Khởi nghiệp và yếu tố quyết định quan trọng 'tư duy kinh doanh'

Khi khởi nghiệp, nếu không có tư duy kinh doanh đúng và khác biệt, bạn sẽ không thể bứt lên được.

Khi khởi nghiệp, nếu không có tư duy kinh doanh đúng và khác biệt, bạn sẽ không thể bứt lên được.

Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.

1. Không có tư duy cũ hay mới, chỉ có tư duy phù hợp hay không

Không có gì đánh giá tư duy của bạn là đúng hay sai trừ kết quả bạn tạo ra. Tư duy kinh doanh đã lâu hay mới xuất hiện không quan trọng, miễn là chúng phù hợp với thị trường và đem lại lợi nhuận cho bạn. Còn không, hãy thay đổi chúng.

Ảnh minh họa

2. Đừng cho rằng khởi nghiệp là phải làm một điều gì lớn lao

Ý tưởng khởi nghiệp không khó kiếm như bạn tưởng. Tố chất quan trọng nhất với những người có tư duy kinh doanh, theo tôi, chính là sự quan sát. Quan sát xung quanh mình, nhận ra những điều chưa ổn của cộng đồng và có mong muốn cải thiện nó. Khi đó, bạn làm được chính xác điều người khác cần. Nhìn thấy vấn đề thì dễ nhưng tíc tắc bạn quyết định phải làm gì để giải quyết nó mới quan trọng.

3. Đừng luôn nghĩ mình muốn kinh doanh nhưng không có đủ vốn

Nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn nghĩ làm kinh doanh là phải làm những cái lớn lao, có văn phòng, nhân viên và làm ra những sản phẩm hoành tráng cỡ SamSung, Honda..

Đó là một sai lầm. Vốn và thương hiệu rất quan trọng, nhưng bạn cần thời gian để xây dựng chúng. Bạn kinh doanh là để kiếm tiền về, chứ không phải mang tiền đi tiêu. Có tư duy kinh doanh nghĩa là làm sao chỉ có 1 thôi mình biến ra 10, đừng nghĩ phải có 10 mình mới kiếm ra 10, cũng đừng nghĩ vốn của bạn phải lớn bạn mới tồn tại được. Vốn mạnh giúp bạn nhanh chóng vượt qua một vài khó khăn ban đầu nhanh chóng, nhưng không có nghĩa chính nó tạo nên doanh nghiệp của bạn. Đừng nghĩ phải có vài trăm triệu, phải thành lập cái nọ cái kia mới là làm kinh tế, mới là có tư duy kinh doanh. Bạn có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, bán những mặt hàng tầm thường nhất.

Hãng máy bay Boeing bắt đầu từ một xưởng dập thìa dĩa, Huyndai trước kia là một cửa hàng gạo. Cái tạo ra sự khác nhau là đầu óc, tư duy kinh doanh của bạn chứ không phải quy mô hiện tại hay mặt hàng bạn đang làm. Nếu không có tư duy đúng, dù bạn có nhiều vốn đến đâu cũng sẽ phá sản.

4. Làm thuê vài năm trước khi khởi nghiệp là điều cần thiết

Bạn có thể rất giỏi và sáng tạo, việc bạn đi làm thuê không phủ nhận điều đấy nhé. Nhưng tôi vẫn khuyên các bạn trước khi khởi nghiệp nên bỏ một vài năm ra để làm nhân viên. Điều này cho bạn kinh nghiệm, những thứ cực kỳ quý báu mà nếu không cẩn thận sau này bạn sẽ phải trả bằng chính tiền, mồ hôi nước mắt và các mối quan hệ cũng như danh dự của mình. Đồng thời càng qua thời gian càng làm lộ rõ hơn tư duy kinh doanh phù hợp của riêng bạn.

Cứ bước từ những điểm thấp nhất, bạn sẽ càng có cái nhìn bao quát hơn cho sự nghiệp của mình sau này.

5. Đừng lầm tưởng bằng cấp bạn đang có không đáng cho bạn làm chuyên này chuyện kia

Bạn cho rằng bỏ 4 năm ra học Đại Học, cầm một cái bằng trên tay thì việc mở một quán phở (dù có kiếm ra cả trăm triệu tiền lãi hàng tháng) thật không đáng, là một người làm dịch vụ hằng ngày phải phục vụ vâng dạ ạ thưa với khách là không đáng? Muốn làm kinh doanh, hãy gạt cái TÔI của bạn sang một bên và làm cái mà thị trường cần. Tư duy kinh doanh cần được củng cố bằng tư duy đúng về tiền, mục đích cuối cùng của việc đi làm là vui và kiếm ra tiền. Bạn đừng cho rằng đó là những suy nghĩ tầm thường hay sự bất chấp. Chỉ cần:

Bạn thích

Có tiềm năng

Ra tiền

Không có chân lý nào quy định cầm một bằng cấp trong tay có nghĩa là bạn phải làm gì, hay công việc nào là “xứng” tầm với bạn. Một công việc “xứng” mà chỉ mang lại mức lương lèo tèo, biến mỗi ngày đi làm là một ngày chết mòn, không thể sắp xếp nổi thời gian cho những thú vui riêng. Thì “xứng” để làm gì. Bạn chỉ sống có một lần thôi, đừng làm khổ mình thế.

Theo TBCKVN

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khoi-nghiep-va-yeu-to-quyet-dinh-quan-trong-tu-duy-kinh-doanh-a112511.html