Chiến lược 'nhốt kín' nhóm trung lưu và giàu có ở Việt Nam của Vinhomes

Quỹ đất khổng lồ vị trí đẹp, kết hợp với hệ sinh thái toàn diện là lợi thế mà không doanh nghiệp bất động sản nào tại Việt Nam trừ Vinhomes có được.

>>> HOSE nhận hồ sơ niêm yết gần 2,7 tỷ cổ phiếu Vinhomes

Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty Cổ phần Vinhomes.

Vinhomes là đơn vị phát triển biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp tại những thành phố lớn của Tập đoàn Vingroup. Công ty có vốn điều lệ 26.796 tỷ đồng, con số này tương đương với vốn điều lệ của Vingroup.

Đây sẽ là công ty con thứ 2 của Vingroup, sau Vincom Retail – công ty con vận hành hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Viêt Nam niêm yết trên HOSE. Tham vọng của Vinhomes đó là 'phủ kín' các căn hộ của mình tới tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam.

Quỹ đất rộng gấp hơn 20 lần so với doanh nghiệp xếp thứ 2

Để có độ phủ lớn, một doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes trước hết cần một diện tích đất rộng. Vinhomes ước tính, đơn vị này hiện có quỹ đất rộng 164 triệu mét vuông, gấp 20,5 lần quỹ đất của doanh nghiệp xếp thứ 2 thị trường. Quỹ đất rộng giúp Vinhomes triển khai hàng loạt dự án với 2 thương hiệu chính là Vincity (phân khúc bình dân) và Vinhomes (phân khúc cao cấp). VinCity hiện có 8 dự án đang triển khai còn Vinhomes có 28 dự án đã và đang triển khai.

Doanh nghiệp này ước tính chiếm khoảng 15% thị phần căn hộ tại Việt Nam và khoảng 48% thị phần căn hộ cao cấp. Để mở rộng phân khúc khách hàng Vinhomes đã tung ra thương hiệu VinCity. Mục tiêu của VinCity là nhắm tới thị trường khách hàng trung lưu trị giá 16,5 tỷ USD đầy tiềm năng.

Vingroup ước tính, hai thương hiệu Vinhomes và Vincity sẽ phục vụ gần 19 triệu hộ gia đình Việt Nam trong tương lai.

Không chỉ diện tích đất rộng, các dự án của Vinhomes còn có vị trí rất đắc địa tập trung nhiều tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam. Chẳng hạn ở Hà Nội, các dự án của Vinhomes “ken đặc” quanh bán kính 10 cây số trung tâm thành phố, với 10 dự án Vinhomes và 3 dự án Vincity. Các dự án tiêu biểu có thể kể tới Times City, Royal City, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh hay xa hơn là Vinhomes River Side ở Long Biên.

Dự án của Vinhomes vây quanh Hà Nội

Tại TP. Hồ Chí Minh, 3 dự án Vinhomes có mặt tại quận 1 và quận 3. Trong đó, dự án Vinhomes Central Park – tòa nhà cao nhất Việt Nam với 81 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 141.000m2, đã cất nóc trong tháng 3 vừa qua.

Ngoài 2 thành phố lớn, thời gian gần đây Vinhomes cũng rất tích cực tìm kiếm cơ hội ra các tỉnh, thành phố vệ tinh. Hiện tại, doanh nghiệp này đang phát triển thêm quỹ đất tại Quảng Ninh, Hải phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Tĩnh.

Dễ thấy, các dự án của Vinhomes bám sát theo các bản quy hoạch phát triển của những địa bàn tiềm năng. Chẳng hạn, Quảng Ninh, nơi dự án Vinhomes Green Hạ Long được dự tính sẽ triển khai sau năm 2020 được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, khi sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động và chiến lược phát triển đặc khu kinh tế nhiều khả năng sẽ được thông qua. Dự án có tổng diện tích sàn khoảng 45,3 triệu mét vuông nằm ngay sát cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ được xây dựng để đón sóng nhà đất tại đây.

Gần TP. Hồ Chí Minh, Vinhomes cũng chuẩn bị một dự án ở ngoại thành là VinCity Củ Chi được đặt rất gần quốc lộ 22 và tuyến Metro trong tương lai. Dự án có tổng diện tích sàn 19,8 tiệu m2 dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020.

Hệ sinh thái khổng lồ

Quỹ đất rộng lớn là yếu tố quan trọng, nhưng hệ sinh thái mới là nhân tố giúp căn hộ của Vinhomes trở nên đắt giá. Vinhomes tự định nghĩa mình không đơn thuần chỉ là một doanh nghiệp xây dựng nhà ở, mà là một đơn vị kiến tạo nên cộng đồng.

Việc kiến tạo cộng đồng được thể hiện qua các chuỗi tiện ích đi kèm khi mua nhà của Vinhomes. Đó là bệnh viện, trường học, siêu thị bán lẻ, trung tâm thương mại,... Khách hàng mua nhà của Vinhomes có thể dễ dàng khám bệnh tại Vinmec, cho con học tại Vinschool, mua sắm ở Vincom và đi chợ ở Vinmart.

Sự có mặt của Vinmec, Vinschool hay Vinmart giúp Vinhomes bán nhà dễ hơn và giá cao hơn

“Giá trị bất động sản tăng lên nhờ việc kết nối thuận lợi với các dịch vụ tiện ích như trường học, bệnh viện, điểm bán lẻ chất lượng cao”, Vingroup đánh giá. Và cũng tương tự Vinhomes, mỗi một lĩnh vực kinh doanh trên đều có chiến lược để đẩy mạnh quy mô càng lớn càng tốt. Vinmart và Vinmart+, chuỗi siêu thị của Vingroup đặt mục tiêu 5.000 điểm bán phủ kín toàn Việt Nam vào năm 2021.

Vingroup cũng cho rằng, việc đặt chung tất cả các mảng kinh doanh dưới tên một thương hiệu duy nhất giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và sự tin cậy của khách hàng.

Với Vinhomes, nhờ thế mạnh mà hệ sinh thái mang lại, đơn vị này có thể triển khai hàng loạt các dự án ở phân khúc trung bình cao mà vẫn tự tin thu về dòng tiền ổn định. Năm 2017, doanh thu từ bán căn hộ của Vinhomes đạt khoảng hơn 43 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ một nửa doanh thu toàn tập đoàn. Lợi nhuận gộp đạt 17,2 nghìn tỷ đồng.

Biên lợi nhuận của Vinhomes theo đó cũng được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2015 – 2017, lợi nhuận gộp đã tăng từ 38% lên 40% đối với căn hộ, và từ 40% lên 50% với biệt thự. Trong tương lai, các mảng kinh doanh của Vingroup sẽ còn tiếp tục mở rộng, kết hợp với những mảng kinh doanh mới (như Vinfast) sẽ giúp hệ sinh thái này ngày càng phát triển mạnh hơn.

Trần Anh/TheLeader

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chien-luoc-nhot-kin-nhom-trung-luu-va-giau-co-o-viet-nam-cua-vinhomes-a11208.html