Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: 10 quy tắc người bình thường có thể rèn giũa để trở nên giỏi giang hơn!

Dồn ép bản thân đến giới hạn, làm việc đến khuya hoặc mang công việc về nhà không phải là điều mà người thành công hay làm. Họ biết rõ những gì nên và không nên làm.


Dồn ép bản thân đến giới hạn, làm việc đến khuya hoặc mang công việc về nhà không phải là điều mà người thành công hay làm. Họ biết rõ những gì nên và không nên làm.

Không ai sinh ra đã là người tài giỏi, hay có thể thành công chỉ sau một đêm. Tất cả đều cần một quá trình, dù nhanh hay chậm. Và điểm khác biệt giữa người thành công hay không là những gì họ làm trong quá trình ấy. Hãy xem người thành công thường có thói quen gì nhé!

1. Bước ra khỏi văn phòng

Bạn không thể học hỏi mọi thứ bằng cách chỉ ngồi một chỗ, nhưng chắc chắn bạn có thể học được nhiều hơn nếu thỉnh thoảng rời khỏi nơi làm việc. Thế nên dân gian mới có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".

Vậy nên hãy cố gắng mang một số công việc hàng ngày của bạn ra khỏi phạm vi văn phòng, chẳng hạn như nói chuyện với khách hàng hay gặp gỡ đối tác và chuyên gia. Đây là cách làm hay ho để thay đổi góc nhìn, mở rộng kiến thức và mối quan hệ của bạn.

Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: 10 quy tắc người bình thường có thể rèn giũa để trở nên giỏi giang hơn! - Ảnh 1.

2. Chọn bạn mà chơi

Ngạn ngữ Anh có câu: "Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào". Người Việt thì có rất nhiều câu nói tương tự: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy"...

Bí quyết của người thành công, đơn giản chỉ là "chọn bạn mà chơi". Họ chọn chơi với những người giỏi hơn, không phải để lợi dụng, mà là để làm động lực tiến lên. Đúng kiểu đôi bạn cùng tiến.

Cuộc sống này có hai dạng bạn: bạn để gắn bó và bạn để qua đường.

Người để gắn bó, là người để chia sẻ, để lắng nghe, để hiểu và để cảm thông. Không hẳn sẽ vào sinh ra tử, nhưng đồng kham cộng khổ thì họ luôn sẵn sàng. Nghĩa là khi bạn khó khăn, tự khắc họ sẽ chia sẻ. Khi bạn hạnh phúc, họ cũng sẽ chia vui. Họ là người để trao niềm tin và đặt niềm tin vào bạn. Thẳng thắn, chân thành, không xu nịnh.

Bạn để qua đường, thì đơn giản chỉ là đi một đoạn đường rồi rẽ trái, hun hút trong biển người, như người dưng quen mặt. Những người chỉ tìm bạn khi vui chơi, khi cần nhờ vả, và sẵn sàng gạt bỏ tất cả - để bảo vệ lợi ích cá nhân. Đôi khi, chỉ để kết một cái bè thật rộng, sẵn sàng kéo bạn chết chìm.

Nếu muốn thành công, bạn cần phải đánh giá lại những mối quan hệ bạn bè mà bạn đang có. Chúng ta sẽ bị tác động rất nhiều từ những người thân cận với mình, vậy nên hãy tự vấn bản thân xem liệu họ đang giúp bạn trở nên tốt hơn hay là đang kéo bạn đi xuống. Nếu mục tiêu của bạn là trở nên chuyên nghiệp, thành công, hãy bắt đầu giao lưu, kết bạn với những người có thể giúp bạn thực hiện điều đó.

3. Không ngừng học hỏi

Thế giới chúng ta đang sống luôn không ngừng thay đổi. Sản phẩm mới, những sự cải tiến và công nghệ mới xuất hiện hầu như mỗi ngày.

Nếu muốn đi đầu trong mọi lĩnh vực và trở nên chuyên nghiệp, bạn cần học hỏi không ngừng về mọi thứ đang diễn ra. Học hỏi trong sách vở và thực tiễn đời sống ở những người tài giỏi, thông minh hơn.

Việc đọc sách rất quan trọng, như doanh nhân Jim Rohn từng đề cập: "Một số người đọc sách rất ít vậy nên họ có cái nhìn thiển cận." Những ai mà luôn không ngừng học hỏi thường sẽ tìm kiếm cho mình nhiều sách hơn trên website Amazon, đến những thư viện sách trong vùng hay cửa hiệu bán sách.

Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: 10 quy tắc người bình thường có thể rèn giũa để trở nên giỏi giang hơn! - Ảnh 2.

4. Quý trọng thời gian của mình

Lloyd Blankfien, CEO của Goldman Sachs, một trong những nhân vật quyền lực nhất Phố Wall khẳng định CEO giỏi phải biết quản trị thời gian của mình. Theo ông, thời gian là tài sản quý giá nhất, cho nên mỗi người cần thường xuyên kiểm tra thời gian của mình có được sử dụng để đạt được các ưu tiên hàng đầu hay không.

Hay như Jim Collins, tác giả cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" và "Xây dựng để trường tồn" quản lý thời gian của bản thân vô cùng chặt chẽ. Ông theo dõi sát sao thời gian của mình để đảm bảo công việc đạt hiệu quả cao nhất từ thời gian làm việc của mình. Jim Collins chia cuộc sống thành từng khối: 50% thời gian dành cho sáng tạo, 30% thời gian giảng dạy và 20% dành cho các việc khác (những việc bất ngờ nhưng cần giải quyết).

Hàng ngày, ông dành thời gian từ 8 giờ sáng đến trưa để suy nghĩ, đọc và viết. Để việc này được hiệu quả nhất, ông ngắt mọi thiết bị điện tử, bao gồm cả kết nối internet. Khi được hỏi làm như vậy có phải là sống khép mình, ông nói rằng ông không ẩn dật, mà ông cần ở trong "hang ổ" để làm việc.

Sau bữa trưa, ông thường ngồi lại văn phòng với các nhà nghiên cứu hoặc khách hàng. Buổi chiều, ông xem xét lại mọi việc và tổng kết, đánh giá lại. Bữa tối, ông viết lách thêm và đi ngủ.

Tựu chung, ai cũng có một khối tài sản như nhau, đó là 1440 phút mỗi ngày, nhưng cách chúng ta sử dụng thứ tài sản đó tạo nên sự khác biệt ở mỗi người.

5. Nên biết đâu là điểm dừng

Dồn ép bản thân đến giới hạn, làm việc đến khuya hoặc mang công việc về nhà không phải là điều mà người thành công hay làm. Họ biết rõ những gì nên và không nên làm.

Một điều tối quan trọng là nên tách biệt công việc ra khỏi tổ ấm và cuộc sống riêng tư của bạn. Nếu bạn không muốn một lúc nào đó sẽ bị kiệt sức, làm việc không còn hiệu quả hay đầu óc bốc hỏa thì hãy làm sao cho công việc đạt hiệu suất cao nhất có thể và chỉ làm việc của bạn ở bên ngoài.

6. Có nguồn thu nhập thụ động

Những người thành công không thường dành tất cả tiền của họ cho quần áo hàng hiệu, đồ dùng đắt tiền, đồ trang sức hay xe hơi như nhiều người vẫn nghĩ. Họ không lãng phí tiền mình làm ra, thay vào đó, họ khiến đồng tiền phục vụ cho mình. Thu nhập từ một nghề tay trái, đầu tư, cổ tức hoặc bất động sản có thể là một nguồn tiền bổ sung phổ biến của những người giàu. Thậm chí gửi tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi suất tốt cũng có thể giúp bạn có thêm thu nhập mà không cần sự nhúng tay ngay lập tức của bạn.

Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: 10 quy tắc người bình thường có thể rèn giũa để trở nên giỏi giang hơn! - Ảnh 3.

7. Đọc sách báo mỗi ngày

Theo nghiên cứu của Tom Corley mà ông trình bày trong cuốn "Những thói quen giàu có: Thói quen tạo thành công hàng ngày của những người giàu có", những người thành công thường chọn đọc sách báo thay vì xem TV.

Trên thực tế, 88% người giàu bỏ ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để dành cho việc đọc. Bất cứ thứ gì từ các tác phẩm văn học thúc đẩy cải thiện bản thân cho đến các bài tin tức đều có thể giúp bạn gia tăng kiến thức, qua đó khiến bạn cởi mở hơn và giúp ích nhiều cho bạn trong công việc.

8. Ưu tiên việc chăm sóc bản thân

Điều thực sự quan trọng là bạn phải biết chăm sóc thể chất, tinh thần của mình và dành thời gian cho bản thân mỗi ngày. Chơi thể thao hoặc thiền định, dành thời gian cho những người thân yêu hoặc ở một mình đọc sách hay thư giãn; hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy sảng khoái, thư thái và giúp bạn tái nạp năng lượng. Tất cả những điều trên cùng với việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp bạn duy trì một phong độ ổn định cho cuộc sống lẫn công việc.

Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: 10 quy tắc người bình thường có thể rèn giũa để trở nên giỏi giang hơn! - Ảnh 4.

9. Nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn

Steve Jobs từng nói: "Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi thuê người tài rồi phải hướng dẫn họ làm việc, chúng tôi thuê người tài là để họ chỉ cho chúng tôi biết mình nên làm gì". Đến những chuyên gia như Steve Jobs vẫn luôn mong muốn được học hỏi từ những người tài giỏi hơn. Vì vậy có thể nói, lắng nghe chính là một trong những chìa khóa để thành công.

Trong cuộc sống quy tắc này rất quan trọng, ngay cả khi bạn ít nói chuyện giao tiếp với mọi người đi chăng nữa. Lắng nghe nhu cầu của người khác cũng là một điểm thiết yếu trong kinh doanh. Người ta sẽ luôn nói về những điều họ thích hay không thích thay đổi, hiểu được nhu cầu, mong muốn của họ và đáp ứng được nhu cầu đó chính là bí quyết thành công của các nhà kinh doanh.

10. Nên có một bản kế hoạch

Không quan trọng là bạn ghi chú vào sổ hay trong ứng dụng điện thoại, chỉ cần bạn chịu khó ghi ra danh sách những việc cần làm, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, hay thậm chí là ước mơ của mình. Ngoài ra, bạn cũng nên viết ra tất cả những gì đang xảy ra, ví dụ như suy nghĩ hay những thăng trầm trong ngày của bạn.

Hãy dọn dẹp lại đầu óc của mình để có nhiều không gian hơn cho những suy nghĩ và ý tưởng lớn hơn, từ đó giúp bạn đỡ quên khuấy đi những điều quan trọng.


Ngọc Tú

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-uu-tu-dua-vao-ky-luat-tu-giac-luyen-thanh-10-quy-tac-nguoi-binh-thuong-co-the-ren-giua-de-tro-nen-gioi-giang-hon-a112787.html