Việc mở rộng của Tập đoàn Sumitomo nhằm bắt kịp với xu hướng nhu cầu bất động sản công nghiệp ngày càng gia tăng giữa bối cảnh chiến tranh thương mại.
Khu công nghiệp Thăng Long II sau giai đoạn 1 và 2
Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản thông báo cho biết đã đạt được thỏa thuận với tỉnh Hưng Yên về việc mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II hiện đang được vận hành bởi tập đoàn này.
Theo đó, Sumitomo sẽ phát triển thêm vùng đất liền kề 180,5ha phía Đông Nam của khu công nghiệp.
Cùng với 220ha được phát triển trong giai đoạn 1, 125,6ha được phát triển trong giai đoạn 2, khu công nghiệp Thăng Long II sau giai đoạn 3 sẽ có tổng diện tích hơn 526ha, trở thành một trong những khu công nghiệp Nhật Bản lớn nhất tại Việt Nam.
Dự án có mức đầu tư hơn 14 tỷ Yên (khoảng 130 triệu USD), bắt đầu xây dựng vào năm 2021 và khai thác năm 2022.
Nikkei thông tin trước đó cho biết tập đoàn này cũng có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp Thăng Long III mới được hoàn thành tháng 11/2018 tại Vĩnh Phúc, dự kiến diện tích 109ha và tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ Yên (tương đương khoảng 46,3 triệu USD).
Việc khởi công sẽ được bắt đầu trong nửa đầu năm sau, sớm hơn kế hoạch khoảng 1 năm.
Sumitomo ban đầu dự kiến sẽ bán hết các lô giai đoạn 1 của khu công nghiệp Thăng Long III vào năm 2022 nhưng do nhu cầu không lường trước được, các lô thuộc 104ha đầu tiên có khả năng bán hết vào năm 2021.
Báo cáo của CBRE từng dự báo trong năm 2019 và 2020, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.
Điều này cũng được chứng minh khi số liệu từ JLL cho thấy tỷ lệ lấp đầy và giá thuê bất động sản công nghiệp tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2019.
Tập đoàn Nhật Bản đánh giá Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đầu năm nay và Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vừa qua sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp hơn nữa.
Sự đa dạng hóa công nghiệp, nhu cầu trong nước mạnh mẽ và dân số gia tăng sẽ kéo theo việc gia nhập của các công ty nước ngoài, chủ yếu là các nhà sản xuất cũng như việc mở rộng của các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam.
Sumitomo Corporation hiện đang phát triển, bán và vận hành các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp tại Indonesia, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ và Bangladesh.
Kể từ khi bắt đầu với khu công nghiệp Thăng Long năm 1997, tập đoàn này hiện vận hành 3 khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng cộng 190 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, trong đó 90% là các doanh nghiệp chế tạo đến từ Nhật Bản.
Ngoài ra, Sumitomo còn đầu tư và tham gia vào các dự án nổi bật như tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2.
Theo theLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-lon-nhat-ban-chi-177-trieu-usd-mo-rong-khu-cong-nghiep-tai-viet-nam-a113212.html