Năm 2016, sau khi lập công ty địa ốc Alibaba, Luyện ít về quê hơn và mỗi khi nói chuyện chỉ nhắc đến tiền tỷ đồng khiến nhiều người nông dân nghèo cảm thấy xa lạ.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang mở rộng điều tra vụ anh em Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989, Giám đốc công ty CP địa ốc Alibaba) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 27/9, Công an TP. HCM đã bắt tạm giam 3 anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (SN 1999) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 7.000 người với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công an cũng đang triệu tập vợ của Nguyễn Thái Luyện cùng gần 20 giám đốc các công ty con để phục vụ quá trình mở rộng điều tra.
Thông tin cả 3 anh em trai Nguyễn Thái Luyện bị bắt vì lừa đảo số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã khiến người dân địa phương nơi gia đình Luyện sinh sống trước kia bất ngờ.
Được biết, cả 3 anh em Luyện sinh ra trong gia đình kinh tế bình thường ở thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai. Bố mẹ Luyện đều là người chăm chỉ hiền lành và cố gắng để lo cho 3 con trai học hành đầy đủ.
Học hết cấp 3 thì cả 3 anh em Luyện, Lĩnh, Lực đều vào TPHCM để học tiếp lên.
Trao đổi trên báo Đất Việt, ông Bùi Đặng Trường Chinh - Trưởng thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai cho biết: Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây khi có thông tin Luyện mở công ty riêng chuyên về lĩnh vực bất động sản Alibaba thì gia đình Luyện có những thay đổi.
Từ thời gian đó, Luyện ít về quê, ít tiếp xúc với mọi người hơn trước và đặc biệt "phong thái của Luyện khác hẳn trong lời ăn, tiếng nói".
"Nếu có nói chuyện thì trong những câu chuyện của Luyện đều nói về tỷ nọ, tỷ kia. Trong khi người dân trên địa bàn chủ yếu là làm nông nghiệp, đó là số tiền không tưởng... nên nhiều người cũng cảm thấy không hợp với cách nói chuyện đấy cho lắm" - ông Chinh chia sẻ.
Căn nhà của anh em Nguyễn Thái Luyện ở xã Tân Sơn, TP. Pleiku, Gia Lai (Ảnh: Vnn)
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn thông tin thêm trên Vietnamnet, cách đây không lâu, anh em Luyện, Lĩnh có về địa phương tặng 2 cây xanh để trồng ở nhà văn hóa xã với giá trị khoảng 20 triệu đồng.Ông Chinh cũng cho biết, lần về quê gần đây nhất của Luyện là dịp đám cưới một người em con chú trong gia đình vào năm 2018. Rồi từ thời gian này, bố mẹ Luyện cũng chuyển tới TP HCM sinh sống với các con hẳn.
"Đích thân anh em họ thuê xe chở cây xanh đến trồng. Ngoài tặng cây xanh, anh em họ cũng tặng 42 hộ nghèo của xã, mỗi hộ 1 áo mưa và 1 mũ bảo hiểm" - ông Vinh nói.
Được biết, thời điểm năm 2016, địa ốc Alibaba đã “lời to” khi mà vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn có 1 tỷ đồng nhưng chỉ không lâu sau, vốn điều lệ tăng lên con số hàng ngàn tỷ. Nhân viên chỉ vỏn vẹn vài ba người ban đầu, cũng vụt tăng lên hàng ngàn nhân viên, “chân rết” vụt lên con số hàng chục, “tung vòi bạch tuộc” ở khắp nơi.
Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Nguyễn Thái Luyện được xác định chủ mưu, chỉ đạo em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh mua số lượng lớn đất nông nghiệp. Các đối tượng đã mua 600 ha đất nông nghiệp lập 40 "dự" án ở Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công an TP HCM thông tin kết quả điều tra cho thấy các đối tượng hoạt động theo phương thức rất tinh vi núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đa cấp. Các đối tượng đã sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử.
Nguyễn Thái Luyện và một số người đã tổ chức ra "tập đoàn địa ốc Alibaba" kinh doanh bất động sản theo hình thức đa cấp, mua đất nông nghiệp rồi tự vẽ ra các dự án "ma" nhằm lừa đảo khách hàng hám lợi đóng tiền vào.
Theo Minh Huyền
Nhịp Sống Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/sau-khi-lap-cty-dia-oc-alibaba-lua-dao-nguyen-thai-luyen-ve-que-deu-chi-noi-den-tien-ty-a113146.html