Nữ freelancer xây cộng đồng 35.000 freelancer, kết nối với các doanh nghiệp và dự án, trở thành startup Việt đầu tiên "nắm" trong tay những freelancer "chất phát ngất"

Xây dựng cộng đồng trước sau đó mới phát triển sản phẩm, nữ CEO này đã phát triển nền tảng kết nối freelancer với doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.


Xây dựng cộng đồng trước sau đó mới phát triển sản phẩm, nữ CEO này đã phát triển nền tảng kết nối freelancer với doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Các thương hiệu nổi tiếng như Cocacola, Pepsi hay facebook đều sở hữu một cộng đồng người dùng lớn trên mạng xã hội. Cộng đồng là một kênh rất quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp họ đánh giá, khảo sát sản phẩm tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp trên, họ đã xây dựng và phát triển nhiều năm nên có số lượng cộng đồng rất lớn.

Để phát triển một doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp thường sẽ phát triển sản phẩm trước, sau đó mới xây dựng cộng đồng người tiêu dùng. Xây dựng cộng đồng trước khi phát triển sản phẩm là việc làm rất ít doanh nghiệp lựa chọn. Vì khách hàng không thể cho bạn biết họ có thích sản phẩm của bạn hay không khi nó chưa tồn tại.

Tuy nhiên đối với chị Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO FreelancerViet lại bắt đầu doanh nghiệp của mình bằng cách xây dựng cộng đồng trước khi cho ra đời sản phẩm.

 

Đi ngược với số đông

Năm 2010, chị Khanh nghỉ làm ở một công ty để trở thành một freelancer (người làm việc tự do) vì nhận thấy chuyên môn của mình sẽ có nhiều "đất sống" khi làm công việc đó. Nhưng làm freelancer trong 6 tháng, hết công việc, hết tiền, chị đã buộc phải nộp đơn xin làm toàn thời gian ở vị trí nhân viên văn phòng.

Chị Khanh chia sẻ: "Tôi luôn trăn trở, tại sao nghề freelancer ở nước ngoài phát triển còn ở Việt Nam thì lại chưa. Từ đó, tôi tập hợp các freelancer lại với nhau tại một group trên facebook".

Vào thời điểm này, chị quyết định xây dựng một cộng đồng freelancer trước khi xây dựng nền tảng kết nối những người này với các doanh nghiệp. Vì khái niệm freelancer lúc này rất mới mẻ và có nhiều người chưa từng biết đến. Để xây dựng cộng đồng một cách hiệu quả, hàng tháng, chị đã tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng như kết nối các thành viên bằng những buổi cà phê, workshop.

"Nếu lúc đó tôi ra sản phẩm trước thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tôi chọn xây dựng cộng đồng trước và tôi đã quan sát cộng đồng để tìm hiểu mong muốn suy tư của họ. Từ đó, tôi có thể xây dựng một sản phẩm phù hợp với họ", nữ CEO cho biết.

Nữ freelancer xây cộng đồng 35.000 freelancer, kết nối với các doanh nghiệp và dự án, trở thành startup Việt đầu tiên nắm trong tay những freelancer chất phát ngất - Ảnh 1.

+

Theo CEO FreelancerViet, sau 2 năm, nhìn thấy sự tăng trưởng của cộng đồng và có nhiều doanh nghiệp muốn tuyển nhân sự, đó chính là cầu nối giữa công việc tự do với người làm tự do, chị cảm thấy cộng đồng của mình đã trưởng thành. Và thế là, chị bắt tay vào khởi nghiệp với FreelancerViet.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng doanh nghiệp của mình, CEO FreelancerViet chia sẻ, đã có lần chị chưa thành công vì đã tung sản phẩm ra trước khi tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng. Đó là khi đội ngũ của chị vừa phát triển website thì mobile app bắt đầu xuất hiện.

Lúc này, chị nghĩ rằng phát triển nền tảng trên app sẽ thành công. Sau khi xây dựng nền tảng mobile, nữ CEO đã kêu gọi mọi người sử dụng nền tảng này. Tuy nhiên, 80%-85% người hoạt động trong lĩnh vực này đều sử dụng nền tảng web để làm việc. Vì vậy, khi xây dựng mobile app, dù nữ CEO đã kêu gọi nhưng mọi người đều từ chối sử dụng nền tảng mobile. Chị Khanh cho rằng, thất bại đó nguyên nhân chính là xây dựng sản phẩm trước mà lại không đáp ứng được mong muốn, mục tiêu và nhu cầu của người sử dụng hay chính là cộng đồng.

Xây dựng cộng đồng trước khi phát triển sản phẩm là hành động đi ngược lại với số đông, đã có nhiều người cho rằng, khoảng thời gian xây dựng cộng đồng mà không phát triển sản phẩm sẽ khiến nữ CEO mất đi thế tiên phong. Nhưng chị Phạm Lan Khanh đã lập luận rằng: "Ưu điểm lớn nhất của cộng đồng là họ sẽ gắn bó với mình, dù đối thủ có ra sản phẩm trước. Cộng đồng đã là của mình thì đối thủ không thể lôi kéo được".

 

Bài toán lợi nhuận

Khởi nghiệp là khoảng thời gian luôn phải đối mặt với những khó khăn. Khi phát triển cộng đồng, là lúc startup đã phải đối mặt với việc không có doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu phát triển nền tảng sản phẩm của mình, tìm kiếm giải pháp để có được lợi nhuận chính là khó khăn đầu tiên mà CEO FreelancerViet gặp phải.

Nói đến phát triển cộng đồng thì nhiệm vụ chính là xây dựng cộng đồng là phải đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, còn bài toán doanh thu thì phải thực sự khéo léo.

"Có một thất bại đầu tiên, khi xây dựng website và trong 6 tháng liên tục, chúng tôi đã không có một đồng doanh thu nào. Khi tìm kiếm lý do thì chúng tôi phát hiện rằng, người Việt Nam không thích trả phí cho bên thứ 3 mà họ muốn tìm cách trực tiếp giao dịch với nhau", chị Khanh chia sẻ.

Chính sự thất bại đó đã giúp đội ngũ của FreelancerViet tìm cách thu phí bằng cách khác. Nếu như trước đây, FreelancerViet thu phí khi freelancer nhận được công việc thì hiện giờ sẽ thu phí trước. Nếu freelancer muốn nhận một dự án nào đó thì họ phải trả một mức chi phí nhất định.

"Mình tạo cho họ một cơ hội để có công việc, doanh thu tốt thì họ phải trả chi phí cho công việc đó. Và tôi chuyển dự án của mình sang dự án đấu thầu. Chúng tôi miễn phí cho doanh nghiệp 3 lần tuyển dụng, sau đó sẽ thu phí", CEO FreelancerViet lập luận.

 

35.000 thành viên và giao dịch thành công 2500 công việc

CEO FreelancerViet thổ lộ rằng, với hai bàn tay trắng khởi nghiệp thì hoạt động cộng đồng, xây dựng cộng đồng là cách duy nhất mà chị có thể đưa ra để tiếp cận người dùng một cách tốt nhất. Với những nỗ lực, FreelancerViet đã được cộng đồng khởi nghiệp biết đến từ năm 2010 và là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cung cấp nhân sự với công việc freelancer.

Chị Khanh khẳng định: "Chính những sự kiện, kiến thức mà tôi mang lại cho cộng đồng nên sau đó có rất nhiều mô hình ra đời nhưng đến ngày hôm nay chúng tôi vẫn chiếm lĩnh thị trường".

Đến nay, nền tảng này đã sở hữu 35.000 thành viên và giao dịch thành công 2500 công việc. Hiện, FreelancerViet đang mở rộng thị trường mục tiêu sang các quốc gia Đông Nam Á.+`


Khởi Minh

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nu-freelancer-xay-cong-dong-35-000-freelancer-ket-noi-voi-cac-doanh-nghiep-va-du-an-tro-thanh-startup-viet-dau-tien-nam-trong-tay-nhung-freelancer-chat-phat-ngat-a112675.html