Xét nghiệm di truyền đưa Anne Wojicicki thành phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới

Anne Wojicicki đã phát triển công ty xét nghiệm di truyền của mình, 23andMe, từ một “kẻ liều lĩnh không đáng tin” biến thành một “thanh niên chuyên gây rối”. Giờ đây, cỗ máy công nghệ sinh học trị giá 2,5 USD của bà đã sẵn sàng để tiến hành bước tiếp theo, kết hợp dữ liệu lớn và dược phẩm lớn, giải mã ADN của thung lũng Silicon.

ANNE WOJCICKI ĐẾN TRỄ 45 PHÚT, đây là thói quen cố hữu của CEO 23andMe, đến nỗi các nhân viên đã ngừng phàn nàn về điều đó. Họ đều biết thói quen đó rất khó sửa. Vào một buổi sáng thứ năm trong tháng 4, nhân viên của bà đang kiên nhẫn chờ đợi khi bà chạy ào vào trụ sở chính của công ty trong trang phục quần ngắn chạy bộ, áo thun in dòng chữ “Yay DNA” và giày tennis cũ mòn, vừa đạp xe 8km đến chỗ làm trong thời gian mang thai tám tháng.

Thể hiện niềm đam mê của Wojcicki, trụ sở 23andMe ở Mountain View, California, trông giống như sự giao thoa của công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon và câu lạc bộ thể hình. Có máy chạy bộ khắp văn phòng có không gian mở, máy đạp xe trong phòng hội nghị và xe Peloton trong căn tin thông với phòng tập thể dục.

Xét nghiệm di truyền đưa Anne Wojicicki thành phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới - ảnh 1

 Anne Wojicicki phát triển công ty xét nghiệm di truyền 23andMe.

Wojcicki vẫn đang còn chạy thả lỏng sau khi leo bốn tầng lầu lên văn phòng nhỏ có tường bằng kính của mình, chỉ dừng lại để đổ đầy chai nước bằng kim loại. Bà làm thế để nhân viên hiểu rằng sức khỏe của họ là lựa chọn hằng ngày của chính họ. “Kiểu như tôi đang thể hiện, tôi leo cầu thang bộ và tôi mang thai! Bạn cũng có thể leo cầu thang bộ!” Wojcicki nói.

Việc tập luyện như vậy là quá sức đối với đa số phụ nữ sắp sinh, nhưng Wojcicki, 45 tuổi và đã có hai con với chồng cũ Sergey Brin, đồng sáng lập Google, thậm chí còn không thở gấp. Và bà vẫn tràn đầy năng lượng khi nhắc đến cái mà bà gọi là “đứa con đầu lòng”: doanh nghiệp 13 năm tuổi của bà, 23andMe.

Kể từ khi ra mắt, khoảng 10 triệu người đã nhổ một lượng nước bọt tầm nửa muỗng cà phê vào ống nhựa của 23andMe và gửi nó đi xét nghiệm để truy nguyên nguồn gốc huyết thống hoặc phát hiện các nguy cơ bệnh tật. Chỉ riêng trong năm ngoái, đã có gần 5 triệu khách hàng làm như vậy, mang lại doanh thu ước tính 475 triệu USD cho công ty, nhưng vẫn chưa tạo được lợi nhuận.

Kết quả đó cũng đem lại cho Wojcicki (xếp thứ 33 trong danh sách Những phụ nữ tự lập giàu nhất năm 2019 của Forbes) khối tài sản khoảng 690 triệu USD, chủ yếu nhờ giá trị của khoảng 30% cổ phần của bà trong 23andMe, được các nhà đầu tư định giá 2,5 tỉ USD.

Để đạt được điều này, Wojcicki đã phải vượt qua một năm vô cùng tồi tệ từng đe dọa chấm dứt tất cả – cuộc ly hôn với Brin năm 2013 xảy ra cùng thời điểm FDA buộc 23andMe phải ngừng ngay lập tức việc kinh doanh kiểm tra sức khỏe – và phải đối mặt với những người hoài nghi rằng công ty của bà chẳng qua chỉ là trò lừa.

Hiện giờ khi bà đã vượt qua nỗi buồn từ cuộc hôn nhân tan vỡ và đánh tan mọi nghi ngờ để chứng minh rằng 23andMe là công ty nghiêm túc, Wojcicki lại lần nữa đúng trước một bước ngoặt, cả về đời sống cá nhân lẫn trong công việc kinh doanh. Bà âm thầm chuẩn bị chào đón đứa con thứ ba của mình, lần này bà làm mẹ đơn thân.

“Việc bạn có đang yêu đương hay không cũng không ảnh hưởng đến việc liệu bạn có khả năng có con hay không,” Wojcicki nói. “Tôi rất cứng đầu. Khi muốn làm gì thì tôi sẽ làm được. Tôi thực sự muốn có một đứa con thứ ba. Vì vậy, đoán thử xem tôi làm gì? Tôi tự quyết,” bà cười thêm vào.

Và trong khi công ty có thể thực hiện cuộc kiểm tra nhỏ thú vị để tiết lộ rằng bạn có 5% dòng máu Scandinavi và có khuynh hướng di truyền với việc hắt hơi dưới ánh mặt trời, tham vọng của 23andMe còn lớn hơn nhiều.

Wojcicki muốn tận dụng chi phí giảm mạnh theo cấp số nhân của việc giải trình tự gene (giảm 99% trong một thập kỷ) và thư viện ADN đồ sộ của 23andMe (cơ sở dữ liệu nghiên cứu di truyền lớn nhất thế giới) để cung cấp dữ liệu cho “máy công nghệ sinh học,” không chỉ cho thấy khuynh hướng di truyền đối với một số loại bệnh mà còn giúp tạo ra các loại thuốc sẽ điều trị các bệnh đó.

Quan trọng hơn cả là, nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, 23andMe được nhận tiền từ cả hai phía. Khách hàng trả tiền để tìm hiểu về vấn đề huyết thống của họ và sau đó công ty sử dụng dữ liệu di truyền đó để kiếm tiền từ các loại thuốc mới tiềm năng trong tương lai. 80% khách hàng của 23andMe đồng ý cho phép ADN của họ được sử dụng cho nghiên cứu y sinh.

“Tôi nghĩ chuyện đó thật tài tình, mọi người đang trả tiền cho chúng tôi để xây dựng cơ sở dữ liệu,” Richard Scheller, giám đốc nghiên cứu khoa học của 23andMe nói. “Người dân muốn dữ liệu của họ được sử dụng và hỗ trợ những khám phá khoa học.”

Hướng phát triển mới nhất của 23andMe khởi đầu với một nhóm nghiên cứu thuốc nội bộ vào năm 2015. Nhưng việc phát triển dược phẩm nổi tiếng là khó khăn – 86% các loại thuốc mới thất bại trong các thử nghiệm lâm sàng – và đắt tiền. Chi phí trung bình để phát triển một loại thuốc ở Hoa Kỳ là khoảng 2,6 tỉ USD.

Vì vậy, vào tháng 7 năm ngoái, Wojcicki đã ký thỏa thuận với gã khổng lồ ngành dược phẩm, GSK có trụ sở tại U.K. (trước đây gọi là GlaxoSmithKline; doanh thu 2018: 31 tỉ USD), đầu tư 300 triệu USD vào 23andMe và ký hợp tác độc quyền trong bốn năm để xác định các hướng nghiên cứu thuốc mới. 23andMe sẽ phải chia sẻ phần chi phí phát triển thuốc, nhưng đồng thời họ cũng cùng chia sẻ lợi nhuận.

Một lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng khác cho 23andMe là có hướng tiếp cận sâu sắc hơn và thiên về cá nhân nhiều hơn đối với sức khỏe con người. Wojcicki muốn huấn luyện người tiêu dùng trên cơ sở gene của họ, giúp họ kiểm soát tốt hơn về mặt sức khỏe.

Xét nghiệm di truyền đưa Anne Wojicicki thành phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới - ảnh 2

Điều đó có nghĩa là có thể xuất hiện nhiều mối quan hệ đối tác giống như mối quan hệ với công ty khởi nghiệp Lark Health, cho phép khách hàng của 23andMe đăng ký tư vấn về bệnh tiểu đường. Hoặc điều đó có thể là ứng dụng được AI hỗ trợ của 23andMe sẽ nhắc bạn uống nhiều nước hơn hoặc chọn cà chua cho bữa trưa, nhằm giúp ngăn chặn sự khởi phát của Parkinson, theo như kết quả một số nghiên cứu. Wojcicki không chia sẻ chi tiết về việc huấn luyện này. Việc đó sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Không có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy những người đã biết được rằng họ có nguy cơ di truyền cao đối với một căn bệnh cụ thể thông qua xét nghiệm di truyền, sẽ thay đổi đáng kể hoặc thay đổi hoàn toàn lối sống của họ để làm giảm thiểu nguy cơ đó. Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng, cả trong khoa học lẫn thường ngày, cho thấy điều ngược lại. Thói quen của con người rất khó thay đổi. Ngay cả nhân viên của Wojcicki cũng lén đi thang máy khi khuất tầm mắt của bà. Nhưng đó là một canh bạc mà bà sẵn sàng đánh cược.

“Thế giới y tế có vẻ như đã từ bỏ tiềm năng trở nên khỏe mạnh hơn của bạn,” bà nói. “Tôi cho rằng đó là chuyện đáng buồn.” Bản thân Wojcicki gần như bị buộc phải bỏ cuộc vào sáu năm trước. Thời điểm tháng 11.2013, bà đang bận rộn thích nghi với cuộc sống thay đổi nhanh chóng. Chồng bà đã chuyển ra ngoài sống. Bà là mẹ của hai con nhỏ và vẫn là CEO của công ty khởi nghiệp.

Sau đó, vài ngày trước Lễ Tạ ơn, điện thoại của bà rung lên báo tin nhắn: có bưu phẩm chuyển phát nhanh từ FDA được chuyển đến cho bà. “Đừng có ký nhận!” Bà nhắn tin cho trợ lý ngay lập tức. Đã quá trễ. Thông báo của FDA yêu cầu công ty của bà ngừng ngay việc tiếp thị các xét nghiệm sức khỏe của mình vì đã không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy các xét nghiệm này là chính xác.

Wojcicki cho rằng bà có thể lờ nó đi. Ba ngày sau, FDA công bố thư cảnh báo và 23andMe phải ngưng bán các xét nghiệm sức khỏe. Chuyện này được xem như một “tai nạn” sau giai đoạn phát triển nhanh, và nhiều người đã nhanh chóng nhận định đây là một giai thoại khác về sự kiêu ngạo của thung lũng Silicon, không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến bối cảnh xuất thân của Wojcicki.

Bà lớn lên trong khuôn viên trường đại học Stanford, nơi cha bà, Stanley, là giáo sư vật lý. Mẹ của Wojcicki, Esther, là giảng viên báo chí tại một trường trung học ở Palo Alto và bị ám ảnh về việc giáo dục sớm cho ba cô con gái, từ tên Latin của hoa cho đến bơi lội, khi mới chập chững biết đi.

“Tôi đã thử nghiệm giáo dục với con mình,” Esther đã kể với Forbes vào năm 2018. Trong khi các chị gái của bà hướng về nghệ thuật và toán học, thì Wojcicki lại ngốc nghếch nhưng dễ gần gũi. “Con bé có thể dễ dàng thu hút cảm tình của mọi người,” mẹ của bà nhớ lại.

Trong số những người say mê sự quyến rũ của bà có Serge Brin (và nhiều năm sau đó, là cầu thủ bóng chày Alex Rodriguez), người mà bà gặp sau khi chị gái Susan cho hai tiến sĩ đầy tham vọng đang cố gắng tổ chức lại thông tin của thế giới: hai nhà đồng sáng lập Google, Larry Page và Brin thuê nhà để xe trong nhà của Susan ở Menlo Park vào năm 1998.

Susan trở thành nhân viên thứ 16 của Google và sau cùng là CEO của YouTube. Chị gái giữa của Wojcicki, Janet, hiện là một nhà dịch tễ học toàn cầu, giảng dạy tại ĐH California, San Francisco.

WOJCICKI NẢY RA Ý TƯỞNG KINH DOANH trong hệ thống y tế lần đầu khi còn là một sinh viên tốt nghiệp ĐH Yale làm chuyên gia phân tích tại một công ty nhỏ ở phố Wall. Ban ngày tham gia các hội nghị thanh toán y tế và ban đêm làm tình nguyện tại bệnh viện Bellevue Hospital ở Manhattan đã khiến bà nhận ra rằng ngành y tế đang tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận – chứ không phải tập trung vào chăm sóc phòng ngừa.

“Đó là điều không thể chấp nhận được với một người giàu lòng trắc ẩn như bà ấy,” theo Ashley Dombkowski, người từng là giám đốc kinh doanh của 23andMe, trước khi đồng sáng lập Before Brands, công ty về thực phẩm chống dị ứng cho trẻ em được Wojcicki ủng hộ. “Bà ấy không bị nản lòng vì những vấn đề lớn, đáng giá.”

Bộ gene của con người được giải trình tự lần đầu tiên vào năm 2003, và các nhà khoa học bị thu hút bởi những gì được giải mã. Wojcicki đã được giới thiệu với Linda Avey, người đã nghiên cứu sinh học khi còn là sinh viên và đang đưa ra các chương trình nghiên cứu tại Affymetrix, công ty xét nghiệm di truyền ở Santa Clara, California.

Cả hai cùng ăn tối và trò chuyện vào tháng 12.2005. Ngay sau đó, Wojcicki và Avey quyết định cùng thành lập công ty, và Avey đã lôi kéo ông chủ cũ của mình, Paul Cusenza, làm người sáng lập thứ ba của 23andMe và quản lý hoạt động của công ty. “Tôi thấy vô cùng ấn tượng, bởi vì ngay lập tức tôi đã nhận thấy được các kết quả tất yếu,” Avey kể lại. Mối liên kết với Brin không gây ảnh hưởng xấu. “Sự ủng hộ của Google sẽ hỗ trợ được khá nhiều.” (Avey rời 23andMe vào năm 2009 để nghiên cứu bệnh Alzheimer’s.)

Google đúng là đã ủng hộ. Sau khi gọi vốn được 9 triệu USD từ Google, Brin và một vài nhà đầu tư bên ngoài như New Enterprise Associates và Genentech, 23andMe ra mắt sản phẩm đầu tiên vào tháng 11.2007. Xét nghiệm nước bọt có giá 999 USD. Khách hàng tìm hiểu về huyết thống của họ, khả năng bị hói và nguy cơ mắc một số bệnh phổ biến như bệnh tim.

Công ty lách các quy định của FDA bằng cách tự quảng cáo đây là phương pháp thú vị để mọi người hiểu rõ hơn về ADN của họ, chứ không phải là một công cụ y tế. Vào thời điểm đó, mất khoảng 300.000 USD để giải trình tự toàn bộ bộ gene của con người, đã giảm so với con số 50 triệu USD vào năm 2003 (hiện nay chi phí ít hơn 1.000 USD). Nhưng 23andMe đã đưa ra các báo cáo với giá thấp hơn nhiều bằng cách sử dụng một công nghệ được gọi là kiểu gene, kiểm tra các bộ phận cụ thể của gene để tìm đột biến có liên quan đến một số bệnh nhất định, thay vì giải trình tự, đòi hỏi phải đọc toàn bộ bộ gene.

Để thu hút sự chú ý của những người có khả năng chi trả mức giá 999 USD, 23andMe đã tổ chức các bữa tiệc xét nghiệm nước bọt tại các sự kiện từ Davos đến Tuần lễ thời trang New York, nơi những người nổi tiếng như Naomi Campbell, Diane von Furstenberg và Rupert Murdoch nhổ nước bọt vào các ống nhỏ để xét nghiệm.

Wojcicki mong muốn được kiểm soát thị trường, nhưng việc chấp nhận diễn ra rất chậm. Các đối thủ cạnh tranh như Navigenics đã gục ngã. Đến năm 2011, bốn năm sau khi ra mắt, 23andMe chỉ có 100.000 khách hàng. Công ty dường như chẳng là gì khác hơn ngoài sở thích của một người vợ của tỉ phú.

Xét nghiệm di truyền đưa Anne Wojicicki thành phụ nữ tự lập giàu nhất thế giới - ảnh 3

Đồng sáng lập Linda Avey, Wendi Deng Murdoch, Diane Von Furstenberg và Anne Wojcicki tại một bữa tiệc xét nghiệm nước bọt được tổ chức tại Manhattan năm 2008.

Năm 2012, chi phí giảm theo cấp số nhân giúp 23andMe giảm giá xuống còn 99 USD, tăng doanh số bán hàng. Wojcicki đã sẵn sàng để phát triển lớn hơn. “Chúng tôi muốn nhanh chóng đem công nghệ đến mọi người,” bà nói.

Đến tháng 10.2013, 23andMe đàm phán với Target và Wojcicki rất nỗ lực để đưa sản phẩm vào các cửa hàng trước kỳ nghỉ lễ, nghĩ rằng họ sẽ bày bán bộ thử nghiệm ở dãy bên cạnh vitamin và nhiệt kế. Emily

Drabant Conley, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của 23andMe, nhớ lại sự tự tin của Wojcicki khi một giám đốc điều hành nghĩ rằng sẽ không thể làm kịp: “Bà ấy phản ứng như thể muốn nói, ‘đây là một công ty được thành lập từ điều tưởng như không thể’.”

Nhưng cuối cùng cũng không thể kịp thời gian. Phải mất thêm ba năm nữa để 23andMe có thể lên kệ của Target. Đầu tiên, bà phải vượt qua sự kiểm duyệt công khai theo quyết định của FDA năm 2013 và xây dựng lại. Thời điểm bà ăn pizza và lắng nghe khách hàng nói chuyện tại Ngày ADN thường niên của công ty, những ngày đó dường như đã quá xa.

CÁC XÉT NGHIỆM DI TRUYỀN NỔI LÊN như một trong những xu hướng xã hội của thập kỷ, tiết lộ các thành viên gia đình bất ngờ (Wojcicki tìm thấy một người anh em họ) và thậm chí giúp giải quyết các vụ án mạng khó giải quyết như vụ án kinh điển Golden State Killer, tên tội phạm bị bắt sau khi một người họ hàng gửi ADN tới GEDmatch, một cơ sở dữ liệu phả hệ miễn phí.

“Có những ngày, ví dụ như Prime Day – chúng tôi bán được vài trăm nghìn bộ dụng cụ trong một ngày,” Wojcicki nói, nhắc đến ngày mua sắm giảm giá của Amazon. (23andMe bán các xét nghiệm của mình trên trang web của họ cũng như thông qua các nhà bán lẻ như Amazon, Best Buy và Walgreens.

Wojcicki nhanh chóng lên kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ chớp nhoáng đầu tiên của 23andMe tại một trung tâm mua sắm gần trụ sở chính.) “Có những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy như cả thành phố sẽ bị tôi tác động.” Wojcicki thừa nhận mình bị bối rối vì Hệ thống dự trữ liên bang. Bà so sánh cuộc chiến với FDA với việc “mang giày đi bộ quanh một ngôi nhà kiểu Nhật.”

“Đây không phải là vấn đề về chuyện bạn tin rằng mình đúng hay sai. Bạn sai rồi,” bà nói. “Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu lại.” Có một giải pháp là biến nó thành một phần của quy trình đặt hàng kiểm tra sức khỏe được bác sĩ chấp thuận, cách tiếp cận mà các đối thủ của 23andMe, các công ty khởi nghiệp Color và Helix ở thung lũng Silicon, đã áp dụng.

Nhưng Wojcicki vẫn muốn duy trì ý tưởng ban đầu của bà về một bộ sản phẩm được bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Năm 2015 đánh dấu thời điểm bắt đầu phục hồi. Tháng 2 năm đó, FDA đã phê chuẩn báo cáo về tình trạng có người mang mầm bệnh rối loạn hiếm gặp có tên là hội chứng Bloom (chính Wojcicki cũng mang mầm bệnh này).

Sau khi chứng minh với FDA rằng các xét nghiệm của mình chính xác và dễ hiểu, 23andMe trở thành công ty xét nghiệm di truyền duy nhất được FDA thông qua việc bán báo cáo sức khỏe di truyền trực tiếp cho người tiêu dùng. Đối thủ cạnh tranh có trụ sở tại Utah, Ancestry, đã bán được gần 15 triệu bộ dụng cụ ADN, không đưa ra bất kỳ thử nghiệm nào liên quan đến sức khỏe.

Cũng trong năm 2015, 23andMe bắt đầu ký thỏa thuận với các công ty dược phẩm mong muốn tận dụng sâu vào kho di truyền của mình, khởi đầu là các thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la với Genentech và Pfizer.

Trong lúc họ vui vẻ bán dữ liệu ẩn danh (từ khách hàng đã đồng ý tham gia) cho người ngoài, Wojcicki cũng đang gây dựng một nhóm nghiên cứu thuốc nội bộ và khai thác nguồn doanh thu mới: tuyển dụng hàng ngàn bệnh nhân từ cơ sở dữ liệu của 23andMe tham gia các thử nghiệm lâm sàng của các công ty dược phẩm.

Wojcicki có bước đột phá lớn tiếp theo vào năm 2017. Oprah đã gọi bộ xét nghiệm trị giá 99 USD của 23andMe là một trong những thứ yêu thích của bà ấy. Sau đó, FDA đã thông qua báo cáo rủi ro sức khỏe đầu tiên của 23andMe, báo cáo này có thể cho khách hàng biết liệu họ có các biến thể di truyền có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối hay Parkinson hay không. Nhưng một loạt quyết định chấp thuận không ngăn được sự nghi ngờ của cộng đồng y tế.

Trên thực tế, có dòng chữ in nhỏ trên bộ dụng cụ sức khỏe giá 99 USDcủa họ nói rằng họ “không có ý định nói cho bạn biết bất cứ điều gì về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, hoặc được dùng để đưa ra các quyết định y tế.”

Không giống như que thử thai, các báo cáo của công ty không được cho phép đưa ra bất kỳ chẩn đoán rõ ràng nào. Thay vào đó, các báo cáo về mầm bệnh của 23andMe sẽ xét nghiệm xem liệu ai đó có thể truyền các biến thể của các bệnh di truyền như mất thính giác hoặc xơ nang cho con của họ hay không.

12 báo cáo về rủi ro sức khỏe của công ty này sẽ cho mọi người biết liệu họ có thể có nguy cơ cao bị mắc bệnh tăng cholesterol di truyền hay bệnh Alzheimer’s khởi phát muộn hay không. Các báo cáo này có sự hạn chế ở nhiều mặt. Vì cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu di truyền đều được thực hiện với người châu Âu, các báo cáo về rủi ro sức khỏe hiếm khi được áp dụng cho người Mỹ gốc Phi hoặc người châu Á.

“Không có bác sĩ có tự trọng nào đã mua bảo hiểm sơ suất mà lại dám chữa trị cho bạn dựa trên chẩn đoán của một bộ sản phẩm xét nghiệm di truyền bán trực tiếp cho người tiêu dùng,” Mark Rothstein, giáo sư đạo đức sinh học tại ĐH Louisville cho biết.

Có lẽ xét nghiệm gây tranh cãi nhất của 23andMe là xét nghiệm tìm kiếm ba biến thể liên quan đến ung thư vú, buồng trứng và tuyến tiền liệt trong loại gene mà người ta hay gọi là gene Angelina Jolie, BRCA1, và một gene có liên quan, BRCA2. Các nhà chỉ trích nói rằng vấn đề là có hơn 1.000 biến thể liên quan đến ung thư vú, vì vậy việc chỉ tìm kiếm ba biến thể không thể đưa ra hồ sơ đánh giá rủi ro đầy đủ.

Trên hết, ba biến thể mà 23andMe tìm kiếm thường xuất hiện ở những người gốc Do Thái Ashkenazi, chỉ chiếm 2% dân số Hoa Kỳ. Đối với đa số mọi người, gene này không có mối liên quan. “Kết quả là, bạn có một công nghệ không hữu ích mà cũng chẳng có hại, và vì thế, nói chung là liệu chúng ta có nên khuyến khích mọi người chi 200 đô la Mỹ cho nó, hay nên dùng 200 đô la Mỹ đó để mua thẻ thành viên phòng tập thể dục?” Jonathan Berg, một nhà di truyền học lâm sàng tại ĐH North Carolina tại Chapel Hill nhận xét.

Wojcicki, người cuồng thể dục, chắc chắn sẽ bảo mọi người làm cả hai: xét nghiệm và đi đến phòng tập thể dục, nhưng để hỗ trợ mảng xét nghiệm, bà vừa ký hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay của công ty với GSK, cho phép GSK truy cập vào cơ sở dữ liệu di truyền của 23andMe, có chứa ADN của khoảng tám triệu người. “Quy mô của bộ dữ liệu này có thể tiết lộ rất nhiều dấu hiệu mà các bộ dữ liệu khác nhỏ hơn nhiều sẽ không bao giờ có thể hiển thị,” theo Hal Barron, giám đốc khoa học của GSK.

Kết quả ban đầu đầy hứa hẹn. Chỉ trong mười tháng, GSK và 23andMe đã xem xét ít nhất 13 biến thể di truyền có thể liên quan các bệnh từ tim mạch đến thần kinh. Biến thể đầu tiên họ sẽ kiểm tra để thử nghiệm thuốc là một đột biến liên quan đến bệnh Parkinson. Dược phẩm là một cuộc chơi dài hạn, mất 10-15 năm để thu được kết quả, nếu có.

Trong tương lai gần hơn, Wojcicki đang tìm cách tăng trưởng thông qua việc chuyển từ xét nghiệm sang đưa ra lời khuyên. Đây là một động thái hiển nhiên, nhưng có một loạt các đối thủ cạnh tranh, từ các ứng dụng cai thuốc lá đến các công cụ theo dõi chế độ ăn uống và tập thể dục của tất cả mọi người từ Under Armor đến Apple.

Vẫn chưa thể biết được liệu có bất kỳ ứng dụng thể dục và sức khỏe nào có thể tạo ra sự khác biệt hay không, liệu 23andMe có bất kỳ lợi thế có ý nghĩa nào so với những người chơi khác hay không. Không ai cần xét nghiệm di truyền để biết rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi hoặc việc liên tục tiêu thụ đồ ăn vặt sẽ dẫn đến béo phì. Một xét nghiệm di truyền chỉ cung cấp thông tin cá nhân. Mọi người vẫn phải thay đổi hành vi của họ. Và một loạt các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng đưa ra cảnh báo cho họ không chắc sẽ thay đổi được gì.

“Định lượng tác động của thuốc dễ dàng hơn nhiều. Định lượng tác động của việc phòng ngừa là một vấn đề khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi có thể tự hào hơn về mặt tinh thần,” Wojcicki nói. “Vì, ngay lúc này đây, không ai nghĩ rằng bạn có thể làm được.” “Thật sự tôi không phải là một tín đồ của thế giới thung lũng Silicon, kiểu như, tin rằng bạn sẽ sống bất tử,” Wojcicki nói tiếp. “Nhưng tôi là một người luôn tin tưởng rằng bạn muốn được sống đến độ tuổi 90 hoặc 100 – và bạn chỉ muốn được khỏe mạnh.”

Forbes Việt Nam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/xet-nghiem-di-truyen-dua-anne-wojicicki-thanh-phu-nu-tu-lap-giau-nhat-the-gioi-a113165.html