏ phải đầu tư chiều sâu, đừng dàn trải, phải cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ tốt thì mới chinh phục được thị trường. Trước khi đầu tư khu công nghiệp (năm 1994), tôi mở nhà hàng, khách sạn đón nhà đầu tư các nước đến lưu trú. Cùng họ nghiên cứu thị trường, vạch ra các phương án kinh doanh. Tôi kết nối họ với ngân hàng, khách hàng, có trường hợp ứng vốn để họ tập trung sản xuất, tức tạo điều kiện tìm kiếm lợi nhuận cho họ trước. Cho thuê đất trong khu công nghiệp thu lợi nhuận liền, nhưng tôi chủ trương xây dựng nhà xưởng cho thuê để giảm chi phí ban đầu cho nhà đầu tư. Có doanh nghiệp lúc mới đến chỉ thuê 500 mét vuông nhà xưởng với vốn lưu động rất khiêm tốn, sau 8 năm họ mở rộng đến 14 hecta, mỗi năm có doanh thu hàng trăm triệu USD. Tôi tạo điều kiện cho khách hàng nền tảng tốt để họ yên tâm mang của cải vào đầu tư. Trong kinh doanh phải biết người biết ta mới lâu bền. Tôi đầu tư một bước cho nhà đầu tư, tuy lợi nhuận ít nhưng mà thu lời hoài vì họ gắn bó lâu dài với mình.
* Ông xây dựng nhà máy hàng chục triệu USD để sản xuất vải jeans đón đầu TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP, có bị ảnh hưởng?
- Tôi chẳng làm sao cả, Nhà máy Dệt jeans Việt Hồng được đầu tư công nghệ tự động, tiên tiến. Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Vải jeans Việt Hồng đủ tiêu chuẩn vào những thị trường khó tính nhất. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa giúp tôi tiết kiệm mức hao hụt từ 7% xuống còn 2% trong quá trình sản xuất. Người ta hay đổ lỗi bằng cụm từ “thua trên sân nhà”. Công nghệ lạc hậu, không có thị trường thì thua là cái chắc, bất kể sân nhà hay sân khách. Nhà đầu tư nước ngoài khi đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam là họ đã có thị trường, có đơn hàng nên lắp đặt xong máy móc là đi vào sản xuất liền. Người Việt Nam mình, ngược lại, xây nhà máy, đầu tư sản xuất rồi mới đi tìm khách hàng. Điều đó quá mạo hiểm.
* Hỏi thật, ông có lúc nào thất bại trong kinh doanh?
- Kinh doanh có lúc này lúc khác, có khó khăn, hoặc vướng mắc. Muốn thành công phải am hiểu về mặt hàng mình làm, biết nắm bắt thị trường, phán đoán rủi ro. Tôi chưa bao giờ thất bại vì không đầu tư dàn trải. Với tôi, thứ đáng quý giá nhất là con người, là nguồn nhân lực, hay nói nôm na là những cộng sự trong công việc. Tôi có hàng ngàn công nhân, nhiều thế hệ cha con cùng làm việc nhưng không ai gọi tôi là “ông chủ”. Khi tôi mới mở nhà máy sản xuất, gần như 100% công nhân đi xe đạp đến xưởng làm việc. Hơn năm sau, hết lượt họ đi làm bằng xe Honda. Trưởng phòng tổ chức của tôi nói, sợ công nhân “có vấn đề”, tôi bảo: Người tôi giao cho anh, nếu có vấn đề tôi trị anh trước. Tôi đang muốn công nhân đi xe hơi hết.
* Có phải ông là người Việt gốc Hoa nên dễ tạo niềm tin với nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông...
- Thiếu gì người Việt gốc Hoa kinh doanh, có phải riêng mình tôi đâu. Vấn đề không ở chỗ anh là ai mà người ta quan tâm anh làm gì. Không chỉ người Hoa mà toàn thế giới này cũng vậy, muốn kinh doanh thành công phải biết lấy chữ “tín” làm trọng. Vải jeans từ nhà máy của tôi 100% xuất qua Nhật Bản, Hàn Quốc, không lẽ tôi phải là người Nhật hay người Hàn!
* Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý hoài nghi chất lượng và sự an toàn của hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Ông có thấy như vậy không?
- Tiền nào của nấy. Hàng Trung Quốc rất nhiều chủng loại, chất lượng cao có, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái cũng có. Họ còn có biệt tài giá nào cũng sản xuất được. Cứ cho là người tiêu dùng không phải vì ham rẻ thì chuyện còn lại nằm ở chỗ đạo đức của nhà kinh doanh tồi. Chỉ người mua lầm chứ người bán không lầm. Tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên tìm đến những thương hiệu uy tín chứ đừng mang tâm lý bài trừ.
* Với thâm niên thương trường 39 năm, theo ông thì kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
- Việt Nam không phải nền kinh tế lớn nên không thể nói là chịu hậu quả từ thương chiến Mỹ - Trung, trước mắt chỉ có lợi chứ không có hại, vì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam. Nếu ta có nền tảng tốt thì không sợ bất cứ sự ảnh hưởng nào.
* Người lắm tiền thường có câu cửa miệng “không cần tiền”, còn ông?
- Nói để mà nói vậy thôi, không cần tiền thì kiếm tiền làm gì. Nhưng cần ở mức độ nào tùy thuộc vào cách nhìn nhận và mục đích sử dụng đồng tiền của người đó. Có một thực tế là khi đã có nhiều tiền thì lại kiếm tiền rất dễ. Mà đã không có tiền thì kiếm hoài cũng không ra. Nhiều lúc tôi hay đùa với bọn trẻ, kiếm tiền cũng như đánh bạc, người mua vé số hoài không trúng, có khi ông nào đó mua một tờ lại dính độc đắc. Điểm giống nhau ở chỗ phải bỏ tiền để mua. Không thể tự nhiên mà trúng số được. Điều tôi muốn nói là phải “đầu tư”, dù là công việc hay kinh doanh, kể cả năm ăn năm thua vẫn phải tiến về phía trước, không thể ngồi chờ cơ hội tự nhiên đến với mình.
* Nghe nói ông có một quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp...
- Quỹ này do công ty tôi thành lập. Tôi muốn tạo cơ hội cho các bạn trẻ, cho những người khởi nghiệp. Chỉ cần có ý tưởng khả thi, có mục đích rõ ràng, tôi nhất định ủng hộ. Tôi cũng đầu tư xây dựng 4-5 trục nhà xưởng để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư để họ tập trung làm ra sản phẩm tốt. Thời của mình khó khăn vất vả, giờ có cơ hội phải hỗ trợ người khác.
* Ông khuyên những người mới khởi nghiệp thế nào?
- Nhất định phải chuyên sâu, sản phẩm làm ra phải tốt, không được đầu tư dàn trải. Đầu tư dàn trải là thất thế, là tự sát.
* Nhiều người nói kinh doanh thành hay bại còn phụ thuộc vào chính sách của nhà Nước. Theo ông thì sao?
- Bất cứ đất nước nào cũng gặp khó khăn về cơ chế. Cơ chế chẳng qua là ở chính sách vĩ mô. Trong giai đoạn nào đó, chính sách vĩ mô không phù hợp, bất cập thì Nhà nước sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi. Đất nước ta từ thời bao cấp chuyển qua kinh tế thị trường cũng vậy, đều là do Nhà nước thấy chính sách không phù hợp nữa thì thay đổi để phát triển. Cho nên làm gì cũng thế, phải đặt mình vào người trong cuộc và nỗ lực vươn lên chứ đừng để bị đào thải.
* Ông có vẻ ít chia sẻ về gia đình với giới truyền thông?
- Tôi có một vợ, hai cô con gái. Tôi quan niệm con cái là của trời cho, gái hay trai cũng là phúc đức của mình. Cách tôi nuôi dạy con cũng “rất tây”. Mười tuổi con gái đã du học một mình ở Mỹ. Khi thành đạt, các con tự lựa chọn công việc và cuộc sống. Với tôi, CEO là phải giỏi, muốn kinh doanh phát triển phải thuê giám đốc giỏi. Con cháu trong gia đình có năng lực, phẩm chất tốt nên tạo cơ hội phát triển, còn không thích hợp thì cho cổ phần để chúng có cuộc sống tốt. Con gái út tôi hiện cùng chồng quản lý một công ty trong Tập đoàn Việt Hương. Mà cái cách dạy của người Mỹ cũng rất khác ta. Họ dạy con người làm một CEO giỏi chứ không lấy đối nhân xử thế bằng cái tình mà giải quyết công việc. Giám đốc “nhà người ta” đi công tác nước ngoài có thư ký tháp tùng, tôi thì có bà xã. Trước nay vẫn thế. Bà còn là người trả lương cho tôi, trả hoài mà không tăng lương bao giờ. Mấy chục năm hôn nhân, tôi với bả cãi nhau không quá ba lần. Mà nói nhỏ nghe: Làm đàn ông đừng cãi với vợ, không thắng được đâu!
* Có khi nào cha con ông bất đồng trong giải quyết công việc?
- Mình phải dung hòa thôi. Thời của tôi, uống với nhau một ly bia hơi và cùng bảo nhau làm việc, thế là thành tri kỷ. Bọn trẻ bây giờ lại khác, chúng làm việc có nguyên tắc rõ ràng. Có thực lực thì tồn tại, không đáp ứng được yêu cầu thì đào thải. Đội ngũ của tôi ngay từ đầu đã rất hoàn hảo, họ luôn học hỏi nâng cao kiến thức và trình độ quản lý nên mọi việc đều trôi chảy.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Theo Doanh Nhân sài Gòn