Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về "hệ sinh thái" nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1)

"Anh Dương nhìn thấy vấn đề rất chính xác, đầu tư 1 tỷ USD thì không thể tào lao được", bầu Đức khẳng định.


"Anh Dương nhìn thấy vấn đề rất chính xác, đầu tư 1 tỷ USD thì không thể tào lao được", bầu Đức khẳng định.

Lễ kỷ niệm "bắt tay" giữa 2 doanh nhân tiếng tăm Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) và Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) sau hơn 1 năm đã diễn ra trọn vẹn - trọn vẹn bởi niềm rạng rỡ của người trong cuộc hai bên, của chính quyền, của nhà đầu tư và hơn hết là cổ đông HAGL – HAGL Agrico.

Điều chúng ta thấy được sau những "hoài nghi" là công cuộc tái cơ cấu nợ của ông Dương với doanh nghiệp bầu Đức đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

"Đó là một cục u quá lớn", đại diện THACO nói - cục u nợ nần mà bản thân bầu Đức đã lún quá sâu, cục u mà một người nếu chỉ có tiền cũng không thể giải quyết được; và dĩ nhiên chỉ mới 1 năm xử lý cũng chưa nhằm nhò gì.

Câu chuyện HAGL – THACO theo đó cần 2 năm quyết liệt nữa để dứt điểm nợ nần (kỳ vọng sẽ hoàn tất tái cấu trúc nợ vào năm 2021); và cần thêm tiền, tức hơn 1 tỷ USD (thực tế tính thêm phần rót từ THADI đã vượt đâu đó 7.000 tỷ đồng) để viết tiếp.

Hơn 1 tỷ USD – con số thực sự chẳng đùa, đồng thời là tâm điểm gây tranh cãi khi mà ông Dương mạnh tay xuống tiền chỉ sau 3 lần mời gọi (2 cuộc điện và 1 bức thư tay), 1 chuyến thăm quan nông trường và 1 điểm sáng le lói giữa bức tranh đã chết.

"Anh Dương nhìn thấy vấn đề rất chính xác, đầu tư 1 tỷ USD thì không thể tào lao được", bầu Đức khẳng định trong lần chia sẻ mới đây. Điều dư luận quan tâm, "vấn đề" bầu Đức nói đến là gì, là cơ duyên với nông nghiệp, là niềm tin vào bầu Đức – người chỉ biết làm… hay là một khát vọng lớn lao khác khiến THACO chấp nhận cuộc chơi có nguy cơ chết chìm theo?

Tại sao phải làm nông nghiệp?, Tại sao nhiều đơn vị khác không "cứu" được mà phải là THACO?, Tại sao tỷ phú Trần Bá Dương sẵn sàng "móc hầu bao" thêm sau 1 tỷ USD như đã thảo thuận ban đầu? Và, tại sao cổ đông "có quyền" hy vọng về một tương lai mới tại HAGL – tất nhiên không phải toàn bộ cổ đông hiện hữu?

Ghi nhận sau buổi trò chuyện với lãnh đạo trong bộ 3 HAGL – THACO – THADI, chuỗi bài viết về "cuộc hôn nhân" đình đám thương trường sẽ dần trả lời những nghi vấn nêu trên; mở đầu chúng ta cùng tìm hiểu tại sao bầu Đức, và sau này là ông Dương, ông Diện, cùng dốc sức cho nông nghiệp – lĩnh vực bao đời nay Việt Nam được cho là có lợi thế về tự nhiên nhưng chưa bao giờ được bền vững.

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Với tâm thế phấn khởi những tưởng đã mất, bầu Đức phân trần: "Có nhiều người đánh giá nông nghiệp chưa đúng, trong đó tỷ suất lợi nhuận thực sự không dễ nói. Hiện, chỉ cần làm tốt 3 cái là quy mô - kiểm soát chất lượng và thị trường".

Riêng về thị trường, là người làm trước, bầu Đức ban đầu nhắm đến Trung Quốc, nơi có nhu cầu cực kỳ lớn. Tuy nhiên, khi THACO vào thì cách nhìn nhận có khác đi một chút, đó cũng chính là lý do THADI ra đời với mục tiêu đa dạng thị trường.

Tính đến nay, HAGL Agrico sẽ tiếp tục khai thác thị trường đông dân (Trung Quốc), THADI cao cấp hơn hướng đến các khách hàng khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, đường xuất khẩu đang tập trung về một đầu mối là THADI, có thể hiểu "THADI đang bán giùm cho HAGL Agrico" nhằm tránh nhiều bên bán sẽ gây xung đột các bên liên quan.

Với phương châm mở rộng xuất khẩu, người cầm cương khẳng định gần như không bao giờ sản xuất đủ để cung cấp, khác với các sản phẩm khác như xe hơi rất sợ không có đầu ra.

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Như vậy, đầu ra không thiếu, cái bầu Đức có là đất, là con người; vốn sẽ được THACO - THADI lo, nhiệm vụ lúc này chính ông đặt ra cho bản thân là "cày thôi". Khi THACO vào theo thoả thuận là tập trung xử lý nợ, dọn dẹp Công ty nông nghiệp một cách bày bản và mang tính bền vững… nhưng không thể làm trong 1 năm, các bên theo đó đang cố gắng đẩy mạnh giải quyết dứt điểm đến năm 2021.

Câu chuyện sau đó là nông nghiệp, thị trường đã đề cập không đáng lo, song để khai thác thì "một mình tôi không thể nhìn thấy hết được, phải có anh Diện, anh Dương.khi thị trường tốt thì không có khái niệm lỗ, làm bao nhiêu bán cũng được", đại diện HALG nhấn mạnh.

Bổ sung, ông Dương lấy ví dụ vườn sầu riêng của nông dân, thu nhập tính nôm na khoảng 3 tỷ đồng/năm, hay với bưởi có thể thu đến 1,5 tỷ đồng cho mỗi ha, mức lời rất hấp dẫn!

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 3.

Với tất cả các cây trồng, đi sâu vào thì giống có tính chuyên biệt, ông Dương nói, chúng ta thường gọi chung chung sầu riêng nhưng bản chất sầu riêng có nhiều giống; và như vậy vấn đề là thị trường nào. Vì tất cả đều đi từ thị trường, tức phải xác định thị trường nào rồi mới chọn giống.

Đơn cử với cây trồng phổ biến hiện nay, chuối có hàng trăm loại chuối, song THACO – HAGL xác định loại đang được ưa chuộng nhiều nhất là chuối Nam Mỹ, nếu rồng chuối khác sẽ chết hết!

"Tại sao lại có tên chuối Nam Mỹ, vì nó có xuất sứ từ đây rất lâu. Thời đó, Nhật Bản phải nhập khẩu chuối từ Nam Mỹ; đến năm 1969 Nhật chính thức chuyển giao công nghệ cho Philippines trồng rồi bán qua Nhật để rút ngắn quãng đường vận chuyển. Hiện, Philippines đang là nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới với những vườn chuối đúng 50 năm tuổi", ông Dương cho biết.

Philippines cũng đã xuất sang Hàn Quốc, Trung Quốc; so sánh tương quan thì Việt Nam có lợi thế hơn với chi phí vận chuyển rất rẻ. Trong đó, 1 container lạnh chuối từ Philippines qua Nhật Bản mất hơn 2.000 USD phí vận chuyển, trong khi từ Việt Nam đi chỉ mất 600-800 USD; hay từ Philippines qua Trung Quốc tốn 1.800 - 2.000 USD, còn từ Việt Nam thì chỉ vào mức 650 - 850 USD.

Không chỉ chi phí, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo xu hướng thế giới thì không thể dùng đất cũ, tức đất đã sử dụng phân vô cơ… Riêng đất của HAGL hoàn toàn là đất mới trong khi đất của Philippines đã có vườn chuối từ năm 1969. Chưa kể hiện các bên đã hết thời gian giao đất, và rõ ràng HAGL lợi thế hơn, ông Dương nhấn mạnh.

Duy chỉ một điều, Philippines làm chuối từ rất lâu rồi, còn Việt Nam trước đây không hề có tên trên bản đồ xuất khẩu chuối; mặc dù thực tế chúng ta trồng từ rất lâu nhưng chưa thể xuất khẩu được.

Như vậy, nếu làm đúng về quy trình, đảm bảo chất lượng thì khách hàng sẽ trở lại rất đông. Thậm chí một khi Việt Nam tạo được tên tuổi chuối thì tất cả anh em phải cùng làm để đủ cho xuất khẩu.

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 4.

"Năm 2019 ước sản lượng đạt khoảng 100.000 – 200.000 ha chuối, đây cũng là năm THACO – HAGL quyết đẩy mạnh để đạt mốc 500.000 ha đến năm 2020". Trong đó, chuối thu hoạch quanh năm, định kỳ 6 tháng/lần.

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 5.

Trở lại với câu chuyện giống cây trồng, theo lãnh đạo THACO chuối Nam Mỹ cũng chia làm rất nhiều cấp độ, bao gồm sản phẩm trồng ở đất thấp, đất trung và đất cao. Thứ hai, chuối Nam Mỹ còn chia loại theo buồng chuối, cũng có tầng cao, trầng trung và tầng thấp; hay tuỳ vào khu vực trồng để chia làm nhiều loại chuối. Chất lượng chuối Nam Mỹ theo đó cũng có rất nhiều dải sản phẩm, và được chia cho từng phân khúc khách hàng ngoại.

Cụ thể, đối với châu Âu, vì khắt khe về yếu tố kỹ thuật canh tác, bảo quản, vận chuyển… khi xuất sang phải đảm bảo việc cung cấp đều cho họ, đặc thù là không thể thiếu hàng. Thậm chí, vấn đề lúc này không phải bán được bao nhiêu containers chuối mà chất lượng sản lượng xuất đi phải đồng đều, đảm bảo tiêu chí với số lượng ổn định.

Còn với Trung Quốc, hiện là thị trường lớn và dễ tính nên THACO – HAGL khai thác trước, và doanh nghiệp có thể cân đối giữa chất lượng – sản lượng để đạt được hiệu quả xuất khẩu tuỳ theo giai đoạn.

Nói luôn những bất cập lâu nay liên quan đến thị trường Trung Quốc, bầu Đức giải thích sở dĩ lặp đi lặp lại hiện tượng nông nghiệp bị thổi giá, "bỏ bom", ứ đọng hàng tại cửa khẩu Tân Thanh và kêu gọi giải cứu bởi lẽ: Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đứng ra làm xuất khẩu đúng nghĩa, toàn bộ là lái buôn Trung Quốc sang và đứng sau lưng khống chế nông dân Việt Nam, rồi làm giá!

"Nhưng đó là với nông dân, chúng tôi khác vì chúng tôi tạo được thế "mày không cần tao tao cũng không cần mày". Xưa giờ bản chất việc thu mua trái cây nói chung là Trung Quốc sang mua chứ không phải chính người Việt mua, nên giá Trung Quốc được định đoạt", bầu Đức nói.

Thứ hai là kỳ nghỉ lễ của nước sở tại (thường kéo dài 10 ngày) dẫn đến hiện tượng tồn hàng, và thông thường trước lễ Trung Quốc sẽ mua mạnh. Ngược lại, vì nông dân không có kho lạnh trữ nên chấp nhận bán rẻ nhằm hạn chế rủi ro hư hỏng.

THACO – HAGL chủ động tất cả những bất cập nói trên, và không bán qua mậu biên mà chọn đi thẳng vào những doanh nghiệp có hệ thống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh. Bởi, "khi đã có "size" đủ lớn nó tự động bên đó tìm đến mình. Một thằng đến, thằng khác cũng đến theo… giờ đông như Trung Nguyên. Hiện nhu cầu chuối Trung Quốc đâu đó vào mức 18 triệu tấn/năm, tăng so với con số cách đây 2 năm chỉ 16 triệu tấn", bầu Đức phấn khởi.

 Rót hơn tỷ USD vào HAGL: Chuyện chẳng đùa và giấc mơ khủng về hệ sinh thái nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương (Kỳ 1) - Ảnh 6.

Đặt kế hoạch thời gian tới, bầu Đức trong liên kết với THACO và THADI đang dồn mọi nguồn lực để tập trung đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tăng từ 18.675 ha lên 30.000 ha; dự kiến sẽ đa dạng hoá chủng loại không riêng chuối.

Đồng ý là nhu cầu cực kỳ lớn, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật sẽ có lợi nhuận hấp dẫn; song điều dư luận thắc mắc liên quan đến việc làm thương hiệu. Liệu THACO - HAGL đang lên kế hoạch làm thương hiệu trái cây như thế nào, hay có một hướng đi hoàn toàn khác biệt?

Càng về cuối câu chuyện, THACO – HAGL dần mở ra giấc mơ về một "hệ sinh thái" nông nghiệp - khái niệm khá mới lạ - và phải chăng, đó chính là vấn đề mà ông Dương nhìn thấy, theo như lời bầu Đức? Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền tải vào kỳ sau.


Theo Tri Túc - Thiết kế: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/rot-hon-ty-usd-vao-hagl-chuyen-chang-dua-va-giac-mo-khung-ve-he-sinh-thai-nong-nghiep-cua-ty-phu-tran-ba-duong-ky-1-a112084.html