Tiến sỹ Stanford người Việt 29 tuổi lọt vào danh sách Forbes Under 30 năm 2018 vẫn luôn nhớ mãi câu nói của nhà sáng lập hãng giày Nike khi gặp ông ở Stanford: 'Lần duy nhất bạn không được phép thất bại là lần cuối cùng bạn cố gắng'.
Từ lâu, câu nói “hãy theo đuổi đam mê” đã được xem như một lời khuyên, một câu truyền cảm hứng cho giới trẻ. Thế nhưng mới đây, vị tiến sỹ người Việt 29 tuổi Phạm Thành Thái từng lọt vào danh sách Forbes Under 30 năm 2018, được Amazon nhận vào làm chỉ sau năm phút phỏng vấn đã khẳng định: “Đừng theo đuổi đam mê”.
Anh Thái cho rằng, hầu như người trẻ hiện nay không biết được đam mê của mình là gì. Những người nào biết được đâu là đam mê thì người đó quá may mắn. Như chính bản thân anh nhiều năm về trước cũng không biết mình đam mê điều gì. Anh cứ lao thân và làm tốt nhất những gì có thể để đến khi thành công mới chợt nhận ra đó là đam mê của mình.
“Nhiều người bảo có đam mê ca hát, cố sống chết thi vào nhạc viện nhưng mãi không lên nổi vì không có năng khiếu. Lời khuyên của tôi là hãy thử, hãy tìm ra một việc mình làm tốt nhất rồi tập trung vào đó để có được thành công và nó sẽ trở thành đam mê”, anh Thái chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu.
Sự tập trung, theo vị tiến sỹ này là rất quan trọng. Với những người trẻ chưa vướng bận công việc gia đình thì nên dành khoảng 12 tiếng để phát triển bản thân. Thành công là điều ai cũng muốn nhưng trên con đường đến thành công đâu chỉ có hoa hồng, đó còn là thất bại, là áp lực và tất nhiên là cả những quãng thời gian cố gắng không ngừng nghỉ.
Từng nếm trải nhiều thất bại ở cả việc học khi mang trong mình cá tính của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, sự thất bại trong tình yêu và tình bạn đến cùng lúc khiến anh thấy cô đơn và lẻ loi trên hành trình của mình nhưng với anh Thái, muốn thành công thường phải chấp nhận cô đơn, quan trọng là phải biết cố gắng.
“Tôi từng rơi vào cảm giác thất bại khi không đủ điểm học thẳng lên tiến sỹ. Lúc đó, tôi trách bản thân cũng nhiều nhưng phải chấp nhận vì hiện tại chính là kết quả những quyết định của bản thân. Quá khứ là chuyện của ngày hôm qua nên tôi quyết tâm nhìn thẳng thực tế xem lúc đó mình có gì để phát triển. Bạn không thể thành công khi vấp ngã một vài lần đã bỏ cuộc. Hãy biến thất bại thành cơ hội có lợi cho mình”, vị tiến sỹ trẻ chia sẻ.
Ông Mai Hữu Tín: 'Chỉ ra đấu trường quốc tế khi đam mê và áp lực đủ lớn'
Anh Thái cho biết vẫn luôn nhớ mãi câu nói của ông Phil Knight, nhà sáng lập hãng giày Nike khi gặp ông ở Stanford “Lần duy nhất bạn không được phép thất bại là lần cuối cùng bạn cố gắng”.
Cố gắng trong tất cả những gì đang làm trên con đường đã chọn là chìa khóa cho những bạn trẻ đang có ước mơ bước ra thế giới tự khẳng định mình.
“Muốn làm những gì người ta không làm được thì phải chịu được những gì người ta không chịu được. Luật chơi đơn giản là vậy”, anh Thái nói và cho rằng muốn thành công thì phải biết tự đứng lên sau thất bại vì “chẳng có thất bại nào giữ các bạn lại nếu các bạn muốn đi”.
Bằng cách nào anh có thể chinh phục Amazon chỉ sau vỏn vẹn 5 phút phỏng vấn?
Anh Phạm Thành Thái: Một điều quan trọng là yếu tố may mắn mặc dù không phải lúc nào cũng có. Tôi may mắn vì gặp được người sếp thích mình. Hoặc từ điều này có thể thấy, ấn tượng ban đầu (first impression) rất quan trọng.
Người phỏng vấn chỉ hỏi tôi đúng một câu bằng cách đưa ra một bài toán mở, chưa có lời giải. Tôi trả lời rằng bài toán này chưa có lời giải, nếu là tôi thì tôi sẽ làm gì và đưa ra hướng giải cho họ. Những người tuyển dụng, phỏng vấn có khả năng dễ dàng biết được khả năng của ứng viên đến đâu.
Anh có chia sẻ rằng anh rất thích môi trường làm việc ở Amazon. Lý do chính là gì?
Anh Phạm Thành Thái: Các doanh nghiệp ở Mỹ đều có văn hóa riêng, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào. Đặc biệt, Amazon tập trung vào cách tiếp cận bài toán, cách giải quyết vấn đề. Họ luôn đặt khách hàng ở vị trí trên cùng, mọi sản phẩm đều bắt nguồn từ nhu cầu của khách hàng.
Khi làm sản phẩm có thể làm theo hai cách. Một cách theo dạng top-down, xuất phát từ nhu cầu khách hàng rồi mới cần tính đến việc sử dụng công nghệ gì để giải quyết. Cách thứ hai theo dạng bottom-up đi từ công nghệ, chẳng hạn như các sản phẩm của Google thường xuất phát từ công nghệ rồi mới xem áp dụng như thế nào. Cả hai cái đều tốt nhưng tôi thích mô hình top-down hơn.
Anh có quan điểm như thế nào về hai chữ “người tài”?
Anh Phạm Thành Thái: Với tôi, người tài là người làm được việc. Thực ra quan điểm này khác hẳn so với những gì tôi nghĩ trước đây khi cho rằng người biết nhiều là người tài. Với tôi cách nghĩ của ngày xưa là một cách nghĩ sai.
Sai vì kiến thức của mình đôi khi không quan trọng, cái mình làm mới quan trọng. Nếu biết nhiều mà không làm thì vẫn là không có gì, còn làm ra được thứ tốt, phục vụ cho nhiều người thì đó mới là điều giá trị. Chẳng hạn, một công trình nghiên cứu được ứng dụng thì sẽ được đánh giá cao, còn nếu biết kiến thức đó mà không thèm viết ra thì chẳng ai biết đến.
Ở các doanh nghiệp cũng vậy, phải nắm chắc ứng viên có làm được việc hay không, có đáp ứng tốt nhu cầu không. Nếu không đáp ứng được mà vẫn tuyển vào thì sẽ lãng phí ngân sách cũng như thời gian của cả nhân viên và công ty.
Nhiều người trẻ Việt Nam thường có xu hướng so sánh mình với những bạn trẻ tài năng ở nước ngoài. Theo anh có nên như vậy?
Anh Phạm Thành Thái: Nhiều bạn có cách nhìn khá tiêu cực, so sánh thấy người trẻ nước ngoài giỏi và cảm thấy tự ti, đó không phải là cách hay. Quan trọng là phải giữ một cái nhìn tích cực, so sánh để nỗ lực học hỏi mới là điều quan trọng.
Tôi có rất nhiều người bạn Do Thái và tôi luôn sẵn sàng học hỏi từ họ. Một cộng đồng chỉ có khoảng 5 triệu người nhưng người Do Thái lại chiếm tới 35% giải Nobel thế giới, nhiều người đứng đầu các nhà băng lớn. Câu hỏi được đặt ra là tại sao họ có thể làm được điều đó trong khi dân số Việt Nam có tới gần 100 triệu dân nhưng chẳng mấy ai làm được. Khi thấy được sự vượt trội của họ thì mình học hỏi cách họ tư duy, đó là cái nhìn tích cực.
Làm sao để các doanh nghiệp Việt có thể hút những người tài như anh về làm việc?
Anh Phạm Thành Thái: Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút người tài thì thứ nhất, bài toán của họ phải đủ hấp dẫn. Chẳng hạn, tôi sẽ không muốn làm nếu bài toán họ đưa ra quá dễ. Nhưng một vấn đề ở Việt Nam hiện nay là không có dữ liệu, do đó rất khó để người tài có thể phát triển trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI).
Tiếp đến là bài toán phải có tầm ảnh hưởng lớn, thậm chí ảnh hưởng đến gần một trăm triệu người dân Việt. Chế độ đãi ngộ, lương bổng cũng là một yếu tố quan trọng vì không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ một môi trường sống và làm việc rất tốt để trở về nước làm thuê với một mức lương thấp, phải có gì đó đánh đổi.
Như ở Amazon không quan trọng công nghệ gì, điều họ tính đến đầu tiên khi đặt ra bài toán là có giải quyết được bài toán đó hay không. Họ đặt ra vấn đề trước, tìm lời giải rồi mới tìm công nghệ. Đó là cách tiếp cận của họ, tôi thấy rất hay.
Điều gì quan trọng nhất trong quá trình đi từ nghiên cứu đến áp dụng trong môi trường doanh nghiệp?
Anh Phạm Thành Thái: Trong nghiên cứu chỉ cần lý thuyết tốt là được rồi. Nhưng để áp dụng trong môi trường doanh nghiệp thì khó hơn rất nhiều vì nhiều nghiên cứu thiên về lý thuyết, không mang tính thực tiễn.
Muốn ứng dụng thì phải luôn đặt ra các giả thuyết trong quá trình làm nghiên cứu. Cách tiếp cận mới hiện nay là data-driven, dựa trên dữ liệu người dùng để đặt ra bài toán và tìm lời giải. Nếu kết quả mang lại không tốt thì có nghĩa là nghiên cứu đó có giá trị không cao vì điều cuối cùng các doanh nghiệp quan tâm là những con số tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận. Còn lý thuyết có tốt đến mấy mà không ứng dụng được, không mang lại kết quả thì doanh nghiệp cũng chẳng quan tâm. Đó là cái khó.
Chia sẻ trong cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu, anh nhấn mạnh rất nhiều hai chữ cống hiến. Theo anh, những bạn trẻ đang học tập và làm việc ở nước ngoài hiện nay có thể cống hiến cho đất nước như thế nào?
Anh Phạm Thành Thái: Cống hiến ở đâu cũng là cống hiến. Là một công dân toàn cầu thì điều quan trọng nhất là làm được gì cho xã hội. Thành công, rạng danh ở năm châu cũng đã là một cống hiến với đất nước.
Trong khoảng hai năm tới, tôi sẽ trở về Việt Nam, ứng dụng công nghệ vào một ngành gì đó mặc dù vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nhưng chắc chắn phải nghiên cứu.
Tôi lên kế hoạch về Việt Nam sau này vì tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn chứ không chỉ suy nghĩ đơn thuần là về Việt Nam để cống hiến. Việt Nam có nhiều nhân tài có thể đi cùng tôi, làm cùng tôi, tạo công ăn việc làm giúp đỡ mọi người. Sản phẩm có thể bán ở nước ngoài nhưng chắc chắn là công nghệ của người Việt.
Xin cảm ơn anh!
Đặng Hoa
Theo TheLEADER
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tien-sy-nguoi-viet-tai-amazon-pham-thanh-thai-dung-theo-duoi-dam-me-a112650.html