"Người khổng lồ" Alibaba muốn dồn toàn lực chinh phục thị trường Việt Nam, nhưng liệu có "dễ ăn"?

Với mảng bán lẻ, Lazada đang ngày càng thụt lùi; trong khi mảng bán sỉ hay xuất khẩu, Amazon đã đi trước một bước khi rầm rộ xâm nhập thị trường Việt vào năm ngoái, trong khi đến bây giờ Alibaba mới chính thức đẩy mạnh hoạt động của mình.


Với mảng bán lẻ, Lazada đang ngày càng thụt lùi; trong khi mảng bán sỉ hay xuất khẩu, Amazon đã đi trước một bước khi rầm rộ xâm nhập thị trường Việt vào năm ngoái, trong khi đến bây giờ Alibaba mới chính thức đẩy mạnh hoạt động của mình.

Alibaba đang bắt đầu toàn lực tấn công thị trường Việt Nam

Hôm qua, ngày 26/9, Hội thảo Số hóa mô hình kinh doanh mở lối vào thị trường quốc tế đã diễn ra tại TP. HCM, thu hút sự tham dự của 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trên địa bàn thành phố. Như Ban tổ chức đưa ra trước đó, đây là sự kiện nhằm hỗ trợ cho các SMEs Việt xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên quốc gia cũng như kết nối với các doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Sinagpore.

Tuy nhiên, từ định danh Ban tổ chức và nội dung chương trình cho thấy, đây thật ra là sự kiện marketing ‘trá hình’ của Alibaba – một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Châu Á và cả thế giới. Bởi, người đứng ra tổ chức sự kiện là Innovative Hub – doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore và là đối tác toàn cầu của Alibaba; còn hầu hết diễn giả trong sự kiện đều ít nhiều liên quan tới Alibaba cũng như liên quan đến việc xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử của ông lớn này.

"Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và là ưu tiên hàng đầu của Alibaba trong năm nay – năm kỷ niệm 20 năm thành lập công ty.

Nhằm chào sân chơi mới cũng như hỗ trợ SMEs Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử, chúng tôi vừa có chương trình khuyến mãi ‘khủng’ vào tháng 9 như giảm giá đăng ký tài khoản, đồng thời giới thiệu chương trình AliCare nhằm huấn luyện và chăm sóc người bán tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn mang đến Innovative Hub – đối tác toàn cầu của Alibaba", bà Selina Xie – Quản lý Alibaba.com tại Việt Nam, cho biết trong Hội thảo.

Người khổng lồ Alibaba muốn dồn toàn lực chinh phục thị trường Việt Nam, nhưng liệu có dễ ăn? - Ảnh 1.

Bà Selina Xie – Quản lý Alibaba.com tại Việt Nam đang chia sẻ trong Hội thảo.

Theo đó, năm 2019 sẽ là năm mà Alibaba tổng tấn công thị trường Việt Nam. Khi mua lại Lazada cách đây vài năm, họ đã xâm nhập thị trường B2C Việt Nam. Cuối năm 2018, Alibaba đã ký kết hợp tác với Fado để Fado trở thành đối tác ủy quyền của họ tại Việt Nam (nhưng đến tháng 3/2019 mới công bố thông tin), nhằm hỗ trợ - đào tạo các SMEs Việt Nam chào hàng đến khắp thế giới thông qua sàn Alibaba.com; lần đầu chính thức chạm ngõ B2B. Bây giờ, họ còn đưa thêm Innovative Hub từ Singapore đến Việt Nam, với hy vọng sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc mở rộng thị trường, quyết tâm đấu cùng Amazon.

Trong năm 2017, AliPay cũng đã vào Việt Nam, thông qua sự hợp tác với NAPAS - Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong quá khứ cùng thực trạng thị trường thương mại điện tử hiện tại nói chung, hành trình của Alibaba tại Việt Nam chắc chắn sẽ không dễ dàng. Với mảng bán lẻ, Lazada đang ngày càng thụt lùi; trong khi mảng bán sỉ hay xuất khẩu, Amazon đã đi trước một bước khi rầm rô xâm nhập thị trường Việt vào năm ngoái, trong khi đến bây giờ Alibaba mới chính thức thể hiện quyết tâm của mình.

Lazada đang càng đi càng thụt lùi

Lazada vào thị trường Việt Nam trong năm 2012, khi rất nhiều người dân Việt Nam chưa có bất cứ khái niệm nào về thương mại điện tử. Tiki lúc đó chỉ là một sàn nhỏ chuyên bán sách còn Shopee chưa ra đời.

Dưới sự lèo lái tài tình của công ty mẹ Rocket Internet cùng ưu thế của người di trước, Lazada liên tục bành trướng thế lực tại thị trường Việt Nam. Trong quý I/năm 2018, Lazada vẫn là sàn thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều nhất Việt Nam với khoảng 42,5 triệu lượt/tháng. Tuy nhiên, theo thống kê gần nhất, ngôi vương của Lazada đã bị soán bởi Shopee và cay đắng hơn là họ còn bị Tiki/Sendo đẩy xuống vị trí thứ 3 ở một vài hạng mục.

Theo thống kế gần nhất của iPrice Insight, trong quý II/2019, tại thị trường Việt Nam, Shopee là app có lượt người tải xuống cao nhất, theo sau là Sendo rồi mới đến Lazada; tương tự, Shopee tiếp tục dẫn đầu ở mạng mục sàn có lượng truy cập cao nhất, tiếp theo là Tiki rồi mới đến Lazada.

Người khổng lồ Alibaba muốn dồn toàn lực chinh phục thị trường Việt Nam, nhưng liệu có dễ ăn? - Ảnh 2.

Kết quả thống kê trong quý II/2019 của iPrice Insight.

Nguyên nhân của sự tụt hạng này, được nhiều nhà chuyên môn quy kết cho việc bổ nhiệm người chưa chính xác của Alibaba, ngoài sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ.

Năm 2016, Alibaba bắt đầu có ý định thâu tóm Lazada và đến năm 2017, "người khổng lồ" đến từ Trung Quốc chính thức sở hữu Lazada khi nắm đến 83% cổ phần. Cũng vào tháng 11/2017, Jack Ma – Chủ tịch Alibaba đến Việt Nam tham dự APEC cũng như có buổi nói chuyện về khởi nghiệp tại Việt Nam. Sau khi ông về nước, thông tin AliPay hợp tác với NAPAS - Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, bước đầu cho phép du khách Trung Quốc sử dụng AliPay khi du lịch ở Việt Nam, cũng lan ra.

Tháng 7/2018, Alibaba cử Zhang YiXing hay còn gọi là Max Zhang – từng là trợ lý của người kế nhiệm Jack Ma - Daniel Zhang đến Việt Nam tiếp quản Lazada. Người bị Max Zhang thay thế là Alexandre Dardy – doanh nhân người Pháp này được Rocket Internet bổ nhiệm vào vị trí CEO Lazada Việt Nam năm 2014.

Theo thông tin trên The Wall Street thì: một nguồn tin giấu tên tiết lộ, Max Zhang – chưa bao giờ sống ở nước ngoài và ông thường cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện bằng tiếng Trung với những lãnh đạo địa phương thay vì tiếng Anh. Người này còn nhận xét, Zhang là một nhà quản lý còn khá non nớt và chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo một công ty.

Ngay khi tiếp nhận cương vị mới, tân CEO yêu cầu chi nhánh Lazada Việt Nam ngừng cung cấp những voucher giảm giá và những chi tiêu khác nhằm thúc đẩy doanh thu. Ông này thường xuyên chỉ trích đội ngũ nhân viên và thậm chí đưa ra những lời lẽ khó nghe như "các anh chị đang tiêu tiền một cách ngu dốt", một nhân viên cũ tại Lazada Việt Nam tiết lộ.

Zhang đã cho ngừng hầu hết các chính sách miễn phí vận chuyển – một bước đi khiến doanh thu lao dốc và để khách hàng lũ lượt chuyển sang nền tảng khác như Shopee. Quyết định này cũng khiến những nhà buôn ở Việt Nam thất vọng – và chuyển sang các nền tảng cạnh tranh.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến Lazada bị Shopee, Tiki và Sendo qua mặt, là thay vì tập trung toàn lực cho một mặt trận thành thị, thì Lazada còn ‘đánh’ ở cả thị trường nông thôn với chương trình "Làng nghề đặc sản".

Người khổng lồ Alibaba muốn dồn toàn lực chinh phục thị trường Việt Nam, nhưng liệu có dễ ăn? - Ảnh 3.

Trong 'triều đại' của Max Zhang - Lazada Việt Nam đã có những kết quả không theo mong muốn của Alibaba.

"Alibaba đã đánh chiếm được thị trường nông thôn Trung Quốc bằng mô hình Taobao Village – đặt một trạm Taobao ở mỗi ngôi làng, với hai chiến lược khác nhau: nếu ở đâu đã có đầy đủ hạ tầng như internet – đường thì Alibaba sẽ liên kết với các bên thứ ba để giúp các hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên Taobao, nếu không Aibaba sẽ đến làm đường cũng như hạ tầng internet. Lazada Việt Nam đang đi theo cách đầu tiên.

Ngoài Trung Quốc, Alibaba cũng đã rất thành công khi bán hàng đặc sản cho các nước khác, ví dụ như sầu riêng Thái Lan. Năm ngoái, chỉ trong 1 phút, Alibaba đã bán được 200 tấn sầu riêng Monthong của Thái trên sàn thương mại Tmall. Và năm nay, Alibaba đã tiếp tục đặt hàng thêm 3.000 tấn sầu riêng tại 3 tỉnh của Thái Lan. Alibaba đã thành công ở Thái, không cớ gì Lazada lại không thể thành công ở Việt Nam", ông Max Zhang – CEO Lazada Việt Nam khẳng định như thế khi khi về thăm các hộ kinh doanh cá thể tại Bến Tre vào tháng 4/2019.

Tháng 5/2919, iPrice Insight công bố kết quả khảo sát các sàn thương mại điện tử cho quý I/2019, theo đó, không những Lazada bị văng khỏi ngôi vương và rớt xuống vị trí thứ 3, mà lượng truy cập của họ giảm sút nghiêm trọng. Lazada chỉ còn 29 triệu lượt truy cập/tháng, trong quý I/2018, họ có tới 42,5 triệu lượt truy cập/tháng.

Thế là, đầu tháng 7/2019, Max Zhang bị thay thế bởi James Dong. James Dong cũng là người của Alibaba, ông sẽ cùng lúc quản lý Lazada ở 2 thị trường là Việt Nam cùng Thái Lan. "Dưới sự dẫn dắt của James Dong, Lazada Thái Lan đã đạt được những kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Chúng tôi tin James sẽ tiếp tục có những đóng góp đáng kể, đưa Lazada thành công hơn nữa tại thị trường Việt Nam," ông Pierre Poignant, Giám đốc điều hành Tập đoàn Lazada chia sẻ.

Có lẽ, phải tới cuối năm này, chúng ta mới biết lần bổ nhiệm này của Alibaba có chính xác hay không.

Trong mảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Alibaba đang đi sau Amazon

Alibaba mới bắt đầu đẩy mạnh việc lôi kéo các SMEs Việt Nam xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử của họ ở năm 2019, trong khi Amazone đã làm điều đó từ năm ngoái.

Người khổng lồ Alibaba muốn dồn toàn lực chinh phục thị trường Việt Nam, nhưng liệu có dễ ăn? - Ảnh 4.

Sự kiện Amazon chạm ngõ thị trường Việt Nam vào tháng 9/2018.

Tháng 9/2018, Amazon cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức sự kiện "Bán hàng toàn cầu Với Amazon - Selling Globally on Amazon". Đại diện từ bộ phận Amazon Global Selling đã công bố cụ thể hàng loạt giải pháp mới của Amazon để hỗ trợ người bán ở Việt Nam phát triển - mở rộng quy mô kinh doanh xuất khẩu trực tuyến, cũng như tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Tháng 1/2019, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Tháng 8/2019, Amazon thành lập công ty Amazon Global Selling Việt Nam, Giám đốc là ông Trần Xuân Thủy – "người cũ" của Alibaba. Ông Thuỷ đã có 8 năm gắn bó với Alibaba ở cương vị Giám đốc thị trường Việt Nam.

Nếu theo đúng logic bình thường, muốn bán được nhiều hàng, các SMEs Việt Nam sẽ làm xây dựng các gian hàng trên cả Amazon lẫn Alibaba. Nhưng nếu SMEs không đủ tiềm lực để có thể điều hành hoạt động cùng lúc trên cả 2 sàn thì sao? Nhiều khả năng, SMEs đó sẽ chọn kẻ tiên phong – hàng Mỹ - USD thay vì người đến sau – hàng Trung – Nhân dân tệ.


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-khong-lo-alibaba-muon-don-toan-luc-chinh-phuc-thi-truong-viet-nam-nhung-lieu-co-de-an-a112987.html