Góc kinh tế học: Người giàu ở nước nghèo và người nghèo ở nước giàu - ai giàu hơn?

Bạn muốn làm người giàu ở nước nghèo hay làm người nghèo ở nước giàu?


Bạn muốn làm người giàu ở nước nghèo hay làm người nghèo ở nước giàu?

Bạn muốn làm người giàu ở nước nghèo hay làm người nghèo ở nước giàu? Câu hỏi thường gợi sự tranh luận sôi nổi và hầu như không có hồi kết. Nhưng chúng ta có thể thêm một vài giả định vào câu hỏi, khi đó, ta sẽ có câu trả lời.

Chúng ta hãy thu hẹp trọng tâm vào thu nhập, và giả định rằng, mọi người chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ (coi nhẹ sự bất bình đẳng và các điều kiện xã hội khác).

Những người giàu có và những người nghèo được tính là những người nằm trong 5% dân số thu nhập cao nhất và 5% dân số thu nhập thấp nhất.

Ở một nước giàu điển hình, 5% dân số nghèo nhất nhận được khoảng 1% thu nhập quốc dân. Dữ liệu đối với các nước nghèo rất ít, nhưng thường 5% người giàu nhất ở nước nghèo sở hữu 25% thu nhập quốc dân.

Ở một quốc gia nghèo điển hình (như Liberia hoặc Nigeria), thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 USD, ở một quốc gia giàu có điển hình (như Thụy Sĩ hoặc Na Uy) là 65.000 USD. Các con số đã được điều chỉnh ngang giá sức mua.

Bây giờ, chúng ta có thể tính toán rằng một người giàu ở một quốc gia nghèo có thu nhập 5.000 USD (1.000 USD x 25% : 5%) trong khi một người nghèo ở một quốc gia giàu có kiếm được 13.000 đô la (65.000 USD x 1% : 5%). Vậy đo lường bằng mức sống vật chất, người nghèo ở nước giàu sẽ giàu hơn gấp đôi người giàu ở nước nghèo.

So sánh này nhấn mạnh sự chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia, liên quan đến sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Vào buổi bình minh của tăng trưởng kinh tế hiện đại, trước Cách mạng Công nghiệp xảy ra, bất bình đẳng dường như chỉ tồn tại trong mỗi quốc gia. Khoảng cách thu nhập giữa châu Âu và các khu vực nghèo hơn trên thế giới là rất nhỏ. Nhưng khi phương Tây phát triển vào thế kỷ XIX, nền kinh tế thế giới đã trải qua một sự phân kỳ lớn, khiến khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu và nghèo mở rộng nhanh chóng.

Từ cuối những năm 1980 trở đi, có hai xu hướng đóng vai trò thay đổi bức tranh này. Xu hướng thứ nhất, là nhiều quốc gia kém phát triển bắt đầu tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nhiều so với các nước giàu trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, cư dân ở các nước đang phát triển điển hình ngày càng giàu hơn với tốc độ nhanh hơn.

Thứ hai, sự bất bình đẳng bắt đầu gia tăng ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là những nước có thị trường tự do, ít được điều tiết. Sự gia tăng bất bình đẳng ở Hoa Kỳ đã trở nên rõ rệt đến mức người nghèo ở Mỹ không giàu hơn người giàu ở các nước nghèo là bao (trái ngược với bài toán trên).

Góc kinh tế học: Người giàu ở nước nghèo và người nghèo ở nước giàu - ai giàu hơn? - Ảnh 1.

Trong một bài báo chưa được công bố dựa trên dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu bất bình đẳng thế giới , Lucas Chelon của Trường Kinh tế Paris ước tính rằng, có đến 3/4 sự bất bình đẳng toàn cầu hiện nay là bất bình đẳng trong một đất nước.

Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế đã cho rằng cách hiệu quả nhất để giảm chênh lệch thu nhập toàn cầu sẽ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước thu nhập thấp. Và học cũng cho rằng cách tốt nhất để tăng thu nhập ở phần còn lại của thế giới là cho phép một lượng lớn lao động từ các nước nghèo gia nhập thị trường lao động của các nước giàu.

Nhưng có lẽ điều cần làm là giảm bất bình đẳng trong chính các quốc gia.

Tác giả: Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Chính phủ John F. Kennedy của Đại học Harvard, là tác giả của cuốn sách "Cuộc nói chuyện thẳng thắn về thương mại: Ý tưởng cho nền kinh tế thế giới lành mạnh".


Theo Hoàng An

Trí thức trẻ/Project Syndicate

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/goc-kinh-te-hoc-nguoi-giau-o-nuoc-ngheo-va-nguoi-ngheo-o-nuoc-giau-ai-giau-hon-a112554.html